Thứ năm, ngày 02 tháng 05 năm 2024
04:12 (GMT +7)

Ký ức về “người hùng” đội viên Cứu quốc quân II

VNTN - Cách đây 80 năm, vào ngày 15/9/1941, tại khu rừng Khuôn Mánh, xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên diễn ra một sự kiện lịch sử quan trọng: Đội Cứu quốc quân II được thành lập. Đây là một trong những lực lượng tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Di tích Địa điểm thành lập Đội Cứu quốc quân II đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia tại Quyết định số 3211/QĐ-BT ngày 12/12/1994.


Trò chuyện với tôi là cụ Tạ Thị Thanh, năm nay 88 tuổi. Tuy tuổi đã cao, nhưng nhờ “trời cho”, cụ vẫn khỏe mạnh, da đỏ, mắt tinh. Đặc biệt, cụ là một trong những người còn ít ở địa phương tinh anh và thông lầu về đường kinh sách.

Về mối quan hệ, gia đình tôi là thông gia với gia đình cụ. Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đội Cứu quốc quân II, tôi trò chuyện với cụ Thanh về người chú ruột của cụ, một Đội viên Cứu quốc quân II. Đó là ông Tạ Văn Ẩn (tức Nguyễn Văn Bùn), người có tên đứng thứ 35 trong Danh sách 36 đội viên Cứu quốc quân II trong ngày thành lập 15/9/1941 tại rừng Khuôn Mánh, xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai.

Ông Tạ Văn Ẩn (đứng đầu hàng thứ nhất, bên phải) trong bức ảnh lịch sử.

Bà Thanh kể: Khoảng những năm 1940, khi ấy, tôi còn nhỏ nhưng tôi vẫn nhớ. Gia đình tôi có làm một cái lán ở đồng Vườn Trên (làng Lạc Yên, xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa) để mỗi khi ra đồng trồng rau màu lấy chỗ tránh mưa nắng. Mỗi khi theo gia đình đi tát nước cho rau về nhà thấy trên bàn thờ có những chiếc bánh giầy và những gói đường phèn, tôi thấy nói những thứ ấy đưa cho ông Cai Mạc chuyển lại cho nhóm người đi lại với gia đình. Mãi sau đó tôi mới biết là những chiếc bánh giầy, những gói đường phèn đó được sử dụng làm ám hiệu trong hoạt động cách mạng của các ông bà trong tổ chức cách mạng ở quê tôi…

Sinh ra từ quê hương cách mạng

Ông Tạ Văn Ẩn (tên thật là Nguyễn Văn Bùn), sinh năm 1908, quê ở xóm Đoài, làng Lạc Yên, xã Hoàng Vân, tổng Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang (nay thuộc xóm Đoài, thôn Lạc Yên, xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang). Ông Ẩn sinh ra, lớn lên trong một gia đình nghèo, với nghề làm ruộng, quanh năm đầu tắt, mặt tối, vất vả, khó khăn mới kiếm được miếng ăn, ít va chạm với xã hội. Cơ duyên ông Tạ Văn Ẩn tìm đến với cách mạng do cuộc sống nghèo khó, gia đình ông là một trong những gia đình giàu truyền thống cách mạng, yêu nước, luôn bênh vực người nghèo, ghét kẻ áp bức, kẻ giàu sang chuyên đi ức hiếp kẻ yếu thế. Mặt khác, ông lại sinh ra trên quê hương giàu truyền thống cách mạng, có những con người sớm được giác ngộ cách mạng.

Ông Tạ Văn Ẩn (tức Nguyễn Văn Bùn) (đã mất) và tấm Bằng có công với nước của ông.

tấm Bằng có công với nước của ông.

Đó là đồng chí Ngô Tuấn Tùng, là một đảng viên người làng Vân Xuyên, xã Hoàng Vân công tác ở Phủ Lạng Thương (Bắc Giang). Tháng 8 năm 1938, đồng chí nhận nhiệm vụ bí mật đưa đồng chí Hoàng Quốc Việt, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ từ Phủ Lạng Thương về xã Hoàng Vân gây dựng cơ sở cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã tổ chức các Hội quần chúng cách mạng. Phong trào cách mạng lan nhanh từ làng Vân Xuyên sang các làng Lạc Yên, Hoàng Liên và các xã thượng huyện Hiệp Hòa và huyện Phú Bình, Phổ Yên (Thái Nguyên).

Năm 1940, đồng chí Lê Hoàng, Xứ ủy viên được cử về phụ trách huyện Hiệp Hòa. Thời kỳ này, Mặt trận Việt Minh ra đời. Các tổ chức đoàn thể như: nông dân, thanh niên, phụ nữ, phụ lão cứu quốc ở các làng bí mật thành lập, tuyên truyền giác ngộ cách mạng, xóa bỏ chế độ áp bức bóc lột. Qua rèn luyện thử thách, ba quần chúng ưu tú là: Nguyễn Văn Cường, Ngô Văn Thạnh (Ngô Duy Phương), Ngô Văn Triệu được kết nạp đảng, do đồng chí Lê Hoàng làm Bí thư. Đây là Chi bộ Đảng đầu tiên của Đảng bộ Hiệp Hòa.

Vào thời gian này, dưới sự giác ngộ của các đồng chí Lê Hoàng, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thái, ở địa phương có 12 người là thanh niên tích cực, trong đó có 10 nam, 2 nữ, lấy cơ sở nhà ông Lý Kỷ (ông Lý Kỷ là anh trai của ông Ẩn) ở xóm Đoài, thôn Lạc Yên xã Hoàng Vân thường xuyên để liên lạc, đi lại. Ông Lý Kỷ làm Lý trưởng, là người có chức sắc, lại có uy tín trong vùng nên được mọi người nể trọng. Để đảm bảo bí mật, kể cả với người nhà cũng không được lộ ra, gia đình ông Lý Kỷ đã làm một cái bịch (dạng như hòm cáng) to chuyên để thóc lúa, đồ dùng tiện cho tránh máy bay, khi cần thiết cho tất cả các thứ vào trong đó, có lúc các cán bộ hoạt động cách mạng gặp bất lợi, ông Lý Kỷ đã giấu luôn họ vào trong hòm cáng để tránh tai mắt dòm ngó của kẻ thù. Một hôm ông Thịnh, một người nhà gia đình ông Lý Kỷ phát hiện ra người lạ ở trong hòm cáng, họ cho là ông Tạ Văn Ẩn đã đi theo “quân ăn cướp”, nên ông Thịnh khuyên người nhà tránh xa ông Tạ Văn Ẩn. Khi ấy, ông Ẩn đã nhanh chóng đưa các đồng chí cán bộ cách mạng dời khỏi làng xuống trú ẩn tại soi nhà ông Trầm ở Chỏm Tre (ấp Đồng Hang bây giờ).

Cách tuyên truyền cách mạng lúc đó thực hiện bằng biện pháp “bắt rễ, xâu chuỗi” thông qua anh em họ hàng. Ở thôn Lạc Yên có ông Lý Kỷ, ông Tạ Văn Ngũ, ông Nguyễn Văn Trạch, ở làng Vân Xuyên có ông Ngô Văn Đán, cụ Đồ Ba, cụ Đồ Song. Đường dây liên lạc do đồng chí Lê Hoàng (phụ trách huyện Hiệp Hòa), đưa đường cho đồng chí Hoàng Quốc Việt - Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng và đồng chí Hoàng Văn Thái hoạt động. Ngoài ra có đồng chí Triệu Khánh Phương, Chu Văn Tấn, Chu Quốc Hưng, Lê Phương cũng thường xuyên qua lại.

Gia đình ông Ẩn có 3 anh em: Tạ Văn Vi, Tạ Văn Thảng và Tạ Văn Ẩn (đi hoạt động, ông Ẩn lấy bí danh là Nguyễn Văn Bùn). Tuy xuất thân từ gia đình nghèo khó nhưng các ông giàu tình cảm thương người, sớm được giác ngộ lý tưởng cách mạng. Dòng họ nhà ông Tạ Văn Ẩn có truyền thống cách mạng ở làng Lạc Yên. Gia đình ông Lý Kỷ sau có con trai là Lý Lâm cũng đi hoạt động cách mạng, tham gia vào đội cảm tử quân trong kháng chiến chống Pháp. Thời buổi đó dân chúng đi làm quần quật, khổ sở nhưng chẳng có ăn, đói khát, đã có lúc ông Ẩn đi cùng toán cướp ở địa phương đi cướp lúa ở Đồng Mùi (Vân Xuyên) của bọn nhà giàu về chia cho dân nghèo. Có khi ông Ẩn bị bắt giải xuống huyện, gặp được vị quan quen biết hỏi ra ông Ẩn chính là em ông Lý Kỷ nên tha cho về. Sau sự kiện đó, ông Tạ Văn Ẩn được xem như một “người hùng” ở địa phương.

Trở thành Đội viên Đội Cứu quốc quân II ở căn cứ Võ Nhai

Từ đường dây do các đồng chí cán bộ cách mạng ở Xứ ủy Bắc Kỳ về hoạt động ở xã Hoàng Vân, “người hùng” Tạ Văn Ẩn đã được các đồng chí cán bộ hoạt động ở địa phương giao nhiệm vụ đưa thư liên lạc. Làng Lạc Yên giáp với làng Vạn Thạch. Đầu Cầu Hang có ngôi Miếu Cầu Hang là địa điểm đặt hộp thư bí mật. Ông Ẩn cùng một số người khác ở địa phương thông qua con đường liên lạc đó, có lúc giả làm người đi mò cua, bắt ốc, vào Miếu Cầu Hang lấy thư tín dưới bát hương để chuyển cho cán bộ cách mạng. Từ đó phát triển, ông Ẩn được các ông Triệu Khánh Phương, Chu Văn Tấn (bí danh Tân Hồng), Lê Phương là những bộ cốt cán ở huyện Võ Nhai, Phú Bình giác ngộ thêm, đưa lên Việt Bắc, tiếp tục làm công tác liên lạc, đưa thư từ. Có lần ông Ẩn đi đưa thư, người khoác áo tơi, khi qua các gác chốt của đồn địch, ông giả là người sốt rét, ốm yếu. Ông cuốn thư tổ sâu ép thật nhỏ cho vào chuôi dao vọ để tránh mắt kẻ địch lục soát. Nhiều lần suýt bị phát hiện, nguy hiểm cận kề, nhưng ông vẫn bình tĩnh ứng phó vượt qua được vòng vây kiểm soát của kẻ thù.

Từ một người nông dân không biết chữ, trải qua rèn luyện trong gian khổ, lại ghét sự áp bức của kẻ thù và tay sai, “người hùng” Tạ Văn Ẩn đã được các đồng chí cán bộ cách mạng ở Võ Nhai như Triệu Khánh Phương, Chu Văn Tấn, Chu Quốc Hưng tin yêu, cho về nhà mình ăn ở, đi lại như người trong nhà. Ông Ẩn với hình dáng cao gầy, tính tình mộc mạc, giản dị đã gắn bó với mảnh đất này như một người con của địa phương.

Một sự kiện đáng nhớ trong cuộc đời ông Ẩn là vào ngày 15/9/1941, ông vinh dự đứng trong hàng ngũ, một trong 36 đội viên Đội Cứu quốc quân II, được thành lập tại Rừng Khuôn Mánh, xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Sau khi thành lập các đội viên được biên chế, ông vẫn vừa làm nhiệm vụ cũ, vừa học bắn súng, học các điều lệnh tuyên truyền. Ông kể lại, khi ấy được theo các đồng chí cán bộ đi hoạt động xuyên rừng, bạt núi, xâm nhập vào các làng bản xa. Ông đi tới đâu cũng thấy nhân dân các dân tộc sôi sục khí thế đấu tranh. Cả làng, cả xã của châu Võ Nhai đâu đâu cũng nhất tề đứng lên chống giặc Pháp, diệt bọn Việt gian, bán nước. Ông càng vững tin, tràn đầy khí thế, một lòng đi theo cách mạng.

Ngày đầu thành lập, dù chỉ có 36 cán bộ, chiến sĩ với trang bị vũ khí còn rất thô sơ, điều kiện vật chất vô cùng thiếu thốn, nhưng với tinh thần yêu nước nồng nàn, các chiến sĩ Cứu quốc quân II đã dũng cảm quên mình bước vào cuộc chiến đấu với quân thù. Lực lượng Cứu quốc quân II không ngừng phát triển lớn mạnh, lập nhiều chiến công hiển hách: Đó là trận đánh ở Đèo Bắp - tiêu diệt tên Đức Phú phản động gian ác; trận đánh ở Mỏ Nùng Lâu Hạ; các trận đánh để chống sự bao vây của lính lê dương, trận đánh ở Suối Bùn xã Tràng Xá, trận ở Lân Han, trận ở Cây Đa La Hóa, trận ở cầu Trúc Mai, trận ở hang Phượng Hoàng... đã làm cho quân địch hoang mang, khiếp sợ trước sự chiến đấu dũng cảm, kiên cường, táo bạo của lực lượng Cứu quốc quân II và nhân dân các dân tộc huyện Võ Nhai.

Đặc biệt, trước sự tấn công mạnh mẽ với khí thế dũng mãnh của Cứu quốc quân II và lực lượng áp đảo của quần chúng nhân dân đã làm cho địch không chống cự nổi, buộc viên Tri châu phải đầu hàng vô điều kiện, trao toàn bộ vũ khí, tài liệu cho cách mạng, Châu lỵ La Hiên được giải phóng ngày 21/3/1945. Đây là chính quyền cách mạng cấp huyện đầu tiên ở tỉnh Thái Nguyên ra đời, đánh dấu mốc son chói lọi trong trang sử đấu tranh cách mạng Việt Nam.

Giữa lúc khí thế chuẩn bị giành chính quyền trong cả nước lên cao, Trung ương Đảng chọn Hiệp Hòa làm địa điểm họp Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ lần thứ nhất do đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng chủ trì tại cơ sở cách mạng nhà ông Lý Đông, thôn Liễu Ngạn (nay thuộc xã Hoàng Vân) từ ngày 15 đến ngày 20 tháng 4 năm 1945. Tại Hội nghị này, Trung ương đặt nhiệm vụ quân sự vào vị trí đặc biệt quan trọng, cấp thiết để chuẩn bị tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Vào ngày 15/5/1945 tại Bãi Thàn Mát, xã Định Biên, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên đã diễn ra sự kiện lễ hợp nhất các lực lượng vũ trang nhân dân, Cứu quốc quân và Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân thành Việt Nam Giải phóng quân. Vào ngày 16/8/1945 tại Tân Trào, châu Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, các đội viên Giải phóng quân nghe đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc Quân lệnh số 1 của Quân giải phóng để từ đây kéo về Thái Nguyên giải phóng Chợ Chu và thị xã Thái Nguyên. Có một kỷ vật, đó là bức ảnh tư liệu. Trong ảnh, ông Ẩn mặc quần áo dân tộc, đầu đội mũ, vai đeo tay nải vắt chéo bụng, tay phải với khẩu súng trường, đứng trong hàng ngũ Quân giải phóng về giải phóng thị xã Thái Nguyên.

Về quê

Cách mạng Tháng Tám thành công, ông Ẩn lại trở về quê sớm tối với bà Nguyễn Thị Cõn - người vợ cùng làng. Ông, bà có với nhau 3 người con gái: Tạ Thị Thực, Tạ Thị Ất và Tạ Thị Giáp. Tuy đã về quê xây dựng gia đình nhưng ông vẫn một lòng hướng theo cách mạng. Có dịp, đồng chí Triệu Khánh Phương, Chu Văn Tấn đã mời ông Ẩn lên chơi với gia đình các ông ở huyện Võ Nhai. Ở thị xã Thái Nguyên, các đồng chí cùng hoạt động đều tham gia vào hệ thống chính quyền lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, lãnh đạo Khu Tự trị Việt Bắc. Đồng chí Chu Văn Tấn, đồng chí Triệu Khánh Phương và Lê Phương bố trí cho ông Ẩn làm một chân bảo vệ ở một cơ quan hành chính nhưng do điều kiện sức khỏe và hoàn cảnh gia đình, ông Ẩn đã trở về quê để chữa bệnh, dưỡng sức.

Vào khoảng năm 1957, ông Tạ Văn Ẩn cùng con gái là Tạ Thị Giáp và cháu họ là Nguyễn Thị Bằng đi lên thị xã Thái Nguyên đến nhà đồng chí Chu Văn Tấn thăm hỏi nhưng đồng chí Tấn đi vắng, chỉ có vợ là bà Đường Thị Ân tiếp đón. Vào khoảng năm 1968 - 1969, đồng chí Chu Văn Tấn cũng đã có dịp về nhà ông Tạ Văn Ẩn ở quê chơi.

Năm 1970, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tặng Bằng có công với nước cho ông Tạ Văn Ẩn, “Đã hăng hái đấu tranh chống đế quốc, tích cực giúp đỡ và bảo vệ cách mạng”. Bằng do Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng ký ngày 12/01/1970 đang lưu tại gia đình bà Nguyễn Thị Vân (64 tuổi, cháu ngoại, là người thờ cúng).

Bà Tạ Thị Thanh (88 tuổi), cháu gọi ông Ẩn bằng chú ruột, hiện ở xã Hoàng Vân (Hiệp Hòa, Bắc Giang).

Ngày 14/3/1980, do tuổi cao sức yếu, “người hùng” một thời hoạt động, bôn ba khắp vùng Việt Bắc, ông Tạ Văn Ẩn đã từ trần, hưởng thọ 72 tuổi. Hiện nay, 3 người con gái của ông Ẩn chỉ còn một người là Tạ Thị Giáp (74 tuổi) hiện đang sống ở Thuỵ Điển. Người thừa tự và lo hương khói cho gia đình ông Ẩn là bà Nguyễn Thị Vân, cháu ngoại.

Ông Tạ Văn Ẩn, một Đội viên gắn liền với sự kiện ra đời Đội Cứu quốc quân II, một lực lượng vũ trang quan trọng đã góp phần to lớn vào công cuộc đấu tranh và bảo vệ dân tộc, mãi là một “người hùng” trong lòng người dân quê hương. Làng Lạc Yên quê ông - một trong những làng được Chính phủ công nhận là “Làng có công với nước” - cũng nhớ mãi về ông, một chiến sĩ tiền bối của Quân đội.

(Ghi theo lời kể của cụ Tạ Thị Thanh (88 tuổi), bà Nguyễn Thị Bằng (74 tuổi), bà Nguyễn Thị Vân (64 tuổi) ở xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hoà (Bắc Giang) và tham khảo một số tài liệu lịch sử.

Nguyễn Đình Hưng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục