Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
01:44 (GMT +7)

Nghệ thuật chèo trên miền đất Phú Bình

VNTN - Vốn là “đặc sản” của vùng quê lúa Thái Bình, những làn điệu chèo dìu dặt đã và đang ngân vang tại các vùng quê Phú Bình, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa - nghệ thuật nơi đây.

Nhiều năm nay, cứ vào mỗi buổi trưa thứ 7 hàng tuần tại gia đình ông Vũ Lịch (xóm Đồng Bốn, xã Tân Thành) lại rộn ràng bởi tiếng đàn bầu, sáo, nhị… và giọng hát chèo ngân nga của các thành viên Đội văn nghệ xóm. Tân Thành có 12 xóm gồm 180 hộ dân; là xã miền núi với địa hình bán sơn địa có tới một nửa số hộ là dân tộc Tày - Nùng di cư từ tỉnh Lạng Sơn đến. Hát chèo có ở Đồng Bốn từ những năm 1964, do những hộ dân là người quê gốc huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) lên khai hoang, xây dựng đời sống mới và mang theo loại hình nghệ thuật đặc sắc này. Cuộc sống lúc đó tuy còn nhiều khó khăn, nhưng tình yêu đối với chèo vẫn luôn thường trực trong mỗi người dân quê lúa. Không để nghệ thuật chèo mai một, họ tìm đến nhau và thành lập tổ chèo với trên 10 người, thường xuyên tập luyện, biểu diễn và được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, vào những năm 1980, khi các thành viên tuổi cao sức yếu và lần lượt qua đời thì tổ chèo hoạt động chững dần và giải tán.

Một buổi tập luyện hát chèo của các thành viên đội văn nghệ xóm Đồng Bốn

Là người đam mê nghệ thuật hát chèo, ông Nguyễn Hữu Hạ, quê gốc Thái Bình vẫn canh cánh nỗi niềm khôi phục lại tổ chèo mà ông cha trước đây đã cùng gây dựng. Năm 2012, khi tham gia Câu lạc bộ thơ ca xã Tân Thành, ông được gặp những người cùng sở thích và những lời ca, điệu chèo mới do ông Hạ viết trước đó có cơ hội được dàn dựng và biểu diễn thường xuyên trong những buổi sinh hoạt thơ ca. Với hơn 10 thành viên, đến nay, Đội văn nghệ đã tập luyện, dàn dựng được hàng chục tiết mục chèo biểu diễn trong các hoạt động chung của xóm, các lễ hội cũng như tham gia các hội thi văn nghệ do xã, huyện tổ chức. Đội văn nghệ cũng đã sắm được nhiều nhạc cụ phục vụ cho hát chèo như đàn bầu, đàn nhị, đàn tam, líu, sáo, tiêu…, nên rất chủ động cho việc tập luyện cũng như đi biểu diễn.

Các thành viên trong Câu lạc bộ thơ ca xã Tân Thành dù ở nhiều vùng miền, song đều có điểm chung là niềm đam mê văn nghệ. Dường như sự kết hợp, giao thoa về văn hóa giữa miền xuôi với miền ngược khiến cho những làn điệu chèo của Đội văn nghệ xóm Đồng Bốn có sức hấp dẫn riêng. Về điều này, ông Vũ Lịch, Đội trưởng Đội văn nghệ Đồng Bốn khẳng định: Vì trong xã đối tượng thưởng thức chèo có rất đông bà con dân tộc nên mỗi làn điệu cũng phải được cải biến ngắn gọn cho phù hợp. Ví như tiết mục chèo “Phú Bình hôm nay” được viết theo điệu Năm cung và biên soạn theo làn điệu mới để phù hợp với không khí thi đua sản xuất hiện nay. Và những bài hát chèo có đan xen những địa danh trên địa bàn huyện, mang âm điệu tự hào, tình yêu với quê hương, đất nước với đất và người Phú Bình.

Ngoài xã Tân Thành, ở Phú Bình nghệ thuật chèo còn phát triển ở một số xã như Hà Châu, Nga My. Ở Hà Châu, nhắc đến hát chèo là người ta nói ngay đến vợ chồng ông Nguyễn Văn Hùng (xóm Chảy). Ông Hùng đam mê chèo từ nhỏ, được thừa hưởng giọng ca mượt mà từ bố mẹ người gốc Bắc Ninh. Không chỉ có giọng quan họ “trời phú”, ông Hùng còn hát và đạo diễn thành công nhiều làn điệu chèo.

 

Tiết mục múa, hát chèo do Đội văn nghệ xã Nga My biểu diễn tại lễ khánh thành đình làng Diệm Dương

Để luyện hát chèo, ông thường xuyên nghe và học hát từ chuyên mục Dân ca và nhạc cổ truyền của Đài Tiếng nói Việt Nam. Với giọng chèo cuốn hút và giàu cảm xúc, ông đã khơi dậy tình yêu chèo đối với người dân trong xã. Hiện ông là Chủ nhiệm Câu lạc bộ đàn hát dân ca xã Hà Châu. Không gian nhà riêng thường xuyên là điểm tập trung luyện tập, dàn dựng các tiết mục chèo của Câu lạc bộ. Với 28 hội viên, sinh hoạt đều đặn hàng tuần, ông Hùng cùng các thành viên trong câu lạc bộ đã viết lời mới được trên 10 tác phẩm chèo. Tiêu biểu như các bài: Thái Nguyên quê tôi (viết theo làn điệu Năm cung), Về quê, Tình mẹ, Biển đảo quê hương, Phú Bình ơn Đảng, Bác Hồ (viết theo làn điệu Chinh phụ)… Trong chuyên mục “Hot Radio” của Đài Tiếng nói Việt Nam dành cho những người yêu chèo, ông thường xuyên thu âm gửi tham gia dự thi và đạt giải cao. Nhiều tiết mục của ông đã được lựa chọn thu âm, phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam.

Năm 2014, Đội văn nghệ những người yêu thích hát chèo cũng được thành lập ở xã Nga My với 15 người. Dù chỉ là nhóm hát không chuyên, nhưng với tâm huyết dành cho hát chèo, Đội văn nghệ xã Nga My đã được nhiều người biết đến thông qua các hoạt động giao lưu, lễ hội. Không chỉ hát và diễn cho bà con trong xóm, họ còn mang lời ca, điệu múa, các trích đoạn chèo cổ đến với người dân nhiều địa phương khác trong tỉnh. Mới đây nhất trong game show Người cao tuổi của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Thái Nguyên, tiết mục hát chèo của đội văn nghệ của xã đã đạt giải Nhì.

Ông Nguyễn Văn Đôn (xóm Núi, Nga My) dù đã gần 70 tuổi nhưng giọng hát vẫn khỏe, luyến láy các làn điệu chèo rất mượt. Ông cho biết: Hát chèo không dễ, để hát hay càng khó vì ngoài chất giọng cần phải có kỹ thuật để tiết chế, điều chỉnh hơi, nhả chữ, đúng âm điệu… Cũng theo ông và những người hát chèo lâu năm trên địa bàn huyện Phú Bình, thì trong hát chèo quan trọng nhất là dàn nhạc đệm. Để có bài chèo hoàn hảo phải có đầy đủ các loại nhạc cụ. Có 7 loại nhạc cụ thường được sử dụng trong hát chèo, đó là: trống, đàn nhị, đàn líu, đàn tam thập lục, đàn bầu, phách, thanh la. Trong đó, nhạc cụ được đánh giá quan trọng nhất là trống và đàn líu. Tiếng trống chèo nghe như thúc giục gọi mời, giúp lời hát chèo thêm bay bổng. Đàn líu có vai trò làm chủ làn điệu chèo. Tiếng đàn líu sẽ lấy hơi, giữ hơi và dẫn dắt người hát sao cho đúng nhịp, đúng làn điệu…

Những ngày hè, đi dọc triền đê của địa phận xã Nga My, bên những ruộng lúa đang thu hoạch, thi thoảng các bác nông dân chân lấm tay bùn lại cất lên những làn điệu chèo như níu chân người. Hát chèo từ lâu đã thành “món ăn” tinh thần đặc sắc của người dân Phú Bình. Têm một miếng trầu, pha nước mời khách hay ngay cả khi đang lao động sản xuất họ cũng có thể cất lên tiếng hát với các làn điệu mượt mà, đắm say. Tuy nhiên, để thúc đẩy các phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở nói chung và nghệ thuật chèo nói riêng phát triển mạnh thì bên cạnh sự nỗ lực từ phía người dân, cũng rất cần sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, để các loại hình nghệ thuật đặc sắc của vùng miền nói chung, nghệ thuật hát chèo nói riêng được gìn giữ và phát triển.

 

Dương Văn Mưu

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy