Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
02:26 (GMT +7)

Mùa xuân, bà nội và mứt gừng

VNTN - Cũng như những đứa trẻ khác, chỉ cần trời hửng nắng sau những cơn mưa dằng dặc là tôi nhảy đứng nhảy ngồi ngó chừng Tết.

Bụng dạ cứ nao nao, làm gì, chơi gì cũng bồn chồn trông Tết. Nhưng tôi không xé lịch, không phải đếm lùi như mấy đứa nhỏ khác, vì tôi có một tín hiệu riêng để “dự báo” Tết. Thật dễ dàng, chỉ cần nhìn ra… luống gừng bên cạnh thềm giếng nhà bà thì sẽ biết Tết đang về tới đâu.

Không thế sao được, khi đã thành lệ là cỡ nửa tháng Chạp trở đi thì bà nội ở ngoài đám gừng nhiều hơn trong nhà. Cứ lui cui lo mấy bụi gừng mà quên luôn cô cháu gái đã ướm xong bộ đồ Tết và chờ ngắm, chờ khen. Bỏ mặc cô cháu gái hớn hở khoe áo mới, bà còn thủng thẳng dòm bụi gừng, đưa tay cào nhẹ một lớp đất thăm dò rồi bảo “Trúng Tết rồi!”. Lạ lắm. Nghe được câu đó, tôi thấy vui… gấp đôi chuyện được bà khen mặc đồ mới. Bởi hồi ấy tôi mặc định rằng, chỉ cần nghe câu đó của bà nội là thấy Tết.

Thấy gừng là thấy Tết. “Gia quy” của bà tôi thì mứt gừng sẽ là lựa chọn số 1 cho thực đơn Tết. Với bà nội, Tết thiếu cái gì cũng được nhưng nhất định phải có mứt gừng. Tôi không thích vì gừng cay, bà bảo, gừng phải cay mới ngon. Hương vị cay nồng ngọt nhẹ mới đích thị là hương vị Tết. Ông nội xác nhận liền, còn gì sung sướng bằng ba bữa Tết được ngồi bên ấm trà nóng nhâm nhi mứt gừng.

Nói đến mứt gừng thì nhớ ngay cái thềm giếng nhà bà.

Gừng được nhổ, giũ đất cát rồi đem vô thềm giếng rửa sạch sẽ để chuẩn bị làm mứt. Được cái thềm giếng nhà nội núp dưới cây cam to nên mát rượi- cảnh hai bà cháu loay hoay với mấy củ gừng chắc là giống cái quang cảnh của những ngôi nhà trong truyện cổ tích ngày giáp Tết.

Gừng được bóc vỏ, rửa, ngâm, luộc, sên… tất cả các công đoạn đều được bà tôi thực hiện ngoài thềm giếng. Tôi không muốn ăn nhưng thích hít mùi thơm của gừng đem sên với đường nên cứ lẽo đẽo theo bà, à, điều quan trọng hơn là vì cứ hết một công đoạn làm mứt gừng thì tôi thấy mùa xuân nhích lại gần mình hơn một chút. Khi gừng đã sên xong, bà sẽ thưởng cho một miếng, dù cay cũng chắp chắp cho hết vị ngọt rồi trả lại bà. Đó là miếng gừng ngon nhất, đó cũng là lúc tôi thấy mùa xuân rõ rệt nhất.

***

Cháu gái trưởng thành, xa quê, xa nội. Những mùa xuân nối tiếp qua đi, ngôi nhà lợp ngói vảy đã tan tành theo thời gian, bà nội đã thành người thiên cổ. Giếng nước khô khốc, thềm giếng mọc đầy cỏ dại.

Tết về thăm nhà xưa, cháu đứng tần ngần, lùng tìm trong đám cỏ dại mùi thơm cay của mứt gừng, thấy bóng bà lặng lẽ bên thềm giếng… Tâm thức lội ngược về tuổi thần tiên, nhớ những lần lén bà lấy trộm những miếng mứt gừng bà sắp trên đĩa dọn khách, ngậm hết phần ngọt rồi bỏ lại xác gừng vào chén, một chén đầy. Mùng 2 Tết trời mưa, đi chơi nhà các bạn, gặp gì cũng ních, hậu quả là bụng đau ê ẩm, bà cho uống nước gừng thấy đỡ liền  mủi lòng muốn khóc khi hay bà lấy xác gừng cháu bỏ trong chén đem nấu nước để uống, trị đau bụng, cảm lạnh.

Lại xuân, mùa xuân không có bà, chỉ có cô cháu gái ngồi bên thềm giếng, nghe lòng ấm lại như vừa được uống ly nước gừng bà nấu.

Nguyễn Thị Bích Nhàn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự đêm giao thừa

Văn học 1 năm trước

Chợ

Văn học 2 năm trước

Tháng Tám mùa thu

Văn học 3 năm trước

Dưới tán côm xanh

Văn học 7 năm trước