Làm khoa học bằng… “Đam mê chuyên nghiệp”
VNTN - Là những nhà giáo làm việc tại một trường đại học chuyên đào tạo và nghiên cứu về lĩnh vực khoa học cơ bản, nhưng nhóm nghiên cứu của TS Nguyễn Phú Hùng (Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên) lại vừa tạo ấn tượng bằng một đề tài khó của lĩnh vực khoa học ứng dụng, khi nghiên cứu và phát triển thành công bộ sinh phẩm phát hiện COVID-19.
Chia sẻ về ý nghĩa của nghiên cứu quan trọng này, tác giả của đề tài điềm đạm và chân thành nói: “các đồng nghiệp trẻ của chúng tôi họ có đam mê chuyên nghiệp, và đây là kết quả của sự đam mê đó”.
3 tháng cho một kết quả ấn tượng
Những ngày tháng dịch bệnh COVID-19 bùng phát đợt thứ nhất, cả xã hội phải căng sức để bảo vệ sức khỏe và an toàn, thì cũng là lúc mà TS. Nguyễn Phú Hùng lặng lẽ trăn trở với những câu hỏi trong đầu về cách tiếp cận vấn đề. Mục tiêu “bắt bài” con virus để chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm bắt đầu thôi thúc và ngay lập tức cuốn anh vào công việc.
Chia sẻ tâm huyết của mình với lãnh đạo nhà trường, anh nhận được sự ủng hộ tuyệt đối với những hỗ trợ sát sườn. Nhiều nơi, người ta vẫn hay nói với nhau về chuyện nhiều nhà khoa học phải làm đủ các thứ việc, trừ nghiên cứu khoa học. Nhưng ở đây, nhóm nghiên cứu của TS. Nguyễn Phú Hùng đúng là được… nghiên cứu. Anh được giao chủ nhiệm đề tài, toàn quyền chủ động lựa chọn các cộng sự để thành lập nhóm nghiên cứu. Mọi công việc thuộc về hành chính, thủ tục đã có sự hỗ trợ của bộ phận chuyên trách. Máy móc trang thiết bị của Phòng thí nghiệm Nhà trường đã sẵn sàng. Việc trao đổi, hợp tác với Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên để phối hợp trong việc sử dụng bệnh phẩm, tiến hành xét nghiệm rất thuận lợi. Đề tài nghiên cứu được lựa chọn làm nhiệm vụ thuộc Chương trình hợp tác về Nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ khoa học & công nghệ giữa UBND tỉnh Thái Nguyên và ĐH Thái Nguyên, thời gian thực hiện bắt đầu từ tháng 5/ 2020.
TS. Nguyễn Phú Hùng báo cáo trước Hội đồng Khoa học Công nghệ nghiệm thu kết quả nghiên cứu.
“Thú thật, ban đầu khi nhóm bắt tay vào thực hiện, chúng tôi cũng rất lo lắng. Nhiều người thậm chí hoài nghi, họ bày tỏ với tôi sự ái ngại và cho rằng việc này là cực khó, nằm ngoài khả năng của nhóm nghiên cứu và Nhà trường. Nhưng tôi hiểu TS. Hùng, tin tưởng vào sự nghiêm túc và tâm huyết cũng như trình độ của anh cùng nhóm cộng sự. Nếu không đủ năng lực, sự dấn thân, tinh thần trách nhiệm, nhóm nghiên cứu chắc không dám nhận nhiệm vụ này” - PGS.TS Nguyễn Văn Đăng, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên nhớ lại cảm xúc những ngày bắt đầu triển khai đề tài mà Nhà trường là đơn vị đảm nhận thực hiện.
Mê mải trong những phòng thí nghiệm, nhóm nghiên cứu dường như cũng không để ý về dư luận xung quanh, mà chỉ biết tập trung tối đa cho các thí nghiệm của mình. “Nhiều khi thầy Đăng và Nhà trường còn sốt ruột và lo lắng hơn chúng tôi” - TS. Nguyễn Phú Hùng vui vẻ đùa. “Có những hôm thử nghiệm không thành công, làm đi làm lại đến 5-6 lần, mãi 22h mới về đến nhà và con nhỏ đã ngủ say rồi. Cũng vất vả, nhưng thực sự mà nói, trong làm khoa học, những chuyện như thế cũng là bình thường. Được nghiên cứu, đó mới là niềm vui. Và kết quả nghiên cứu, đó là hạnh phúc” - TS. Nguyễn Thị Hương, thành viên chủ chốt trong nhóm nghiên cứu đề tài mở lòng bày tỏ.
Những thay đổi liên tục trên genome của virus SARS-CoV-2 đã và đang tạo ra thách thức nhất định đối với việc chẩn đoán bằng kỹ thuật Realtime PCR. Những mẫu dò được thiết kế vào vùng gene có nhiều đột biến như gene ORF hoặc gene S đều có nguy cơ bỏ sót các đột biến không bắt cặp với các mẫu dò hoặc trình tự mồi. Thêm vào đó, thay đổi trên các gene mã hóa kháng nguyên đặc trưng của virus cũng sẽ tạo ra những khó khăn nhất định cho việc nghiên cứu và sản xuất vacxin phòng bệnh COVID-19.
Trong nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu của TS. Hùng đã phân tích và lựa chọn vùng gene E với rất ít các biến đổi di truyền và đặc trưng cho các chủng SARS-CoV2 đã được phân lập để là đích phát hiện cho bộ sinh phẩm. Việc phát hiện virus SARS-CoV-2 sử dụng chất phát quang Sybr Green có ưu điểm là độ nhạy cao, cho phép khuếch đại những đoạn gene ngắn, đặc biệt chu kỳ nhiệt có thời gian ngắn giúp rút ngắn thời gian chẩn đoán, giảm chi phí hóa chất dùng trong sản xuất sinh phẩm. Tuy nhiên, công việc tối ưu quy trình thì rất nhiều khó khăn, tốn thời gian.
Sau 3 tháng nghiên cứu, ngày 25/6, sản phẩm được Viện Kiểm định Quốc gia Vắcxin và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế) chứng nhận kiểm nghiệm. Ngày 17/8, kết quả nghiên cứu được Hội đồng khoa học và công nghệ nghiệm thu, với các chuyên gia và các nhà nghiên cứu đến từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện kiểm định Quốc gia Vắcxin và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế), Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam, Đại học Việt - Pháp. Kết quả cho thấy các chỉ số của bộ sinh phẩm phát hiện SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime PCR là rất tích cực: Độ nhạy, độ đặc hiệu lâm sàng đạt 100%, giới hạn phát hiện (LoD95) tốt, từ 10 - 50 copies/phản ứng; thời gian thực hiện phản ứng trong khoảng thời gian chỉ từ 60 - 75 phút (các bộ sinh phẩm khác hiện nay có thời gian thực hiện trung bình từ 90 - 120 phút); giá thành của sản phẩm này dự kiến khoảng 370.000/test, giảm đáng kể so với một số bộ Kit đang sử dụng hiện nay. Đến nay, kết quả của đề tài đã sản xuất, bàn giao 20 bộ sinh phẩm, mỗi bộ 50 test cho Sở Khoa học & Công nghệ Thái Nguyên.
Như vậy, chỉ sau 3 tháng, một đề tài khó đã được TS. Nguyễn Phú Hùng và các cộng sự của mình nghiên cứu, chuyển giao thành công. Công trình này càng có ý nghĩa hơn nữa khi được hoàn thành vào thời điểm “làn sóng thứ 2” của COVID-19 ở nước ta đang có diễn biễn phức tạp. “Bài học quan trọng cho chúng tôi sau khi hoàn thành nghiên cứu này là phải luôn làm việc thực sự nghiêm túc, bền bỉ. Đến giờ, chúng tôi chỉ mong muốn bộ sinh phẩm này sẽ nhanh chóng được sản xuất ở quy mô lớn hơn, phục vụ kịp thời và hiệu quả cho công tác phòng chống dịch bệnh của tỉnh Thái Nguyên cũng như của cả nước nói chung” - Tiến sĩ Hùng bày tỏ hy vọng sau khi đề tài được nghiệm thu, sản phẩm được kiểm định.
Những sản phẩm nghiên cứu mang ý nghĩa cộng đồng
Khi mà đông đảo đồng nghiệp, giới chuyên môn và cả cộng đồng còn đang vui mừng chào đón kết quả nghiên cứu rất được chờ đợi này, thì nhóm nghiên cứu của TS. Nguyễn Phú Hùng, TS. Nguyễn Thị Hương và các cộng sự đã lại bắt tay ngay vào một chuỗi công trình khác. Đó là các nghiên cứu về một số bệnh di truyền ở người như điếc, vô sinh nam và ung thư. “Mong muốn của chúng tôi là được triển khai các đề tài, dự án về y sinh phục vụ cho đời sống”, TS. Hùng nhấn mạnh quan điểm của mình trong nghiên cứu khoa học.
Nói về vấn đề này, anh có vẻ trầm tư hơn: “Với những người khỏe mạnh bình thường thì có thể thấy mọi việc bình thường, nhưng với những người bị bệnh, đặc biệt là các bệnh như vô sinh, ung thư…, thì vấn đề đối với họ là thực sự hệ trọng. Chúng tôi mong muốn những nghiên cứu của mình sẽ san sẻ được với họ ở khía cạnh nào đó”.
Chia sẻ về câu chuyện nghề, câu chuyện hướng đi lâu dài trong phát triển chuyên môn, mới hiểu thêm về quan điểm phục vụ cộng đồng khi làm khoa học của anh và đồng nghiệp. Dường như anh chịu ảnh hưởng tích cực từ 2 Giáo sư hướng dẫn mình ở Pháp, khi họ thường chủ động tìm các nghiên cứu sinh đến từ các nước đang phát triển để giúp đỡ, với mong muốn giúp thế giới phát triển đồng đều hơn. Từ đó, anh nhận thấy trong tư duy và ứng xử của họ những điều hướng đến giá trị phổ quát, hướng đến một mục tiêu xa rộng và bền vững, hơn là những gì đơn lẻ trước mắt. Điều đó đã thôi thúc anh một cách tự nhiên, để lựa chọn cho mình hướng nghiên cứu gắn liền với cộng đồng.
“Thành công trong nghiên cứu, phát triển bộ sinh phẩm phát hiện SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime PCR vừa qua chỉ là kết quả bước đầu thôi. Chúng tôi coi nó là động lực để chuẩn bị cho con đường nghiên cứu chuyên nghiệp phía trước” - TS. Hùng tỏ ra khá bình thản.
Với nhóm nghiên cứu, phòng thí nghiệm là nhà
Khi tôi hỏi nhấn về hai chữ chuyên nghiệp, anh như bị chạm vào đúng vấn đề tâm đắc, và ngay lập tức say sưa: “Đối với người làm khoa học thì thu nhập cũng là một yêu cầu không thể thiếu, nhưng không nên quan trọng hóa, chỉ cần cuộc sống ổn để yên tâm tập trung chuyên môn là được. Thu nhập và lợi nhuận không phải là tất cả. Mục tiêu, theo tôi, là ở sự được làm việc mình mê, đam mê chuyên nghiệp - đam mê lâu dài”.
Tôi cảm nhận rõ rằng cụm từ “Đam mê chuyên nghiệp” ở đây hoàn toàn không phải một sự lập ngôn, mà nó là tâm niệm chân thành và nghiêm túc của một người làm khoa học trẻ trung, tràn đầy ý tưởng và khát vọng. Ai cũng có sở thích, và sở thích đó dễ được coi như là đam mê. Vấn đề là ở chỗ, khi khó khăn, khi bất trắc, khi thất bại, ta có dám tiếp tục theo đuổi hay không? Nếu nhanh chóng nhất thời từ bỏ, thì có nghĩa không có gì cần bàn tiếp. Nếu sẵn sàng “đầu tư” tâm sức, đánh đổi những bất lợi trước mắt để nghĩ đến những hiệu quả lâu dài, những lợi ích cho cộng đồng, thì đó là câu chuyện khác. Khi đam mê phục vụ cho một hướng đi mang tính mục đích rõ ràng, lâu dài, chiến lược, được nuôi dưỡng và duy trì theo cả quá trình, bất kể trở ngại thử thách, thì đó là “đam mê chuyên nghiệp”.
Thảo nào, anh theo đuổi và tâm đắc với đề tài về bộ sinh phẩm đến như vậy. Tôi hiểu, nó không chỉ là kết quả thuần túy của một công trình đơn lẻ, mà nó còn là một thành quả trong hành trình nghiên cứu lĩnh vực công nghệ y - sinh vừa hàn lâm vừa thực tiễn mà anh và nhóm nghiên cứu của mình đang dấn thân.
Kết quả và hướng đi trong con đường nghiên cứu khoa học của những người như TS. Hùng và đội ngũ cộng sự một lần nữa đã giúp chúng ta có dịp hiểu hơn, trân trọng hơn vai trò của các nhà khoa học, và cũng là để chính những người trong giới chuyên môn thấy rõ hơn ý nghĩa cấp thiết của việc lấy khoa học cơ bản làm nền tảng để chuyển hướng đến nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao tiến bộ, phục vụ đời sống.
Thanh An
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...