Mê cung shan tuyết cổ thụ trà…
Đứng trước các gốc trà đại cổ thụ của miền núi phía Bắc Việt Nam, từ Na Hang sang Suối Giàng, lên Hà Giang vòng sang Tủa Chùa, ngược Tà Xùa lại lội rừng Phia Oắc,… tôi cứ ngẩn ngơ như con nghiện bẹp tai lạc vào một lán nương thuốc phiện kì ảo. Ai đó bảo, hoa anh túc, lúc tím ngát ngẩn tò te, khi rực lên màu hoàng yến, đẹp đến gai gai trên da thịt. Song, đó là nhan sắc chết người của loài hoa “mỹ nữ ăn thịt người”. Ma túy, một con ma đáng sợ bậc nhất của sự say sưa điên đảo. Những điều khó hình dung nhất trên cõi đời này, đều có thể thấy ở thuốc phiện, heroin, hồng phiến, bạch phiến. Trong khi đó, chè cổ thụ, nó cũng cung cấp một thứ tannin (ta-nanh) gây nghiện chả kém gì “đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên”; nhưng hoa của chè thì lại dịu dàng không chịu nổi.
“Uống trà Mạn Hảo, ngâm Nôm Thúy Kiều”
Thơm thi thoảng, có gì đó ngòn ngọt mà chát bâng quơ, nó là hương vị gây nghiện và bao giờ cũng dễ gợi cho lữ khách nhớ về một cái gì đó thô mộc - như ổ lá chuối khô của bà bủ giữa một mùa hoa xoan tím não nùng. Còn nụ chè, quả chè, lá chè, búp chè, các “vảy rồng” (mầm cành) trên thân cây chè thì là một “dược tính mạnh” làm người ta phải âm thầm, thao thiết đeo đẳng cả đời. Nói về người đàn ông “hư” một cách phong trần lãng tử xưa nay ở Việt Nam, ca dao tục ngữ có đủ câu về “tệ” nghiện trà. “Một trà, một rượu, một đàn bà/ Ba cái lăng nhăng nó quấy ta”. Rồi: “Cánh cò trắng bạc như vôi/ Có về làm lẽ chú tôi thì về/… Chú tôi hay tửu hay tăm/ Hay uống chè đặc hay nằm ngủ trưa”.
Cà phê mới du nhập, có gì đó Tây học hơn trà và nó chủ yếu ở các đô thị với người trẻ. Còn trà (chè), người Việt Nam ta uống cả đời, ở mọi nơi và mọi bữa hoặc vài cữ chè giữa hai bữa ăn. Hầu hết người ta nghiện chè một cách âm thầm mà không hề biết, giống như “nạn” nghiện muối biển, muối mỏ mà các nhà khoa học đang cảnh báo vậy.
Các nương chè bạt ngàn ở khắp đồng bằng, trung du, bán sơn địa, miền núi Bắc bộ, Bắc miền Trung Việt Nam. Song, thế giới quyến rũ nhất của văn hóa - thói quen uống trà của người Việt, có lẽ vẫn là chuyện về các bậc đại thụ shan tuyết. Cây chè to, có khi cả một hai người ôm mới kín vòng gốc, cọng chè khô từ “cụ trà” này thường có một lớp màu trắng như kiểu tuyết phủ mơ màng. Với những người nghiện chè, họ có thể xao xuyến rồi rùng mình khi nhìn thấy mỗi cọng chè tuyết kia, hoặc khi chạm lưỡi vào chén trà nóng pha từ nó. Một vị thơm không sực nức, cũng chẳng lõa lồ. Nó thoáng nhẹ, nó làm người ta tỉnh mỉnh mọi giác quan. Thơm man mác, ngan ngát. Ngai ngái chát, nhẹ mà ngân dài từ bờ môi vào tít vô tận sau vòm, cuống họng….
Cả tuổi thơ hái chè, tôi phun thuốc trừ sâu tứ tung vào sáu sào chè vùng bán sơn địa nhà mình. Tôi và bà hái chè từ bản người Mường sang phía bản người Dao, quay vòng lại thì chè ở phía bản Mường đã xanh um. Đời bà ngoại tôi là dấu cộng của những vòng tròn đi quanh mấy nương chè vùng Ba Trại. Đôi lúc, tôi đã ân hận nghĩ, các thùng phun thuốc trừ sâu có viên bi tròn xanh như mắt mèo, tống đủ Vô-pha-tốc rồi DDT (tên thuốc sâu độ ấy) của chúng tôi, đã khiến nhiều người bị tàn lụi thân thể, trong hàng chục năm ròng. Chỉ riêng kĩ năng nghề nghiệp gật gù tư lự, như đàn trâu “ngẫm nghĩ nhai” cho nát chè bằng bốn cái răng cửa, rồi dàn đều chè búp tươi uốn móc câu, chè bồm lồm xồm lá già gãy vụn ra mặt lưỡi của mình, rồi nhắm mắt cảm nhận vị chát ngọt để phán đoán xem chè ngon hay không, chế biến lâu hay mới, giá này có bị đắt hay đang rẻ… đã đủ để tôi trở thành “cao thủ nghiện chè”.
Dùng lưỡi mà thẩm. Rồi lại còn dàn chè vụn sau khi nhá ra giữa hai ngón tay trỏ và ngón tay cái để nghiên cứu độ xanh của nước, độ chát của hương. Lúc trẻ trâu lang bạt kì hồ, “tối đâu là nhà/ ngã đâu là giường”, khát là uống, đói là ăn, ít khi ngẩn tò te thưởng lãm hương vị của các “thời trân thức thức sẵn bày” theo lối của người Thiên Chúa. Họ làm dấu, cầu nguyện trước bữa tối, cảm ơn trời đất thánh thần đã ban cho cơm gạo mùa vàng, đồ ăn thức uống, lúc đạm bạc qua quýt, khi rinh rượp linh đình. Đến tuổi trung niên, có thể do ưu thời mẫn thế, có thể do tri thiên mệnh sống gấp hoặc do phú quý sinh lễ nghĩa, tôi đã thấy các chuyển biến rõ rệt trong nhận thức về ăn uống của mình. Mới bắt đầu thấy rùng mình mỗi khi đầu lưỡi chạm phải các cái món quà ảo diệu của thượng đế. Trời sinh, trời dưỡng, trời sinh ra và xúi giục con người phát hiện ra các chất gây nghiện, từ ma túy, đến coca - cola, đến thuốc lá thuốc lào, rồi chè búp chè bồm. Ở góc độ nào đó, chúng là tinh túy của đất trời và chúng chỉ đôi khi đáng trách móc, vì con người đã lạm dụng chúng thôi. Dược tính của anh túc (cây thuốc phiện) trong y học là tuyệt vời, nhưng những kẻ ngáo đá hay bán vợ đợ con để làm nô lệ của nàng tiên nâu rồi cái chết trắng mới là đáng trách.
Tôi đã nghĩ vậy, khi phát hiện ra mình nghiện chè mạn. Mỗi lúc cái mùi nó tỏa tỏa, len lén xâm chiếm không gian, nước nóng dâng hương chè lên ngang tầm mắt người thưởng lãm. Nước với chè vừa chạm nhau, dù bạn tráng chè đổ bỏ ra ngoài hiên, thì cái mùi tinh tươm trinh trắng của tannin (chất kích thích gây nghiện trong chè) vẫn vô cùng hớp hồn người ta. Nó khiến “nạn nhân” say mê bủn rủn khi nhìn thấy ánh shan tuyết của búp chè từ cây cổ thụ. Khiến họ đi trong nương chè, vệt chân làm vỡ những cọng lá tươi ròn, cái mùi ngan ngát đăng đắng của nhựa chè bốc lên, có thể khiến “nô lệ” vào chè trở nên ngây ngất. “Chú tôi hay tửu hay tăm/ Hay uống chè đặc, hay nằm ngủ trưa”. Chú ấy say mê cái ấm pha trà, chén tống chén quân, rồi bình thủy, rồi lọ bảo quản chè, rồi cung cách ngưu ẩm hay tiên ẩm, rồi tinh tế đến ranh mãnh trong từng phán đoán về sự tinh túy hay thô lậu của chè người ta mời… Tất tần tật, nó là một thứ “đổ đời” vào chất gây nghiện, dù ở mức độ chưa đáng lên án lắm. Đôi khi họ nâng tầm lên thành văn hóa với cái tinh tường chất nghệ của ai đó trong thưởng trà. Nghĩ cho cùng, nó có khác gì nhiều lắm so với cái cách gẩy thuốc phiện vào ống tẩu nạm vàng bạc, rồi lơ mơ thả hồn theo nhan sắc của Ả phù dung thuở trước đâu? Khoan hãy nói đạo đức và luật pháp ở đây. Với góc độ “nghiện”, thì hai gã uống trà và hút thuốc phiện kia, đều “nuông chiều cảm xúc” theo một thứ chất gây nghiện có quyền năng dắt mũi người ta đấy chứ.
Cuối cùng, sau 8 tiếng lái xe ô tô cộng thêm 2 tiếng đi bộ, chúng tôi đã đến được nơi ngự trị của các cụ chè shan tuyết cổ thụ ở Cao Bành (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang). Đi tiếp lên xã Phương Độ, bản Khuổi Ty, cơ man nào là chè cổ. Cổ đến mức người bên kia biên giới sang Việt Nam thuê các cụ chè để… chụp ảnh, đem về làm thương hiệu bán hàng rởm. Đến mức tỉnh Hà Giang từng đau đầu với nạn “đào tận gốc, trốc tận rễ” các cây chè cổ đem về biên kia biên giới. Nguồn tin từ chính quyền địa phương, các đơn vị “cơ mật” đi dò xét thì thấy họ đem cây chè cổ về bên kia biên giới ươm ở một góc rừng cho… chết khô. Từ đó, người ta nghĩ đến việc triệt hạ kho báu di sản đại thụ trà; việc cạnh tranh không lành mạnh của tư thương; hoặc có thể đơn giản là họ yêu thích các cụ chè vài trăm năm tuổi, muốn bứng về làm của riêng, song thổ nhưỡng khí hậu khác, có thể lòng người cũng khác nữa nên các cụ “bực mình không ở”. Không ở tức là về trời.
Cũng không ngoại trừ “nội xâm” giết đại lão shan tuyết trà, khi mà các trọc phú có tư gia mênh mông, muốn đào gốc chè cổ về ươm trong nhà mình để ngắm một mình. Để thưởng trà theo kiểu ngưu ẩm (trâu uống nước suối). Ở Suối Giàng, tỉnh Yên Bái, giữa đỉnh trời mây mù, các gộc chè cổ bị đào đất khoanh tròn, đánh bầu trong nhiều tháng trời, trước khi cho xe cẩu đem về xuôi. Nếu cơ quan hữu trách không tá hỏa bảo vệ, thì còn đâu shan tuyết kết tinh mây mù, gió khoáng đạt, núi đồi cao và khí lạnh ướp ủ bao nhiêu tinh túy để làm nên mỗi cọng chè trác tuyệt.
Nỗi lo toan của các thiên sứ màu diệp lục
Xưa, “Làm trai biết đánh tổ tôm/ Uống chè Mạn Hảo, ngâm Nôm Thúy Kiều”. Sử cũ chép rõ, cũng vì sự xâm lăng, sự phá hoại của ngoại bang, mà danh trà Mạn Hảo của Đại Việt ta bị thất truyền. Nay các gốc chè shan tuyết lại bị người phía ta và người bên kia cùng phá. Tiếc lắm thay. Nhưng, có lên đại ngàn Tây Bắc, Việt Bắc, mới thấy sự sân si của thói đời chỉ vo ve như ong muỗi đốt vào các gốc cổ thụ bao đời qua “ngại gì gió ngại gì mưa” đứng hiên ngang như cây nghiến cây táu giữa trời kia. Các cây chè u mấu cổ quái, cành tán trùm xòa, thân mốc thếch trắng toát đan dày như kén tằm. Có lúc mơ màng, buông ánh nhìn từ đỉnh mây mù sang lớp lớp muôn trùng núi chồng lấn nhau như sóng biển của dãy Tây Côn Lĩnh, tôi cứ nghĩ, lá chè là một thiên sứ mặc áo màu diệp lục được bề trên cử xuống để thử lòng nhân gian. Phẩm tiên rơi xuống tay phàm, những kẻ trọc phú đào gốc chè cổ, chỉ như những kẻ trợn mắt nuốt cái mà chúng tưởng là ngon ngọt ở đời, cuối cùng chỉ là những gốc chè chết héo, những lá chè ướp ủ bụi mịn phố xá với lại mùi khói xăng và các dòng sông thối hoắc. Hồn chè shan tuyết đã bay cao. Màu tuyết trắng mưa mưa móc, như băng đăng, như phấn điệp phủ trên mỗi cọng chè móc câu thơm nhằng nhặng đắng kia, chính là màu và phấn mang về từ các gốc chè xôm xốp, trắng ngần một lớp địa y chưa vướng bụi hồng trần này đây.
Có lần, ngồi thưởng trà dưới gốc cây cổ thụ, tôi đã thiu thiu ngủ và trong đầu ong ong câu chuyện Tào Tháo rút kiếm chặt cây lê cổ thụ. Hồi ấy, Tháo xây dinh thự mới để đón mỹ nhân mới ở thành Lạc Dương, lao công báo về có một cây mơ cao lớn không tài nào hạ nổi để dọn mặt bằng thi công. Tháo tức giận vác kiếm đến chặt. Tháo vung kiếm, thấy máu đỏ từ thân cây màu xanh phọt ra. Đêm về, mê man, Tháo thấy thần cây lê đầu bù tóc rối, mặc áo choàng xanh, lớn tiếng chửi thằng Tào A Man. Xung quanh lênh loáng toàn máu… màu xanh. Thần bảo: “Ta là thần cây lê, ngươi hại cây thiêng của ta, phải đền tội gấp 10 lần”. Từ bấy, Tháo đau đầu, sau này Hoa Đà thần y cũng bó tay.
Nếu ở đời có mộc tinh, thì có lẽ, cây chè cổ thụ đã sống lâu để tôi luyện nên thứ linh đan trong mỗi cọng chè, mỗi lá búp xanh. Màu xanh nhẹ, vị thơm mơ màng và cái chan chát nhấp nhứ, cái ngòn ngọt cũng cầm chừng thoáng có thoáng không thôi. Mà vô cùng ám ảnh. Và gây nghiện lúc nào không hay. Lúc ngậm ngụm chè vài giây, để lưỡi bạn tẩm trong thứ nước chát mà ngọt len lén bí ẩn đó. Bạn sẽ thấy lưỡi mình như quăn đi vì chát, rồi mảng vui, mấy phút sau bạn mới nhớ khoang miệng mình và dọc dài vòm họng mình đang ngọt một cách không giống bất cứ cái ngọt lồ lộ khoe khoang nào khác. Nó là ngọt của chè Mạn Hảo, shan tuyết, là lời hiệu triệu của núi cao và mây mù. Tôi đã lịm đi, khi cô thiếu nữ Dao ở Khuổi Ty trao cho mình chén trà dưới mái nhà sàn lợp gianh ềm ệp sương núi. Sương ủ triền miên, mái lá mọc rêu dày cộp và vàng óng ả. Có chỗ xanh ngời như mạ mới gieo. Giống như một lớp băng tuyết dày vừa trùm lên khiến các nếp nhà võng xuống vì quá nặng, bỗng dưng có một phép màu khiến tuyết trắng trở nên vàng óng và xanh mơ tất thảy. Người Dao ở Khuổi Ty bắc ván lớn trên các cành chè cổ thụ và đứng trên đó hái chè đời nọ qua đời kia. Có thời, họ còn huấn luyện khỉ chuyền cành nhí nhảnh vặt chè ném xuống. Chè búp ngậm mây mù trên đỉnh núi lạnh căm sao khô trên chảo gang bếp củi, lúc uống, mùi khói sậm lên trước khi cái hương huyền diệu và cái chát kinh điển của chè Tây Côn Lĩnh kịp rền vang. Người vùng cao Hà Giang còn có thói quen làm chè lam, mới thật là hực lên toàn khói bếp. Chè nóng trên chảo, nóng ấm trong bàn tay sao đảo chè son trẻ của sơn nữ, cho ngay vào nước nóng, uống luôn, đã là sành chơi. Giờ lại lên rừng đẵn cây nứa bánh tẻ, về hơ héo trên than đỏ, lắc nhẹ, thấy nước từ ống nứa thơm hương đại ngàn bắt đầu ọc ạch. Bấy giờ mới đem chè xuân mới sao đổ vào. Chè hơi bết lại, ngấm nước, nút lá chuối kín, bỏ lên gác bếp tứ thời đỏ lửa. Chè khô dần, kín đáo lên men, có thể bỏ trên gác bếp một trăm năm, thời gian càng trôi, lam trà càng trở nên ngon nghẻ.
Chè shan tuyết, bây giờ, đôi khi và ở đâu đó, đang bị lợi dụng một cách tai hại. Chỗ nào cũng trưng biển chè shan tuyết, bán hàng tấn hàng tạ trên mạng xã hội và ở ngoài đời. Trong khi cả buổi đi bộ, đánh vật với các cung đường núi, trèo vắt vẻo trên các ván gỗ cao bắc ngang các tán đại thụ trà, mấy sơn nữ mới chỉ hái được già nửa quẩy tấu búp tươi. Chế biến kĩ, sàng sảy bỏ các mảnh vụn ra đời từ lá chè, chỉ còn lại một vài vốc móc câu chè búp. Cây chè già lắm, nhựa sống đã hao khuyết nặng nề, hương không sực nức như các cây chè thiếu nữ năm nào cũng đốn bằng phẳng ở miền Tân Cương. Chè già, ít búp. Lấy đâu ra bán hàng tạ hàng tấn.
Hỏi bà con thì mới biết: các doanh nghiệp láu cá toàn vào vùng chè của bà con làm hình ảnh, làm thương hiệu, lấy “mã” chỉ dẫn địa lý của bà con rồi trà trộn bán các loại chè khác vào. Họ về rồi họ ra đi, bà con không được một cái gì, đến quyền bán chè nguyên liệu cũng không nốt. Đến bản quyền gương mặt hay gốc chè đi vào ảnh quảng bá “treo đầu dê bán thịt chó” của họ cũng không nhận được một lời cảm ơn. Chỗ nào cũng shan tuyết, đóng gói, bán trao tay một cách điêu trá. Rồi cả người vùng shan tuyết nhưng bán chè nơi khác quay vòng về - nhưng thật ra, lắm khi họ chỉ núp bóng các cội chè già. Chè di sản quý, lính đánh trận trong Chiến tranh Biên giới gọi loại chè này là “chè chốt”. Giờ đây tên ấy đã khá phổ biến. Ở trên chốt đuổi quân thù xa xôi, vặt ít chè cổ thụ mà tự cung tự cấp uống với nhau, mới tuyệt hảo làm sao trong kí ức các chiến binh vệ quốc miền xuôi. Chè, hồi đó không thể giả cầy như bây giờ được.
Cô gái Dao vừa sao chè vừa live-stream trên facebook
Nhớ mãi cái buổi cùng trưởng bản tên là Nhì ở Cao Bành đi lên núi. Chụp ảnh cây chè to, cũng bị người dân kéo ra ngăn cản. Sao không cho nhà báo chụp ảnh, bác ơi? Ta không biết nữa, con ta bảo cấm. Tìm hiểu kĩ, hóa ra có nhiều người dẫn khách lên tự sướng, quay phim, làm hình ảnh với các cây chè cổ. Rồi khách mua, khách ship hàng có bao giờ được uống thứ chè thật sự của vùng chè cổ này đâu. Họ chỉ mượn hình ảnh cây chè lớn để bán hầm bà lằng đủ thứ chè nhăng cuội, thế là con của bố bản tức giận và cử người canh gác ngoài cửa nương chè! Chủ yếu canh gác để giữ bản quyền, làm hình ảnh bán chè cổ thụ trên Facebook và Zalo. Thanh niên bản Mông, bản Dao rồi các bản Tày như Cao Bành, Khuổi Ty giờ vừa hái chè, vừa sao chè vừa livestream (thường thuật trực tiếp trên internet) là thường.
Có nhà báo ở VTV24 bị chém xả ống tay, bởi dám quay phim nhằm tố cáo chè bẩn. Nhiều nơi, họ mua chè siêu rẻ về rồi “công nghệ” nó đi: bỏ vôi ve vào tạo màu xanh của nước chè khi uống, bỏ đường hay mì chính vào làm ra vị ngọt mà những kẻ nghiền tannin đang lùng tìm, cái chan chát thì chè nào cũng có sẵn, kể cả chè 30 nghìn đồng/kg. Họ cắt búp chè bằng máy, vứt chè tươi ra đất bẩn, lẫn cỏ rả, vứt chè sao héo óng ướt nhựa ra đường bụi bặm mà phơi. Có chỗ cho cả hợp chất lầy nhầy lẫn với bột đá để tăng trọng lượng.
Đôi khi và ở đâu đó, họ chỉ mượn cây chè của người ta để “làm màu”, cũng như người Trung Quốc sang chụp ảnh thuê với cây chè để lừa người mua. Một cuộc cạnh tranh ngấm ngầm đang diễn ra bên mỗi gốc cổ thụ trà. Nhiều người ở bản vắng heo hút, đường vào chưa có, sóng điện thoại còn tậm tịt. Song, họ đã thức thời bán hàng trên Facebook, Zalo rất nhiều. Bàn Thị Dín, vừa sao chè, má hây hây, vừa rút điện thoại livestream cho thiên hạ biết mẻ chè hảo hạng, để tiếp tục bán. Họ thật thà, bán chè từ cây cổ thụ, hoặc từ cây 50 năm tuổi hoặc cây 10 năm tuổi, thì cũng vẫn thế. Trên này là chè rừng, có ai phun thuốc trừ sâu hay chất kích thích tăng trưởng gì đâu. Tốt cả thôi.
Sợ nhất là mấy ông muốn làm ăn to mà không muốn bỏ công, bỏ của, bỏ sự động não một cách lương thiện.
Tôi cảm kích với việc hạnh ngộ các vị shan tuyết trà “bách niên giai lão” quá nên nảy sinh ý định ngồi thiền định giữa rừng. “Uống trà Mạn Hảo ngâm Nôm Thúy Kiều”. Mỗi cây chè cổ có vòng gốc hơn một người ôm. Những nghĩ là mình sẽ gặp “mộc tinh” của miền chè huyền thoại này, bởi cái Tâm của mình với thứ thời trân mang tên trà hảo hạng. Cái ấm két bám nhựa chè cũng không dám cọ nhiều sợ phí phạm của san hào. Hương chè bay lên, là cơ thể du dương bủn rủn. Lúc ở bên kia bán cầu, giữa văn hóa cà phê, không ai thưởng trà cùng, tôi chỉ biết thò tay vào ví, nhúm lấy hai cọng chè cong đen như chiếc lưỡi câu dự phòng của cần thủ. Nhai giòn tan rồi vị ngọt chát không thứ thảo mộc nào thay thế được bắt đầu râm ran, sự đê mê lan tỏa khắp cơ thể. Bất kì bữa tiệc nào, nếu chưa có tối thiểu vài cọng chè nhai lèm bèm kín đáo rồi cảm nhận vị sin sít ở đầu lưỡi kẽ răng, thì tôi vẫn thấy đại tiệc kia nó chưa thể nào kết thúc. Và nó chẳng ra thế nào cả. Người ta gọi đó là cái sự nghiện. Nếu có gì đó trong 46 năm qua tôi đã thật sự bị lệ thuộc và phải phục tùng nó mỗi ngày, thì duy nhất chỉ có trà mạn. Khỏi cần cầu kì pha chè tráng ấm, chỉ cần bạt mạng thả chè vào nước suối lạnh, pha trà không cần nước nóng mới là sành điệu nhé. Đi rừng, uống một chai trà shan tuyết pha bằng nước nguội trong… suốt vài ngày. Mà vẫn thấy thỏa mãn khôn cùng.
Và giờ đây, tôi nhắm mắt giữa bạt ngàn chè cổ thụ. Anh bạn đồng hành, bố chết sớm, chỉ chia tài sản cho con trưởng 8 gốc chè to, mà anh ta sống đủng đỉnh, dư dả cả đời. Anh ấy về bản uống rượu. Ở lại rừng, tôi cố yên lặng. Khi con người thôi ồn ào, thì thiên nhiên bắt đầu cất lên các âm thanh nhiệm màu vốn có của nó. Đầu tiên là tiếng kêu thất thanh của một con nhái ngay bụi cây trước mặt. Sau đó là tiếng đập cánh mơ hồ của một chú chim nhỏ.
Thì ra một con nhái bị ngài rắn ranh mãnh đang vươn vai cố nuốt chửng. Tôi mở mắt và cố bất động con ngươi, không chớp. Lũ chim rừng bé xíu không thấy dấu hiệu của sự sống nào đang đe dọa mình cả. Chúng bắt đầu trình diễn những vũ điệu hoan lạc, cọ mỏ hôn nhau. Gần đến mức, chỉ cần đôi chim chao đập cánh thôi, đã khiến kẻ trùm khăn giả làm tượng thấy “gió đâu gió mát sau lưng” hẳn hoi. Tôi cứ nghĩ, nếu biết tọa thiền thật lâu, biết đâu lũ chim sặc sỡ bé xíu này lại làm tổ trong tai mình như Đức Phật đã gặp hồi xưa...
Rừng chè shan tuyết đại thụ, các vị ấy còn dạy người ta nhiều lẽ sống khác nữa, nếu thật sự bạn biết lắng nghe. Chứ không chỉ là việc trở thành nô lệ của chất gây nghiện trong loài cây bí ẩn và vô cùng giản dị có tên là: Trà. Quá nhiều người, nhất là đàn ông Việt Nam, họ uống trà mỗi bữa, mỗi ngày nhiều lần, cứ như vậy 365 ngày/năm và có khi cả đời hầu như đều thế cả. Do vậy, nếu mua phải chè bẩn, thì thức uống này là thứ làm hại họ đều đặn, thường xuyên và tích tụ độc tố bậc nhất so với tất cả các loại thực phẩm khác trên đời này…
“Một trà, một rượu, một đàn bà,/ Ba cái lăng nhăng nó quấy ta/ Bỏ được cái nào hay cái đó/ Có chăng chừa rượu mới chừa trà”. Cái đức lớn nhất của trà so với các cái còn lại kể trên - Ấy là người ta có thể hất bỏ cả giang sơn vì một người đàn bà; có thể bán vợ đợ con ở vì rượu chè cờ bạc ma túy; song xưa nay, chưa có ai kể, cũng không thấy sách sử nào chép lại câu chuyện về việc ai đó tán gia bại sản vì nghiện uống trà cả. Cái sự nghiện đó, cơ bản, đến nay, vẫn thấy khá lành lẽ.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...