Nay về châu xưa nhớ người chiến sĩ Đường Thị Ân
VNTN - Chuyến về Phú Thượng - Võ Nhai (Thái Nguyên) đầu năm, tôi biết thêm về cuộc đời bà Đường Thị Ân, người nữ chiến sĩ Cứu quốc quân đầu tiên, Chủ tịch đầu tiên Hội Liên hiệp Phụ nữ Khu Tự trị Việt Bắc.
“Toán chiến sĩ bước về châu xưa xây đồn”
Trong hồi ký, bà Đường Thị Ân cho biết, bà là đội viên nữ duy nhất của Trung đội Cứu quốc quân 2. Ít ngày sau, Trung đội có thêm hai nữ chiến sĩ xin gia nhập Cứu quốc quân là hai chị em bà Hoàng Thị Môn và Hoàng Thị Ngoan.
Bà Đường Thị Ân (1912 - 1997). Ảnh tư liệu Nhà Lưu niệm Thượng tướng Chu Văn Tấn.
Đó là những ngày khu căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai bị thực dân Pháp khủng bố đẫm máu cuối năm 1940. Gia đình các cơ sở cách mạng trong đó có nhà họ Đường bị đốt cháy trơ trụi. Người bị bắt giam, người phải chạy trốn. Nhà họ Chu lúc nào cũng có mật thám rình rập sẵn sàng bắt giữ bất cứ người nào trở về. Quê hương tiêu điều. Không còn phiên chợ mùa xuân, không còn Then tháng Ba tháng Tư âm lịch khiến những cô gái mới lớn đi xem Then, nghe Then đàn tính, miệng Then nói thơ cả đêm theo tiếng đàn tính thánh thót… Để bảo vệ xóm bản, các trung đội Cứu quốc quân lần lượt ra đời.
Ngày 15/9/1941 (24 tháng 7 Tân Tỵ), tại rừng Khuôn Mánh (xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai), Trung đội Cứu quốc quân 2 làm lễ tuyên thệ thành lập dưới sự chứng kiến của ông Hoàng Quốc Việt - Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng. Bà Đường Thị Ân đại diện cho Trung đội dù lúc này tiếng Kinh còn chưa sõi, bước ra khỏi hàng quân, đọc lời tuyên thệ mà trái tim trong ngực đập rộn ràng vì hồi hộp:
- Hai mươi triệu đồng bào cả nước đang rên xiết lầm than. Tôi là một phụ nữ dân tộc. Tôi xin thề dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, hy sinh tất cả vì Đảng, vì nhân dân, quyết tâm làm tròn nhiệm vụ của một đội viên Cứu quốc quân. Xin thề!
Suốt 8 tháng hoạt động bảo vệ dân bản, trong khi thực dân Pháp ngày càng siết chặt vòng vây để tiêu diệt lực lượng vũ trang cách mạng. Trước tình hình mới, Ban Chỉ huy Cứu quốc quân quyết định phân tán lực lượng. Một bộ phận lên biên giới, thực hiện phương châm “hóa chỉnh vi linh”, tạm lánh sang Trung Quốc. Một bộ phận phân tán vào trong dân để xây dựng cơ sở chính trị. Thực dân Pháp thấy mất dấu Cứu quốc quân sẽ không còn mục tiêu để khủng bố nhân dân. Bà Đường Thị Ân theo một tiểu đội sang Đại Từ (Thái Nguyên) hoạt động.
Ngày hai vợ chồng chia tay, trong cảnh phân ly “người lên ngựa, kẻ chia bào”, ông Chu Văn Tấn lên biên giới Việt - Trung, bà Đường Thị Ân về Đại Từ, hai người chỉ bắt tay nhau rồi đi. Không ai rơi nước mắt. Có người trông thấy phải nể phục sự cứng cỏi của bà Ân. Còn bà nghĩ: “Nước mắt đâu có động viên được người lên đường”.
Cùng với hai chị em ruột bà Hoàng Thị Môn và Hoàng Thị Ngoan, bà Đường Thị Ân giả đi chợ Đại Từ để thoát ly. Ba người đi giữa ban ngày, đầu đội nón, cầm tay nải, qua cầu Gia Bảy lên Đại Từ.
Chiến sĩ Cứu Quốc quân gặp mặt (1971) Bà Đường Thị Ân đứng hàng thứ nhất (thứ 3 từ phải sang). Ảnh tư liệu Nhà Lưu niệm Thượng tướng Chu Văn Tấn.
Ở Đại Từ, hai bà Đường Thị Ân và Hoàng Thị Môn đến đóng vai người ở trong gia đình ông Siều Hang, người Dao. Học tiếng người Dao rồi bà Ân dạy chữ Quốc ngữ cho người dân địa phương để tuyên truyền bà con tham gia Mặt trận Việt Minh. Ôi, học cái chữ, nhớ lại những ngày đầu khi bà còn là cô gái chưa biết chữ, được chồng dạy. Học chữ bằng mồm còn dễ hơn học chữ bằng tay. Lúc viết chữ, tay cứ cứng quèo. Từ chữ “a” đầu tiên được chồng kiên trì dạy, bà Ân đã viết được, rồi dần dần hai chữ khó khăn đối với bà là chữ “h” và chữ “k” bà cũng viết được. Đã viết được chữ cái thì sẽ ghép vần. Vừa đi làm vừa đánh vần. Vừa đi làm vừa tập chắp vần. Đi gánh nước thì học ghép vần: Gờ anh ganh sắc gánh, nờ ư nư ơ nươ xê nước sắc nước. Từ lúc chắp được vần rồi, bà nhớ mãi. Bà đã thấy được đúng là làm cách mạng thì phải có văn hóa.
Ngoài dạy chữ, ở Đại Từ, bà Ân còn may vá quần áo cho trẻ con, dạy dỗ các cháu trong những ngày mưa không đi làm nương được. Các em nhỏ cứ thế quấn quýt lấy bà. Khi các em đã mến rồi thì thật khó dứt ra mà đi được. Ngày bà chuẩn bị rời khỏi cơ sở thì các em bé cứ ôm chân nhất định không chịu cho đi.
Đời hoạt động cách mạng khi còn trong màn đêm bí mật, lúc ở nhà, lúc ngủ rừng, có khi còn đóng làm vợ hai gia đình cơ sở. Đó là bà vợ hai ông Triều hàng ngày tần tảo làm ruộng, cày bừa, cấy hái trên mẫu ruộng gia đình xin của địa chủ. Việc đồng áng rỗi, bà lại cùng vợ cả ông Triều đi khắp làng đong thóc về xay giã, lấy cám nuôi lợn, còn gạo đợi đến phiên chợ mang ra bán. Mỗi phiên chợ là dịp bà quan sát, tiếp cận để mở mang thêm đầu mối cơ sở cách mạng.
Hoạt động tuyên truyền có hiệu quả, cơ sở ngày càng mở rộng. Tình thế cách mạng có những bước chuyển biến mau lẹ, nhất là sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945). Cơ sở cách mạng ngày càng mở rộng. Ngày 29/3/1945, Đội Cứu quốc quân 2 xuất phát từ Văn Lãng đi đánh chiếm đồn Đại Từ, mở kho thóc, phát cho nhân dân để cứu đói. Tri châu Đại Từ nghe tin liền bỏ trốn. Riêng bà Đường Thị Ân mang về một khẩu súng Mi-tay-ét làm chiến lợi phẩm. Khẩu súng này bà còn mang theo bên mình cho đến ngày tiến về Thủ đô Hà Nội trong Cách mạng Tháng Tám 1945. Khí thế hào hùng phấn khởi lan nhanh khắp Đại Từ. Khu căn cứ giải phóng Việt Bắc nhanh chóng được xây dựng trên địa bàn 6 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang và Thái Nguyên.
Tôi bước đi dưới những rặng tre xanh trên bản Nà Kháo để tìm lại dấu người xưa. Nhà Lưu niệm Thượng tướng Chu Văn Tấn do gia đình xây dựng khang trang dưới bóng tre, tán trẩu. Di ảnh hai ông bà trên bàn thờ mờ tỏ sau làn khói hương. Tròn 80 năm Khởi nghĩa Bắc Sơn rồi 80 năm thành lập Cứu quốc quân. Lời hát trong ca khúc “Bắc Sơn” của nhạc sĩ tài danh Văn Cao văng vẳng trong bản Nà Kháo:
“Khi nhìn châu xưa bóng cờ mấy cánh sao vàng/ Ðồn cao vách đá nép mây huy hoàng/ Toán chiến sĩ bước về châu xưa xây đồn/ Ðoàn người Việt mới quyết hy sinh một lòng/ Gươm đao chung sức phá xiềng cùng chặt gông”…
Trong bản Nà Kháo
Về với Nà Kháo, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai trong mùa xuân mới, tôi được gặp những người con của dòng họ Chu những gia đình Có công với cách mạng. Ông Chu Văn Vinh kể:
- Năm 1966, tại ngôi nhà anh em ta đang ngồi đây, Bác Hồ về thăm gia đình tôi.
Sau này, những người lớn tuổi kể lại, họ nhận được lệnh, có "thượng cấp" về. Mãi khi "thượng cấp" đến thì mới biết đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
- Bác Hồ tới thăm nhà - ông Chu Văn Vinh vẫn đều đều giọng ấm áp - cũng là dịp mẹ tôi sắp ở cữ chú em trai. Khi sinh chú, để kỷ niệm, cha mẹ tôi đặt tên là Hồ: Chu Văn Hồ.
Ông Chu Văn Hồ công tác tại Văn phòng UBND huyện Võ Nhai chính là người đầu tiên đón tôi khi đặt chân tới Nà Kháo mấy năm về trước. Cái lạnh miền sơn cước chẳng mấy chốc bủa vây se sắt. Lạnh đến quắt tai. Ông Vinh khoác thêm chiếc áo. Giọng vẫn đều đều giới thiệu các vật dụng trong nhà.
- Năm 2010, có bà Thu Hà ở Bảo tàng Hồ Chí Minh lên xác minh. Tôi chỉ cho xem tất cả, từ cái giường Bác ngủ. À, có chuyện vui thế này, đó là cái chăn. Chăn hôm đấy Bác đắp. Sau này tôi đi làm bảo vệ cho trường, tôi mang ra đấy. Chú Hồ mới hỏi để kể cho bà Thu Hà biết. Tôi phải mang về. Bây giờ thì nó được cất trong tủ rồi.
Thiên di lần này, tôi gặp ông Chu Văn Thành, con trai đầu và cũng là người con duy nhất của ông bà Chu Văn Tấn - Đường Thị Ân. Sinh năm 1947, chàng kỹ sư trẻ 24 tuổi khi về thăm nhà, thấy mẹ đã đến tuổi về hưu rồi mà vẫn mải mê công tác, còn lọc cọc cái xe đạp, thậm chí vẫn đem cái đòn gánh, gánh đồ lề chăn màn của mình, khi đi bộ, khi leo núi đến cơ sở… đã trách cứ:
- Già rồi mà cứ làm mãi... Để người ta trẻ người ta làm?
Bà Đường Thị Ân nhớ đến gương mặt con trai đỏ tía lên vì giận. Nhưng nhìn thấy mẹ vừa bỏ nón đội đầu ra vừa quạt, một tay dựa cái xe đạp cà khổ vào thềm nhà, Chu Văn Thành chạy lại đỡ cho mẹ, rồi nói như trách móc:
- Con về, mẹ đi công tác, bố đi công tác. Cứ đóng cửa im ỉm. Con chẳng vào được. Mẹ nhắn con về chơi. Đấy, về, về! Từ Chủ nhật sau con không về nữa đâu!
Bà Đường Thị Ân (thứ 3 từ trái sang) đón Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ảnh tư liệu Nhà lưu niệm Thượng tướng Chu Văn Tấn.
Người mẹ lặng nhìn con trai, bà kể lại, lúc đó bà như muốn nói: “Hai mươi bốn tuổi mẹ còn mù chữ. Hai mươi bốn tuổi, con đã là kỹ sư chế tạo máy móc... Hai cuộc đời cách xa nhau hai chế độ (...) Mẹ chẳng lúc nào rỗi việc cả. Công tác mẹ và các bá, các cô lúc nào cũng bận rộn. Thứ Bảy, Chủ nhật, con được nghỉ vì nhà trường cho phép con về thăm nhà, nhưng mẹ, các bá, các cô làm công tác vận động quần chúng thì ngày nghỉ của bà con lại chính là ngày mẹ có công việc làm để phục vụ nhân dân, phục vụ Đảng”.
Đã vượt tuổi hưu 8 năm, miền núi trước năm 1975, phụ nữ đến tuổi 50 đã được nghỉ. Nhưng những cán bộ nữ có trách nhiệm với phong trào phụ nữ nói bà Ân chưa nên về hưu vội. Bà là tấm gương có tác dụng tốt đối với số chị em trẻ ở Việt Bắc này. Nhiều lần, bà ngồi bần thần tự nhủ: “Mình ở khu dân tộc, cán bộ còn thiếu, trình độ chị em còn kém. Các chị em dân tộc tín nhiệm mình. Mình nói một câu là chị em nghe ngay. Mình còn đi được, còn cố làm. Cái gì sướng thì hay quên nhanh. Những chuyện khó khăn, đói khổ thì không thể quên được”.
Cách mạng Tháng Tám thành công đã làm thay đổi số phận con người. Từ một phụ nữ dân tộc ít người, mù chữ, con mắt mở ra mà chỉ biết có cái bếp, cái khung cửi thô sơ, và những ống vầu để kín nước. Nhờ cách mạng, nhờ nhân dân hết lòng che chở, bảo vệ, nuôi dưỡng, bà trở thành cán bộ. “Hạnh phúc của riêng tôi, của gia đình tôi nằm trong hạnh phúc của toàn dân”, bà Đường Thị Ân viết.
Kiều Mai Sơn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...