Chủ nhật, ngày 28 tháng 04 năm 2024
03:30 (GMT +7)

Mưu sinh bên dòng sông Mẹ

VNTN - Xuất phát từ đỉnh cao Tham Thẩu (Chợ Đồn, Bắc Kạn), với những huyền thoại thấm đẫm màu sắc u linh, sông Cầu đã có cuộc hành trình kỳ bí kéo dài 288 km qua sơn lâm, xóm núi hoang vu, thành thị phồn hoa hay những làng châu thổ bát ngát tiếng gà. Trên thủy trình ấy, con sông kết giao với Thái Nguyên suốt chặng đường 110 km, tạo nên diện mạo sinh kế, văn hóa đa sắc. Tìm về cội nguồn lịch sử không quá xa xôi, ta có thể bắt gặp những làng nghề truyền thống, hiện thân cho cuộc sống mưu sinh từ dòng sông mẹ…


Ngọt ngào đường phên Hòa Bình, Minh Lập

Nếu như lên Tân Cương, người Thái Nguyên nhắc nhau mua chè, lên Bờ Đậu nhớ quà bánh chưng thì ngược Đồng Hỷ lên Văn Lăng, người sành ăn ắt phải nhớ đến đường phên Hòa Bình, Minh Lập. Cách đây quãng 50 năm, dải đất gò đồi ven sông là bờ bãi um tùm, đi đâu cũng gặp mía. Mía bãi soi sông Cầu là cội nguồn ngọt ngào của bánh ngải Vô Tranh, bánh kẹo thủ công người Ngái Hóa Thượng và đặc biệt là đường phên làng Hích, Trại Cài. Đường phên ở đây trứ danh bởi vẻ ngoài bóng mịn, thanh đường “ba chỉ” óng ánh mật ong với lớp lõi vàng như đỗ xanh ở giữa. Đường phên thượng hạng (loại “cát vàng” hay “cát xanh”) là kết tinh từ những cây mía ngọt sắc khỏe mạnh trên thổ nhưỡng tươi tốt ven sông và được bàn tay khéo léo của người thợ qua 5 tiếng nung mình cùng chảo mật cô đúc mà thành. Ngược lại, đường “phổi bò” chất lượng thấp, thanh dày và xốp kém đẹp mắt, chỉ dùng cho trẻ ăn chơi.

Quy trình từ lúc ươm mía cho đến khi có những mẻ đường thơm ngọt đầy ắp nhọc nhằn. Sau một năm chăm bón, khi gần chạm Chạp, giữa lúc tiết trời lạnh như dao cắt, người trồng mía thu hoạch, chuẩn bị cho một vụ làm đường. Những bàn tay chằng chịt vết cắt vì nứt nẻ hanh khô và vết cứa lá mía lại tất bật dầm trong sương sớm. Để kịp có đường bán trước Tết, mỗi ngày, một gia đình phải nấu 3 mẻ, mất khoảng 15 đến 18 tiếng. Vì thế, bình minh làng đường bắt đầu từ canh hai. Quy trình làm đường phên gồm hai giai đoạn chính: ép mía và cô đường. Để ép được mía, những chú trâu to khỏe góp phần quan trọng nhất. Người ta dùng 3 trục gỗ lim lớn (gọi là củ mật) rồi dựa vào sức trâu kéo mà ép mía. Con trâu bị bịt mắt (cho đỡ chóng mặt) chạy vòng quanh suốt nhiều giờ, cần mẫn cho ra từng thùng nước mía.

Cái khéo của người nấu đường nằm ở khâu giữ lửa và thử mật cho vừa độ chín tới, mà bí quyết nằm ở khả năng thử đường bằng… Răng. Nhìn màu mật đang ùng ục sôi trong chảo, người thợ lựa thời điểm mà dùng chiếc thìa gỗ nhúng nước, láng nhẹ qua chảo rồi cho ngay lên miệng, nhưng tuyệt đối không để chạm vào lưỡi mà phải thử bằng răng, hít một hơi để cảm nhận độ dẻo của đường. Sau khi ra thành phẩm, một lần nữa, chất lượng những phên đường qua vòng kiểm duyệt bằng mắt và móng tay. Đường ngon nhìn nghiêng bóng loáng, độ dày chỉ từ 2 - 2.5cm, khi dùng móng tay kẻ chỉ trên phên đường cho vết rãnh không quá sâu và cũng không được đùn lên nhiều bột. Đạt được tiêu chí ấy, những phên đường Minh Lập sẽ theo người bán tỏa ra khắp nơi, góp phần làm nên dự vị ngày Tết trong những món truyền thống như bánh ngải, chè kho…

Tận dụng sản phẩm dư thừa từ quá trình sản xuất, người dân địa phương có đặc sản là rượu bọt mía, chưng cất từ những lớp bọt được hớt ra trong quá trình cô đúc. Rồi cũng từ thứ bọt ấy, người ta trộn vữa đắp tường tạo nên sự kết dính tuyệt diệu. Thôn xóm Minh Lập, Hòa Bình êm ả trong những nếp nhà mái tranh lá mía… Vậy nhưng, do nghề quá vất vả và nguy hiểm, thu nhập lại bấp bênh nên nghề làm đường ở đây dần đi vào quên lãng từ đầu thập niên 90.

Minh Lập, Hòa Bình ngày nay đã xác định thương thiệu mới của mình với cây chè. Tuy nhiên, những ký ức dù rất đẹp về nghề đường mía một thời chắc hẳn sẽ còn mãi trong lòng những người dân xóm núi ven sông.

Ảnh: Đào Tuấn

Rau xanh Túc Duyên, hương đen Đồng Mỗ

Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú chép: mạn Đông Bắc, các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Bắc Giang, Bắc Ninh, tại đầu mối của các dòng sông hình thành những trung tâm giao thương sầm uất, quanh năm trên bến dưới thuyền như: bến tuần Bạch Thông (thị xã Bắc Kạn), bến tuần Đồng Mỗ (thành phố Thái Nguyên), bến Thủy Cơ, bến Hanh (huyện Phú Bình), bến cảng Đại Phùng (nay là bến Chã, huyện Phổ Yên)... Hàng phiên, các thuyền lớn lại chở gạo, muối mắm, đồ gốm sứ, vải lụa, vôi... từ Bắc Ninh, Phả Lại lên bán, khi về họ lại chuyên chở các mặt hàng đặc sản từ Thái Nguyên về xuôi. Vì vậy đã hình thành nên địa danh Trà Thị (chợ Chè). Năm Gia Long thứ 12, thành trấn Thái Nguyên được đặt ở làng Đồng Mỗ; dinh tuần phủ Thái Nguyên cũng đặt ở đây. Huyện lỵ Đồng Hỷ ở xã Huống Thượng, đầu thế kỷ XX chuyển lên Đồng Mỗ. Như vậy, trong tiến trình lịch sử, Đồng Mỗ luôn là một địa danh quan trọng của tỉnh Thái Nguyên. Không chỉ là đầu mối giao thương, trung tâm hành chính, Đồng Mỗ còn là một địa danh văn hóa.

Người làng Đồng Mỗ nổi tiếng với nghề làm hương. Cả làng vài chục gia đình làm nghề, ngày thường cũng như ngày lễ, trải dọc hai bên đường và sân nhà tràn ngập màu hương. Gần đến Tết, người bán kẻ mua tấp nập đông như mắc cửi. Người làm hương ngồi một góc chợ, lấy ống bơ đựng gạo mà cắm hương đốt. Người đi qua, ngửi thấy hương thơm, tàn đẹp sẽ ghé vào. Ngày giáp Tết, cả một góc chợ ngào ngạt khói hương, tạo nên dư vị ngày xuân đặc biệt.

“Bán mắm nằm giường không bằng bán hương nằm đất”, từ sâu thẳm, người Việt luôn đề cao nghề làm hương, cái nghề sạch sẽ, thanh tao, lại được cho là “có phúc”. Đèn, hương, hoa, oản là những thứ hàng hóa đặc biệt. Ở đó, người bán không nói thách, người mua chẳng mặc cả bao giờ. Khách cẩn thận còn chọn người bán có nét mặt phúc hậu, nhân từ mới mua. Chủ hàng có tâm cũng trân trọng, gói hương bằng một tờ báo sạch sẽ rồi cẩn thận treo lên ghi đông xe đạp, xe máy. Không ai để hương ở sàn xe, cốp xe nếu không phải là người vô tâm, đuểnh đoảng. Hiểu được sự đặc biệt ấy, người làng Đồng Mỗ xưa rất trân trọng nghề. Hương đen Đồng Mỗ có mùi thơm dịu nhẹ, cháy chậm, đậu tàn nên được nhiều người lựa chọn. Nguyên liệu chính của loại hương này là nhựa cây trám trắng và than hoa đốt từ thân cây đậu tương trồng ven bãi bồi.

Đối diện với làng Đồng Mỗ ở bên này sông là làng Túc Duyên bên kia sông. Trên phù sa màu mỡ, rau và hoa Túc Duyên trở thành dải khăn xanh quàng lên thành phố. Từ phố thị sầm uất, qua cầu treo Bến Oánh, cảm giác như lạc vào một thế giới khác với bờ bãi bằng phẳng xanh um.

“Nhất nước nhì phân tam cần tứ giống” là nguyên tắc bất di bất dịch của cư dân nông nghiệp, và cũng giống như các làng rau làng hoa trên cả nước Túc Duyên xưa người dân cũng thêm cả nghề hót phân. Cái nghề nghe có vẻ hài hước nhưng lại chính là sự cần mẫn không quản nhọc nhằn của những người nông dân làng rau, làng lúa.

Năm nào cũng vậy, xuân sẽ về sớm nhất trên chợ Túc Duyên, trên những luống rau xanh và dậu hoa được soi đèn cẩn thận, trên cái hối hả, tất bật của người nông dân gồng gánh cà rốt, su hào từ tờ mờ sáng, trong tiếng chẻ tre lách cách suốt ngày của làng Đồng Mỗ và mùi hương đen thoang thoảng khắp phố phường đợi ngày tỉa chân nhang cuối Chạp…

Bảo Lý, Hà Châu - ký ức những làng chài

Xuôi về Nam, đến mạn Phú Bình, Phổ Yên, sông Cầu gắn liền với không gian đậm chất đồng bằng với bãi lúa nương dâu êm đềm như lụa và những làng chài ven sông gắn với nhiều sinh hoạt văn hóa dân gian đậm sắc màu sông nước.

Xóm Đồng Áng xã Bảo Lý là một làng chài hình thành từ lâu đời. Ngư dân Đồng Áng vốn là người Hà Châu thạo nghề chài lưới, men theo sông Cầu lên Bảo Lý khai xóm mở làng. Nhìn từ xa, làng chài như một bán đảo mênh mông ba bề sóng nước. Tri thức về nghề cá nơi đây vô cùng phong phú với những cách thức đánh cá độc đáo. “Câu rà” để bắt cá to thì giăng một sợi cước ngang sông, kèm theo hệ thống lưỡi câu dày đặc. Người thả câu ngồi trên thuyền thúng, trông chừng phao mà ra gỡ cá lên thuyền. Bắt cá ngạnh thì sử dụng bí quyết độc lạ “gia truyền”. Ấy là những đêm hè, người ta lội xuống nước đến ngang ngực. Hai tay chắp sau lưng, trong có một... cục phân sống để nhử. Loài cá ngạnh (có thói quen đến gần người tắm để... rỉa ghét) thấy mồi vội vàng sà tới. Nhân cơ hội đó, lựa chiều mà tóm gọn những chú cá lớn, đem về mà nướng hay nấu canh chua. Ấn tượng hơn là mẹo bắt ba ba. Vào mùa sinh sản, những đêm trăng sáng, ba ba mẹ bò lên bờ cát đẻ trứng. Người ta làm bẫy bằng cách đào những rãnh cát sâu, ba ba bò qua ngã xuống, không lật dậy được, đành nằm chờ để sáng sớm, bác chài đến ôm về...

Dòng sông Cầu còn đem đến cho người dân Bảo Lý, Nhã Lộng, Hà Châu và nhiều làng xóm ven sông những sinh hoạt văn hóa đặc sắc mà nay chỉ còn là kỷ niệm: những đêm trăng sáng, nam thanh nữ tú trao gửi tiếng hò mà nhiều đôi nên vợ nên chồng; những chiều hè bâng khuâng trên bến tắm sông quê; những ngày sau lũ, cả làng ra sông vớt củi từ mạn ngược trôi về, vui như trảy hội...

Lưu vực các dòng sông chính là nơi phát tích của những nền văn hóa bởi xu hướng chung của nhân loại là “ăn theo nước”, dựa vào thổ nhưỡng tươi tốt mà sinh tồn. Cuộc sống của người Thái Nguyên bên sông Cầu bình yên trôi chảy từ đời này sang đời khác. Theo thời gian, nghề đường, nghề hương, nghề chài lưới dần mai một khi người dân tìm thấy cho mình phương thức mưu sinh mới đỡ vất vả hơn, thu nhập cao hơn. Nhưng dòng sông Mẹ vẫn mãi dạt dào, tạo nên dáng hình lộng lẫy cho một đô thị mới bên sông, hay ôm ấp chở che cho những xóm làng như tự ngàn đời vẫn thế.

Suối Linh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục