Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
17:36 (GMT +7)

Lễ hội Gầu Tào - tiếng lòng của người Mông

VNTN- Là thành tố quan trọng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đồng bào người Mông có đời sống tinh thần, tâm linh rất phong phú, đa dạng, với nhiều nét đặc sắc. Một trong những nét đặc sắc đó là nghệ thuật biểu diễn khèn Mông, gắn với lễ hội Gầu Tào, một lễ hội tiêu biểu thể hiện truyền thống văn hóa của người Mông.

Lễ hội Gầu Tào - tiếng lòng của người Mông
Rước lễ ra khu vực cây nêu

Nhằm mục đích bảo tồn, phục dựng, phát huy nét đẹp truyền thống đó của đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn, ngày 23/12 tại xóm Na Sàng, xã Phú Đô, huyện Phú Lương đã diễn ra Lễ hội Gầu Tào thu hút sự tham gia của đông đảo người dân trong và ngoài xã.

Lễ hội Gầu Tào - tiếng lòng của người Mông
Ông Hoàng Văn Dùng thực hiện nghi lễ

Gầu Tào theo tiếng Mông có nghĩa là “chơi ngoài trời” hay “hội chơi đồi”. Theo tiếng Quan Hỏa, người Mông một số nơi còn gọi là “Say Sán” có nghĩa là “Đạp núi”.

Lễ hội Gầu Tào - tiếng lòng của người Mông
Lễ vật trong nghi lễ khá đơn giản

Đây là lễ hội truyền thống của người Mông mỗi khi Tết đến Xuân về. Mở màn cho lễ hội sẽ là phần nghi thức cúng trang trọng tại khu vực cây nêu để bày tỏ lòng kính trọng, biết ơn trời đất, cầu mong sơn thần thổ địa phù hộ độ trì cho bà con nhân dân mạnh khỏe, người người yên vui, các gia đình có người nối dõi tông đường để chăm sóc tổ tiên dòng họ, mùa màng bội thu, ngô lúa đầy sàn, gia súc, gia cầm sinh sôi phát triển.

Theo ông Hoàng Văn Dùng, là người có uy tín trong cộng đồng ở Na Sàng, người chủ trì nghi lễ cúng Gầu Tào, thì việc thực hiện nghi lễ cúng trước khi bắt đầu lễ hội còn là để xin phép thiên địa, thần linh cai quản trong khu vực cho phép người dân được mở hội. Bởi, khi có hội sẽ có những âm thanh vui nhộn, làm huyên náo cả vùng. Đồng thời, cũng xin phép thần linh cho con dân được thụ hưởng lễ vật.

Lễ hội Gầu Tào - tiếng lòng của người Mông
Người dân cầu cho bản thân và gia đình được mạnh khỏe, mùa màng bội thu

Lễ vật trong nghi thức cúng khá đơn giản, chỉ gồm một chiếc thủ lợn và một chai rượu, một bát gạo và một quả trứng. Rượu được rót ra 3 cái chén khi làm lễ. Thầy cúng sẽ vừa khấn, vừa rót thêm rượu vào chén. Kết thúc bài khấn, những người có mặt sẽ cầm một nén nhang cắm vào mâm lễ. Nghi lễ xong, phần hội chính thức bắt đầu.

Lễ hội Gầu Tào - tiếng lòng của người Mông
Mèn mén là món ăn không thể thiếu của người Mông trong những dịp lễ, tết

Xóm Na Sàng được hình thành từ năm 1990, ban đầu chỉ có 5 hộ. Sau hơn 30 năm, đến nay xóm có 28 hộ với 120 nhân khẩu. Na Sàng là xóm có điều kiện kinh tế còn ở mức thấp so với mặt bằng thu nhập chung của xã.

Đã nhiều năm nay, nhân dân ở Na Sàng mong muốn được trao truyền nghệ thuật trình diễn khèn Mông và mở lễ hội Gầu Tào truyền thống của dân tộc. Nhưng, vì điều kiện kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn nên Lễ hội và việc truyền dậy khèn Mông chưa thể thực hiện.

Lễ hội Gầu Tào - tiếng lòng của người Mông
Nghệ thuật trình diễn khèn Mông đang được bảo tồn và truyền dạy ở Na Sàng

Bởi vậy, thật khó có thể diễn tả hết niềm vui của người dân Na Sàng khi được Sở Văn hóa thể thao và Du lịch hỗ trợ kinh phí để tổ chức tập huấn, truyền dạy và sưu tầm nghệ thuật trình diễn khèn Mông. Một lớp học với 20 học viên thuộc nhiều thế hệ của Na Sàng được mở ra, do chính những “Nghệ nhân làng” truyền dạy.

Lễ hội Gầu Tào - tiếng lòng của người Mông
Múa và thổi khèn quay cây nêu trước giờ tung còn

Em Hoàng Văn Sơn 16 tuổi, là những học viên trẻ nhất của lớp học khèn xúc động bày tỏ: Tuy là người Mông, nhưng trước đây chúng em lại không biết sử dụng khèn, không biết thổi các bài khèn. Nhiều lần chúng em đều muốn đi học nhưng vì điều kiện khó khăn không có điều kiện mua khèn để thực hành, cũng không có người truyền dạy tại chỗ nên cũng chỉ là mong muốn.

Lễ hội Gầu Tào - tiếng lòng của người Mông
Vòng tròn hồng tâm đã được xuyên thủng

Còn em Hoàng Văn Hén năm nay vừa tròn 18 tuổi bộc bạch: Hôm được bác Dùng thông báo sẽ mở lớp dạy khèn tại nhà Văn hóa xóm, lớp cũng được tỉnh tặng cho 3 chiếc khèn để thực hành, em vui quá, đăng ký học ngay. Em sẽ chăm chỉ tập luyện để đến lễ hội lần sau có thể được biểu diễn trên sấu như các chú, các bác.

Lễ hội Gầu Tào - tiếng lòng của người Mông
Là ngày hội của mình nên các "vận động viên" nữ cũng hăng hái tham gia các trò chơi

Tại ngày hội, đông đảo nhân dân và du khách đã được xem múa khèn, các tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc của người dân tộc Mông cùng nhiều trò chơi dân gia như đẩy, gập, kéo co, đánh yến.

Lễ hội Gầu Tào - tiếng lòng của người Mông
Các khán giả nhí hào hứng với các phần thi

Tất cả người dân Na Sàng khi được hỏi đều bày tỏ niềm tự hào về lễ hội truyền thống của dân tộc mình. Đặc biệt, ngoài ý nghĩa ban đầu của lễ hội là cầu phúc, cầu mệnh đã có sự biến cải, nâng tầm thành lễ hội của xóm với ý nghĩa cầu cho mùa màng bội thu, người người khỏe mạnh, nhà nhà có cuộc sống no ấm, hạnh phúc.

Lễ hội Gầu Tào - tiếng lòng của người Mông
Màn thi đấu ngang sức, ngang tài

Bà Hoàng Thị Châu phấn khởi quàng thử chiếc khăn nhung đen lay láy lên mái tóc cười mãn nguyện. Tôi đã 70 tuổi, lần đầu tiên thấy xóm tổ chức được lễ hội Gầu Tào, vui không biết phải tả thế nào. Hôm nay lễ hội, người ta mang nhiều hàng đến bán. Tôi mua thêm chiếc áo ấm và cái khăn này để diện Tết. Mỗi năm tôi mua quần áo mới một lần. Mua trong này hội như hôm nay còn để làm kỷ niệm nữa.

Lễ hội Gầu Tào - tiếng lòng của người Mông
Trò chơi kéo co tại Lễ hội diễn ra vô cùng sôi nổi

Ông trời cũng như biết chiều lòng người khi nhanh chóng xua tan đi cái lạnh đến tê tái của núi rừng giữa những ngày đông. Gần trưa, ánh nắng chan hòa, dịu nhẹ phủ vàng nên vạn vật, cảm giác ấm áp len lỏi khắp mọi nơi làm cho các cuộc vui của bà con trong càng thêm sôi nổi.

Kim Ngân

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy