Mùa cốm – Truyện ngắn. Nông Văn Kim
VNTN - Trong nhà, tôi và ông nội thân nhau nhất, ông về hưu đúng lúc tôi học cấp một, bố mẹ công tác xa nhà, rồi bà mất. Suốt mấy năm, ngày ngày hai ông cháu rong ruổi trên đường làng đến trường. Việc học của tôi được ông chăm chút rất chu đáo. Học hết phổ thông, bố mẹ bắt tôi thi vào những trường có cơ hội kiếm nhiều tiền. Riêng ông, khuyến khích tôi tự chọn theo khả năng và sở thích của mình. Ngày tốt nghiệp Đại học Xã hội Nhân văn, ông làm mấy mâm khao cả họ. Không khó khăn gì, tôi được nhận vào cơ quan truyền thông của tỉnh. Với cây bút và chiếc máy ảnh kỹ thuật số, bài và ảnh của tôi được người đọc đón nhận nhiệt thành. Ông là bạn đọc, cũng là người phê bình đầu tiên những tác phẩm, qua ông tôi tránh được những sự cố ngớ ngẩn của người viết trẻ khi viết đề tài về lịch sử, về văn hóa dân tộc. Nhưng rồi thời gian gần đây, tôi đã phát hoảng khi thấy tính cách của ông bỗng có nhiều thay đổi, trầm mặc, suy tư. Cầm trong tay bức ảnh ruộng bậc thang vùng cao ông rơm rớm nước mắt. Tôi đã hỏi ông:
-Sao ông lại buồn khi xem những bức ảnh này?
Ông nhìn tôi, đắn đo như sắp đưa ra một điều hệ trọng:
-Ông biết, cháu đang thực hiện những chương trình theo kế hoạch của cơ quan, nhưng ông muốn cháu giúp một việc bằng chuyên môn của cháu.
-Việc của ông, dẫu có lên trời xuống biển cháu cũng không từ, ông cứ nói đi!
Ông nói như trong vô thức:
-Ruộng bậc thang, kỷ niệm thời trai trẻ của ông, với mảnh đất và con người với những mùa cốm đầu tiên. Xa lắm rồi, sao ông chợt nhớ đến da diết khôn nguôi…
-Ông cứ nói cụ thể vùng đất và con người, nếu ở ngay trong lãnh thổ Việt Nam, cháu sẽ tìm đến ngay được, đấy là nghề của cháu mà. Biết đâu đấy lại là đề tài cho một tác phẩm hay của cháu.
-Tỉnh Bắc Bình, huyện Hạ Nam, tổng Bình Văn, xã Hảo Bình, đồng Nà Chúp. Đấy là địa chỉ thời trước năm một chín bốn tư, bây giờ tên địa danh đổi khác nhiều rồi, chỉ tên tỉnh là vẫn còn. Còn con người, chắc là chẳng còn ai. Tôi nắm tay ông:
-Tuần sau, cháu có chương trình hội thảo với các tỉnh Việt Bắc, sẽ hỏi thăm và nhờ bạn đưa đến địa chỉ đó, ông yên tâm, cháu sẽ làm được.
Không mấy khó khăn, mười ngày sau tôi đã đặt chân đến vùng đất mà ông muốn tìm lại.
Cô văn thư đọc giấy giới thiệu, chợt nhìn tôi một cách ngỡ ngàng, như phát hiện ra điều gì hệ trọng. Khẽ khàng:
- Mời anh đi theo em.
Chủ tịch Bàn Tiến Bình, tôi đọc thấy trên tấm biển đỏ trên bàn làm việc, anh ta đứng dậy, bước ra bắt tay tôi. Cả hai chợt ngỡ ngàng “sao anh ta giống mình như vậy”, nhang nhác tuổi, mắt mũi, tóc tai như phiên bản của nhau, chỉ khác nhau ở chiếc áo khoác trên người. Cô văn thư đứng ngây ra nhìn, chủ tịch xã buột miệng:
- Xin lỗi, anh ở tận đâu đến đây?
- Tôi ở Lai Châu, làm báo.
Tôi cười:
- Có lẽ anh cũng như tôi, tự hỏi sao chúng mình giống nhau như vậy, nếu cùng thôn cùng xã thì… Nhưng đây lại cách nhau đến gần sáu trăm cây số.
Chúng tôi cười vang, mấy cán bộ phòng bên cũng kéo sang chia vui, thì thầm bình phẩm.
- Tôi xin được địa phương giúp cho mấy việc, xem cánh đồng Nà Chúp, và, nếu còn cơ hội, xin được gặp hai người bây giờ ở tuổi cũng hơn tám mươi tên là…
- Hả, bà Diều là bà nội tôi đó. Cả nhà đang làm cốm, tôi đưa anh lên gặp bà nội ngay.
Bà cụ tóc bạc như cước, da dẻ vẫn hồng hào, nhìn tôi ngờ ngợ:
- Cháu tìm bà ư?
- Dạ cháu tìm bà, tìm cánh đồng Nà Chúp! Mắt bà chợt sáng lên:
- Vậy cha cháu tên là gì?
- Cha cháu là Triệu Dư Phong, còn cháu là Triệu Đức Nguyên!
Bà nói như hụt hơi:
- Vậy ông cháu tên là gì?
- Dạ, thưa bà ông cháu tên là Triệu Tài Phin, người đã đưa địa chỉ này để cháu tìm đến đây! Bà bỗng thốt lên:
- Giời ạ, sao để cho ta phải chờ lâu như vậy. Rồi bà lặng im, ngả vào thành ghế. Nhắm nghiền mắt, để mặc những giọt nước mắt lã chã chảy dài xuống mặt, xuống cằm. Hồi lâu, bà mở mắt nhìn tôi, nhìn chủ tịch Bình, chậm rãi:
- Bình, Nguyên ơi, chúng mày chung ông nội đó. Rồi kéo hai chúng tôi lại, chúng tôi đều ứa nước mắt, gục vào nhau, trong vòng tay của bà.
- Vậy ông cháu có khỏe không?
Tôi chợt nghĩ đến một viễn cảnh đoàn viên, bèn khẳng định:
- Ông cháu vẫn khỏe, sẽ có ngày cháu đưa ông cháu về đây!
- Cháu hãy kể về gia đình cháu đi.
- Cháu cũng không hiểu kỹ lắm về lịch sử của ông, chỉ được xem trên lý lịch quân nhân: ông sinh 1926 tại tỉnh Bắc Bình Hà, dân tộc Dao. Vào vệ quốc đoàn, tham gia đánh trận Điện Biên, lấy bà cháu là khi đang là văn công Tây Bắc, người Thái. Ông bà sinh được bố cháu và một cô. Còn cháu có một chị gái và cháu. Bà cháu đã mất lâu do mắc bệnh hiểm nghèo. Có một điều ông đặt ra với con cháu, họ Triệu phải lấy tên đệm qua các thế hệ lần lượt: Tài, Dư, Đức, Hứu, Tiến để con cháu dù đi phương nào cũng tìm và nhận ra nhau.
Nhà chủ tịch Bình mổ lợn liên hoan, hàng xóm sang chúc mừng, người mang con gà, chai rượu, người mấy ống gạo nếp. Bà cháu tôi không rời nhau nửa bước. Bà đưa tôi thăm Nà Chúp với những thửa ruộng bậc thang tầng tầng trằn trặn tựa như chiếc nón khổng lồ. Câu chuyện sâu kín ông tôi chưa kể đã dần dần hé lộ qua lời thủ thỉ của bà.
- Đây là căn chòi Tài Phin, vẫn nền đất này, bà cho dựng lại to đẹp hơn, cột bằng lõi cây dâu rừng, vẫn để cày bừa, cuốc, bai, đến vụ để thóc phơi, dàn treo phơi lúa nếp. Dường như có tiếng thì thầm đâu đó trong lòng “chỗ ở của ông cách đây sáu mươi năm đấy ư”, tôi giương máy ảnh trong ánh nhạt nhòa của nước mắt. Máy ghi âm nhấp nháy ghi lại lời bà, chiếc máy ảnh thân thuộc miệt mài ghi vào bộ nhớ những hình ảnh của bà, từng gò đất, thửa ruộng của Nà Chúp.
Gia đình họ Bàn đã ba đời làm động trưởng. Động trưởng cai quản toàn bộ người Dao có trong xã, tương đương lý trưởng người Tày ở vùng thấp, nhưng bổng lộc thấp hơn nhiều, chỉ quanh quẩn đốc phu, đốc thuế trong cộng đồng người Dao. Là chúa một động cai quản vùng đất khá rộng nhưng toàn rừng và núi cao, dân cư thưa thớt, hoa lợi chẳng nhiều nhặn gì. Để mưu sinh, phải khai phá đồi thấp thành những thửa ruộng bậc thang, những thửa ruộng ấy là tài sản quí nhất, cũng là niềm kiêu hãnh cho cả một nhà, một họ. Cần nhất là sức lao động, việc thu nạp lao động cũng muôn vẻ, tự đặt ra chế độ tạp dịch cho mọi suất đinh, thu nạp những kẻ vô gia cư, hoặc bắt nợ con của những kẻ nghèo do cha mẹ mắc nợ không trả được… Năm ta mười ba tuổi, trong nhà đã có gần chục người làm lụng mọi việc, trong đó có Tài Phin, hơn ta hai tuổi, Tài Phin khỏe mạnh, đẹp trai, khéo tay, giọng hát Páo dung hút hồn người. Ta dần lớn lên, cũng như bao cô gái khác khó cưỡng được lòng mình. Luật tục người Dao, không được chia bè hát đối nhau giữa trai gái trong làng, chỉ có giữa làng này với làng khác, vùng này với vùng khác… Nhà họ Bàn tự hào có trong tay một kẻ ở tài hoa, đẽo cày đẹp nhất, săn thú giỏi nhất, hát đối cũng nhất vùng, đó là Tài Phin, nhưng anh ta chỉ là người ở trừ nợ do bố mẹ vay nợ bạc trắng để làm lễ cưới từ năm xưa, nay bố mẹ không còn nên không còn chỗ mà về. Năm ta mười bốn tuổi, theo cha xuống nhà lý trưởng vùng đồng thấp, ông lý là người tốt, giao thiệp rộng, ông đón hẳn thày dạy chữ để dạy chữ quốc ngữ cho con trai duy nhất mới mười hai tuổi, có chị gái tên cũng là Diều, thày cho học ké theo. Thấy ta lanh lợi, đứng ôm cột chăm chú nhìn những con chữ trên bảng đen. Ông buột miệng:
- Cháu có muốn học không?
Ta gật đầu. Thấy vậy, thày lý nói:
- Hay là động trưởng cho con gái xuống đây cùng học với con gái tôi cho vui.
Thế là ta được học. Để cho thân thiết hơn, hai nhà cho kết tồng, lớp học một trai, hai gái đều tên Diều, để phân biệt mọi người cứ gọi Diều Mán, Diều Thổ. Có khi đến hai tháng ta ở nhà thày lý, một buổi theo học, một buổi cùng đi làm việc đồng với Diều Thổ, thân thiết như chị em, quần áo cứ thế thay nhau mặc, khi thì váy Mán, khi thì quần Thổ. Thày giáo rất quí bọn ta, không lấy công dạy thêm. Ngoài những con chữ, thày hay giảng giải, nhiều nước trên thế giới nam nữ bình quyền, ở nước ta có bà Trưng, bà Triệu đứng lên khởi nghĩa khiến giặc phải tan tác chạy dài, ở làng xã ta, phụ nữ phải làm lụng rất nhiều sao quyền quyết định việc nhà việc xóm chỉ do đàn ông? Ta liên tưởng đến việc nhà, dần dần nhận ra nhiều cái bất công, sao những người ở, giỏi giang như Tài Phin lại chỉ biết vâng dạ nghe lời, thiếu nợ đâu phải lỗi do anh ta. Bố ta bị tai nạn gẫy chân, phải giao chức động trưởng cho anh trai khi ấy mới hai mươi chín tuổi, đã có hai con, anh ta suốt ngày chỉ lêu lổng, rượu chè, đàn đúm với lũ bạn vô công rồi nghề, ăn nhờ mẹ và chị em gái. Nghe bọn chúng xúi bẩy, tính gả ta cho Chu Ứng là con của quản chiểu (1) họ Chu, quản chiểu chỉ có mình nó là trai nên chức ấy một nửa đã nằm trong tay Chu Ứng. Anh ta đầu to, nhưng cằm nhọn, mặt tựa mặt chuột, mắt nhìn liên láo, gian giảo. Thoáng nhìn ta đã thấy ghét.
Đêm ấy, ta ôm cột nghe cuộc hát đối đáp giữa trai làng với một tốp bạn tận xã bên, ta đã không cầm được nước mắt, trước lời mời kết bạn của bên nữ, tiếng Tài Phin cất lên:
“Anh như con chim không có cây để đậu, như con thú không có rừng để về, sao xứng đôi với em được”.
Ta đã đón đường, thổ lộ nỗi lòng với Tài Phin.
Rồi mọi chuyện không giấu mãi được. Có thằng bạn đã tâng công với động trưởng:
- Em gái mày, chuẩn bị đón họ Chu về ở rể buồng. Nhưng tao lại thấy nó nằm vào lòng Tài Phin, thấy tay Tài Phin vắt qua ngực áo của nó, nhưng không nhìn thấy bàn tay đâu cả. Động trưởng lồng lên:
- Hả, vậy là nó bóp vú em gái tao rồi, tao phải giết nó.
- Ấy, ấy đừng nóng, mà hỏng việc, nó đang là trụ cột trong đám người ở, tao thấy thế này, bàn tay Tài Phin đã sờ vào ngực vợ chưa cưới của quản chiểu tương lai họ Chu, tội không thể tha… nhưng hãy cho nó lập công chuộc tội, quả đồi cốc kham kia, nó giống vú em gái mày chứ, phải bắt bàn tay nó đào thành ruộng bậc thang.
Hai năm ròng, cấm không được bước chân vào nhà. Tài Phin và con trâu sừng cụt phải ăn, nằm ở căn chòi cốc kham, ngày ngày miệt mài đào đắp thành cánh đồng ngày nay. Một hôm cụ bà họ Bàn ra thăm ruộng, cứ trầm trồ khen, bà cho đặt tên là Nà Chúp và thưởng cho Tài Phin một bộ quần áo.
Hai mươi ba tháng chín, tiết Sương giáng. Mùa cốm đầu tiên, những bông lúa nếp hái từ Nà Chúp. Rộn ràng tiếng chày, tiếng đùa trêu của đám trai gái, những hạt nếp vừa chín sữa được hấp chín, rang vừa se vỏ, qua chày giã, tay vò dậy mùi thơm lừng. Xa xa kia, căn chòi Tài Phin le lói ánh đèn nhựa trám, thoảng trong gió, hình như có tiếng hát như khóc, như than:
“Anh như con chim không có cây để đậu, con thú không có rừng để về…”
Gần tàn cuộc, ta đã lén gói một tài ủn cốm vào lẩu víu(2), lặng lẽ lần về phía có ánh đèn Tài Phin. Như lá rừng khô, gặp lửa, với trợ giúp của gió, ta và Tài Phin đã bùng cháy lên ngọn lửa tình. Đêm thứ hai, đang ra đến nửa đường thì bị bắt lại. Ta bị nhốt trong buồng. Thằng Pửn hớt hải báo với ta, họ bắt Tài Phin rồi, trói nhốt trong chuồng trâu, không cho ăn uống, mấy người họ thì thầm bàn chuyện kín đáo lắm, vậy là rõ rồi, họ sẽ giết Tài Phin, chắc sẽ cho trôi sông. Xưa nay vẫn thường làm như vậy với kẻ buôn một mình qua đây hay kẻ ăn trộm ngựa, trâu mà làng bắt được. Đó là cho vào bao tải đặt trên bè đánh cá, đến Vằng Ngà khẽ ẩy xuống nước là xong, không để lại một tiếng kêu, một tàn tích. Ta hỏi thằng Pửn:
- Đêm nay ai đi đánh cá?
- Pửn và ba người nữa! Vậy là không sai rồi, ta lấy ra hai đồng bạc trắng:
-Hãy cứu lấy Tài Phin, bảo anh ấy hãy đi thật xa đừng trở về, nếu chuyện này lộ ra chắc nhiều người chết theo. Pửn cầm đồng bạc trắng, sụp lạy:
-Nếu không có chị cứu, em đã chết từ lâu rồi, việc này em sẽ làm bằng được, chị an tâm.
Trăng cuối tuần bàng bạc, một tốp người lặng lẽ đi xuống bờ sông, người đi giữa bị trói, bước đi lảo đảo, văn vẹo để giữ thăng bằng trên con đường gập ghềnh. Đến bờ sông, hai người đi sau bất ngờ chụp chiếc bao tải lớn, chùm hết người bị trói, đè vật xuống. Pửn nói với mấy người:
- Cụ bà nhắn tôi, hỏi người trong bao có nhắn gì lại không? Xin các anh đi ra xa để tôi hỏi cho tiện. Mấy kẻ lục tục bước ra ra. Pửn lay lay người trong bao, cúi sát đầu hỏi khẽ:
- Có nghe tôi nói không?
- Có.
- Vậy hãy nghe đây, dây buộc bao bằng nút sống, tôi đã luồn đầu dây vào trong bao, anh thử lần xem có thấy không?
- Thấy rồi.
- Anh hãy tự cứu lấy mình, chị Diều nhắn anh…
Lòng ta như có lửa đốt, dằng dặc những phút giây đợi chờ, lo âu. Ba ngày không có tin, năm ngày không có tin có xác chết trôi dưới hạ lưu Vằng Ngà. Vậy là Tài Phin sống rồi. Mong sao, ở nơi xa xôi nào đấy anh sẽ sống yên lành dưới bầu trời tự do.
Lập đông, trời se lạnh, ngày gặt đám lúa cuối cùng trên Nà Chúp, nhìn thấy mấy cây quýt còn xanh quả, ta bỗng ứa nước miếng, ăn một lúc năm, sáu quả vẫn còn thèm, chợt nhớ đến đêm tay trong tay, trong bữa cốm cùng Tài Phin, hay là có rồi… Tết đến, mọi chuyện đã rõ, họ Chu cho người đến đưa tin “xin chọn ngày tốt để Chu ứng về ở rể. Họ Chu không sợ thừa, chỉ sợ thiếu người…”. Vậy là họ Chu vẫn không buông tha ta, giọt máu của Tài Phin trở thành “cá trong ao” (3) nhà họ Chu. Không thể thế được. Sau mấy ngày tính toán, với mấy chục đồng bạc trắng trong túi nải, đang đêm ta trốn khỏi nhà. Chưa đến nửa ngày đường thì bị bắt lại. Với nắm lá ngón trong tay, ta sụp lạy bà cụ ngoại họ Bàn “xin cho hai mẹ con được chết”. Bà nổi khùng lên, gọi cả nhà đến hỏi ngọn nguồn câu chuyện, trước bà tổ tóc bạc như cước, mặt hồng hào như bà tiên, không kẻ nào dám giấu giếm câu chuyên. Cụ phán:
- Ta là con gái nhà họ Bàn, đã bốn thế hệ lấy rể, cháu đẻ ra phải mang họ Bàn. Họ ta đã ba đời làm chúa động, chưa làm điều gì độc ác với thiên hạ. Nay, sao lại bức bách cháu ta đến phải tìm lấy cái chết vậy.
Tất cả mọi người chắp tay vâng dạ.
Bố thằng Bình sinh ra vào ngày cấy lúa trên Nà Chúp. Đang cấy thì chuyển dạ, không kịp về nhà, mấy người dìu vào căn chòi Tài Phin.
Họ Chu căm tức, tìm cách cách chức động trưởng của họ Bàn. Nhưng gặp phải biến cố động trời, Nhật đảo chính, hất cẳng Pháp. Khắp nơi, những toán lính Nhật kéo lên lùng bắt quân Pháp. Đồn trưởng Đờ Đông hết đường chạy, phải qui thuận theo bộ đội Mai Trung Lâm. Chu Ưng vác súng theo Nhật. Mùa thu, Nhật bại, họ trốn lên núi làm Phỉ.
Cuối năm Đinh Hợi, Pháp nhảy dù, chiếm Việt Bắc, toàn dân chống Pháp. Bố thằng Bình được hai tuổi, là người phụ nữ biết chữ, lại đại diện dân tộc Dao, ta được chính quyền Việt Minh mời tham gia công tác đoàn thể làm bí thư phụ nữ xã. Công việc bộn bề, nhưng ta không nề hà gian khổ, theo đoàn thể, ta như cánh chim sổ lồng, mọi người đều bình đẳng, đồng cam, cộng khổ. Về nhà, thấy con là thấy Tài Phin, xuống đồng Nà Chúp là thấy Tài Phin... Ta được điều lên huyện làm phó chủ tịch hội phụ nữ thay chức của bạn tồng Diều Thổ sang làm phó chủ tịch huyện, 5 năm liền. Nhớ làng, nhớ Nà Chúp quá ta xin về, lại làm chủ tịch phụ nữ xã đến tuổi năm mươi. Lại cày cấy, thu hái, nối lại những mùa cốm bị đứt đoạn do giặc dã, loạn lạc. Điều không ai hay là, mùa cốm nào ta cũng để một phần gói trong lẩu víu tựa như hôm ta ra với Tài Phin, ta vãi đều xuống mấy thửa Nà Chúp với lời khấn “Tài Phin ơi, ở đâu về ăn cốm đi”. Nhưng hơn sáu mươi năm rồi, cốm được vãi xuống, vẫn không một lời đáp lại… Chợt nhớ, tôi mở máy, chọn hình ông nội trong trong Đại hội Cựu chiến binh huyện, phóng to lên, bà mếu máo:
- Ta quên sao được, đó người thứ ba hàng đầu từ trái sang. Bà cười trong nước mắt:
- Hôm nay thấy hình Tài Phin thì ta đã tuổi gần chín mươi rồi. Có lẽ trời thương ta, cho ta sống đến hôm nay để làm nốt mùa cốm này, sẽ không còn phải vãi trả cho đất Nà Chúp nữa.
Mai tôi về với ông, với những hạt cốm gói trong lá dong xanh. Chủ tịch Tiến Bình thuê hẳn chiếc xe bảy chỗ cùng về, để ông gặp đứa cháu đích tôn mà ông không biết nó đã có mặt trên đời này. Đón ông về thăm mảnh đất xưa, gặp lại người xưa cùng hình hài xứ đồng là thành quả bàn tay gọt giũa của ông, để nếm lại mùa cốm cách đây hơn sáu mươi năm.
Hết đêm nay mới đến ngày mai, lần đầu tiên trong đời, tôi cảm thấy thời gian sao trôi chậm như vậy.
(1)“Quản chiểu” là chức cai quản người Dao trên lãnh thổ một huyện, là cấp trên của động trưởng chỉ cai quản một xã.
(2)“Lẩu víu” là chiếc khăn đội đầu của người Dao.
(3) “Cá trong ao”, tục ngữ người dân tộc, cá trong ao của mình thì đó là cá của mình, ý nói, con theo trong bụng mẹ về nhà chồng thì đấy được coi là con của chồng.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...