Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
18:15 (GMT +7)

Mạng xã hội cho người yêu sách

Trong suy nghĩ của nhiều người, sự mê hoặc của mạng xã hội lấy đi một thói quen lành mạnh - thói quen đọc sách. Lướt web buổi sáng, đọc “newsfeed” trước giờ đi ngủ, tranh thủ vào mạng lúc đợi xe, giờ giải lao, chờ đón con hay thậm chí, vào đến nhà vệ sinh, người ta cũng không quên mang theo điện thoại. Đã có những lo ngại về tác động xấu của công nghệ nói chung, mạng xã hội nói riêng đến văn hóa đọc sách. Đó là những lo ngại có cơ sở, bởi đúng là, với không ít người, một cách vô thức, họ thuộc làu làu “profile” cho đến lịch trình hoạt động của hàng ngàn bạn bè trên mạng xã hội; tham gia vài chục hội nhóm, tiếp cận lượng thông tin khổng lồ qua những kết nối trực tuyến, song lại luôn thiếu thời gian cho việc đọc một cuốn sách. Sách kinh điển “mắt chưa từng ngó”, sách mới không có cảm hứng xem, cho đến cả sách giáo khoa - nhiều học sinh cũng chỉ lướt qua nội dung bởi nếu cần “trả bài” đã có vô số bài tóm tắt, “rì viu”, gợi ý làm bài trên mạng sẵn sàng hỗ trợ.

Mạng xã hội đã đem đến những sự kết nối tuyệt vời để chúng ta giữ gìn, nuôi dưỡng thói quen đọc sách mỗi ngày. (Ảnh minh họa, nguồn: internet)

Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào những tác động tiêu cực của mạng xã hội với văn hóa đọc sách, sẽ là không công bằng bởi công nghệ với những tiện ích mà nó mang lại cũng góp phần tích cực vào việc khơi dậy và lan tỏa văn hóa đọc.

Trước hết, có cả một vũ trụ sách trên mạng xã hội. Thư viện điện tử, nhà sách online, group đọc sách (như Cộng đồng đọc sách tinh hoa, Nhã Nam Readding club, Hội thích đọc sách trinh thám, CLB người chơi sách phiên bản giới hạn Việt Nam…) là không gian vô tận cho những người yêu sách. Ở đó, bạn được tiếp cận với khối lượng tác phẩm khổng lồ được phân loại khoa học, giới thiệu chi tiết, công cụ tìm kiếm dễ dàng.

Lên thư viện, lang thang ở nhà sách, dạo chơi trên những con đường sách, ghé thăm thư phòng của một người mê đọc… có thể đem đến những xúc cảm tuyệt vời, khơi dậy vùng kí ức trong trẻo của một thời “đèn sách” hồn nhiên, thanh nhã. Song, giữa cuộc sống tất bật bộn bề, việc đọc sách, tìm sách, mua sách qua không gian mạng đã giúp cho rất nhiều người tiếp cận thông tin dễ dàng, nhanh chóng và hiệu quả nhất. Mỗi chúng ta, ai cũng từng thích một trang sách, một câu chuyện hay đôi khi chỉ là đoạn văn, câu thơ nào đó tình cờ đọc qua hay in dấu trong kí ức thơ bé. Trên không gian mạng, ta hoàn toàn có thể tìm lại nó dưới sự trợ giúp của một cộng đồng những “con mọt sách”. Sách hay sẽ thêm phần quý giá nếu chỉ sót lại một cuốn đã phủ bụi thời gian - một “phiên bản giới hạn” theo ngôn ngữ hiện đại, nhưng còn quý hơn nếu nó được nhân bản, số hóa, lưu trữ và truyền bá trên không gian mạng để tìm đến với nhiều người nhất có thể và gìn giữ cho muôn đời.

Không gian mạng không chỉ là nơi lưu giữ sách mở mà còn tạo ra những tương tác vô cùng phong phú để hành trình đọc sách thêm thú vị. Trước kia, khi đọc một cuốn sách, độc giả rất ít khi có cơ hội được trao đổi với tác giả, cũng không có nhiều điều kiện để phê bình, bàn luận với những người có chung niềm quan tâm. Nếu có, quá trình trao đổi ấy thường chỉ diễn ra trên những không gian chính thống có phần quy cách như bút chiến, trao đổi phê bình trên báo chí, tọa đàm trong hội thảo, giảng đường… Điều này ít nhiều hạn chế cảm xúc và sự tự nhiên thể hiện quan điểm. Nhưng trên mạng xã hội, sự tương tác là vô hạn. Rất nhiều cuốn sách mới trở nên nổi tiếng, rất nhiều cuốn sách cũ bỗng “hot” trở lại thông qua những trao đổi rầm rộ trên các diễn đàn. Sức sống của một tác phẩm, sự “đồng sáng tạo” giữa người viết với độc giả hiển hiện rõ ràng hơn bao giờ hết.

Mạng xã hội có vai trò đặc biệt trong công tác truyền thông đọc sách, quảng bá cho những ấn phẩm hay, phát hiện những ấn phẩm còn “sạn” để gạn đục khơi trong trong bối cảnh xuất bản tự do và cởi mở. Với tính năng đặc biệt của mình, mạng xã hội dễ dàng “định vị xu hướng sở thích” của người dùng. Và như vậy, chỉ cần một động tác tìm kiếm dòng sách nào đó, người yêu sách sẽ được chỉ đường đến với những tác phẩm tương tự, những cộng đồng cùng chung sở thích, để thỏa sức vẫy vùng trong mê cung tri thức.

Hòa mình vào cộng đồng những người yêu sách trên mạng xã hội, việc đọc sách không chỉ vui hơn mà còn “kỉ luật” hơn với những nguyên tắc được thiết lập. Giả sử, Câu lạc bộ đọc sách lúc 5 giờ sáng là nơi hội tụ của hàng ngàn thành viên có thói quen dậy sớm, thưởng thức “cà phê cho tâm hồn” bằng việc sách. Đều đặn hàng ngày, qua Zoom, các thành viên trong nhóm sẽ hội tụ, cùng đọc và luận bàn về một cuốn sách hay, để khởi động cho ngày mới. Mô hình các câu lạc bộ thức dậy lúc 5 giờ được hưởng ứng đông đảo ở khắp nơi trên thế giới(1), hướng đến những thói quen lành mạnh, trong đó có việc đọc sách.

“Đóng cửa đọc sách” là cách học của cổ nhân, xuất phát từ quan niệm, đọc sách là tư duy, cần tĩnh lặng để đào sâu suy ngẫm. Nhưng thế giới ngày càng phát triển theo xu hướng mở. Trong bối cảnh ấy, mạng xã hội không phải lúc nào cũng là “đối thủ cạnh tranh”, là “kẻ hủy diệt” văn hóa đọc sách. Ngược lại, nó đem đến những sự kết nối tuyệt vời, những trải nghiệm sáng tạo và độc đáo, để giữ gìn tinh hoa và hồi sinh, nuôi dưỡng thói quen đẹp đẽ của nhân loại: đọc sách mỗi ngày.

(1) Chuyên gia nổi tiếng về nghệ thuật lãnh đạo - Robin Sharma - đã giới thiệu khái niệm “The 5 Am Club - Câu lạc bộ 5 giờ sáng” lần đầu tiên cách đây hơn 20 năm, với một loạt các thói quen lành mạnh nên thực hiện vào sáng sớm.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Sống chung với lũ

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Người dẫn đường và con đường đã mở

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Chủ nhật yên tĩnh – nghĩ và mong…

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Nhà văn và xuất bản sách

Xem tin nổi bật 4 tháng trước

Đạo đức người làm báo

Xem tin nổi bật 5 tháng trước

Thực thần – dễ có ngày bán mạng

Xem tin nổi bật 5 tháng trước

Băn khoăn… chờ lương mới

Xem tin nổi bật 6 tháng trước