Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
16:44 (GMT +7)

Miền xanh “bừng giấc”

Nếu ai đã từng đến xã Văn Hán (Đồng Hỷ, Thái Nguyên) chừng 10 năm về trước, nay trở lại chắc hẳn sẽ ngỡ ngàng. 10 năm cho một sự đổi thay toàn diện ở vùng đất vốn nhìn đâu cũng thấy khó như Văn Hán quả là điều khiến người ta nể phục.

Hái chè đổi công, một nét đẹp trong sản xuất tồn tại từ nhiều năm nay ở các địa phương, trong đó có Văn Hán


Những con đường của lòng dân

Văn Hán hôm nay như vừa bước ra từ câu thần chú biến hóa thần thông nào đó. Từ chỗ không có một mét đường bê tông nào, các thế hệ 7X, 8X vẫn kể cho nhau nghe về những đám cưới gặp trời mưa chú rể phải rước dâu bằng xe cải tiến, những người còn lại trong đoàn rước dâu nhiều người mang ủng. Những lớp bùn đỏ khi nhão nhoẹt, lúc đặc quánh luôn chực chờ “nuốt” luôn cả chân người. Mãi đến năm 2010, xã mới bắt đầu làm tuyến đường nhựa đầu tiên. Bắt tay vào thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, Văn Hán nằm trong top những xã có xuất phát điểm thấp, không những của huyện Đồng Hỷ mà còn của tỉnh.

Ấy thế mà, đến nay 64km đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện đều đã được trải nhựa và bê tông hóa, đạt tỷ lệ 100%. Hơn nữa, các tuyến đường đều đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông Vận tải. Tất cả hơn 26km đường trục xóm và liên xóm cũng đều đã được cải tạo, cứng hóa. Tổng chiều dài đường ngõ xóm của xã là 146,4km, thì đến nay đã có trên 90% đảm bảo không lầy lội vào mùa mưa...

Nghe tôi bày tỏ sự thán phục của mình trước những thành quả của xã Văn Hán trong việc thay đổi “diện mạo” một cách nhanh chóng những năm qua, đồng chí Lường Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND xã mộc mạc: Nhờ vào bà con cả nhà báo ạ. Vì nếu người dân không chung tay thì không thể có kết quả của ngày hôm nay. Chúng tôi gần như không gặp phải khó khăn gì đáng kể trong việc tuyên truyền để bà con hiến đất, hoa màu và công trình trên đất để làm đường. Nhà mất nhiều, nhà mất ít nhưng ai cũng sẵn sàng nhường phần tài sản của gia đình mình cho cộng đồng. Ngược lại, trong những cộng đồng ấy bà con cũng biết san sẻ với nhau lắm. Hễ gia đình nào phải phá dỡ quá nhiều công trình hay đơn giản chỉ là một bức tường bao rất dài, dù gia chủ không đòi hỏi nhưng bà con trong xóm sẽ tự khắc chụm vào hỗ trợ lại một phần vật liệu, tiền của hoặc công sức để bù đắp và giúp gia chủ kiến thiết lại.

Cứ như thế, xóm này lan tới xóm khác, cách làm hay của xóm này được xóm kia học tập, dần dần cả 17 xóm (sau khi sáp nhập hiện nay xã Văn Hán còn 14 xóm) không những đều cải tạo, nâng cấp được các tuyến đường giao thông đảm bảo tiêu chí nông thôn mới mà còn xây dựng được quỹ dùng để duy tu, bảo dưỡng đường thường xuyên.

Kết quả trên đã góp phần quan trọng giúp Văn Hán sau 5 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (2015 - 2020) không những đã duy trì mà còn nâng cao được chất lượng tiêu chí để đáp ứng yêu cầu đối với xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Đưa chúng tôi đi thăm một vài tuyến đường xóm, vị Phó Chủ tịch UBND xã trẻ tuổi không giấu được niềm vui, chỉ về phía những ngôi nhà lấp ló trong tán cây xanh mát. Đó là nhà của ông Lương Đức Bảo người đã hiến gần 1.500m2 đất ruộng và bãi chè cho con đường của xóm chạy qua. Kia là nhà ông Hứa Văn Lìm. Gia đình ông Lìm đã tự nguyện hiến gần 2.000m2 đất các loại để tuyến đường xóm được mở ra rộng, đẹp. Còn đây là tuyến đường nối xóm Thịnh Đức với xóm La Đùm. Tuyến đường này dài 2,6km mới được bê tông hóa hồi đầu năm nay. Để làm được tuyến đường này, tất cả 29 hộ dân sống ở hai bên mặt đường đã hiến gần 10.000m² đất mà chẳng mảy may suy tính thiệt hơn…

Thu vào tầm mắt hình ảnh những con đường làng uốn lượn như những dải lụa trắng len lỏi, vắt mình qua những mảng màu xanh ngắt của đồi rừng và những nương chè. Xe chạy chầm chậm, gió thu nhè nhẹ ập vào khứu giác hương thơm dìu dịu từ những vệt chè xanh trải dài ven đường.

- Bà con mình giờ trồng chè theo hàng lối đẹp quá! Mà mùi hương này chắc là của chè lai rồi - Tôi thốt lên.

- Thơm đúng không nhà báo. Đúng là các giống chè lai không chỉ cho năng suất cao mà còn rất lợi hương. Những người làm chè lâu năm có thể phân biệt được các giống chè chỉ thông qua mùi hương khi đi ngang qua bãi - Phó Chủ tịch Lường Văn Hoan cho biết thêm: Văn Hán giờ có gần 1.000ha chè kinh doanh, hầu hết đều là các giống chè lai. Chè cũng là một trong những “mũi nhọn”, giúp tỷ lệ hộ nghèo của địa phương vốn ở mức cao nay giảm còn chưa đến 1%.

Đường bê tông “vươn mình” tới từng ngõ xóm. Ảnh: Mạnh Hùng.

Vững chãi những “chân kiềng”

Với 1.000ha chè kinh doanh, diện tích chè của Văn Hán chiếm hơn 1/3 diện tích chè toàn huyện Đồng Hỷ. Vẫn là trồng chè nhưng cách sản xuất chè của người dân Văn Hán đã không còn như trước. Đó cũng là nguyên do giúp cho nguồn thu từ chè của người dân chiếm tới 60% doanh thu toàn xã.

Anh Hoan chia sẻ: Chuyển đổi sang trồng chè lai đã giúp cho năng suất và chất lượng chè của Văn Hán tăng lên rõ rệt. Sản lượng chè búp tươi hàng năm hiện nay đạt khoảng 13.000 tấn, gấp nhiều lần so với chục năm về trước.

Nhờ được tham gia các lớp tập huấn, tham gia các chuyến học tập kinh nghiệm nên tư duy của người dân trong canh tác đã thay đổi rõ nét. Người dân đã chuyển từ việc canh tác thụ động sang chủ động. Hệ thống tưới tiết kiệm và thông minh được người dân trang bị hầu như kín hết các bãi chè. Thế nên, thay vì chỉ thu chè chính vụ, đến nay khoảng 50% diện tích chè trong toàn xã có thể làm chè vụ đông, nhờ đó mà nguồn thu của các hộ trồng chè được nâng lên đáng kể.

Ngày càng nhận ra tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu nên người trồng chè ở Văn Hán không bán chè tươi cho thương lái các nơi khác đến thu mua nữa, nhiều hộ đã học hỏi kỹ thuật chế biến để tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, bán được giá. Cùng với đó, lần lượt 5 hợp tác xã sản xuất và chế biến chè trên địa bàn xã đã ra đời. Đi kèm với đó là một diện tích lớn chè của người dân được chuyển sang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và hướng hữu cơ, được các HTX hợp đồng thu mua tại chỗ với giá cả ổn định.

Một trong những người tiên phong và dám thay đổi là chị Dương Thị Chang, xóm Ba Quà. Mong muốn xây dựng thương hiệu cho chè Văn Hán luôn được chị ấp ủ. Năm 2019 chị Chang đã thành lập HTX chè Văn Hán trên cơ sở nhóm sở thích làm chè an toàn của chị em phụ nữ trong chi hội. Từ đó, chị Chang đã cùng với các thành viên trong HTX lập kế hoạch sản xuất, tham gia các khóa học về quản trị HTX, sản xuất, chế biến chè an toàn, chất lượng, giới thiệu, quảng bá sản phẩm… Đến nay, HTX có 8 dòng sản phẩm từ trung bình đến cao cấp. Trung bình mỗi tháng, HTX bán được 1 tấn chè khô với giá bán từ 200 - 500 nghìn đồng/kg.

Chị Dương Thị Chang, Giám đốc HTX chè Văn Hán (áo trắng) hướng dẫn xã viên thu hái chè đúng kỹ thuật

Đến nay, Văn Hán đã có 5 sản phẩm chè được chứng nhận OCOP. Chè Văn Hán ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến và ưa chuộng.

Sự thay đổi trong tư duy sản xuất của người dân còn mang lại những tín hiệu tích cực từ việc trồng rừng. Là xã có diện tích đất tự nhiên lớn nhất huyện, Văn Hán hiện có khoảng 4.000ha rừng, mỗi năm khoảng 500ha cho khai thác. Thu nhập vài trăm triệu đồng từ rừng với nhiều gia đình đã không còn là chuyện hiếm.

Qua rồi cái thời trồng rừng theo dự án PAM hay dự án 327, trồng rừng chỉ mong đổi lấy gạo ăn. Cũng qua rồi cái thời phần lớn diện tích rừng do các lâm trường quản lý. Từ năm 2015, Công ty Lâm nghiệp Thái Nguyên đã trả lại cho địa phương quản lý hơn 1.600ha rừng. Trở thành chủ nhân của những vạt rừng khiến tinh thần người dân phấn chấn. Không một rẻo đất nào còn bỏ trống. Cây chè đã giúp bà con có thu nhập thường xuyên nên rừng cũng không còn ai chặt bán non nữa. Thường cây keo đủ 6 năm tuổi người dân mới khai thác, nhờ vậy mà giá bán cũng cao hơn, mỗi lần thu hoạch tiền cũng “ra tấm ra món” hơn.

Phó Chủ tịch Lường Văn Hoan cũng thông tin thêm: Theo chủ trương chung của huyện nhằm làm tăng giá trị gỗ rừng trồng, hiện nay xã Văn Hán cũng đang là địa phương tiên phong của huyện phối hợp với cơ quan chuyên môn thực hiện các bước để tiến hành cấp chứng chỉ rừng FSC (Tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững) cho hơn 1.300ha của người dân. Tiêu chuẩn FSC nhằm tạo ra nguồn nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng, an toàn, chấm dứt tình trạng khai thác gỗ từ việc phá rừng, bảo vệ rừng hiệu quả.

Dự kiến, từ nay đến cuối năm công việc này sẽ hoàn thành. Được biết, khi chứng chỉ này được cấp, giá gỗ sẽ tăng bình quân cao hơn 7% so với giá thị trường và người dân sẽ được cam kết bao tiêu toàn bộ rừng khi khai thác.

Hạ tầng giao thông đồng bộ, kinh tế đồi rừng, vườn bãi phát triển, thu nhập của người dân được nâng lên kéo theo thương mại, dịch vụ cũng nhờ đó mà phát triển nhanh chóng. Không còn là cảnh đìu hiu, vắng vẻ như trước, ngoài chợ Văn Hán, ngay khu vực trung tâm xã hiện nay các cửa hàng, cửa hiệu cũng mọc lên san sát đáp ứng mọi nhu cầu thiết yếu tại chỗ của người dân.

- Vậy là có thể coi làm chè, trồng rừng và kinh doanh dịch vụ là 3 chân kiềng vững chãi giúp đời sống của bà con trong xã ngày càng sung túc? Tôi đặt câu hỏi mang tính tổng kết.

Chưa, còn một “chân kiềng” nữa. Phó Chủ tịch Hoan nhanh nhảu: Một bộ phận người dân Văn Hán còn một nguồn thu đáng kể khác từ xuất khẩu lao động. Toàn xã hiện có hơn 400 người đi làm việc tại thị trường Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc. Nguồn thu nhập này không hề nhỏ với các gia đình có người thân đang xuất ngoại.

Những đổi thay ở Văn Hán được ghi dấu bằng Quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới của UBND tỉnh năm 2018. Không bằng lòng với những gì đã đạt được, xác định xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong xã tiếp tục phấn đấu nâng cao chất lượng tiêu chí xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Và, mục tiêu đề ra đã đạt được vào năm 2021.

Nhưng, suy cho cùng thì chương trình gì, dự án gì hay nói đến sự đổi thay ra sao thì thước đo quan trọng và chính xác nhất có lẽ vẫn là chất lượng cuộc sống của người dân. Về điểm này, lại thêm một lần nữa minh chứng cho những bước tiến của Văn Hán. Nếu như năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của xã mới đạt 32 triệu đồng/năm, con số này vào năm 2019 là 35 triệu đồng và tiếp tục tăng lên 39 triệu đồng vào năm 2020. Năm 2021, con số này đã đạt đến 45 triệu đồng.

Phó Chủ tịch UBND xã Lường Văn Hoan còn bật mí rất nhiều dự định, nhiều mong muốn mà cấp ủy, chính quyền xã đang nỗ lực, từng bước đồng hành cùng bà con trong xã. Với những gì được mắt thấy tai nghe, chúng tôi tin, ý chí và sức mạnh đoàn kết của những con người ở mảnh đất này sẽ còn tạo ra rất nhiều “quả ngọt” trong một tương lai không xa nữa.

Ký. Kim Ngân

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Không khóc ở Đài Loan

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 11 tháng trước

Trái tim bồ đề

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 11 tháng trước

Thái Nguyên lưu luyến trong tôi

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 11 tháng trước

Người bản Dao thay áo cho rừng

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 1 năm trước

Văng vẳng tiếng còi tàu

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 1 năm trước