Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
10:02 (GMT +7)

Lại về những An Dưỡng Đường năm xưa

VNTN - Tháng 7, khi cả nước đang triển khai nhiều hoạt động để tri ân, tưởng nhớ đến các anh hùng liệt sĩ, chúng tôi trở lại hai An dưỡng đường số 1 và số 2 (huyện Đại Từ). Đây là những di tích cấp tỉnh có ý nghĩa quan trọng gắn với nguồn gốc ra đời ngày Thương binh liệt sĩ 27/7. Bốn năm mới có dịp quay lại, chúng tôi mang trong lòng niềm háo hức vì tin rằng những nơi này chắc hẳn đã có nhiều thay đổi tích cực, nhưng thực tế diễn ra lại để lại cảm giác ngậm ngùi thật khó diễn tả.


Vẫn chỉ là những bãi cỏ hoang, đồi chè…

Dịp này, bốn năm trước, tôi cùng một đồng nghiệp đã về với An dưỡng đường số 1 và số 2 viết bài. Mục đích là để tìm hiểu, nhắc nhớ lại những người đã có nhiều công lao chăm sóc cho thương binh trong thời kỳ Kháng chiến chống Pháp nhưng đều đang dần bị quên lãng. Đó là cụ Nguyễn Thị Đích (tức cụ Bá Huy) người sáng lập ra An dưỡng đường số 1 tại xã Lục Ba và cụ Đặng Văn Ẩm, người sáng lập ra An dưỡng đường số 2 tại xã Mỹ Yên. Họ đã hiến đất, quyên góp tài sản, lập ra những An dưỡng đường để chăm sóc cho thương binh nhưng không được ghi nhận công lao gì.

Bài viết có tựa đề “Về lại những An dưỡng đường năm xưa”, đã được gia đình các cụ hân hoan đón nhận. Ngay sau đó, lễ mít tinh kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 được tổ chức long trọng tại Khu di tích Thương binh Liệt sĩ 27/7 tại thị trấn Hùng Sơn, gia đình của các cụ đã được mời đến tham dự. Đoạn phim tài liệu về cụ Bá Huy được phát ngay đầu tiên của chương trình. Điều đó đã mang lại niềm vui lớn cho gia đình họ, giảm bớt đi những cay đắng, tủi nhục mà họ phải chịu bao lâu nay do mẹ và bố của họ bị mang án oan là địa chủ.

Chúng tôi đi thẳng lên An dưỡng đường số 1 của cụ Bá Huy tại xã Lục Ba. Khắp con đường liên xóm đều đã trải xi măng khang trang khiến chúng tôi nhen nhóm lên niềm vui. Nhưng khi chỉ còn cách khu di tích khoảng 300m thì đoạn đường mòn, dốc trượt, đất bùn lầy lội quen thuộc năm xưa lại hiện ra trước mắt. Thôi thì tự nhủ: cũng còn hơn trước đây, không phải leo lên đồi để đi vòng tránh đoạn đường bị sụt lở, vớ vẩn lại bị ong đuổi cắn. Cuối con đường, Khu di tích hiện ra khiến chúng tôi… hụt hẫng. Vẫn là khu đất đó nhưng nay cỏ cây dại đã mọc lên um tùm. Chẳng còn nhìn thấy nền nhà, rặng tre năm xưa đâu nữa, vài gốc mít già cũng đã ngả nghiêng. Bốn chiếc cột để đánh dấu di tích cũng bị cỏ cây dại che lấp đi, rất khó tìm. Và xộc lên mũi lúc này là mùi phân lợn, phân gà của mấy trang trại chăn nuôi xung quanh phả vào… Cách di tích một đoạn đường ngắn, căn nhà cũ của cụ Bá Huy từng là nơi đi lại làm việc của một số cơ quan Chính phủ và đội du kích, một nơi mang nhiều ý nghĩa lịch sử cũng đã bị chủ nhà bán đi và bị tháo dỡ hoàn toàn.

Khu di tích An dưỡng đường số 1 hiện nay chỉ toàn là cây cỏ dại mọc um tùm

Thấy có người đến, anh Vũ Quốc Chiến, nhà sát Khu di tích đến bắt chuyện, anh bảo: Tôi ở đây đã hơn 20 năm. Nghe các các cụ kể lại chỗ khu đất này là di tích, trước đây có người từng nuôi dưỡng thương binh, chăm sóc cán bộ cách mạng. Có điều cắm mốc di tích lâu lắm rồi, từ khoảng năm 2009 cơ nhưng chưa thấy động tĩnh gì. Đất phải giữ nguyên hiện trạng nên chắc con cháu của cụ ấy cũng nản lắm. Vài năm trước thấy có người đến đo đạc, nghe phong thanh là để làm đường hay làm bia gì đó không rõ rồi lại không thấy gì nữa. Gia đình tôi tự bỏ hơn 2 chục triệu để cải tạo con đường này chứ bình thường rất khó để lên đây.

Cột mốc đánh dấu di tích do chính quyền địa phương cắm xuống là “điểm nhấn” duy nhất của 2 khu di tích An dưỡng đường số 1 và số 2

Đối với An dưỡng đường số 2 của nhà cụ Đặng Văn Ẩm (xã Mỹ Yên) thì “khả quan” hơn một chút. Anh Dương Văn Cường, cháu rể của cụ Ẩm dẫn chúng tôi đi dọc một con đường mòn nhỏ do nông dân trồng chè vun lên là đến nơi. Có điều chẳng còn vết tích gì của khu di tích nữa. Nền nhà, các tấm đá tảng để dựng nhà ngày xưa đều đã bị cuốn trôi hết, chỉ còn sót lại duy nhất một cây mít liêu xiêu và 4 tấm cột mốc để đánh dấu di tích lẩn khuất dưới những tán chè.

Anh Cường cho biết: Tháng 9/1947, cụ Ẩm đã hiến một nửa gia sản (gồm ngôi nhà 8 gian, gần 2ha ruộng lúa xen với đầm cá, đàn bò 4 con cùng 1 con ngựa thồ) lập nên An dưỡng đường số 2, sau được nhân dân và thương binh cảm kích đổi tên thành An dưỡng đường Đặng Văn Ẩm. Dân làng quanh đây cũng biết chuyện đó và mong chờ có một khu di tích được xây dựng ở đây để ghi nhớ công ơn cụ. Có điều, việc xây dựng di tích phải do các cấp chính quyền có liên quan quyết định, chứ người dân dù muốn lắm nhưng cũng không có điều kiện đóng góp. Đó cũng là nguyện vọng của người cha đã khuất của tôi là ông Dương Văn Tuần - nhân chứng lịch sử của di tích. Ông là người thân thiết và hiểu rõ về cụ Ẩm nhất nhưng đã mất hơn năm trước.

Và những nỗi niềm

Chúng tôi gặp lại ông Trần Đình Tỉnh (80 tuổi), con trai út của cụ Bá Huy khi ông đang ngồi hút thuốc một mình ngoài hiên nhà, vẻ mặt đầy trầm tư. So với 4 năm trước thì sức khỏe của ông đã giảm sút nhiều, ông bị bệnh thấp khớp, nay đã bị còng lưng.

Những câu chuyện về mẹ của ông tức cụ Bá Huy được ông kể lại một cách chậm rãi, chúng đều trùng khớp với những tài liệu về Di tích lịch sử An dưỡng đường số 1 của Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, trong đó nêu rõ: Cơ sở này được thành lập vào tháng 6/1947 đến năm 1953 (tức là thành lập trước ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7/1947). Trại có nhiệm vụ tiếp nhận những thương binh, bệnh binh tàn phế, bệnh tật nặng hết khả năng làm việc, hay ốm đau không đủ sức làm việc cần phải nghỉ ngơi dài hạn. Bà Nguyễn Thị Đích, tức Bá Huy là Bí thư Hội phụ nữ Cứu quốc xã Lục Ba đã ủng hộ 3 mẫu ruộng, 3 tấn thóc, 1 con trâu, huy động dân làng làm 10 gian nhà tre, gỗ, sắm sửa đồ dùng và lập nên An dưỡng đường số 1. Nhà bà cũng là nơi Phòng Thương binh làm việc. Nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước từng đến nhà bà ăn ở, làm việc. Vì thế, An dưỡng đường số 1 còn được gọi là An dưỡng đường bà Bá Huy. Đây chính là một trong những cơ sở quan trọng gắn liền với nguồn gốc ra đời ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7. Ngày Thương binh - Liệt sĩ đầu tiên (27/7/1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư khen bà Bá Huy. Bức thư này đăng trong sách Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5 (1947 - 1949), Nxb. Chính trị quốc gia, H.2000, trang 177.

Ông Trần Đình Tỉnh (bên phải), con trai út cụ Bá Huy trò chuyện với phóng viên (áo trắng, bên trái)

Ông Tỉnh nghẹn lời: “Sau khi kháng chiến thành công, gia đình tôi bị quy là địa chủ bóc lột. Khi ấy, mẹ tôi là đảng viên, bị đấu tố, thoát chết nhưng bị tịch thu toàn bộ tài sản, bị khai trừ khỏi Đảng. Gia đình chúng tôi buộc phải dọn ra đồng ở, chịu tủi nhục do người đời cười chê. Sau này, chúng tôi cũng phải chịu nhiều thiệt thòi. Bố mẹ tôi có 9 con cháu đi bộ đội, 2 người là liệt sĩ nhưng con cháu cụ không ai được đứng trong hàng ngũ của Đảng, vì lý lịch mang “tỳ vết” con nhà địa chủ".

Chính quyền và người dân xã Lục Ba đều xác nhận, cụ Bá Huy giàu có một cách chính đáng. Vì không chịu lấy tên Chánh tổng, bà đã bỏ đi từ thôn Thái Lai (Mê Linh, Vĩnh Phúc) theo nhóm thợ cấy qua huyện Đại Từ gặp ông Trần Đình Tích là người đi cày thuê, cùng cảnh nên duyên chồng vợ. Do chịu khó làm lụng nên có vốn liếng dần dần thành người giàu có trong vùng.

Ông Tỉnh cho biết thêm: “Từ năm 1955, thực hiện sửa sai, mẹ tôi được minh oan nhưng không được cơ quan nào làm thủ tục phục hồi quyền lợi chính trị và ghi công mẹ tôi. Năm 1987, khi mẹ tôi tròn 85 tuổi và cũng là kỷ niệm 40 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, Bộ LĐ-TB&XH có cử đoàn cán bộ về thăm. Sau đó, anh trai tôi đã về Hà Nội gặp ông Lê Thành Ân là quyền Trưởng phòng Thương binh thời lập An dưỡng đường. Ông còn gặp được Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị để chuyển lời cảm ơn. Hai tháng sau mẹ tôi quy tiên. Hơn 30 năm, cụ cứ âm thầm chịu đựng, sống trong nỗi oan và sự lãng quên đến tận lúc qua đời”.

Những câu chuyện đó đã được ông kể lại với rất nhiều đoàn báo chí, những tổ chức từ trung ương đến địa phương đến thăm và tìm hiểu về cụ Bá Huy. Có điều đoàn nào đến họ cũng hỏi như vậy song mọi chuyện vẫn không có gì thay đổi. Mẹ của ông là cụ Bá Huy dù được nhiều người biết đến công lao nhưng vẫn bị gắn mác là địa chủ. Còn Khu di tích thì vẫn um tùm cây cỏ, không thấy các cơ quan chức năng có động tĩnh gì cả. Mỗi lần các đoàn đến, họ gieo cho gia đình hy vọng bao nhiêu rồi lại khiến gia đình thất vọng bấy nhiêu. Bởi vậy, việc tiếp các đoàn đó với ông chỉ mang tính “phải tiếp thì tiếp thôi, chứ gia đình cũng chẳng hy vọng” gì.

Ông Tỉnh ngậm ngùi: Thời gian trôi qua lâu quá rồi, việc giải oan cho mẹ tôi chắc không còn cơ hội nữa. Mong muốn lớn nhất của gia đình là Khu di tích được xây dựng hoặc được đặt bia, ban thờ. Lúc đó mọi người sẽ biết đến cụ nhiều hơn, có lẽ nỗi oan khuất cũng sẽ vơi đi, gia đình chúng tôi cũng được động viên phần nào.

Bà Nguyễn Thị Tỉnh, vợ ông Tỉnh tâm sự riêng với chúng tôi: Gia đình sẵn sàng hiến đất để xây dựng di tích, chính quyền cũng đã cắm cột mốc di tích. Có nhiều người hỏi mua nhưng chồng tôi nhất quyết không bán. Có điều hơn chục năm rồi chưa thấy động tĩnh gì. Thỉnh thoảng nghe phong thanh rằng chuẩn bị đặt bia, ban thờ nhưng rồi lại chẳng thấy gì nên thất vọng lắm. Chồng tôi rất buồn nhưng vẫn luôn tin tưởng, hy vọng khu di tích sẽ được xây dựng...

...Bà Tỉnh bức xúc: “Thôi thì chấp nhận mang tiếng không phải dâu hiền nhưng lần này nhất định phải nói ra. Đã nhiều lần tôi có ý định lên các cấp chính quyền để hỏi về dự định đối với di tích này nhưng lại vướng việc con cháu, việc đột xuất nên nhãng đi. Nhân dịp này, tôi muốn hỏi rõ rằng: nếu tỉnh, địa phương không định làm gì với Khu di tích, với khu đất đó thì nên ý kiến lại với gia đình để chúng tôi dùng canh tác hoặc sang nhượng lại. Còn nếu định xây dựng, đặt bia, ban thờ thì cũng nên có thời gian cụ thể chứ cứ chờ mãi như thế này thật vô vọng.

Mong rằng sẽ không tiếp tục bị quên lãng

Nói về An dưỡng đường số 1 và gia đình cụ Bá Huy, ông Đoàn Văn Đông, Bí thư Đảng ủy xã Lục Ba cho biết: Cụ Bá Huy bị “mang án” địa chủ oan và công lao của cụ, mọi người dân ở đây ai cũng đều biết. Gia đình ông bà Tỉnh chịu nhiều thiệt thòi nên cuộc sống cũng khép kín, điều này khiến chúng tôi thật áy náy. Các thế hệ lãnh đạo xã qua các thời kỳ đều tìm cách tháo gỡ oan sai cho cụ nhưng đều thất bại, chỉ có thể trực tiếp đến gia đình hương khói, thắp cho cụ nén nhang vào các dịp lễ. Việc xây dựng hay đặt bia ở di tích thì vượt quá tầm tay của xã do không có kinh phí, chỉ có thể đề xuất lên các cấp trên.

Đoạn đường dẫn vào khu di tích An dưỡng đường số 2 và quang cảnh Khu di tích nhìn từ xa

Đối với cấp huyện, ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đại Từ cho biết: “Đối với các di tích An dưỡng đường số 1 và số 2, huyện đã có văn bản đề xuất xây dựng di tích gửi Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch để xin ý kiến chỉ đạo và phối hợp thực hiện. Huyện vẫn đang chờ quyết định của tỉnh để triển khai”.

Trao đổi về việc xây dựng, phát huy hai khu di tích An dưỡng đường số 1 và số 2, đại diện phòng Quản lý Di sản văn hóa có những chia sẻ thẳng thắn: Cả tỉnh hiện có hơn 800 di tích. Mỗi năm các địa phương đều đề nghị xây dựng, trùng tu, tôn tạo rất nhiều di tích. Nhưng kinh phí của tỉnh ít và nhỏ giọt, mỗi năm chỉ được 2 - 3 tỉ đồng nên chỉ đầu tư được khoảng 10 di tích. Việc xây dựng, trùng tu, tôn tạo cũng cần phải xem xét kỹ lưỡng đến nhiều khía cạnh, đặc biệt chú ý đến việc phát huy giá trị, giáo dục cho nhân dân, đôi khi phải gắn cả với nguồn thu. Nên những chỗ hẻo lánh, khó đi lại cũng cần phải xem xét kĩ lưỡng bởi sẽ rất khó phát huy giá trị. Riêng từ năm 2021, được tăng lên 6 tỉ đồng nên sẽ có thêm các di tích có cơ hội được xây dựng, trùng tu, tôn tạo.

Quả thực việc xây dựng, trùng tu, tôn tạo các khu di tích là một vấn đề khó khăn không chỉ với tỉnh ta mà ở khắp cả nước. Các đơn vị liên quan từ tỉnh đến địa phương nên phối hợp, bàn bạc với nhau để tìm ra giải pháp tháo gỡ, không nên để các di tích lịch sử mang nhiều ý nghĩa ngày càng mai một theo thời gian. Việc sớm xây dựng hai khu di tích An dưỡng đường số 1 và số 2 dù chỉ với quy mô nhỏ cũng sẽ góp phần quan trọng trong việc gìn giữ, phát huy giá trị của chúng. Đó là mong mỏi của gia đình, nhân dân quanh khu vực di tích và của những người thương bệnh binh đã từng được cưu mang, cứu chữa tại đây, chúng tôi tin như vậy!

Phú Thái

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy