Nghe canh quan họ làng Diềm
VNTN - Mặc dù đã được nghe kể nhiều về các canh quan họ vào những dịp Hội Lim, hội làng, nhưng nếu không đến tận nơi mà thưởng thức, thì không bao giờ tôi cảm được hết cái hay của quan họ.
Làng Diềm - tên gọi nôm của thôn Viêm Xá, xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh, là nơi duy nhất trong số 49 làng quan họ gốc của vùng Kinh Bắc có đền thờ Thủy tổ Quan họ. Chị hai Sang ra tận đầu làng đón chúng tôi. Nhìn tà áo mớ ba mớ bảy của chị thấp thoáng dưới gốc cổ thụ bên cạnh cổng làng rêu phong cổ kính, tôi cứ liên tưởng tới cảnh trong phim về chốn làng quê Kinh Bắc ngày xưa. Không gian thanh tĩnh và yên ả. Chúng tôi vào làng, những người dân làng Diềm thấy khách thì thân thiện nở nụ cười và khẽ gật đầu thay cho lời chào, lặng lẽ mà nồng hậu. Một cảm giác gần gũi, thân quen như về quê mình, theo chân chị hai Sang với những câu chuyện rì rầm dẫn lối chúng tôi vào canh hát.
Trong căn phòng chừng hai chục mét vuông tại nhà riêng chị hai Thềm, chủ khách ngồi xếp bằng trên chiếu hoa để cùng đắm mình vào những câu quan họ. Đêm xuân, dường như đất trời cũng lắng lại, cho hồn người xốn xang cùng những í a… “vang, rền, nền, nảy” của các liền anh, liền chị. Chị hai Thềm và chị hai Sang, một trong những cặp đôi có tiếng của làng Diềm, là linh hồn canh hát mà chúng tôi được thưởng thức hôm ấy. Kết bạn hát với nhau đã trên ba mươi năm, mặc dù đều đã trên dưới sáu mươi tuổi (chị hai Thềm 59, chị hai Sang 64), nhưng giọng ca của hai chị vẫn làm người nghe rưng rưng. Nó đằm, nó ngọt, nó thấm sâu vào mỗi giác quan khiến người ta lâng lâng, bay bổng; lúc thư thái, thong dong, khi nghẹn ngào, day dứt, khắc khoải cùng lời ca….
Quan họ cổ không có nhạc đệm nên sự hay dở phô phang ra hết chứ không có gì che lấp được. Nhưng chính sự mộc mạc ấy lại khiến người nghe cảm nhận được rất rõ cái tình của người quan họ, đó là sự nâng niu văn hóa truyền thống - vốn quý của quê hương. Trước mỗi điệu, các chị hai lại giảng giải cho chúng tôi nghe về ý tứ quan họ gửi gắm trong mỗi câu từ và về luật ca. Mới hay, quan họ tinh tế lắm, thâm thúy lắm và cũng tế nhị lắm. Chúng tôi đều thấy, nghe quan họ “chay” thế này thích và thấm hơn nhiều quan họ đã được hòa âm, phối khí và biểu diễn trên sân khấu.
Chị hai Thềm là con dâu nghệ nhân Nguyễn Thị Bàn, người giữ gần 400 câu hát cổ. Năm nay 87 tuổi, cụ vẫn đang cố gắng truyền dạy những điệu cuối cùng cho con dâu để khỏi bị thất truyền. Mặc dù tuổi cao, sức yếu do căn bệnh tiểu đường, nhưng nể cái tình khách yêu quan họ không quản đường xa tìm về, nghệ nhân vẫn ca tặng chúng tôi một câu: “Mong người như cá mong mưa/ Mong người như bữa cơm trưa đói lòng/ Mong người ba, bảy tháng ròng/ Hôm nay người lại có lòng sang chơi”, điệu hừ la - điệu khó nhất trong các điệu quan họ cổ. Giọng cụ vẫn còn đẹp lắm, cụ ca vẫn điêu luyện lắm. Nghe cụ ca, với những nhấn nhá í a, ư hự, rồi ngân, rồi ngắt nghỉ…mới thấy quan họ cổ khó làm sao và để làm chủ được nó, phải khổ luyện thế nào. Chả thế mà giờ đây, lớp trẻ thường không muốn học và người thưởng thức, không phải ai cũng thích.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Bàn
Một canh quan họ thường được bắt đầu từ 8 giờ tối, sau khi các liền anh liền chị đã kết thúc công việc đồng áng, và kết thúc vào 2 - 3 giờ sáng hôm sau; nhưng cũng có khi, một canh hát kéo dài đến hai, ba ngày! Biết làm sao được, người quan họ, khi đã chơi là quên trời quên đất, sẵn sàng bất chấp tất cả để được chơi. Bởi cái lí của quan họ là: “Chơi cho nước Hán sang Hồ/ Nước Tần sang Sở, nước Ngô sang Lào/ Chơi cho chín trận mưa rào/ Một trăm trái núi lọt vào trôn kim/ Chơi cho bong bóng phải chìm/ Đá bia thì nổi, gỗ lim mập mờ/ Chơi cho bể cạn sông khô/ Thuận buồm xuôi gió Hán Hồ gặp nhau/ Chơi cho sông Lục sáu đầu/ Cạn sông, hết nước giồng màu giữa sông/ Chơi cho con ốc mọc sừng/ Con lươn có vảy mới ngừng đi chơi”. “Chơi” ở đây là chơi quan họ, tức là đi hát quan họ. Say quan họ, say nhau, người quan họ xưa thường có tục “ngủ bọn” (bọn quan họ). Chị hai Thềm kể, mắt không giấu nổi niềm vui: Tối tối, các liền chị, liền anh thường xin phép mẹ cha đi ngủ bọn, nam một nhà, nữ một nhà. Thậm chí, khi về nhà chồng rồi, nhiều lúc nhớ bọn, các liền chị vẫn xin phép gia đình bên chồng về nhà đẻ, nhưng thực chất là đi ngủ bọn. Nhưng xin đừng nghĩ sai cho quan họ, cái tình quan họ ở đây trong sáng lắm, đáng trân trọng lắm!
Một canh hát thường có ba chặng. Mở đầu là chặng Giao tiếp, tức là mời nước mời trầu (những miếng trầu cánh phượng được têm cầu kì do chính bàn tay khéo léo của các chị hai), đây là cử chỉ bắt buộc thay lời chào của chủ nhà, nó thể hiện văn hóa của quan họ rất chỉn chu, lịch lãm và hiếu khách. Tiếp đó, quan họ ca giọng Lề lối. Đây là giọng tương đối khó của quan họ cổ, nó nhấn nhá, i a khiến cho câu hát như dài ra, dùng dắng. Chỉ có bốn năm dòng thơ nhưng cũng phải ngân nga tới bốn, năm phút mới hết. Lề lối là giọng bắt buộc của người chơi quan họ cổ. Nếu ai chưa ca được giọng này thì chưa được ngồi vào chiếu canh. Chặng thứ hai là Giọng vặt, trên trời dưới bể, tất cả niềm thương nỗi nhớ của người quan họ đều được thể hiện ở chặng này. Giọng vặt dễ nghe hơn giọng lề lối. Và cuối cùng là chặng Giã bạn, dùng dằng kẻ ở người đi mãi không thôi...
Vì tính chất hát đôi của quan họ cổ, nên bạn hát thường quay mặt vào nhau để dò câu hát, dò sắc mặt mà đôn nhau lên. Hát lâu với nhau, hiểu nhau từng lời ăn, tiếng hát, chị hai Sang bảo, chỉ cần nhìn ánh mắt là có thể biết bạn mình cất lời ở cung bậc nào rồi. Mỗi cặp ca thường có hai giọng: giọng dẫn và giọng luồn. Người giữ giọng dẫn bao giờ cũng hát to hơn, khiến người nghe dường như chỉ tiếp nhận được giọng dẫn. Còn giọng luồn thì chìm đi, mềm dẻo, khéo léo “can” vào những câu, những chữ mà giọng dẫn thể hiện chưa chỉnh. Giọng dẫn và giọng luồn luôn quyện vào nhau, bổ trợ cho nhau, xóa nhòa khiếm khuyết để cho câu hát thật nhuần nhuyễn. Tôi cứ tưởng tượng, giọng dẫn là một cánh đồng màu mỡ, phì nhiêu, bày ra trước mắt, còn giọng luồn thì như những mạch nước ngầm âm thầm chảy dưới lòng đất để giữ cho cánh đồng khỏi bị nứt nẻ. Nhường nhịn thế, tôn nhau lên như thế, chỉ có thể là quan họ mà thôi.
Quan họ xưa không có khán giả, người ca đồng thời là người thưởng thức. Vậy nên mới gọi là chơi quan họ. Còn bây giờ, cơ chế thị trường cũng đã tìm về miền quan họ, có người muốn nghe thì cũng có người trổ tài đáp lại. Nên tùy theo nhu cầu của người nghe, canh hát có thể kéo dài suốt đêm với bốn năm cặp liền anh liền chị, nhưng cũng có thể chỉ diễn ra trong hai giờ đồng hồ với hai cặp liền chị mà thôi, tùy thuộc vào mức cát xê đã được quan họ định sẵn, thấp nhất là hai triệu đồng.
Quan họ gọi các nhóm hát là “bọn”. Làng Diềm trước đây có chín bọn, nhưng giờ đã tập hợp lại thành một đội quan họ. Bao năm nay, người dân làng Diềm vẫn coi hát là một nhu cầu không thể thiếu. Ngoài các công việc mưu sinh để duy trì cuộc sống, các liền anh liền chị vẫn dành thời gian cho tình yêu lớn của mình, đó là quan họ. Tôi hỏi chị hai Sang: Chắc các chị phải giữ giọng lắm nhỉ? Chị bảo: Không uống bia, rượu; không uống nước đá và hàng ngày vẫn phải luyện thanh… Ôi, những “ca sĩ chuyên nghiệp” của làng Diềm, với tình yêu vô bờ, họ đã hình thành ý thức giữ gìn giọng hát làm phương tiện gìn giữ và nâng niu giá trị truyền thống vô giá của quê hương Kinh Bắc. Tôi chợt thấy, dòng sông quan họ dài rộng làm sao, để hiểu được nó, không thể ngày một ngày hai. Thôi, cứ làm theo người quan họ: “Năng tới thì mau thân/ Năng liếc thì mau sắc”. Và: “Đến đây thì ở lại đây/ Bao giờ mọc rễ xanh cây thì về”
Huệ Minh
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...