Mặt hồ không gợn sóng
VNTN - Tôi nhận được tin xấu về người đàn ông ấy vội tức tốc phóng xe đến nhà anh Quang tìm chị Ly. Cửa khóa. Chị đang ở hồ Trăng Tròn. Lần nào có chuyện buồn, chị đều ra đó, lặng lẽ như cây bạch đàn đổ bóng xuống mặt nước tĩnh lặng gương soi. Từ xa, hồ xanh ngăn ngắt. Cảnh non nước tạc một bức tranh yên bình nơi miền quê nửa làng nửa phố. Tôi đoán không lầm. Chị Ly ngồi trên triền cỏ may, đôi mắt vô hồn thả vào không gian mờ ảo hơi sương. Mái tóc đen nhánh phủ dày tấm lưng thon. Tiếng động cơ xe máy kéo chị về thực tại. Trông thấy tôi, chị vẫy tay, khéo đưa khăn giấy lên chấm hai khóe mắt.
-Em qua nhà chẳng gặp ai. Điện thoại không liên lạc được, đoán là anh chị giận hờn gì nhau nên ra đây.
Chị Ly cười mà mắt hoe hoe đỏ:
-Hơi sức đâu mà giận anh cô kia chứ. Trời nóng nực nên chị đi hóng gió. Nhà ốp trần tôn nắng nung cứ hầm hập.
Tôi không biết khơi câu chuyện tai nạn giao thông hồi sáng bắt đầu từ đâu, nhìn bộ dạng chị Ly chắc chắn chị đã biết tin. Ruột gan chị rối bời nhưng tôi không hề động lòng thương xót mặc dù chị luôn săn sóc tôi như một người em gái. Người đàn ông đã chen vào cuộc sống của vợ chồng anh chị, hiện giờ đang nằm thở máy trong bệnh viện thành phố. Bác sĩ bảo không còn hi vọng gì nữa. Tôi, nửa thì muốn chị lên đó gặp mặt anh ta lần cuối, nhưng lại cay đắng nghĩ rằng: Việc này có công bằng cho anh Quang không? Và cái bí mật mà tôi giữ kín suốt bao năm nay, lần này liệu có bị vỡ lở? Là người ngoài cuộc, tôi không biết làm gì cho phải.
***
Tôi vẫn còn nhớ như in ngày chị Ly về lấy anh Quang. Bố tôi rổn rảng tay bắt mặt mừng những cánh nhà buôn cùng chung vốn làm ăn, các ông bà trong xóm và ban chủ nhiệm hợp tác. Ông vô cùng sung sướng vì kết thông gia với gia đình có tổ tiên là phú nông, giàu nhất nhì làng bên. Chưa cần đôi trẻ biết mặt nhau, cái gật đầu của hai ông bố ngang tài ngang sức đã đem về cho Hợp tác xã Phú An diện mạo mới. Chị Ly sánh bước bên anh Quang, mặt vô cảm. Tôi núp sau lưng mẹ thì thầm:
-Chị ấy không thèm nhìn và cười với anh con lấy một lần. Mẹ xem kìa, chị mời trầu mời nước miễn cưỡng làm sao!
Mẹ huých tay tôi quát khẽ:
-Bố mà nghe được mày chết con ạ!
Tôi mải mê ngắm chị trong bộ quần áo cô dâu và ngạc nhiên khi trên người chị không có một món đồ trang sức nào. Vậy mà, cả làng nói nhà chị giàu gấp ba nhà tôi. Chị nhìn chằm chằm các dải hoa trang trí xung quanh như chưa thấy chúng bao giờ. Ngón tay đánh nhịp theo bản đàn chúc phúc. Tôi phải công nhận chị xinh xắn, dáng mảnh mai, làn da trắng trẻo. Anh Quang hạnh phúc bên vợ, bạn bè trêu chọc, cứ tủm tỉm cười mãi.
Khách khứa về hết, tôi và chị Ly dọn dẹp nốt những chỗ bừa bộn, ngổn ngang. Mẹ giục chị vào buồng ngủ. Tôi tiếc ngẩn người vì cái ý định ngắm nghía đồ trang sức với chị dâu tan thành mây khói. Tắm táp xong, đi ngang qua buồng tân hôn, tôi nghe tiếng cãi nhau. Trời đổ mưa rào nên dù lắng tai nghe, tôi cũng không tài nào biết thủng câu chuyện giữa anh và chị.
Bố tôi làm Chủ nhiệm Hợp tác xã Phú An. Lời ông nói ra tiền ra của. Cuộc sống sung túc không hề đem lại cho gia đình tôi sự vui vẻ, thoải mái. Công việc hàng ngày của chị Ly là đồng áng. Anh Quang đánh xe chở hàng. Tôi thì ngày ngày quang gánh trên vai, lần ruộng gần, bãi xa cắt cỏ cho năm con bò. Mẹ tôi chăm đàn lợn và buôn đồ vàng mã ở chợ. Khác với nhiều nhà, bố tôi lại là tay hòm chìa khóa. Ông cắt cử công việc lúc năm giờ sáng. Ông hay để ý lời ăn, nết ở từng người, xét nét chuyện vặt từng li từng tí. Ai phạm phải lỗi đều phải chịu hình phạt rất nghiêm khắc.
Lấy nhau bốn năm, bụng chị Ly vẫn phẳng lì. Mẹ tôi ra sức cầu lộc, cầu con cái ở cửa nhà thánh tốn kém vô kể. Bố thì nói bóng gió: “Lấy vợ xem tông. Tôi giờ thấy hối hận vì nhà lão Khang ít đức toàn sinh con một bề”. Vợ chồng anh Minh là trưởng, đã có thằng Sò “đít nhôm” nhưng chị Dịu là gái thành phố, không đời nào chịu nhiệt ở chốn thôn quê lắm phép này nên đã rỉ tai chồng xuôi tai cùng “phắn” về bám bố mẹ đẻ. Chị ấy tha hồ tung tẩy, mỗi năm dăm ba lần lướt về giỗ chạp, dúi vào tay bố mẹ chồng ít của “gọi là”, ấy thế mà êm. Hai vợ chồng anh Quang mấy bận đưa nhau đi khám ở tuyến huyện đều nhận kết quả sức khỏe sinh sản bình thường.
Đêm trăng sáng, khi kiểm xong số sắn lát ngoài xưởng, hai anh em tôi nằm dài trên phản phơi còn thơm mùi tinh bột, ngửa mặt lên trời vu vơ nhìn mây trôi. Anh Quang thở dài: “Ly cao ráo, khỏe khoắn không thể bệnh tật gì được em ạ. Còn dòng nhà mình đa đinh, ai ai cũng biết. Anh định xuống Hà Nội khám tổng thể nhưng ngặt nỗi thời gian eo hẹp, tiền nong thì bố quản lí hết. Hôm nọ, Ly nó bảo đã nhờ người gửi kết quả xét nghiệm xuống Bệnh viện Phụ sản Trung ương, anh nghĩ chỉ toi công thôi, không có tiền, ai rỗi hơi giúp mình hở em?”.
Tôi biết lòng anh lúc nào cũng rối bời. Bây giờ đang mùa thu hoạch, nhà xưởng hoạt động hết công suất. Anh tăng ca suốt, tay luôn luôn nóng rực cùng vô lăng. Sắn chuyển vào, hàng chuyển ra đều như vắt chanh. Chị Ly phải kham thêm việc ngoài nhà xưởng.
Rồi chuyện lớn xảy ra. Đơn đặt hàng đột nhiên tăng giá. Bố tôi giấu nhẹm chuyện đó và tự ý giảm giá thu mua sắn tươi xuống hòng ăn đậm chênh lệch. Bà con xì xầm khắp ngõ ngách bảo ở huyện bên, hợp tác tăng lương, cộng thưởng cho thành viên. Cực chẳng đã, hợp đồng cam kết bán nguyên liệu cho Hợp tác xã Phú An chưa ráo mực chả khác nào miếng băng keo tự dán miệng người dân trồng sắn. Bên kia hồ Trăng Tròn, người dân hồ hởi bán bán, cân cân. Bên này, xung quanh Hợp tác xã Phú An, sắn trong vườn ngỏng lên trời ung dung trút lá. Thành viên miễn cưỡng đi làm. Tôi thấy bố rung đùi ngồi, mặt rạng rỡ. Thả hột lạc vào mồm, ông nhấm nháp chén rượu, cười khẩy: “Chúng mày ngu thì chết”.
Chị Ly thủ thỉ với anh Quang ở bên kia bức vách:
-Em thấy người ta kêu quá anh ơi. Chống lại bố là con đường cùng. Anh nghe em, nhận công cước chỉ đủ tiền xăng dầu xe thôi. Họ lỡ tay kí kết chỉ bán cho bố, lời lãi nằm gọn trong tay ông cả rồi.
-Vậy em bảo anh lấy tiền đâu nộp cho bố?
-Cuối tháng, lúc mọi chuyện đã lắng, anh khai thật chắc không vấn đề gì. Hoặc em vay họ hàng vậy.
Chuyện đến tai bố tôi. Ông nghiến răng, dí tay vào trán anh Quang, mắng:
-Mạt đời mày hèn nhát vậy, người ta giày xuống bùn thôi. Thu công cước giá cũ cho tao! Nếu không, hãy liệu thần hồn. Mày nghe vợ, có ngày nó trèo lên đầu mày ngồi.
Lần đầu tiên tôi thấy anh cãi lại:
-Người ta đang rủa bố ở ngoài kia kìa. Rằng: “Ông Quyền ăn hết xương tủy người trồng sắn. Ai thất đức sẽ tuyệt tự tuyệt tôn”. Bố thấy không ạ?
Ông vằn mắt lên, hằn học:
- Mặc thây chúng nó. Đứa nào ghen ăn ghét ở nên nói càn. Đã thế nhé, sáng mai tao dìm thêm giá nữa cho chúng mày tuốt xác!
Anh Quang chưa kịp nâng công cước thì nỗi phẫn uất của những người trồng sắn lên tới đỉnh điểm. Một cuộc họp kín diễn ra gấp gáp trong đêm và biên bản được trình lên Ban Chủ nhiệm Hợp tác xã Phú An: “Ông Trần Đình Quyền dìm giá, ép dân, tự ý hưởng chênh lệch…”. Bố tôi ra về và phải nộp phạt một khoản kha khá, nhường cái ghế cao nhất cho ông Phó Chủ nhiệm già. Ông cay cú uống rượu say mèm, đập phá đồ đạc trong nhà. Ông trút giận lên vợ con. Tôi không cả dám thở mạnh. Vợ chồng anh Quang là người chịu trận nặng nề. “Một kẻ bất tài không dạy nổi vợ, thể lực yếu nhớt nên muộn mằn con cái. Một thằng hèn nhát”. Những câu nói độc địa cứ âm ỉ ngấm vào đêm mất ngủ, xói vào óc, lâu dần khiến con người ta rơi vào trạng thái trầm cảm. Anh Quang cảm thấy cuộc đời mình là chuỗi ngày tối tăm không có lối thoát. Anh nghĩ nhiều đến mức đốt hết hai bao thuốc lá trong đêm.
***
Tôi mở cửa nhà khi vừa dúi cho đàn bò gánh cỏ. Một cảnh tượng kinh hoàng đập vào mắt. Anh Quang lấy dao lam cắt tay, nằm ượt trên nền gạch, máu me lễ loại. Tôi cố bò ra ngoài sân gọi mãi mới ra hơi. Mọi người xúm lại đưa anh đi cấp cứu. Chị Ly để nguyên bộ đồ bê bết bùn đất chạy theo. Còn tôi và bố. Ông quát um những gì không rõ. Tay tôi bết máu, mùi tanh xộc lên mũi, lờm lợm chảy xuống cổ họng. Tôi mở ngăn tủ gọn gàng chọn được hai bộ đồ của chị Ly để mang vào viện, bỗng một tờ giấy rơi ra. Tôi nhặt, cất lên chỗ cũ nhưng mắt tối sầm lại khi đọc dòng kết luận in đậm trên đó. Anh Quang không có tinh trùng! Chắc chị Ly chưa kịp hủy tờ giấy đi nên giấu nó vào đây. Chị Ly vốn rất cẩn thận và tâm lí, đời nào lại nhẫn tâm giết chồng bằng đòn chí mạng này? Tôi vội cất tờ giấy vào chỗ cũ, đặt quần áo của chị lên, nước mắt rơi lã chã. Sự thật nghiệt ngã có kém gì bản án tử hình đâu? Lẩy bẩy mãi, tôi mới tra được chìa vào ổ khóa.
Lấy hết can đảm, tôi mới dám bước vào căn phòng nồng nặc mùi cồn. Anh Quang đã tỉnh. Mặt mày tái mét. Nước mắt tôi ứa ra. Tôi sợ cảm giác sờ vào chân tay của anh cũng lạnh ngắt như lúc ông nội trút hơi thở cuối cùng, còn sợ hơn khi ai đó vô tình xem được tờ giấy trong tủ quần áo của chị Ly và cảm thấy hối hận vì không đốt nó trước khi ra khỏi nhà. Anh Quang mở mắt thều thào:
-Sao mọi người không để tôi đi cho rảnh nợ!
Chị Ly nắm chặt tay anh mếu máo:
-Anh nỡ lòng nào bỏ em lại một mình? Tin em đi, mọi chuyện sẽ ổn cả thôi!
-Tôi hi vọng gì nữa đâu? Con Thanh rồi sẽ theo chồng. Bố mẹ còn khỏe mạnh. Con cái chúng mình chưa có, em đi lấy người nào tốt đẹp hơn anh - một thằng tồi.
-Anh đừng nói thế, chúng mình đã có con rồi. Anh không ở với em thì hãy vì con mà mau khỏe lại.
Một luồng điện chạy dọc sống lưng tôi. Chị Ly nói vậy là sao? Lẽ nào chỉ để anh Quang yên tâm bình phục?
Nhưng chị Ly có thai thật. Từng trận nghén khổ sở hành hạ chị về đêm và sáng sớm. Chị bắt tôi gọt cả rổ bưởi chua, chấm muối trắng ăn ngon lành. Anh Quang trở nên vui vẻ, chăm chỉ làm việc.
Bỗng nhiên, bố bắt ép tôi lấy chồng. Tôi chìm đắm trong nỗi chán trường khi bị người yêu buộc tội phản bội và tìm cách nổi loạn. Cùng lúc, bố đuổi vợ chồng anh Quang ra khỏi nhà, tiền không cho một cắc, tấc đất cắm dùi cũng không. Mãi sau này tôi mới biết chị Ly là người đàn bà sắc sảo, biết lo xa, trông rộng. Chị dốc toàn bộ số trang sức là của hồi môn gửi tiết kiệm ở ngân hàng mua một mảnh đất mặt đường, vay mượn thêm trong họ hàng dựng căn nhà nho nhỏ lấy chỗ chui ra chui vào. Chị mở quán bán phở, làm đậu, nuôi lợn. Ngày ngày, anh đi lái xe thuê. Chị khéo léo làm thêm nghề dán hàng mã lúc rảnh rỗi.
Tôi biết chị không hề yêu anh Quang vì bản thân tôi cũng sống trong cuộc hôn nhân gượng ép. Có yêu nhau hay không, chỉ cần để ý một chút sẽ biết. Tôi hiểu, anh Quang hồi sinh cũng là nhờ đứa con trong bụng chị. Có điều, bố đứa bé là ai? Anh Quang không có khả năng làm cha kia mà? Đến ngày trở dạ, chị sinh được một bé trai kháu khỉnh. Bố tôi đặt tên cho nó là Quang Anh. Ông không ngớt lời khen ngợi nó giống bố y đúc và tự làm lành với hai vợ chồng. Mẹ tôi nấu những món ngon tẩm bổ cho con dâu. Dịp này, vợ chồng anh Minh bay ra nước ngoài định cư. Bố tôi ngỏ ý muốn đón hai vợ chồng về ở chung nhà nhưng chị Ly từ chối khéo. Anh Quang thì mừng rối rít, quanh quẩn bên con cả tháng trời nhìn cảnh tượng đó, tôi thực sự bối rối. Nếu sự thật được phơi bày, anh Quang liệu có sống nổi? Với tính khí của bố, chị Ly có còn đường về? Xóm làng, Hợp tác xã Phú An sẽ nhìn gia đình tôi bằng đôi mắt hả hê. Câu ai đó nguyền rủa bố tôi tuyệt tự hồi ông đương chức còn chưa nguội. Nhưng để yên chuyện này thật bất công cho anh Quang. Bộ mặt chị Ly vẫn vậy, bình tĩnh và tự tin. Chị dửng dưng với quà cáp, vô tư đón nhận tình cảm của họ hàng bên đằng nội dành cho con trai. Mấy lần, tôi cố tình nói thằng Quang Anh chẳng giống bố mẹ nó một nét nào. Chị Ly cười nhạt đáp rằng: “Cô Thanh biết đó, phận đàn bà chúng ta chỉ là cánh đẻ thuê thôi. Chẳng cần biết con giống ai, nó cứ ăn ngủ tốt, lớn lên chăm ngoan học giỏi thì mẹ nó mãn nguyện rồi”.
Chồng tôi làm thợ hồ, béo tròn cục mịch, cả năm, chả tặng vợ một món quà nào. Chưa kịp kể cho lão nghe hết nửa câu chuyện, bên tai đã vang tiếng kéo gỗ. Lúc nổi hứng, lão vần vợ hùng hục rồi lăn vào góc giường, không quan tâm sức khỏe, cảm giác của vợ thế nào. Tôi thầm ghen tị với chị Ly về mọi mặt. Tôi ước gì mình cũng có một tình yêu bí mật đi song song cuộc đời giả tạo như vở kịch này, với một người đàn ông thấu hiểu. Tôi biết bố ưng rể ở điểm làm giỏi, khỏe mạnh, kinh tế vững và quan trọng là con gái có tấm chồng do chính tay mình lựa chọn.
Tôi hay tâm sự với chị Ly kể cả chuyện chăn gối. Chị kín kẽ vô cùng. Lúc xức thuốc lên vết cắn của lão chồng lưu lại trên vai tôi, chị rủ rỉ: “Đàn bà chỉ biết mỗi chồng con như Thanh thì buồn lắm. Em nên gặp gỡ bạn bè và nộp đơn đi công nhân, có thu nhập ổn định em sẽ thấy cuộc sống dễ chịu hơn. Đã có thời gian, chị tưởng chừng buông xuôi tất cả nhưng ngẫm kĩ, đời chả mấy chốc, tại sao không coi nhẹ mọi chuyện?”.
Rồi chị mang thai đứa con thứ hai. Nghe tin, tôi ấm ức lắm. Một đứa đã là quá đáng rồi, đằng này chị được đằng chân lân đằng đầu. Dù anh tôi không hoàn hảo, nhưng kẻ ăn ốc người đổ vỏ thật khó để tôi tha thứ. Chị e ngại khi thấy tôi tỏ thái độ. Anh Quang béo trắng trông thấy. Ở các cuộc họp dòng họ, anh hùa theo trêu các ông sinh con một bề xuống mâm “ông ngoại” dùng cỗ. Tôi tìm đủ mọi cớ gây hấn và theo dõi mỗi khi chị dắt xe đi lấy hàng. Thậm chí, tôi điên đến mức ghi biển số xe của chị và sục tìm những nhà nghỉ trong phạm vi mười cây số. Vài lần theo gót với mong muốn bắt quả tang họ tại trận nhưng tôi đành bỏ cuộc.
***
Và trời không bắt tôi phải đợi lâu. Đêm chị Ly vỡ ối, mưa đổ tầm tã. Con đường đến bệnh viện bị chia cắt thành nhiều khúc. Tôi ướt như con chuột chui từ dưới cống lên. Trong phòng đẻ, cuộc chiến sinh tử mỗi lúc một cam go. Giờ chuyển dần về khuya, hành lang vắng vẻ. Anh Quang túc trực cùng mẹ ở phòng chờ. Một giờ rưỡi sáng, chị Ly mẹ tròn con vuông. Bé gái khá bụ bẫm bú no, lăn ra ngủ bên bầu sữa mẹ. Thân thể ngọc ngà, thon gọn của chị bây giờ nhường chỗ cho vết rạn trên da, bụng mỡ một rổ. Tôi đem đồ bẩn đi bỏ, tính quan sát lấy chỗ tạm ngả lưng. Khi quay lại đến hành lang, tôi thấy một người đàn ông đứng đội mưa ở góc tối kín đáo ngoài sân nhìn vào phòng. Chị Ly đã ngủ say. Anh Quang đắp chăn cho hai mẹ con bằng một cử chỉ đầy trìu mến. Tôi đoán không sai, đó là bố của hai đứa trẻ. Anh ta là người cùng xã, được đánh giá là khá nghiêm túc, vợ con đàng hoàng, kinh tế ổn định, có lần đã ngồi cùng mâm với tôi và chị Ly ở tiệc cưới, hành xử rất lịch sự. Anh ta đứng đó như bức tượng đá dầm mưa, mắt nhìn người tình say ngủ bên đứa con bé bỏng. Mối quan hệ giữa hai người không đơn giản chỉ là xin - cho những đứa con.
Tôi định lôi người đàn ông ấy đi nhưng kịp bình tĩnh lại: Làm vậy, tôi giúp anh trai được việc gì, hay lại tự biến mình thành kẻ tội đồ? Anh Quang chẳng phải đang có trong tay tất cả hay sao? Có mấy ai chịu nhận phần thiệt về mình, nhưng anh ta đang nhận phần thiệt về mình. Chị Ly cũng thế. Kinh tế hai người cộng lại dư sức sắm chốn nghỉ ngơi kín đáo và nhàn nhã. Đàn bà năm bảy lá gan. Bao kẻ bỏ vợ theo cuộc vui, con cái bơ vơ. Ối đàn bà thất vọng với giấc mộng hôn nhân, họ dứt tình, cạn nghĩa chạy theo tiếng gọi của trái tim đấy thôi. Mái nhà nhỏ của anh chị vẫn ăm ắp tiếng cười hạnh phúc và bí mật tôi gói kĩ trong lòng vẫn cựa quậy chờ ngày nứt vỏ.
***
-Chiều nay chị phải lên thành phố trả nợ cho bạn, em ạ. Ngặt nỗi phải tha cả trẻ con đi, vì không gửi ai được. Chị khất người ta một lần rồi.
Hai bàn tay chị Ly xoắn chặt vào nhau. Lý do thật khéo léo! Tuy nhiên, chị sao có thể giấu nổi tôi kia chứ? Tôi lo lắng chị sẽ không kiềm chế được cảm xúc, làm hỏng bét mọi việc. Chị lên bệnh viện cũng chỉ dám đứng ở góc khuất nào đó trông vào phòng cấp cứu lặng lẽ khóc, độc thoại lời từ biệt, ôn lại thủa mặn nồng… Tôi chợt hài lòng với ý nghĩ người đàn ông đó sắp phải bỏ cuộc trong cuộc đua với anh trai mình.
Nhưng sao tôi thấy lòng chông chênh. Phút hả hê bất chợt bị gió thổi theo mây xa xăm. Suy cho cùng, chị Ly mới là người đàn bà tội nghiệp. Tôi tự hứa với lòng mình rằng bí mật về hai đứa trẻ và mối quan hệ của chị với người đàn ông ấy cứ để tự nó lắng xuống mặt hồ phẳng như một hạt cát không đủ sức sủi tăm. Tôi thấy mình thực sự đã trưởng thành.
Truyện ngắn. Hoàng Thị Hiền
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...