Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
02:24 (GMT +7)

Kính trọng hoa đào

VNTN - Nhiều năm về trước, trong những dịp Tết đến xuân về, tôi có được theo đoàn cán bộ Nhà xuất bản Kim Đồng lên thăm quê hương anh Kim Đồng (Nông Văn Dền) ở Cao Bằng. Đó là những ngày cuối đông núi rừng vào dịp giáp Tết, vẻ sương sa gió lạnh như đang ấm áp dần lên trong từng nụ hoa thấp thoáng, đây đó bóng trái cây chín đỏ hiện ra giữa bạt ngàn lá rừng xanh ngắt.

Trong những lúc đang chênh vênh trên những con đường đèo dốc, đôi khi mình chợt nhìn thấy một cây đào rừng. Những cây đào đứng chơ vơ bên triền núi, vươn những cành cây trơ trụi, lơ thơ lá ướt đẫm sương, giữa những cơn gió lạnh tê tái… và, trên cành những nụ hoa đào hồng phớt, tươi nở thanh khiết. Thật là không còn gì khiến người ta xúc động đến lặng đi trước những bông hoa đào, cánh hồng rung rinh mỏng mảnh, nở xòe khoe nhị, tưởng như gió rừng mãnh liệt có thể thổi bay những cánh hoa yếu ớt đó. Nhưng không, vẻ đẹp mong manh vẫn đậu trên cành tươi thắm, như còn lâu lắm mới có thể tàn. Có những lúc gặp những cây đào đẹp quá, chúng tôi đã đỗ xe lại, cùng xuống ngắm nhìn, kính cẩn chiêm ngưỡng như gặp được một kỳ quan của tạo hóa.

Thế rồi vài năm sau, hình như vẻ đẹp của hoa đào rừng đã lọt vào mắt của những tay chơi và của các lái buôn. Có những dịp giáp Tết khi đi trên đường ngược lên miền núi, tôi kinh ngạc nhận ra những chuyến xe tải, chất đống cành đào rừng như  những cành củi khô, bon bon lăn bánh về xuôi. Rồi, bất chợt trong một lần đi chúc Tết một gia đình, tôi giật mình thấy chủ nhà bầy cành đào rừng rất lớn chiếm gần nửa phòng khách rộng rãi xa hoa lấp lánh đèn điện chói sáng. Tôi không thấy có  gì thú vị khi chủ nhà đã khoe mua cành đào rừng giá tiền triệu, lòng chỉ thấy thất vọng vì không còn nhận ra vẻ đẹp của những bông hoa đào rừng nữa. Hoa đã héo, xơ xác, buồn nản giữa không gian đồ đạc bóng lộn và khô cứng.

Thêm vài cái Tết nữa, việc buôn bán đào rừng lại càng phát triển, có những dịp vào lúc giáp Tết, tôi thấy trên vỉa hè phố phường Hà Nội bày bán đào rừng la liệt, ban đầu người bán hét giá rất cao, người mua không nhiều, thế rồi đến chiều tối ngày ba mươi Tết, những cành đào ế ẩm đứng chơ vơ trên đường phố vắng vẻ hiu hắt để đợi ngày mai được dọn vào xe rác!

Phải nhìn những cảnh ấy, hình như ngày Tết đối với tôi, bớt đi những niềm vui.

Thú chơi hoa đào của người Hà Nội bắt nguồn đào Nhật Tân. Loại hoa đào đã gắn liền với cuộc sống thanh lịch của kinh thành Thăng Long cổ xưa. Đào Nhật Tân không giống đào rừng, đó là loại cây hoa đã được huấn tập, kìm nén, được trồng với một kỹ thuật điệu nghệ để nở đúng vào dịp Tết, để những cành trơ đầy nụ chúm chím sẽ nở hoa tưng bừng trong nhà người ta vào đúng ngày mùng Một Tết, để đem lại một cảm hứng ngày xuân phấn chấn cho con người khi đón chào năm mới. Hàng trăm năm qua, những gia đình người làng Nhật Tân ven đê sông Hồng bên hồ Tây đã cần cù làm công việc trồng hoa đào Tết ấy. Tôi còn nhớ, những năm xa xưa cùng đi sinh hoạt Câu lạc bộ văn học thiếu nhi với nhà thơ Phạm Hổ và các em Cung thiếu nhi Hà Nội, đã có dịp giáp Tết, thày trò cùng nhau đi xe đạp thăm vườn đào Nhật Tân với biết bao hào hứng và niềm vui thơ trẻ. Những ngày ấy chúng tôi đã được gặp những nghệ nhân trồng đào, được nghe truyện sự tích hoa đào, với năm cánh hoa đào như năm đầu ngón tay chụm lại…

Ấy thế rồi, thời kỳ đổi mới đã đến, cả vườn đào Nhật Tân đã biến mất nhường chỗ cho một khu đô thị mới mọc lên. Hình như để tưởng nhớ hình ảnh xưa, người ta cũng có để một đường phố có tên Vườn Đào và trồng hoa đào ở dải phân cách của đường phố đó. Thế còn những người dân trồng hoa đào họ đã sống ra sao khi đất trồng hoa đã mất, nghề trồng đào có tồn tại nữa không? Câu hỏi đó bất chợt tôi lại gặp được một câu trả lời trong một chuyến đi lên Bắc Giang. Tôi đã được nghe câu chuyện về một người con trai trẻ tuổi người làng Nhật Tân đã đi lên Bắc Giang tìm được một vùng đất có thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp với việc trồng cây hoa đào Nhật Tân. Anh đã gây dựng lại cả một vùng đất trồng hoa đào Nhật Tân rộng lớn và lập cả đền thờ Nghề trồng đào. Hoa đào Nhật Tân còn được trồng ở ngoài bãi sông Hồng và nhiều nơi nữa… Nên khi Tết đến hoa đào Nhật Tân vẫn tưng bừng khắp phố phường Hà Nội bay đi cả khắp mọi miền đất nước, ra cả đảo xa…

Thế nhưng sao người ta lại vẫn chặt đào rừng đem về nhà chơi Tết? Một thú chơi lạ và mới ư? Đào rừng đẹp, đẹp lắm, một vẻ đẹp tự nhiên mà hoa đào Nhật Tân không sánh nổi. Nhưng vẻ đẹp ấy, một khi đã bị bứt ra khỏi cảnh rừng tự nhiên thì dường như đã không còn… Hoa chỉ còn xác không còn hồn nữa. Con người ta biết thưởng thức, biết rung động, biết yêu cái đẹp đó là điều đáng quý. Con người ta biết kinh doanh biết chiều theo sở thích của dân chúng mà làm giầu thiết nghĩ cũng là tự nhiên thôi. Nhưng người làng Nhật Tân biết trồng hoa đào, sống nhờ hoa đào hàng trăm năm nay lại hoàn toàn khác với những người đi khai thác đào rừng mấy vụ vừa qua. Lấy của rừng tự nhiên mà không giữ gìn rừng tự nhiên thì chắc sẽ đến ngày rừng cạn kiệt không còn gì cho ta nữa.

Lại chợt nghĩ sang nước Nhật Bản, một đất nước có Lễ hội hoa anh đào. Đến mùa hoa anh đào nở người dân Nhật đến mở hội chờ đón ngắm hoa nở trên cây, chẳng ai hái và lấy cành hoa nào đem về nhà cả. Người dân Nhật họ tôn kính vẻ đẹp tự nhiên, tôn kính hoa anh đào với một niềm tôn kính trang trọng như vẻ  thiêng liêng rực rỡ của ánh mặt trời, như vẻ thánh thiện thanh cao của ánh trăng. Đất nước Nhật Bản với những câu thơ tam tuyệt (thơ Hai ku) mỗi bài chỉ có ba dòng, nhưng có thể mở ra ba chiều của vũ trụ và chiều thứ tư để dành cho người đọc:

Mưa mùa xuân

Xuyên qua từng chiếc lá

Nuôi dòng suối xuân trong

Thơ của Matsuo Basho( 1644-1694)

Người viết bài này cũng xin để lại một chiều suy nghĩ cho các bạn đọc. Mong sao chúng ta hãy giữ gìn và nuôi dưỡng vẻ đẹp của hoa đào rừng ở chính những khu rừng nguyên sơ. Mong sao những khu rừng của chúng ta sẽ được tôn quý như những vườn hoa anh đào Nhật Bản. Mong sao mọi người dân từ người lớn đến người nhỏ ai cũng ngắm hoa yêu hoa với lòng kính trọng vẻ đẹp tự nhiên nguyên lành như vẻ đẹp của hoa rừng - thiêng liêng như đất nước.

Lê Phương Liên

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự đêm giao thừa

Văn học 1 năm trước

Chợ

Văn học 2 năm trước

Tháng Tám mùa thu

Văn học 3 năm trước

Dưới tán côm xanh

Văn học 7 năm trước