Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
21:41 (GMT +7)

Mặt đất này, bầu trời này

Ký. Minh Hằng

Cô lay anh lúc tang tảng sáng. Em vừa nằm mơ gặp cây mít sau nhà, chân nó toe toét vết dao, đau lắm. Hồi mới lấy nhau, cô kể cho anh nghe sở thích của cô, đó là mê đọc sách và thích phi dao. Lùi xa mươi mét, ngắm, vẩy ngón tay điệu nghệ, vút, mũi kim loại nhọn hoắt xóc thẳng thân cây mít góc sân. Hình như cái cây nó trách em! Mai mình về xin lỗi cây nhé? Vâng.

1. Mấy tháng nay, dịch COVID-19 bùng phát trên cả nước, “địa bàn giao lưu” của vợ chồng cô hẹp hẳn lại. Thái Nguyên dù vẫn an toàn nhưng gặp ai cũng tùm hụp khẩu trang, bỗng thấy ngại chuyện trò. Đôi chân quen đi, đôi mắt quen ngắm cảnh mới, nay bị chặn đứng. Về thăm cây mít nhà xưa ư? Sau một đêm, gợi ý của anh đã biến thành tour du lịch chưa từng có: không hành lý, không vé xe, không tiền bạc. Một chuyến du lịch không “đi” mà “trở về”. Điểm đến là vùng trái tim họ vẫn phủ sóng hàng ngày.

Nếu có cái com-pa khổng lồ, lấy tâm điểm là di tích đình Hàng Phố (trên đường Đội Cấn, phường Trưng Vương nay) mà khoanh tròn thị xã Thái Nguyên gần 100 năm trước, thì nhà anh ở khu vực đầu nhọn của chiếc com-pa. “Ông ngoại râu dài ngang ngực, da đỏ au, chủ cửa hàng vàng bạc; ông nội cao lớn lắm, nhà anh ở đất Thái Nguyên hơn trăm năm rồi”.

Ờ nhỉ, nhiều chuyện cô tưởng chỉ đọc trong sách mà ở ngay trong nhà anh đây này. Nạn đói năm 1945 do Phát xít Nhật gây ra, người dưới xuôi lũ lượt kéo lên Thái Nguyên tìm cái ăn. Những thân hình gục chết la liệt trên phố. “Trước cửa nhà, một bé trai bò nguềnh ngoàng trên xác người đàn bà lạnh ngắt. Mẹ anh bế đứa trẻ đói lả, mắt hõm như hai hố đáo, thì thào xin người chết phù hộ cho mẹ nuôi đứa trẻ ấy thành người”. Anh cả giờ râu tóc bạc trắng và cô chẳng thể biết đó là con nuôi nếu chồng cô không kể “vụng” cho vợ hay.

“Nhà mình trước ở đây, phố Nguyễn Thái Học”. Anh chỉ vạt hoa lá đẹp nhất thành phố nối từ đường tròn trung tâm chạy đến chợ Thái. Anh còn nhớ phiến đá màu ghi, liền khổ, phẳng lì, là nền của đình Hàng Phố”. Cô ôm tấm bia đá đánh dấu vị trí Đình xưa, nghĩ về sự kiện oai hùng 76 năm trước. Cờ đỏ sao vàng reo trong gió, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng đoàn quân cách mạng tràn vào giải phóng thị xã Thái Nguyên. Gia đình anh hẳn tự hào lắm vì Sở chỉ huy đặt ở đình Hàng Phố, ngay cạnh nhà mình.

“Này, anh vẫn nhớ các nhà hàng xóm nhé. Nhà ông Đức Vượng, ông cả Lễ (sửa chữa xe đạp), ông Nho (trọng tài bóng đá), ông Quế (làm dép lốp), ông bà Tân Kỳ (làm mực bút), cà phê Liên, ông Câu (giày da), ông Hiếu (trồng răng), ông cả Lại (săm lốp, phụ tùng xe đạp), Đài Phát thanh Khu Tự trị Việt Bắc; dãy tập thể văn công Đoàn Cải lương Quyết Tiến…”

Cô mở laptop phóng to tấm bản đồ do người Pháp vẽ thị xã Thái Nguyên năm 1935 lên xem. Thị xã nép bên sông, chỉ khoảng một cây số vuông, chạy quá lên đầu cầu Gia Bẩy (Hoàng Văn Thụ) một đoạn, xuôi về Trưng Vương, Phan Đình Phùng.

Anh nắm tay cô băng qua đường, sang Quảng trường Võ Nguyên Giáp. Không gian thoáng rộng là nơi tập thể dục của người lớn, nơi chơi đùa của trẻ con. Từ khi có dịch, người dân hạn chế ra đường, cỏ xanh nắng vàng trở nên ngơ ngác. “Chỗ này là trạm biến thế điện; chỗ này là hội trường Khu Tự trị Việt Bắc, hầm tài liệu xây chìm ở chỗ này. Năm 1959 Thái Nguyên gặp trận lũ khủng khiếp, nước tràn thị xã. Hàng trăm người kéo vào tầng hầm của Bảo tàng (đang xây dựng) để tránh bão”. Nhìn lên cầu Gia Bẩy nườm nượp người qua lại, anh rủ rỉ: Ngày 17 tháng 10 năm 1965 là vào Chủ nhật. Chị cả xin phép bố cho đến chơi nhà chị Mật học cùng cấp 3 Lương Ngọc Quyến, nhà ở đầu cầu Gia Bẩy. Bố bảo: Nấu cơm ăn sớm rồi đi. Khoảng 10 giờ, nhà đang ăn cơm thì nghe tiếng máy bay, bố hô: Bom. Xuống hầm ngay. Mọi người tóa đi tìm chỗ nấp. Anh vọt qua đường, chui vào hầm tài liệu luồn ra bờ sông. Bố và bá bị thương. Một quả bom thả trúng nhà chị Mật, không còn ai sống sót!

Gần chục năm đi sơ tán, mấy anh em lếch thếch lúc lên nhà chú dì ở xã Cổ Lũng (Phú Lương), lúc theo nhà in của bố mẹ vào Quán Ba Trăm, Dốc Đỏ (Phúc Trìu). Năm 1973, Mỹ ngừng ném bom đánh phá miền Bắc, mọi nhà quay về đất cũ, phố xá đông vui trở lại. Các hợp tác xã ra đời hầu hết ở quanh khu vực này: Giải khát, Thêu ren, Dệt thảm, May, Uốn sấy, Nhuộm... Anh chỉ cho cô chỗ cây Ngọc Lan cổ thụ (trên phố Quyết Tiến hiện nay) kể chuyện “ma”, xưa nơi này là khu đất “dữ”, bố mẹ cấm con cái lai vãng vào ban đêm.

Tác giả bên tấm bia di tích Đình Hàng Phố (trước Quảng trường Võ Nguyên Giáp, TP. Thái Nguyên)

2. Dứt anh khỏi ký ức miên man, cô đùa: Trai phố cổ đưa gái phố cổ về nhà nào.

Trước khi về nhà cô ở phố Bến Than (tiểu khu Hoàng Văn Thụ cũ), cô và anh dừng ở đầu cầu Gia Bẩy, đứng lặng trước tấm bia khắc tên 15 chiến sĩ Trung đội tự vệ tiểu khu Hoàng Văn Thụ đã hy sinh tại trận địa bảo vệ Cầu ngày 17 tháng 10 năm 1965. Cô nhớ ông Vũ Đình Đức, 91 tuổi, người chỉ huy trận đánh trên trận địa đồi Két Nước. Ông kể cho cô nghe mà như sống lại thời khắc vừa anh dũng vừa đau thương ấy: Trung đội 2 chúng tôi được bố trí 1 khẩu thượng liên, chục khẩu súng trường K44, trực chiến đấu 24/24 giờ. Khoảng gần 10 giờ sáng, chúng tôi phát hiện máy bay Mỹ ném bom từ hướng núi Linh Nham, theo trục đường 1B vào cầu Gia Bẩy. Tổ thượng liên do anh Nông Quốc Khánh là xạ thủ và các tay súng trường đã ở vị trí chiến đấu nhưng chưa bắn trả. Tôi (Đại đội phó) và anh Trần Văn Đương (Trung đội trưởng) - ở vị trí chỉ huy, anh Phan Văn Giao ở vị trí quan sát. Hết loạt bom đầu, tôi phát hiện tiếng động cơ hướng Đông Bắc: Một chiếc máy bay bay rất thấp, đúng cự ly ngắm bắn của xạ thủ Nông Quốc Khánh và các tay súng trường. Tôi hô: - Chiếc đi đầu chính diện, bắn! Các tay súng đồng loạt nhả đạn. Lại phát hiện tốp F105 từ hướng Đông Bắc đang hạ thấp độ cao ném bom vào cầu, các tay súng lại nã đạn vào chiếc máy bay đang bổ nhào. Đúng lúc trận đánh diễn ra ác liệt thì từ phía Đông Nam, một tốp F105 đánh lạc hướng bất ngờ bổ nhào cắt bom thẳng vào trận địa. Xạ thủ Nông Quốc Khánh và các tay súng trường hy sinh tại chỗ, 71 người dân khu vực đầu cầu Gia Bẩy tử vong…

Bia tưởng niệm 15 chiến sĩ Đại đội tự vệ khu Hoàng Văn Thụ hy sinh trong trận đánh ngày 17/10/1965 được đặt ngay bên đầu cầu Gia Bẩy.

“Ta lên đồi Két Nước đã anh” - cô rủ. Ngõ dốc thoai thoải dẫn vào bên trong là dấu tích sót lại của đồi Két Nước. Cô hỏi những cư dân trong đó, họ lắc đầu: chúng tôi chỉ biết đây là đường Bắc Kạn.

Nén thở dài, cô cắm cúi về nhà cũ, qua Bến Than, cô thấy ai như bố cô, mẹ cô mặt mũi nhọ nhem đội thúng than về. Bến Than có từ thời Pháp, là nơi tập kết than từ mỏ Phấn Mễ về rồi chuyển đi bằng đường thủy. Trước, đứng chỗ này, sông Cầu mênh mang hiện ra trước mắt. Mùa lũ, gỗ lạt, súc vật trôi phăng phăng. Người hai bên bờ quăng dây vớt củi, tiếng la hét váng khúc sông. Giờ, nhà xây bưng lấy mắt, tên phố Bến Than chỉ còn lưu ở tên một ngôi đền. Cô không thể tìm ra vị trí cây mít dai ngày xưa ở góc sân. Nhà cô rời chỗ này 30 năm rồi, mà sao cô vẫn nhớ quả mít mọng căng, múi to dày, mật sánh ngọt lịm chảy theo vết bổ loang xuống tấm lá dong xanh mướt. Cây mít đâu biết nó đã từng cho cô cảm giác là người mạnh mẽ khi mũi dao thẳng băng xuyên thân nó. Chắc nó cũng không biết mấy chục năm sau, cảm giác đó lại trở thành nỗi ân hận.

Anh kéo cô khỏi dòng hoài niệm: Ta về thăm núi Cô Kê đi em? Ồ, phải đấy. Đã là người Thái Nguyên thì không thể không biết núi Cô Kê. Chỉ cách đồi Két Nước chừng 500 mét, quả núi có tầm cao lý tưởng cũng là trận địa pháo bảo vệ thành phố những năm 1965. Chuyện ông Thơm quyết không đi sơ tán, ở lì trên núi Cô Kê đánh kẻng báo động mỗi khi phát hiện máy bay giặc được người Thái Nguyên kể như huyền thoại. Ông Thơm càng nổi tiếng khi nhà văn Kim Lân viết truyện “Bố con ông gác máy bay trên núi Côi Kê”. Chưa hết đâu, Cô Kê còn chứa một bí mật khác. Trong lòng nó có 141 mét hầm được chèn chống bằng gỗ chắc chắn, là nơi làm việc của lãnh đạo Tỉnh ủy và Ủy ban hành chính tỉnh. Nhờ có địa đạo này mà cơ quan đầu não của tỉnh làm việc an toàn giữa tâm điểm đánh bom khốc liệt của máy bay Mỹ. Nhưng với cô, khu vực này còn thú vị hơn vì có Vườn hoa tròn và xóm Ngọc Lan. Mẹ cô kể, vườn hoa do Pháp xây dựng khoảng năm 1940, hình tròn, trồng nhiều hoa, lối đi lát gạch vuông chạy vòng quanh một đài phun nước. Vườn hoa tròn nằm trong xóm Ngọc Lan. Chỗ ở của gia đình bà Dương Vân Ngọc (tổ 1 phường Phan Đình Phùng nay), là nơi phát tích tên gọi này. Cụ ngoại của bà Ngọc là Hà Văn Quyền, sinh năm 1887, cùng vợ là cụ Đỗ Thị Lục đã làm nên thương hiệu tương nổi tiếng Thái Nguyên những năm 1930. Cây ngọc lan do cụ Quyền trồng mỗi mùa hoa tỏa hương thơm khắp vùng, tên xóm Ngọc Lan ra đời từ đấy. Sau trận bom ngày 17 tháng 10, dân thành phố sơ tán hết, vườn hoa tròn không ai ra chơi, hoa ngọc lan không người đến hái, những cái tên dần trôi vào quên lãng…

Cô nháo nhác tìm núi Cô Kê. “Sau nhà tôi là vị trí cửa vào địa đạo đấy, nhưng còn gì nữa đâu”, chị Huệ, chủ doanh nghiệp Nguồn sáng và Thiết bị chiếu sáng nói với cô. Ôi chao, cô thẫn thờ lẩm bẩm: Mấy năm trước em còn chụp ảnh quả núi sừng sững cơ mà? Sao đường thông đường, phố thông phố, nhìn xa lạ thế này?

Khu đồi Két Nước, nay đã là khu đô thị

Họ lên xe về trung tâm thành phố, xuôi đường Cách mạng Tháng Tám, rẽ vào phố Đội Giá (tổ 22 Phường Phan Đình Phùng nay). Đây là đường đến trường cấp 2 Nha Trang của cô 37 năm trước. Cái gò đất như trôn thúng khổng lồ úp ngay cổng trường tên là khu Âm hồn. Lũ học trò bọn cô nhặt cây que đất đá ném nhau mà không biết đó là khúc xương hay hộp sọ của người chết trồi lên. Cô nhớ câu chuyện gần đây của cô với một người Thái Nguyên gốc là ông Nguyễn Chính Đàm, 90 tuổi (số nhà 9, tổ 1, phường Tân Lập, TP. Thái Nguyên). Ông kể về nạn đói 1945 thế này: Cứ tầm 9 giờ sáng, tù nhân kéo xe “bò” đi nhặt xác đưa về khu Âm Hồn chôn lấp. Đến giờ tôi vẫn ám ảnh tiếng rít của bánh xe “bò” nghiến xuống mặt đường và những thân người chất chồng trên xe.

Chứng tích chiến tranh thường lưu lại bằng hiện vật bày trong bảo tàng như xích sắt, súng đạn, gông cùm. Nhưng chứng tích chiến tranh gây ra thảm cảnh làm chết hơn 2 triệu người Việt Nam năm ấy, chỉ bằng những ụ đất đang phẳng mờ theo năm tháng. Trường cô khi ấy là chục lớp học trát đất mái lá lụp xụp, trong lớp chỉ có dăm cái ghế “băng”, đứa nào đến sớm thì “giành” được ghế, nếu không thì kê vở lên đùi ngồi chép bài. Một lần thầy giáo dạy Toán bước vào lớp, thầy nhìn đám học trò nhem nhuốc dưới chân mình, thốt lên: Tôi không biết đây là lớp học hay là cái chợ? Đến tận giờ cô vẫn nhớ ánh mắt buồn thăm thẳm của thầy giáo già khi ấy. Thầy có lẽ đã ở tuổi 90. Không biết thầy còn hay mất?

Cổng trường bây giờ không đi qua khu Âm Hồn. Các dãy phòng học hai tầng hiện đại. Trên sân trường này, năm 1975, cô được thay mặt các bạn tặng hoa đoàn đại biểu kết nghĩa từ thành phố Nha Trang ra thăm, ở trong đó có một ngôi trường mang tên Thái Nguyên.

Trường THCS Nha Trang (TP. Thái Nguyên) ngày nay

3. Tour du lịch kỳ lạ đưa cô và anh đến một công trình điển hình của thời bao cấp, đó là cửa hàng bán thực phẩm. Nằm ở khu vực hàng khô (chợ Thái hiện nay), có một dãy nhà xây thâm thấp, ô cửa sổ kín bưng luôn được hàng chục, hàng trăm cặp mắt dán vào, hóng đợi. Cô đi từ nửa đêm, tay khư khư giữ bọc ni lông quấn tờ tem phiếu. Bắt chước mọi người, cô đặt nửa hòn gạch xếp hàng rồi tựa lưng vào tường gà gật ngủ tiếp. Cô sợ hãi nhìn đám thanh niên choai choai (có thể có anh trong đó) đùa hét xa xa. Tầm 9 giờ sáng, tiếng kẹt cửa vang lên, ai đó hét “hàng về”, đám trai kia nhảy bổ vào, gạt hết gạch đá, nón, mũ xếp hàng, đứng áp ngay ô cửa. Cô bất lực lùi lại phía sau, kiên nhẫn chờ thêm 3 - 4 tiếng đồng hồ, may thì mua được tí thịt bạc nhạc, không may thì nhìn ô cửa sập lại, biết chắc về nhà sẽ “ăn” trận đòn mê tơi.

Không biết có phải thành phố muốn lưu lại kỷ niệm thời bao cấp đáng nhớ ấy không mà khu Bách hóa tổng hợp gần 50 năm trước (đường Bến Tượng, phường Trưng Vương nay) vẫn giữ nguyên. Mỗi lần qua đây cô thấy sực lên từ ký ức mùi dầu hỏa, mùi xà phòng giặt, mùi thuốc lá khét lẹt và gương mặt cau có của các mậu dịch viên. Cầm trên tay chiếc đài chạy pin bày bán ê hề, cô nhớ bố cô ở nơi sơ tán quý cái đài con hơn báu vật, suốt đêm dò sóng lẹt xẹt, vẻ mặt vô cùng mãn nguyện khi nghe câu “Đây là Đài tiếng nói Việt Nam” vang lên. Cô nhớ mẹ cô xin được ai đó mảnh giấy viết dòng chữ nguệch ngoạc “duyệt cho mua 2 mét vải ka-ki”, may cho cô cái quần “mồi” đón năm học mới…

Tour du lịch của cô và anh miên man từ chỗ này sang chỗ kia. Chưa chuyến đi nào cô nói nhiều chữ “nhớ” và anh nói nhiều chữ “ngày xưa” đến thế. Anh hào hứng: Mình sẽ làm những chuyến trở về như thế nhé. Mình sẽ về trường cấp 3 Lương Ngọc Quyến, nơi có cây mận nở hoa lần đầu đúng ngày tựu trường sau chiến tranh. “Trong nắng hồng ngày xuân tươi vui, bên mái trường thơm mùi lá mới, có cây mận, có cây mận nó nở (à) hoa…”. Mình sẽ về ghềnh đá Tỉnh ủy thăm cây gạo, cây đa trăm tuổi. Mình sẽ về khu sơ tán Dốc Đỏ, Quán Ba Trăm. Mình sẽ đến cửa hàng lương thực Quang Trung, Mỏ Bạch. Mình sẽ đến đồi Yên Ngựa, đồi Ông Đống, đồi Cây Thông, đồi Chống Sét. Mình sẽ đến nhà bà Côi bánh cuốn, bà Tẹo bánh đúc, bà Đàm dày giò. Mình sẽ đến những nơi mênh mông kỷ niệm…

Tựa đầu vào lưng anh, cô như trôi trên phố. Cô thấy những gương mặt nửa quen nửa lạ vẫy cô phía trước, níu cô phía sau. Những gương mặt tụ lại, trở thành lịch sử. Cô nghe ai đó thì thầm bên tai: Con đừng buồn vì không thấy cảnh cũ người xưa. Con nhìn xem, mặt đất này, bầu trời này vẫn ở đây từ ngàn năm trước.

Xe dừng trước cổng nhà, cô chợt sững người rồi bật reo sung sướng: Ôi, cây mít ngày xưa, nó về lại góc sân nhà cô chục năm, hôm nay cô mới hiểu.

Thì ra cây đã luân hồi và tha thứ cho cô.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Không khóc ở Đài Loan

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 1 năm trước

Trái tim bồ đề

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 1 năm trước

Thái Nguyên lưu luyến trong tôi

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 1 năm trước

Người bản Dao thay áo cho rừng

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 1 năm trước

Văng vẳng tiếng còi tàu

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 1 năm trước