Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
02:32 (GMT +7)

Nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số

VNTN- Võ Nhai là huyện vùng cao duy nhất của tỉnh Thái Nguyên, với diện tích gần 84.000 ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm trên 93% diện tích đất tự nhiên của huyện. Đặc biệt, 72% dân số của toàn huyện là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số
Nhiều vùng cây ăn quả tập trung đã hình thành trong vùng đồng bào DTTS

Để đời sống của người dân không ngừng được nâng lên, huyện đã thực hiện nhiều giải pháp phát triển kinh tế, trong đó nông nghiệp và du lịch là hai lĩnh vực đặc biệt được quan tâm, chú trọng.

Bắt đất cằn cho trái ngọt

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 22, nhiệm kỳ 2020 - 2025, UBND huyện đã cụ thể hóa 2 lĩnh vực kể trên thành 2 Đề án lớn để triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Với diện tích đất lâm nghiệp chiếm trên 78,6% diện tích đất tự nhiên, huyện đã tập trung vào phát triển lâm nghiệp gắn với trồng rừng cây gỗ lớn, rừng sản xuất, trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Nhờ đó, từng bước nâng cao giá trị ngành lâm nghiệp trên địa bàn huyện, đồng thời duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng trên 70%.

Ngoài ra huyện cũng chú trọng triển khai hỗ trợ phát triển chăn nuôi trang trại, chăn nuôi liên doanh áp dụng khoa học công nghệ cao, phù hợp với quy hoạch chăn nuôi của địa phương.

Nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số
Mô hình trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGap tại xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai

So với nhiều địa phương trong toàn tỉnh, Võ Nhai nhìn đâu cũng thấy khó. Khó về vị trí địa lý, khó về kết nối giao thông, khó vì nhận thức không đồng đều của người dân. Thế nhưng, người dân Võ Nhai nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số ở Võ Nhai nói riêng đã không khuất phục khó khăn, ngược lại, còn biến nó thành thế mạnh của mình.

Địa hình đồi núi là chủ yếu nên diện tích đất nông nghiệp của người dân ở Võ Nhai không nhiều. Gieo cấy, trồng hoa màu không phải là thế mạnh của mảnh đất thế núi bao quanh. Thế nhưng với cây ăn quả lại khác.

Từ một vài hộ, một vài thôn xóm đầu tiên. Đến nay, vườn cây ăn quả các loại của huyện đã chiếm trên 1.700ha. Huyện đã bước đầu hình thành được một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo ra sản phẩm nông nghiệp đặc thù, có lợi thế gắn với chế biến, cho năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao.

Một số sản phẩm của Võ Nhai có thể kể đến như: Na La Hiên, bưởi Tràng Xá, nhãn La Hiên, ổi Phú Thượng... Đặc biệt, đến nay đông đảo bà con đồng bào dân tộc thiểu số cũng đã thành thạo trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm bón cây. Nhờ vậy, toàn huyện đã có trên 350ha cây ăn quả chủ lực được cấp giấy chứng nhận VietGap.

Giá trị sản phẩm/1ha đất trồng trọt năm 2023 ước đạt 104,5 triệu đồng, vượt kế hoạch đề ra. Võ Nhai hiện có 12 sản phẩm OCOP, trong đó có 11 sản phẩm OCOP 3 sao và 1 sản phẩm OCOP 4 sao và đang hoàn thiện hồ sơ để công nhận thêm 3 sản phẩm OCOP nữa.

Sau 3 năm, kể từ khi xây dựng và triển khai thực hiện Đề án phát triển Nông lâm nghiệp huyện Võ Nhai, giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến 2030 kết hợp với việc phát huy tối đa các nguồn lực hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số của trung ương, của tỉnh, ngành sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn huyện bước đầu phát triển ổn định và có bước tăng trưởng khá về giá trị; cơ cấu ngành nông nghiệp tiếp tục được chuyển dịch đúng hướng.

Nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số
Thương lái thu mua nông sản tại nhà người dân 

Một minh chứng cho sự phát triển đó là trên địa bàn huyện đã dần hình thành và phát triển mô hình kinh tế tập thể, như: Tổ hợp tác, Hợp tác xã; kinh tế trang trại; các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, dịch vụ nông nghiệp nhằm thúc đẩy sản xuất theo chuỗi giá trị. Giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân 5,9% trên năm, giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt tăng 8,4%/năm.

 Các sản phẩm OCOP, nông sản của địa phương được quan tâm nâng cao chất lượng, các làng nghề, làng nghề truyền thống như: làng nghề chè, làng nghề đậu phụ, nghề đan lát được quan tâm khôi phục, nâng cao chất lượng nhằm phục các hoạt động du lịch tại địa phương.

Gắn sản phẩm nông nghiệp vào phát triển du lịch

Nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số
Khung cảnh bình yên trong vùng đồng bào DTTS sinh sống

Võ Nhai là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch với 82 điểm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng, trong đó có 5 điểm di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 10 di tích xếp hạng cấp tỉnh, nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái, như: Hang Phượng Hoàng - Suối Mỏ Gà ở xã Phú Thượng; Khu di tích lịch sử rừng Khuôn Mánh, xã Tràng Xá - Nơi ra đời Trung đội Cứu Quốc quân II; Khu di chỉ khảo cổ học mái đá Ngườm - Thần Sa; Thác mưa rơi, Thác bảy tầng ở xã Thần Sa; Hang ốc ở xã Bình Long... Đây là những tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành du lịch của huyện.

Vì vậy, thời gian qua, huyện đã tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch với mục tiêu khai thác tiềm năng, lợi thế về tài nguyên du lịch tự nhiên gắn với phát huy giá trị văn hóa truyền thống, thu hút đầu tư phát triển ngành du lịch. Để phát huy được tiềm năng các khu, điểm di tích, danh thắng trong phát triển du lịch, huyện đã tập trung phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm nông nghiệp.

Bước đầu huyện đã phối hợp xây dựng và đưa đón khách du lịch tại Điểm du lịch Cộng đồng xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng (Điểm du lịch cộng đồng xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng đã được UBND tỉnh Thái Nguyên công nhận tại Quyết định số 3379/QĐ-UBND, ngày 30/12/2022). Nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị không gian văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng, giữ gìn các giá trị truyền thống của dân tộc Tày gắn với xây dựng gia đình văn hóa; xây dựng Điểm du lịch cộng đồng.

Tại điểm du lịch đã thành lập Câu Lạc bộ văn nghệ truyền thống của dân tộc Tày. Các thành viên trong câu lạc bộ duy trì luyện tập thường xuyên để sẵn sàng phục vụ di khách. Đây cũng là một trong các sản phẩm chủ yếu cung cấp cho khách du lịch khi đến thăm quan tại Điểm du lịch Cộng đồng xóm Mỏ Gà.

Nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số
Điểm du lịch Cộng đồng xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng

Cùng với việc đẩy mạnh công tác chuyển đổi số vào lĩnh vực du lịch, huyện Võ Nhai còn xây dựng 3 tour tuyến du lịch trọn gói để quảng bá tới các nhà quản lý du lịch, các công ty lữ hành và du khách...

Là người yêu cảnh sắc và ẩm thực của đồng bào DTTS ở Võ Nhai nên anh Nguyễn Xuân Huy (TP. Thái Nguyên) thường xuyên đưa cả gia đình đi thăm thú các địa danh ở Võ Nhai vào các dịp cuối tuần, lễ hội. Anh Huy bày tỏ: Du lịch Võ Nhai có rất nhiều điều khiến tôi ấn tượng. Ấn tượng không bởi sự hào nhoáng, chuyên nghiệp mà bởi sự chất phác và nỗ lực thay đổi của địa phương. Một trong những ấn tượng của tôi với Võ Nhai trong năm 2023 chính là được tham gia Lễ hội “Võ Nhai nơi cội nguồn”. Được biết đó là lễ hội thường niên của huyện nhưng năm nay có nhiều đổi mới. Đặc biệt, Ban Tổ chức đã tạo dựng một “Không gian 3D về đặc trưng văn hóa các dân tộc huyện Võ Nhai” để du khách và nhân dân trong huyện có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Võ Nhai qua lăng kính trải nghiệm thực tế ảo. Nhờ vậy nên chỉ cần đứng tại chỗ du khách vẫn có thể nhìn ngắm rất nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử trên địa bàn huyện. Còn vợ và các con tôi thì đặc biệt thích thú với những sản phẩm nông sản của bà con được bày bán tại Lễ hội.

Nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số
Các sản phẩm nông sản tại lễ hội "Võ Nhai nơi cội nguồn" thu hút đông đảo du khách quan tâm, mua sắm

Những nỗ lực không ngừng đã giúp du lịch của huyện Võ Nhai đã có sự thay đổi rõ rệt, một số mô hình du lịch được hình thành, các chính sách hỗ trợ khuyến khích khai thác tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, giá trị di sản văn hoá, sản phẩm nông nghiệp nông thôn gắn với phát triển du lịch được triển khai thực hiện, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Năm 2023 tổng số lượt khách du lịch đến thăm quan trên địa bàn huyện là 130.530 lượt người, tăng 14.000 so với năm 2022. Việc phát triển, nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, nông sản và khôi phục các làng nghề, làng nghề truyền thống của địa phương gắn với phát triển du lịch đã được huyện Võ Nhai quan tâm thông qua việc tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân chủ sở hữu các sản phẩm OCOP, các làng nghề truyền thống trưng bày, giới thiệu, quảng bá, cung cấp sản phẩm cho du khách tại Lễ hội “Võ Nhai nơi cội nguồn”; Chương trình xúc tiến quảng bá sản phẩm Na Võ Nhai và các sản phẩm nông sản tỉnh Thái Nguyên; Chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh, tại Ngày hội văn hoá các dân tộc tỉnh Thái Nguyên; trưng bày gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP và nông sản của huyện tại Điểm du lịch cộng đồng Mỏ Gà, Điểm du lịch sinh thái Phượng Hoàng... Thông qua đó đã thu hút và giới thiệu được nhiều sản phẩm OCOP và nông sản của huyện đến với du khách, đồng thời thu hút đông đảo du khách đến Võ Nhai tham quan, trải nghiệm.

Có thể khẳng định việc tập trung và đẩy mạnh vào phát triển Nông nghiệp và Du lịch trên địa bàn bước đầu đã phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đặc biệt là việc phát triển và nâng cao các sản phẩm OCOP và khôi phục các làng nghề, làng nghề truyền thống tại địa phương, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII đã đề ra, giúp người dân phát triển kinh tế bền vững từng bước làm giàu trên mảnh đất quê hương...

Kim Ngân

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy