Nghệ sĩ Văn Học: còn sống là còn cất lời ca
TIN BUỒN
Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên và gia đình, vô cùng thương tiếc báo tin:
Nghệ sĩ Văn Học, tên khai sinh: Vũ Văn Học, sinh năm 1947
Quê quán: Hải Hòa, Hải Hậu, Nam Định
Hiện cư trú tại: Tổ 10, phường Đồng Quang, thành phố Thái Nguyên
Đại úy Quân đội Nhân dân Việt Nam, nguyên diễn viên ca Đoàn Nghệ thuật Quân khu I.
Hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnhThái Nguyên, sinh hoạt tại Chi hội Âm nhạc.
Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang; Huy chương Vì thế hệ trẻ; Huy chương Vì sự nghiệp văn hóa; và nhiều Huy chương Vàng, Bạc tại các kì Hội diễn…
Do mắc bệnh hiểm nghèo, mặc dù đã được gia đình tận tình cứu chữa, nhưng tuổi cao, bệnh trọng, đã từ trần hồi 3h ngày 03/11/2018, tức ngày 26/9 năm Mậu Tuất. Hưởng thọ 71 tuổi.
Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên, Báo Văn nghệ Thái Nguyên kính báo và gửi lời chia buồn sâu sắc cùng toàn thể gia đình nghệ sĩ Văn Học.
VNTN - Chiều 3/11/2018, tin nhắn trên trang thông tin nội bộ của Hội thông báo hội viên - nghệ sĩ Văn Học từ trần. Dẫu biết ông đã mang trọng bệnh từ lâu, nhưng vẫn cảm thấy hụt hẫng, bởi cảm giác vừa mất một người thân trong ngôi nhà Văn học nghệ thuật của tỉnh.
Nhớ lại hồi đầu năm, dịp tổng kết Hội, khi ấy mặc dù đã phát hiện và đang nằm viện điều trị căn bệnh ung thư, nhưng khi nghệ sĩ Trần Yên Bình - Chi hội trưởng Chi hội Sân khấu mời tham gia chương trình văn nghệ chào mừng, ông vẫn vui vẻ nhận lời. Và ngày hôm ấy, ông đã trốn viện để lên sân khấu… Hội trường đã lặng đi khi biết ông thể hiện bài hát bằng chút sức lực cuối cùng còn sót lại sau những đợt truyền hóa chất. Vẫn ấm áp, vẫn tươi tắn chất Văn Học, vẫn chuyên nghiệp trong từng nốt ngân rung, trường độ cao độ, kỹ thuật cộng minh... Dù hôm đó ông phải dừng lại ba lần xin lỗi mọi người vì sử dụng nhạc beat tải trong điện thoại, đang hát thì điện thoại có cuộc gọi tới. Người gọi vô tình không biết rằng ông đang hát trên sân khấu, đang cất lên những giai điệu cuối cùng của đời nghệ sĩ. Chúng tôi nghẹn ngào lắng nghe, thương ông đến trào nước mắt.
Nghệ sĩ Trần Yên Bình kể lại: “Biết ông ấy đang có bệnh nặng, nhưng tôi vẫn mời ông hát, bởi tôi biết Văn Học say mê ca hát vô cùng. Mấy chục năm nay, niềm đam mê ấy vẫn luôn rừng rực trong con người Văn Học. Tôi muốn dành cho ông một cơ hội hát trước tất cả hội viên - những người anh em trong ngôi nhà chung này, vì lần hội nghị sau, chắc gì đã còn Văn Học? Cũng có người trách tôi, sao ông đang ốm còn bắt ông hát? Nhưng tôi biết chắc rằng, ông sẽ không bận tâm về điều đó, bởi được hát với ông đó là hạnh phúc”.
Nhạc sĩ Quang Vĩnh - nguyên Chi hội trưởng Chi hội Âm nhạc, bùi ngùi nhớ lại: Với chất giọng trầm - vang đầy nội lực, nghệ sĩ Văn Học đã mang đến cho công chúng cảm giác hài lòng mỗi khi nghe ông hát. Tôi rất thích nghe Văn Học, đặc biệt là khi ông thể hiện bài “Thư tình của núi”. Niềm đam mê của ông được gửi gắm qua từng nốt nhạc và sự khéo léo nhả chữ của ông đã truyền vào tôi một cảm xúc rất khó tả. Văn Học là một người lính, nên từ tư duy đến hành động của ông đều mang đậm chất bộ đội Cụ Hồ, đặc biệt là tinh thần kỉ luật, trách nhiệm rất cao, đã nhận việc gì là làm đến nơi đến chốn. Ngay cả khi đang trị bệnh, ông vẫn canh cánh với công việc dàn dựng tiết mục cho một đơn vị mà mình chưa hoàn tất…
Văn Học là vậy, đam mê nghệ thuật, “lăn xả” vào nghệ thuật, chiến đấu với bệnh tật để giành giật những khoảnh khắc thăng hoa cùng những âm thanh trầm bổng gieo vào lòng người. Một người láng giềng của ông cảm động kể lại: Trước khi mất không lâu, lúc đó sắc diện ông đã xấu lắm rồi, vậy mà ông vẫn gắng gượng đi đệm đàn cho chúng tôi múa hát, trau chuốt lần cuối cho tiết mục mà ông hướng dẫn tổ chúng tôi để chuẩn bị cho ngày hội Đại đoàn kết toàn dân. Chắc cũng chỉ có ông ấy thế!
Sinh năm 1947, tại Hải Hậu, Nam Định, 21 tuổi Văn Học nhập ngũ, là binh nhì thuộc Trường Hạ sỹ quan E1F304B. Vốn có năng khiếu và say mê ca hát, tháng 7 năm 1969 ông làm diễn viên Đội Tuyên Văn, phiên hiệu F304B, với cấp bậc trung sĩ. Tháng 2 năm 1973, ông được điều về Đoàn Văn công Quân khu I, với cấp bậc thượng sĩ, và gắn bó với Đoàn đến khi nghỉ hưu năm 1987, với quân hàm đại úy. Thời ông công tác, Đoàn Văn công Quân khu I là một trong những đơn vị nghệ thuật có tiếng trong vùng và Văn Học đã là một trong những cánh hoa góp phần đưa hương thơm lan tỏa khắp vùng bằng nhiều Huy chương Vàng, Bạc qua các kì Liên hoan.
Nghỉ hưu rồi, ngọn lửa đam mê trong ông vẫn âm ỉ cháy. Không còn là diễn viên ăn lương, ông say sưa với các hoạt động văn nghệ quần chúng tại địa phương. Sẵn vốn kinh nghiệm, ông truyền dạy, dàn dựng tiết mục cho các đơn vị và xây dựng nhân tố cho các tổ dân phố. Công việc cuốn đi nhiều thời gian, nhưng đã đem lại niềm vui cho ông. Tham gia sinh hoạt tại Chi hội Âm nhạc Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, ông đã nỗ lực không ngừng. Dù là ca sĩ biểu diễn, nhưng sau thời gian dài sinh hoạt tại Chi hội, Văn Học đã tham gia sáng tác. Những tác phẩm của ông đa phần viết về quê hương, về đồng đội, về những điều giản dị quanh ông như: Phú Đình quê tôi, Hát về người anh hùng, Mừng xuân mới ơn Đảng quang vinh… Các sáng tác của Văn Học tuy không lấp lánh ánh hào quang nhưng thấm đẫm tình yêu quê hương, chất chứa tình đồng đội, mộc mạc như con người ông, da diết như tình yêu của ông với âm nhạc…
Hôm nay, nghệ sĩ Văn Học đã không còn. Nhớ về ông, nhớ những lời ca ông đã từng cất lên bằng cả trái tim và niềm đam mê nghệ thuật. Lại sắp khép lại một năm hoạt động Hội, kì tổng kết năm nay vĩnh viễn khuyết đi một cái tên hội viên. Bạn bè văn nghệ sẽ lại rưng rưng nhớ đến tiết mục văn nghệ mà Văn Học đã dành tặng mọi người như một lời từ biệt!
Vài dòng mộc mạc, thay nén tâm nhang kính chúc hương hồn ông thanh thản nơi chín suối! Ở nơi ấy, chắc ông sẽ tiếp tục niềm đam mê mà cả một đời dành trọn. Xin vĩnh biệt nghệ sĩ Văn Học của chúng ta!.
Huệ Minh
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...