Mây bay cuối trời
Nhà văn Bùi Thị Như Lan vừa cho ra mắt bạn đọc tiểu thuyết “Chuyện tình Phja Bjooc” (Nhà xuất bản Quân đội, 2017). “Chuyện tình Phja Bjooc” khắc họa “xã hội thu nhỏ” ở bản làng vùng cao Việt Bắc, thời điểm những năm 60 đến những năm 90 của thế kỷ 20 và những năm đầu của thế kỷ 21. Nơi ấy, người dân rẻo cao đã đồng hành, sát cánh cùng đồng bào trên mọi miền đất nước trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bi tráng mà oai hùng của dân tộc. Chiến tranh giống như con dao sắc chạm trổ trong ký ức với những số phận con người điển hình khởi nguồn từ quá khứ, gặp nhau nơi hiện tại. Ở họ, tình yêu, khát khao cháy bỏng, nỗi niềm trắc trở, ly tán bi thương, thăng trầm, hy sinh mất mát vì chiến tranh… cùng sự đố kỵ, ghen ghét, tham lam, bảo thủ, cơ hội, lọc lừa, phản trắc… hiển hiện giữa ảo và thực, cũ và mới đan xen, lồng ghép trong thật, giả, thiện, ác… đã hiện rõ nét trong tác phẩm qua thủ pháp đồng hiện của nhà văn. VNTN trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc chương 16 của tiểu thuyết “Chuyện tình Phja Bjooc”. |
Nắng trong trẻo, óng vàng. Rừng mác cọt tràn ngợp hương dịu ngọt của mùa quả đang vào độ chín. Thói quen từ mấy chục năm nay đưa bước chân Ri về bên gốc cây mác cọt đôi, chập chùng cánh võng thời thiếu nữ. Nhẹ đung đưa võng dây, chị hồi hộp tưởng như chuyện của chị và anh vừa xảy ra. Hơi anh nóng ấm trong nhịp thở của lá, của quả. Tiếng cười anh khiến cho những giọt nắng nhảy nhót vũ điệu hoan ca. Nụ hôn say đắm, ngọt ngào quấn riết còn bỏng rát môi chị. Mồ hôi anh ướt dượt ngợp người chị đấy thôi. Lần đầu, chị biết thế nào là trái ngọt thảo thơm tình yêu. Chị “ăn vụng” trái cấm trong dâng hiến đê mê. Tình yêu anh đưa chị trôi bồng bềnh trên cánh võng, du dương theo gió dưới thảm lá êm ái, có lúc như dập dềnh trên sóng nước… Lúc ấy, chị tin là rừng mác cọt, với những chùm quả tròn căng, anh ánh sắc vàng có ngàn vạn ánh mắt chứng kiến tình yêu say nồng của chị và anh.
…Hình bóng anh ùa về trong tâm trí. Tiếng nói anh thủ thỉ, nhẹ êm:
- Mai anh xuống núi nhập ngũ, anh nối chân ông và pò làm người lính.
- Sao anh nhất định phải làm người lính? Có gì sướng đâu anh? Như ông cậu bị thương rồi mất, cha đi mãi không về, mộ cha cũng không biết ở đâu trong Nam xa xôi. Em lo..!- Ri thảng thốt nói trong nước mắt.
Khẽ kéo đầu Ri ngả vào vai, anh bảo:
- Em à, lo gì chứ, đằng nào anh cũng lỡ dở không nhập trường đại học được! Giọng Hợp thoáng trầm tư, lát sau anh mỉm cười: - Anh hỏi trên Ban tuyển sinh huyện rồi, kết quả thi được bảo lưu mà Ri. Đất nước im tiếng súng, anh về học tiếp. Em cùng Rinh ở nhà học hộ phần anh nhé. Phải học thật giỏi…
Biết là trước lúc chia tay người đi xa, khóc thì không tốt, nhưng mắt chị ầng ầng nước. Anh ghì xiết chị trong vòng tay lực lưỡng. Môi anh mi miên lau khô nước mắt chị. Anh thầm thì, nước mắt chị không mặn như người khác. Giọt ngọt, giọt đắng đan xen, giống như ăn măng vầu đầu mùa vậy. Nghe anh nói thế, chị bất giác véo nhẹ cổ tay anh:
- Anh biết thả lời hay, câu đẹp từ khi nào thế? Làm gì có nước mắt vừa ngọt vừa đắng?
Khe khẽ lắc đầu, anh mỉm cười: - Em không tin sao? Nào hé môi ra, anh cho em nếm thử nước mắt mình!
Ơ, đúng là nước mắt chị lúc thao thảo ngọt, khi nhằm nhặm đắng thật. Lần đầu chị biết khao khát yêu, cũng là lúc chị nhận ra nước mắt mình không giống như người khác. Sao thế nhỉ? Phải chăng tình cảm nồng nàn của anh hòa tan, chưng cất nước mắt chị có vị khác người?
Đất dưới chân chị khe khẽ rung. Chị và anh đắm đuối. Người anh rắn chắc, hơi thở của anh rừng rực phả nóng vào bầu ngực tròn căng, trắng hồng của chị. Phút chốc chị nghẹt thở và chìm mãi vào miền hoa mạy mác chênh chao tím, mênh mang gió, lãng đãng sương chiều đang từ từ dâng lên… Xa xa vọng lại bản giao hưởng muôn đời của bảy tầng thác Lỉn.
Chiều. Những đốm nắng thu mình vào miệng mặt trời. Rừng mác cọt mênh mang khoác áo tím huyền diệu. Khói bếp dưới bản gọi anh và chị về nhà. Không muốn giấu mé, chị và anh dắt tay lên bậc cầu thang, qua bậu cửa, ngồi sụp xuống bếp vuông.
Đôi mắt trong veo của em Rinh thoáng chút hồ nghi.
Không nhìn chị và anh, mé dịu dàng trách:
- Hai đứa mày đi hái vài quả mác cọt thắp hương ông bà mà hết buổi. Tụi sóc nó cõng túi quả về từ lâu rồi. Tắm rửa mà đi ăn cơm, còn ngồi mọc rễ a?
Mé nói, Ri và Hợp ớ người nhớ đến túi quả. May mấy con sóc chí chóe theo lên rừng mang quả mác cọt về thắp hương, nếu không hai đứa quên khuấy. Rõ thật đoảng quá…
Nháy mắt với Ri, em Rinh ranh mãnh thầm thì: - Lưng áo mày đầy vụn lá thế hả đứa chị?- Nó cười phá lên.
Đêm ấy chị lăn ra ngủ mê mệt, không biết mé ngồi lặng suốt đêm bên ban thờ. Gương mặt mé bợt bạt, quầng mắt thâm trũng. Mé tuy không ngăn cản việc anh Hợp đi bộ đội, nhưng mé suy nghĩ nhiều.
Rạng sáng anh xuống núi. Ba mé con đưa anh xuống bờ Nậm Khao. Nước hoan hỉ vỗ ghềnh đá, tỏa sóng bạc lấp lánh dưới lòng sông. Mắt mé đỏ trên khuôn mặt trĩu buồn. Cầm tay anh mé dặn:
- Con à, gia đình mình mấy đời làm người lính. Mày đi bộ đội rèn luyện cái thân cho tốt.
Núi thả gió chạy dọc bờ lau, sà xuống mặt sông dênh dang. Anh nhìn thật lâu vào mắt mé:
- Con đi bao giờ người rắn rỏi, tâm sáng ánh đèn sẽ về…
Em Rinh ôm chầm lấy anh, nó dặn: - Anh phải viết thư về đấy nha…cả nhà chờ anh!
Chị nghẹn ngào, thổn thức. Chân chị khẽ di di khóm hoa mạy mác. Vội bứt chùm hoa tím biếc, chị ấn vào tay anh, nghẹn giọng:
- Để anh nhớ hương thơm.
Lần đầu trong đời, vì anh mà chị làm đau những khóm hoa…
* * *
Lại sắp đến mùa trẩy quả mác cọt. Không nhớ nổi tiếng thở than của chị trong cánh rừng này. Không đếm xuể có bao nhiêu quả mác cọt đã xếp vào thạ bé, sọt lớn mang xuống chợ xa, chợ gần.
Cánh võng dây thong thả đung đưa theo nhịp thở của chị.
Chị ngước mắt nhìn, thảng thốt nhận ra năm nay cây mác cọt đôi không ra nhiều quả. Mãi trên cành cao chót vót, ba quả to tròn vàng óng đung đưa. Hai quả liền kề nhau tựa như hai vòng tròn giao thoa, còn một quả bé hơn, náu mình thẹn thùng e ấp sau mắt lá.
Có điều gì chăng? Từ ngày anh đi xa, mùa mác cọt nào chị cũng ngồi trên võng dây thầm gọi anh, nhìn tụi quả trĩu trịt, nhún nhẩy trên cành. Bây giờ sự lạ của mấy chục năm trước lại tái hiện, rập khuôn như thể thời gian không trôi đi mà ngưng lại, trên cành cao lưng chừng trời.
Năm anh Hợp đi bộ đội, cây mác cọt đôi cũng có ba quả treo trên cây. Lúc ấy, anh nói vui rằng ba quả kia là một gia đình tí hon sống trên vòm cao. Giờ đây, sau mấy mươi năm nó lại lặp lại, liệu rằng có gì thay đổi không?
Ký ức giống như những chiếc lá chấp chới tái hiện…
Canh một. Sương lăn trên mái nhà, rơi xuống sân lộp bộp. Gió bấc lồng lộn hú hét, gõ trống mặt nước sông Nậm Khao. Gió hung hãn đẩy lửa bếp liêu xiêu, đuổi tàn đen, đốm đỏ tốc ngược lên gác bếp, lay tụi bồ hóng lắc lư… Chị run lên vì cái lạnh cấu xé da thịt. Những tiếng ho khan trong lồng ngực mé bị dồn ép, đẩy bật ra từng chặp, từng cơn, khiến chị lo lắng. Chắc giờ này, em Rinh vô tư cuộn tròn trong chăn ấm dưới trường đại học, say sưa giấc nồng rồi.
Chị khẽ xoa tay vào vòm bụng lùm lùm có đứa trẻ con. Đứa con tiếp thêm hơi ấm và sức mạnh cho trái tim của chị trong đêm đông thanh vắng. Chị thở sườn sượt. Vì giọt máu này mà chị lỡ dở ước mơ làm sinh viên đại học y khoa.
Niềm vui và nỗi buồn chồng chéo nhau. Vui vì tình yêu của chị và anh đã kết nhụy khai hoa, đậu quả. Chị được làm mẹ. Trái tim non bấy của đứa bé đập theo nhịp đập trái tim chị, thở theo hơi thở chị, là giọt máu hạnh phúc của anh chị đấy thôi. Chị buồn vì ước ao học cao, làm dày túi chữ, trở thành người thầy thuốc giỏi, chữa bệnh cho bà con dân bản không thành. Thi thoảng, chị lấy giấy gọi bổ sung vào trường đại học y khoa đọc đi, đọc lại… thuộc lòng từng dòng mà vẫn muốn xem mãi.
Những đêm khó ngủ, chị thả hồn, gửi lời tâm sự theo sương, theo gió cùng anh.
… Anh Hợp ơi, đêm nay là đêm thứ tám mươi bảy anh xa mái nhà sàn này rồi. Từ đâu đó nơi biên cương xa xôi, anh có nghe tiếng gọi của hai mẹ con em không?Anh đã làm cha. Không hiểu nó là con gái hay con trai. Thể nào anh cũng nheo nheo đôi mắt thông minh, tay búng nhẹ má em bảo: “Con nào cũng tốt, cũng thích…”.
Anh à, mới sáng nay thôi, dòng họ Ma nhà mình họp họ, lưng mé gập cong, mắt nhìn xuống sàn nhà chịu tội thay cho em. Mé xin các ké, các bà cho con mình được sống… Mé phân trần khản đặc giọng, tuy hai đứa mình do mé nuôi dưỡng nhưng không chung huyết thống, vì thế dòng họ hãy nương tay làm phúc, cho đứa trẻ làm người… Lời mé xát muối vào bụng, đổ ớt vào thịt da em.
Em chịu hình phạt ở góc vườn là được nương nhẹ đấy anh à.
Dưới gốc cây mận rụng lá, trơ cành khẳng khiu, một cái hố tròn do chính tay mé đào sẵn để em nằm sấp, cho bụng lọt xuống. Người em đau ê ẩm, đứa bé trong bụng cũng mệt theo em. Em úp mặt, cắn chặt răng và run lên vì hơi đất thấm sương lạnh lẽo. Em gồng người để con không lạnh. Nếu em để con lạnh sẽ có tội với anh.
Sớm nay, trong màn sương ảm đạm, tụi sóc nhà mình chợt kêu váng khủng khiếp. “Chô… ốc…toốc…chô…ốc… chốc…tôc…tốc…”. Não nùng. Hoang dại. thẳm sâu. Đàn sóc kêu ai oán theo lời gió hú u u, tựa như dàn hợp âm ảo lạnh… Hình như tụi sóc không kêu mà gào thét, chúng nhảy quanh em hú hét thảm thiết. Dường như lũ sóc lo cho mé và em. Chúng da diết cầu xin người trong dòng họ.
Em day dứt quắt quay, giận mình gây họa… tụi mình làm mé khổ. Lưng mé còng thêm. Tóc trên đầu sẽ trắng ra nhiều.
Dòng tộc bắt phạt mổ con lợn mé nuôi hơn năm trời để chuộc tội với họ hàng.
Khoảng gần chín giờ sáng. Trời ngợp mây. Tụi mây không theo gió bay, dùng dằng bám riết khuôn trời bản ta, tung hơi ẩm ướt, lạnh cóng.
Tiếng lợn bị trói kêu gào thảm thiết. Ba người đàn ông họ Ma nhà mình, ai cũng đeo khuôn mặt đỏ văng vì rượu ngô men lá, hằm hằm chém đầu con lợn sống. Mắt lợn trợn trừng oan khuất.
Mé đưa thủ lợn tươi, máu chảy ròng ròng lên đầu. Chân mé bước thập thững theo ông Trưởng họ từ nhà, đến dưới chân thác Lỉn, lập đàn tế lễ, cầu khấn… Mé đội thủ lợn mà quì. Sau một tuần nhang cháy đỏ, vàng mã, tờ tiền, hình nhân thế mệnh… cùng thủ lợn được mé thả xuống dòng nước, tạ tội với thần rừng, thần sông.
Khi mé về, người ruộm thẫm máu lợn tanh nồng. Theo người già trong họ, máu đầu lợn chảy nhiều, tội của em sẽ xuôi theo máu vật nuôi trong nhà mà được tha thứ. Lúc ấy, em muốn gào to lên, tội em làm em chịu, sao làm khổ mé? Nước mắt em tanh nồng. Em úp mặt vào lá mục rùng mình, nôn thốc, nôn tháo…
Chiều muộn. Người trong họ ra về, còn hai mé con trong căn nhà trống vắng, nồng nặc hơi rượu và xương xẩu vung vãi… Mé hì hụi dọn dẹp. Gương mặt mé sầu muộn, ngậm ngùi:
- Ri à, chắc cụ tổ khôn thiêng, phù hộ cho máu lợn chảy nhiều, không thì biết tìm đâu ra lợn tạ nữa mà chặt đầu…
Em khóc nức lên, nấc mãi không nói được lời nào để mé vơi buồn. Cổ họng em ắc ứ.
Lời mé nhẹ như nước nhưng xa xót. Mé bảo:
- Thôi mày đừng khóc mà đứa bé nó sẽ mang gương mặt buồn, như thế thì tội lắm. Dù sao mày thả tro vào nhà rồi, đừng bắt đứa bé mang màu tro bếp đen đủi…
Em bặm chặt môi để không trào tiếng nấc, nhưng mắt vẫn không ngưng chảy nước. Em tin chắc nước mắt em khi chiều không thao thảo ngọt, mà đắng quánh.
Mắt em sưng mọng nhìn tàn lửa. Em muốn thức với bếp vuông xem bóng đêm dài đến đâu? Em sợ phải nhắm mắt, vì mắt em khép lại thì màu đỏ của máu trên đầu con ỉn nhà mình hiện ra quay cuồng, nhảy múa, khiến em sợ. Giá như lúc này có anh ở bên, em sẽ nép đầu, vùi mắt vào vồng ngực nở nang của anh, quên lo lắng, ưu phiền… Là ước ao thế thôi phải không anh?
Lá thư duy nhất anh gửi về, em và mé nhận được cách đây mấy hôm. Một thư cho mé, một thư cho em và mấy dòng ngắn ngủi cho em Rinh. Nếu Rinh ở nhà, thể nào nó cũng dỗi hờn, ngúng nguẩy trách anh giành tình cảm cho nó ít hơn em.
Thương mé lắm anh à. Mé chưa vội đọc mà nhẹ áp lá thư của anh vào má, hít hà rất lâu. Đôi mắt thoảng vết chân chim sáng rờ rỡ, mé cười nói là thư có mùi mồ hôi nồng nắng của anh…
Trong thư, anh nói đang ở trên cao điểm “Khau Mười”, có những cây thông suốt ngày rì rào ca hát và biết tung bụi phấn hoa vàng trong bạt ngàn mây bay, sương giăng, gió thổi. Nơi ấy là đâu, chỗ nào thì em không biết. Giá như anh nói rõ hơn thì tốt biết mấy. Giữa chốn xa xôi, anh nhớ em quay quắt ư? Tình yêu em là sợi dây tình cảm vô hình động viên anh chắc tay súng ư?
Anh thủ thỉ nhắc em không được làm mé buồn. Điều này em muốn cũng không thể giữ được, tụi mình làm tổn thương mé nhiều lắm! Anh bảo em thay anh học chữ nhiều ư? Cũng không được vì tụi mình có con, em không thể đi xa…
Kìa anh, mé húng hắng ho. Từ trong buồng, mé giục:
- Ri à, mày định bó gối hết đêm để đứa bé nó không thoải mái a? Đi nằm đi, đàn bà có con rồi phải biết sống vì con.
Trời về đêm, hương hoa mạy mác của bản mình nồng thơm. Nhành hoa em hái vội bên bờ sông, anh mang theo bên mình, hay gói kỹ để trong ba lô? Chiếc vòng tay đá núi Phja Bjooc của em trao anh, là hình bóng, hơi thở của em. Nếu nhớ em, anh nói chuyện với vòng nhé. Nỗi nhớ sẽ vợi đi, giống như em bây giờ. Chiếc vòng cổ anh trao đêm nay tỏa sáng rực rỡ. Bốn mắt của đôi công chớp chớp, hai chiếc mỏ tụi công ngậm đóa hoa mác cọt tỏa màu vàng rực rỡ. Lạ quá đi thôi!
Có âm hưởng đang vang lên như tiếng nhạc réo rắt. Chị dỏng tai lên nghe. Ô hay, tụi sóc theo chân chị vào rừng, con nọ ngậm miệng vào đuôi con kia ríu rít nhảy múa vũ điệu hồng hoang theo tiếng hót của bầy chim đa đa. Chị chợt bật cười. Có gì vui mà tụi mày lại làm trò hay thế?
Đến giờ phải về rồi. Chị khẽ lấy dao cứa nhẹ vào cánh võng dây đánh dấu. Từ ngày anh xuống núi đi xa, năm nào cũng vào ngày ấy, chị khứa cắt một chút đau đớn vào dây võng, đủ để thân dây chảy nhựa, sưng phồng, thành sẹo. Mấy chục cái sẹo rồi, bóng anh vẫn bằn bặt xa. Con chim qua rừng để lại tiếng hót và phân rơi dưới đất. Lá cây rừng đến mùa rụng xuống thành mùn mục… vậy mà người đi không biết để lại dấu vết.
Chị thẫn thờ nhìn núi rừng. Trên trời cao, những đám mây tím hồng mang nhiều hình tượng biến ảo, cuồn cuộn trôi về núi. Dường như trong khối mây lớn xa xăm kia có bóng người cao lớn, lưng đeo ba lô, dõi mắt nhìn về phía chị mỉm cười…
Bùi Thị Như Lan
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...