Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
23:40 (GMT +7)

Lớp viết văn Thái Nguyên – chuyện bây giờ mới kể

VNTN - Lớp viết văn dân lập lần đầu xuất hiện

Sáng ấy, nhà văn Hồ Thủy Giang sang cơ quan Báo Thái Nguyên chơi, tiện rẽ vào phòng tôi trò chuyện. Anh Giang báo tin: “Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Kim Khoa đang nhờ mình bồi dưỡng phương pháp viết truyện ngắn, nhưng mình bảo một người học thì phí quá, giá tập hợp được mươi người thì tốt. Hình như Khoa nó “gọi” thêm được mấy người nữa”. Nghe đến đấy, mắt tôi sáng lên, vội cướp lời: “Hay quá, cho em học với”. Thực ra, tôi không bột phát nảy ra ý định này, mà đã lâu, rất lâu rồi, tôi đã nghĩ mình phải học, học để viết vững tay hơn. Nhiều lần nói chuyện với nhà văn Hồ Thủy Giang, tôi bảo “em có ý tưởng này, ý tưởng này, nhưng không biết làm thế nào để triển khai thành truyện”. “Em ăm ắp tư liệu về nghề báo, muốn viết tiểu thuyết lắm, nhưng bắt đầu như thế nào đây?”. Cứ ấm ách ậm ạch như cá vật đẻ mà không sao sinh nở được. Thế cho nên nghe đến chữ “học” là mắt tôi bật như đèn ô tô là vì thế.

Tôi dùng facebook để thông báo cuộc họp trù bị. Một sáng thứ bẩy đẹp trời, 8 học viên “sáng lập” đã có mặt tại quán cà phê Trịnh, nằm không xa Hội Văn nghệ mấy tí. Chủ quán biết ý, dành riêng cho các “văn sĩ” một phòng, không ai quấy rầy. Những quyết đáp quan trọng diễn ra bên cốc… nước xoài. Về lịch học, nội dung, đóng góp, mục tiêu đặt ra, bầu lớp trưởng là tôi (chưa bao giờ tôi được lên chức dễ thế). Nghiêm túc và hừng hực khí thế. Chúng tôi thống nhất cao trên từng “milimet”, chung quan điểm: học để tự tin, học để phát triển.

Nhằm mùa xuân trăm hoa đua nở, ngày 5/3/2016, Lớp Viết văn của chúng tôi bắt đầu buổi học đầu. Đây có lẽ là sự kiện đặc biệt trong lịch sử sinh hoạt văn học của tỉnh Thái Nguyên nói riêng và của cả nước nói chung. Lần đầu tiên một lớp học viết văn do chính những người say mê sáng tác văn chương tổ chức và duy trì trên nguyên tắc: Tự nguyện, nghiêm túc, công khai và hiệu quả.

Lúc đầu, lớp có 8 người, xa nhất là anh Trần Bình Dưỡng và chị Ngọc Thị Thái ở tận Phổ Yên. Đa số học viên đã có tác phẩm được đăng báo, thậm chí xuất bản vài cuốn sách chững chạc, nhưng cũng có người chưa hề viết văn xuôi, như anh Xuân Hùng (phường Phan Đình Phùng), có người chỉ làm thơ cũng theo học văn xuôi là anh Minh Trọng (phường Cam Giá). Tâm sự rất thật, anh Hùng nói với lớp: Mình học là để hiểu vì sao đọc truyện này mình thích, đọc truyện kia mình lại không thích? Và người ta đã làm thế nào để viết ra tác phẩm hay như vậy?

Phương pháp “tam đa” và trái ngọt đầu mùa

Ngay buổi học đầu tiên, nhà văn Hồ Thủy Giang quán triệt chúng tôi không gọi bằng “thầy”. Ông bảo, không dám “dạy” ai viết văn, mà chỉ là truyền nghề bằng con đường ngắn nhất, dễ hiểu nhất, vậy thôi. Với phương pháp “tam đa”, nghĩa là: đọc nhiều, viết nhiều, thảo luận nhiều, chúng tôi đã được nhà văn trang bị nền tảng lý luận cơ bản của văn học, phương pháp viết các thể loại văn xuôi như truyện ngắn, tiểu thuyết, tản văn, phê bình, kịch bản phim. Buổi học nào ông cũng “tung” ra các vấn đề cho lớp thảo luận như chức năng văn nghệ, hình tượng nghệ thuật, đề tài, chủ đề, nhân vật, cốt truyện, kết cấu, lối diễn đạt, phương pháp, cảm hứng sáng tác… Chúng tôi tranh luận, thậm chí tranh cãi, để rồi cuối cùng gật gù trước ý kiến của “người phán xử” là nhà văn Hồ Thủy Giang.

Thể loại trọng tâm lớp hướng tới là truyện ngắn. Với kinh nghiệm của người xuất bản 12 tập truyện ngắn, nhà văn Hồ Thủy Giang “dốc” cho chúng tôi bí quyết nhà nghề từ cách đặt tên truyện, cách dẫn truyện, cách gửi thông điệp thẩm mỹ đến bạn đọc; cách tạo “vân chữ”, “hạt ánh sáng” cho tác phẩm. Để cầm chịch những buổi học đặc biệt này, nhà văn Hồ Thủy Giang chuẩn bị giáo án khá công phu. Hồi hộp nhất là phần trả bài, tác phẩm được thầy nhận xét, truyền cho cả lớp đọc, nhận xét. Khen mức độ, chê hết lời, nhưng không ai giận dỗi hay nản lòng. Ngược lại, cả lớp như bị “bỏ bùa”, cảm hứng ngùn ngụt, có người viết được hai đến ba tác phẩm/tuần. Dường như mọi người đang chớp lấy thời cơ để được uốn nắn, chỉ bảo, để nhận ra mình rõ hơn qua mỗi tác phẩm.

Sau khoảng 3 tháng, những trái ngọt đầu mùa đã được các tòa soạn: Báo Thái Nguyên, Báo Văn nghệ Thái Nguyên, tạp chí văn nghệ một số tỉnh đón nhận. Tính đến ngày tổng kết lớp (tháng 4-2017), đã có gần 100 tác phẩm của lớp được đăng, chủ yếu là truyện ngắn.

“Cao thủ” nhất phải kể đến tác giả Phan Thái, sẵn sức viết khỏe, lại thêm liều “tăng lực” của lớp, anh đã cho ra mắt bạn đọc tiểu thuyết “Đèn giời” dày 500 trang, tập truyện “Người đàn bà đi trong sương” gồm 16 truyện ngắn, chưa kể 6 truyện ngắn, 1 bút ký, 15 bài thơ in lẻ.  Một số tác giả - học viên khác của lớp như Hoàng Thị Hiền, in 17 tác phẩm, Dương Văn Mưu khởi sắc với 13 tác phẩm, Trần Nhung 8 tác phẩm, Trần Thị Thao, gương mặt mới tinh tham gia văn đàn cũng được in 3 tác phẩm, Linh Lan lần đầu tiên có truyện ngắn in báo Văn nghệ Thái Nguyên. Đặc biệt, anh Xuân Hùng, người chưa từng viết văn xuôi đã trình làng 3 truyện ngắn. Anh Minh Trọng có chuyển biến lớn về phương pháp sáng tác, được đăng 17 bài thơ trong thời gian này.

Ngoài thành công riêng, chúng tôi còn có kỷ niệm chung, đó là tập truyện “Ngược sóng” gồm 28 tác phẩm của 13 tác giả, phát hành toàn quốc. Mừng hơn, bốn thành viên của lớp được kết nạp vào Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đầu năm 2017. Mừng hơn nữa, chúng tôi đã nhận ra mình đang đứng ở đâu trong dòng chảy văn chương sôi sục ngoài kia.

Vẫn còn tiếc nuối

Trẻ nhất lớp, trưởng xóm Đình Dầm, xã Nga My, huyện Phú Bình là Hoàng Thị Hiền lại “múa” khá thành công cả văn xuôi và thơ, bằng 7 truyện ngắn, 1 tản văn và 9 bài thơ được đăng. Hiền tâm sự: Tham gia lớp học, cháu nhận ra được rất nhiều điều: Hóa ra bấy lâu nay, mình chỉ sáng tác theo cách mày mò như người cầm bút tự dò đường. Tác phẩm không có chiều sâu, diễn đạt còn kém, thậm chí, cháu còn mắc một số lỗi chính tả. Truyện ngắn đầu tiên cháu viết ở lớp thể hiện rất rõ những khuyết điểm đó. Trong thời gian ở lớp, cháu thấy tâm hồn nhẹ nhõm, mọi khó khăn trong cuộc sống được mọi người chia sẻ, những lời khuyên chân thành giúp cháu tìm ra hướng giải quyết đúng đắn. Khi cầm bút viết một tác phẩm, cháu tự giải thoát cho mình khỏi những bế tắc, tự biên tập chính cuộc sống của mình…

Chững chạc cả tuổi đời và tuổi nghề văn chương như tác giả Phan Thái lại tiếc nuối: “Tôi tiếc bởi đã viết nhiều truyện ngắn và in ba tiểu thuyết mới được học, nếu lớp này tổ chức sớm hơn chắc chắn các tác phẩm của tôi sẽ chất lượng hơn”.

Giấu sự xúc động bằng thái độ điềm đạm vốn có, nhà văn Hồ Thủy Giang - người lái đò - vẫn “buột” ra sự ngạc nhiên: Kết quả lớp học này vượt ngoài sức tưởng tượng của tôi, các bạn đã đi những bước rất dài, rất đặc biệt đối với chính bản thân các bạn. Dù chương trình đã kết thúc nhưng bây giờ mới là lúc mở đầu thực sự với sự nghiệp văn chương của mỗi người.

Trên trang facebook riêng của lớp, hàng ngày vẫn có thông tin mới “ắp” lên. Đó là truyện, thơ mọi người mới viết; là bình luận, góp ý vào tác phẩm; thông tin chuyện vui chuyện buồn cho nhau biết; là lịch đi chơi, thực tế sáng tác… Chúng tôi vẫn là một tập thể yêu quý nhau như ngày nào.

Chúng tôi đã thống nhất với nhau, rằng: Một thời gian nữa, đủ để các cây bút cứng cáp và bản lĩnh hơn, chúng tôi sẽ “tung” trang facebook riêng này ra chế độ mở (mọi người xem), tiếp thu nhận xét, có thể chê bai, có thể nghiệt ngã với tác phẩm của mình, dám cọ xát để lớn lên. Đồng thời chúng tôi tiếp nhận tác phẩm của tất cả mọi người, trở thành diễn đàn văn chương cho những ai quan tâm đều có thể tham gia. Tầm nhìn vài ba năm tới là thế, còn trong năm 2017, sẽ có 3 - 4 đầu sách ra đời bởi “bà đỡ” Hồ Thủy Giang và lớp viết văn dân lập này.

Mai đây, rồi mỗi người sẽ có một tương lai riêng, nhưng dấu ấn của lớp viết văn đối với chúng tôi thật khó phai. Bởi, đây là bước đi đầu tiên của những người dấn thân vào con đường viết văn chuyên nghiệp.

Minh Hằng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự đêm giao thừa

Văn học 1 năm trước

Chợ

Văn học 2 năm trước

Tháng Tám mùa thu

Văn học 3 năm trước

Dưới tán côm xanh

Văn học 7 năm trước