Thứ tư, ngày 08 tháng 05 năm 2024
22:26 (GMT +7)

Khi người lớn cùng làm trẻ nhỏ…

Trong con ngõ nhỏ 366, đường Bắc Kạn, TP. Thái Nguyên có một lớp học vô cùng đặc biệt diễn ra mỗi cuối tuần. Đó giống như một xưởng thủ công nho nhỏ dành cho trẻ. Các bé đến đây không chỉ được học mà còn được tham gia vào những cuộc “dạo chơi” để khám phá chính mình, được thỏa sức bộc lộ óc sáng tạo đối với nhiều sản phẩm thủ công.

Xưởng “sản xuất” niềm vui

JuTo, tên của lớp học được trang trí trên tấm gỗ mộc, không trau chuốt, đẽo gọt. Tấm biển cũng nhỏ nhắn, xinh xắn như các học sinh đến lớp vậy. Người lập ra lớp học đặc biệt đó là chị Cao Thu Hằng. Thoạt nhìn, Thu Hằng sẽ cho người đối diện cảm nhận về một phụ nữ mạnh mẽ và cá tính. Nhưng, đằng sau cái vẻ cá tính ấy lại là một tâm hồn dịu dàng và ấm áp. Tình yêu mà chị Hằng dành cho con trẻ và các đồ vật được làm thủ công cũng là một tình yêu đặc biệt.

Mỗi ngày cuối tuần ở JuTo thật nhộn nhịp, trong không gian mà gia đình chị sinh sống không quá rộng, nhưng được bài trí vô cùng tạo dấu ấn. Nhiều vật dụng trong ngôi nhà được chủ nhân lựa chọn, sắp đặt như tủ đựng đồ, bàn, ghế đều được từ bằng những mảnh gỗ ghép lại, mộc mạc đấy mà lại tinh tế. Nó gần gũi và mang hơi hướng của một thời xa cũ.

Các em bé theo học ở JuTo khá đa dạng về độ tuổi, từ 4 - 5 tuổi đến trên 10 tuổi. Thế nhưng, có một điều khác lạ ở lớp học của cô giáo Cao Thu Hằng so với nhiều lớp học khác đó là chẳng có em bé nào mè nheo hay đòi bố mẹ. Ngay cả với những em nhỏ tuổi nhất khi đến lớp đều vui vẻ chào tạm biệt người thân, rồi nhanh nhẹn vào lớp.

Trước khi ngồi vào bàn nặn hay trước giá vẽ, mỗi em sẽ tự lấy cho mình một chiếc tạp dề bằng vải treo sẵn ở vị trí quy định. Mỗi chiếc tạp dề có một hình thêu ngộ nghĩnh, xinh xắn khác nhau do chính tay cô giáo Hằng làm dành cho các “thiên thần” bé của mình.

Ở JuTo, các bé được vừa học vừa chơi với việc nặn đất sét, nung khô rồi tô màu; được vẽ tranh; được học thêu hoặc thỏa sức ghép và tô màu cho sỏi…

Được hòa vào một buổi học hay gọi theo cách của JuTo là một một buổi “làm việc” của lớp, tôi cũng như bị cuốn vào thế giới của trẻ thơ. Ở đây không hề có bóng dáng của các thiết bị điện tử. Thường mỗi buổi “làm việc” của lớp, học sinh được chia đôi ra hai nhóm, làm hai công việc khác nhau. Ví dụ, một nhóm vẽ tranh và một nhóm học thêu. Nhóm vẽ tranh thì căng khung, kẹp giấy, vẽ rồi thử màu. Nhóm các bé lớn hơn thì làm việc với vải. Một vài cô, cậu bé 4 - 5 tuổi mới đến lớp lại muốn chơi cùng đất sét…

Trong mỗi nhóm, các anh chị lớn bảo em nhỏ, bạn đã biết rồi giúp cho bạn mới tập. Cô giáo đi lại quan sát, chỉ bảo, khích lệ từng em. Thi thoảng có bạn nhỏ lại hét váng lên “Ơ, cô ơi, cái này lấy len màu gì? Hoặc: Con tô theo ý con cô nhé”. Cô giáo lại gần nhìn các học trò nhỏ âm yếm và đáp: “Ừm, cô chả biết đâu, con hãy thử tự chọn màu len nào con cho là đẹp nhất đi; Ừ hãy thử tô theo ý con đi”.

Không gian lớp đang yên ắng bởi các bạn nhỏ ai nấy đều đang chú tâm vào việc của mình, bỗng một giọng nói trong veo lại vang lên: “Cô ơi! Màu này pha với màu này được không?”. Cô giáo đáp: “Hay em thử trộn một chút xem nó ra màu gì là biết ngay mà. Còn để mà ra được màu như mẫu thì trộn A với B với C. Nhưng mình cứ thử ra nháp xem sao nhé”…

Chị Thu Hằng cho biết, ở JuTo, các bạn đang được làm quen với thật nhiều môn mới. Các bạn cũng có thể sẽ chơi lại môn cũ nếu các bạn thích. Ví dụ, hôm trước các bạn chơi đất sét tự khô sau giờ học thêu. Hôm sau, các bạn lại được học cách nung qua đất sét để nó se bề mặt để tô màu được ngay. Sau mỗi buổi học là các bạn nhỏ đều mang được sản phẩm do tự tay mình làm về ngay. Sự hứng thú học và khả năng sáng tạo không giới hạn của các bé khiến mỗi ngày các tác phẩm được làm ra từ xưởng lại càng gây bất ngờ hơn.

Cô giáo Cao Thu Hằng hướng dẫn các học sinh tạo các đồ vật từ đất nặn

Sống cho những đam mê

Từ nhỏ, Cao Thu Hằng đã thích các môn thủ công, lại được trời phú cho đôi tay khéo léo và óc thẩm mỹ vượt trội. Chị có thể ngồi cả ngày để làm đồ thủ công mà không biết chán. Sở thích này đã được Hằng nuôi dưỡng và nó ngày càng lớn lên trong con người chị.

Khi còn là sinh viên ngành Luật cũng như khi ra trường đi làm, tham gia hoạt động của các câu lạc bộ sách ở Hà Nội, càng như chất xúc tác để chị nung nấu ý định làm một điều gì đó cùng con trẻ.

Nhớ lại thời điểm quyết định mở xưởng JuTo, Hằng hào hứng: Không hiểu sao nhưng mình luôn thấy ý tưởng của các bạn nhỏ rất tuyệt. Các bé rất khéo tay. Có một hôm, mình gặp được một bạn nhỏ chắc chừng bảy, tám tuổi thôi nhưng đã thêu được một bông hoa rất đẹp. Nó chính là cú hích để mình mở ra một không gian nho nhỏ là JuTo. Mình nghĩ rằng dạy vẽ, dậy thêu hay dạy nặn có thể có rất nhiều nơi. Nhưng như vậy các con chỉ có thể học tập một bộ môn một. Với trẻ nhỏ, bé thích môn nào hay bố mẹ định hướng đi học môn nào chưa chắc đấy đã phải năng khiếu tốt nhất của bé. Mình nghĩ, các con cần được trải nghiệm, từ đó sẽ tự khám phá ra năng khiếu và đam mê của bản thân. Và, thế là mình quyết định mở xưởng.

Ngay cả việc bố trí nội dung học và thực hành ở xưởng JuTo, cô gáo Thu Hằng luôn cho các bé thực hiện song hành cùng lúc mấy nội dung tùy theo ý thích và độ tuổi của trẻ. Lý do mà chị đưa ra: Trẻ con đến xưởng rất nhiều độ tuổi, mỗi em một sở thích và năng khiếu khác nhau. Nhưng vì còn nhỏ nên làm gì các em cũng sẽ rất nhanh chán. Thậm chí, trong một buổi “làm việc” nếu chỉ làm một việc có thể sẽ làm giảm hứng thú của các em. Cho nên, bên cạnh giờ học theo lịch được cô đề ra, khi các con giảm hứng thú với việc đang làm sẽ được cô cho sang trải nghiệm làm công việc khác. Như thế sẽ giúp các con hào hứng từ khi đến xưởng cho đến khi về. Tất nhiên, trước khi chuyển sang làm nội dung khác, các con phải hoàn thành nội dung đang làm dở. Yêu cầu đó để các con dần hình thành ý thức kỷ luật với bản thân và trong học tập.

Chị Nguyễn Thị Hạnh, tổ 4, phường Phan Đình Phùng cho biết: Tôi có 2 bé 9 và 11 tuổi. Khi biết tới JuTo, tôi cho các cháu đến tham gia. Qua buổi học đầu tiên cả 2 cháu đều rất hứng thú và mong đến ngày được trở lại lớp. Thấy vậy, tôi cũng yên tâm bởi ngoài việc học ở trường thì có một không gian cho các cháu khám phá bản thân, học hỏi được nhiều điều bổ ích như thế này tôi nghĩ rất cần thiết. Hơn nữa, đến lớp làm được các đồ vật thủ công nhỏ xinh hoặc vẽ được bức trang đẹp, các cháu mang về ríu ran kể với người lớn. Những lúc ấy là không bé nào nhớ đến hay đòi xem ti vi, điện thoại nữa. Phụ huynh như tôi cũng giảm bớt được một nỗi lo

Em Vũ Hoàng Thảo Nguyên (11 tuổi) với bức tranh được làm ở JuTo

Kiên trì và nhẫn nại với các “thiên thần” bé

Mỗi kỹ năng thủ công sẽ đòi hỏi một kỹ thuật khác nhau. Việc thực hành sẽ giúp các bé khéo tay và tăng khả năng tư duy nhiều hơn. Nhưng, điều tôi băn khoăn là làm sao để vừa có thể khuyến khích các bé tự do sáng tạo, bộc lộ ý tưởng lại vừa có thể hướng các bé tới những công thức như là “chân lý”. Mang thắc mắc này trao đổi với chị Hằng, được chị chia sẻ:

Các học sinh nhí hào hứng với thành quả của mình sau buổi học

Ngay cả trẻ mới 4 - 5 tuổi thôi nhiều bạn đã rất khéo tay. Mình luôn khuyến khích các con làm ra những sản phẩm theo tư duy của bản thân. Ví dụ, có bạn không muốn tô một bông hoa màu đỏ mà lại thích tô một bông hoa màu đen hay màu xanh. Điều này có thể đi ngược với tư duy của người lớn nhưng mình sẽ để các con tô theo màu con thích, thậm chí cho con thử tất cả các cách pha màu mà con muốn. Từ đó các bé sẽ dần nhận ra các màu mình chọn chưa được đẹp lắm. Lúc này, mình mới đề nghị các con tô màu theo hướng dẫn của cô giáo rồi cho con tự nhận xét. Bằng cách đó, các bé sẽ lắng nghe, tiếp thu kiến thức một cách dễ dàng hơn. Các bé sẽ thấy ý nghĩ ban đầu của mình khiến cho bông hoa không đẹp như mình tưởng. Có những cô bé, cậu bé nhất định sẽ không nghe theo sự sắp xếp của người lớn. Điều này đôi khi người lớn cho đó là một sự bướng bỉnh, nhưng mình nghĩ phải chăng đó cũng là một nét cá tính - điều mà sẽ làm nên một cô, cậu bé tự lập và mạnh mẽ trong tương lai.

Hằng nhấn mạnh: Ở đây không có đúng sai, chỉ là trải nghiệm thôi. Để các con tự cảm nhận, từ đó hướng các con tới những ý tưởng mới mẻ nữa. Chị đúc kết: “Để chạm vào thế giới của các bạn ấy, đầu tiên phải tôn trọng các bạn ấy đã”.

Luôn nhận mình là một đứa trẻ trong thân xác người lớn. Tình yêu của Thu Hằng dành cho trẻ nhỏ rất nhiều. Nhiều đến mức mong muốn được học, được chơi cùng các bé, dậy các bé làm đồ thủ công đã “lấn lướt” cả việc trở thành một luật sư chuyên nghiệp sau bao năm theo học ngành Luật. Nhưng Hằng không cho rằng kiến thức mà trường Luật cho cô là uổng phí, trái lại, nó đã giúp ích Hằng rất nhiều trong cuộc sống, nhất là trong việc giúp cô có một tư duy mạch lạc và hệ thống.

Ngoài công việc ở JuTo, bất kể ai, bạn bè hay phụ huynh học sinh có mong muốn học làm đồ handmade, học thêu Hằng đều sẵn sàng chỉ dạy tận tình và miễn phí, từ những chiếc gối trang trí trên xe, trong phòng khách, đến những chiếc chăn xinh xắn để các bé mang đến trường nghỉ trưa... Chị có cả một bộ sưu tập về áo dài phong cách xưa do chính chị tự thiết kế và tự tay thêu các họa tiết trên từng áo.

Rời JuTo, tôi cứ suy nghĩ mãi về chủ nhân của nó. Tôi thầm cảm phục chị - người đã luôn thành thật với bản thân và dám sống với đam mê của mình. Và, lưu lại trong tâm trí tôi còn là hình ảnh xưởng thủ công JuTo tràn đầy niềm vui và sự sáng tạo.

Và hình như, tôi cũng được lây niềm vui từ đó…

Sa Mộc

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy