Thứ sáu, ngày 18 tháng 10 năm 2024
10:43 (GMT +7)

Khán giả Thái Nguyên: Thưởng thức và suy ngẫm

VNTN - Từ ngày 11 đến 26/6 là quãng thời gian đặc biệt trong đời sống văn hóa của người Thái Nguyên. Nhà hát Ca Múa Nhạc Dân gian Việt Bắc sáng đèn xuyên ngày đến đêm và nhiều người đã “ăn kịch, ngủ kịch”, mê đắm cùng vở diễn.

Xem để nhớ ngày xưa

Gần nửa tháng nay, cuộc sống của bà Nguyễn Thu Lan, 63 tuổi, ở ngõ 801, đường Lương Ngọc Quyến (thành phố Thái Nguyên) xáo trộn hẳn. Bà bỏ “nằm giường” vào buổi sáng, bỏ kèm cháu học vào buổi tối. Thay vào đó, ngày hai “cữ”, sáng 9 giờ, tối 20 giờ, bà ngồi im phắc trong rạp, xem kịch. Bà Lan lấy khăn choàng trong cái túi vải ra, quấn kín cổ, xởi lởi nói với tôi: “Gớm thôi, mấy chục năm mới lại đến rạp, điều hòa mát đến mức lạnh, cái họng lên tiếng ngay, mình phải quàng khăn cho chắc”.

Cảnh diễn ấn tượng của diễn viên Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn trong “Tia nắng cuối đường”
Cảnh diễn ấn tượng của diễn viên Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn trong “Tia nắng cuối đường”

Rồi bà Lan xòe ngón tay nhẩm tính: Từ đầu Liên hoan đến giờ mình chưa bỏ sót buổi nào. Vở của đoàn trung ương như “Mẹ và người tình” (Nhà hát Tuổi trẻ), của đoàn địa phương như “Người con gái xứ Đông” (Trung tâm Văn hóa nghệ thuật Hải Dương), của tư nhân như “Hoàng hôn không có nắng” (CLB Sân khấu Điểm hẹn), “Búp bê” (Sân khấu LucTeam - Công ty TNHH Phim Đông A)… mình xem hết. Nhận xét chung là “đã” lắm, vở nào cũng hay. Có vở khiến mình bật khóc như “Vầng trăng trinh liệt” (Nhà hát Kịch nói Quân đội) nói về sự hy sinh của 10 cô thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc, “Người con gái xứ Đông” (Trung tâm Văn hóa nghệ thuật Hải Dương)... Nếu không có Liên hoan Kịch nói toàn quốc tổ chức ở tỉnh và được vào xem miễn phí, thì những người về hưu như mình khó có cơ hội được thưởng thức nhiều đến thế.

Sân khấu biến ảo ấn tượng, ánh sáng lung linh trong vở “Lời nói dối cuối cùng”
Sân khấu biến ảo ấn tượng, ánh sáng lung linh trong vở “Lời nói dối cuối cùng”

 Không chỉ riêng bà Lan, có mặt tại Nhà hát Ca Múa Nhạc Dân gian Việt Bắc (số 118, đường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên) những ngày diễn ra Liên hoan Kịch nói toàn quốc - 2024, tôi thấy khá đông người cao tuổi đến rạp. Có người chống gậy hoặc con cháu phải dìu. Trước khi vào xem, họ thường tha thẩn ngắm tầng trên tầng dưới, chỉ trỏ chỗ nọ chỗ kia, kể cho con cháu nghe rằng, ngày xưa, chỗ đất này là rạp ngoài trời, thi thoảng ông bà (bố mẹ) mới được đến đây xem phim, xem kịch.

  Tôi bắt quen với bác Thịnh ngồi cạnh trong lúc chờ giờ mở màn vở “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” (Công ty Cổ phần Điện ảnh và Sân khấu Việt Nữ). Bác cho biết đã hơn 80 tuổi, nhà ở phường Quan Triều (thành phố Thái Nguyên). Bác rì rẩm kể: “Thời trẻ tôi mê văn nghệ lắm. Nhưng nhà nghèo, “năm thỉnh mười thoảng” được đi xem ở rạp ngoài trời thôi, chứ làm gì có tiền mua vé xem trong nhà. Đây, chính chỗ này là quả đồi thoai thoải toàn cỏ may, vừa xem vừa đuổi muỗi, sân khấu tít đằng xa, nghe tiếng được tiếng mất. Hôm nọ cháu tôi nó bảo có Liên hoan Kịch, tha hồ vào xem không mất tiền, cơ hội ngàn năm có một cô nhỉ. Vở “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của anh Lưu Quang Vũ tôi nghe tiếng từ mấy chục năm trước rồi, nay dứt khoát không bỏ lỡ”.

Cảnh trong vở “Hồn Trương Ba da hàng thịt”
Cảnh trong vở “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”

 Cũng là người yêu kịch như bác Thịnh, bác Ma Đình Vực (tổ 5 phường Trưng Vương) nghiên cứu kỹ lịch diễn đăng trên trang web của Văn nghệ Thái Nguyên. Bác bảo nhất định đi xem “Tướng quân Lê Hoàn” (Nhà hát Kịch Hà Nội) và “Đêm trắng” (Nhà hát Kịch Việt Nam) vì ngưỡng mộ tên tuổi hai đơn vị nghệ thuật này đã lâu. Nhưng các vở khác bác cũng không bỏ qua, kể cả phải xem qua màn hình ngoài sảnh (vì bên trong hết chỗ) như lần xem “Lời nói dối cuối cùng” (Nhà hát Kịch Hà Nội). Cùng đi với chồng, bác Nguyễn Thanh Hữu bảo lần đầu đến Nhà hát, được xem kịch hay, thấy đời sung sướng quá. Hai bác thường đến sớm 30 phút để cà kê uống trà, ngắm các mặt hàng đặc sản Thái Nguyên, mua bánh về làm quà cho cháu.

Đến rạp thưởng thức nghệ thuật là nét sinh hoạt mới của người Thái Nguyên kể từ khi Nhà hát Ca Múa Nhạc Dân gian Việt Bắc (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đưa vào hoạt động. Với nhiều người cao tuổi, việc trở lại rạp còn mang lại nhiều cảm xúc đặc biệt hơn. Ngồi trong cơ ngơi nhà hát hiện đại nhất nhì cả nước, họ thường kể chuyện “ngày xưa”: “Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay/ Ra sông nhớ suối, có ngày nhớ đêm” (thơ Tố Hữu), như một cách ôn lại thời túng khó. Bà Nguyễn Thu Lan kể: Những năm 1979 - 1980, Thái Nguyên mình có nhiều đoàn các tỉnh về diễn ở rạp ngoài trời. Buổi diễn nào mình cũng được đi. Nhưng không phải đi một mình mà đi cùng mẹ. Không phải đi xem mà là đi... bán hàng rong! Mình khi đó 17 tuổi, ra dáng thiếu nữ lắm rồi, đạp chiếc xe khung cao, tay lái vểnh như sừng trâu, đèo thùng kem to đùng phía sau. Mẹ mình thì đèo thúng, mẹt, nồi nước chè xanh nóng bỏng. Trong khi mọi người mua vé vào rạp thì mẹ con mình bày mẹt bánh, kẹo, thuốc lá, mía, hạt bí ra bán; mình bóp còi “toe toe”, rao “kem đây, kem đây”. Hồi ấy hình như ai đi xem cũng mua quà vặt. Tí tách cắn hạt bí, hạt dưa, hút thuốc lá, ăn kẹo lạc xong vứt rác đầy bãi… Cũng may, nạn quà vặt trong rạp không “di truyền” đến bây giờ, chứ ghế bọc nhung thế này mà bôi nước ngọt vào thì không biết vệ sinh kiểu gì.

Cảnh trong vở “Người con gái xứ Đông” của Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Hải Dương
Cảnh trong vở “Người con gái xứ Đông” của Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Hải Dương

Xem để suy ngẫm, nhận xét

Không chỉ đi xem để giải trí thông thường, nhiều người cao tuổi Thái Nguyên còn khá tinh tế khi tiếp nhận thông điệp và giá trị nghệ thuật các vở diễn mang lại. Ông Trần Chín, 69 tuổi (phường Túc Duyên) cho biết ấn tượng với dàn ô đen mở màn vở “Bắt quỷ” diễn tối 15/6 của Đoàn Kịch nói Hải Phòng. Theo ông, những chiếc ô đen trên sân khấu tượng trưng cho thế lực đen tối, cho những kẻ quyền cao chức trọng thoái hóa biến chất đang che chắn cho cái xấu cái ác. Người xem đã hình dung được chủ đề của tác phẩm chỉ sau vài phút mở màn, đó là hoạt động của bọn xã hội đen núp bóng doanh nhân và các quan chức hư hỏng kết bè kéo cánh thao túng xã hội…

Nhiều người nhắc lại một số lời thoại tâm đắc của các vở như: “Ông đã lừa dối vợ con, lừa dối nhân dân cả tỉnh này” (Bắt quỷ); “Sinh ra từ than, lớn lên từ than, sao lại đầu độc than?” (Tình người vùng than); “Em không phải là người, là người không nói nổi câu đó” (Búp bê)…

Nhiều vở được khen về bài trí sân khấu biến ảo ấn tượng, ánh sáng thông minh của “Bến nước thời gian” (Nhà hát Tuổi trẻ); “Búp bê”... Có vở khán giả khen kịch bản hay, diễn xuất tốt, diễn viên đẹp như “Tình người vùng than”, “Người con gái xứ Đông”. Đặc biệt, khán giả khen diễn viên Nhà hát Kịch nói Quân đội có đài từ hay, toàn bộ diễn viên nói giọng khu 4 khi diễn “Vầng trăng trinh liệt” khiến người xem càng thêm xúc động. Dù chưa quen cách diễn ước lệ, sân khấu tối giản, nhạc sống và diễn viên (chưa diễn) ngồi ngay trên sân khấu như phong cách của Lucteam (Công ty TNHH Phim Đông A), nhưng người xem vẫn cuốn hút bởi sự kết hợp đa loại hình nghệ thuật như kịch câm, xiếc, múa trong “Búp bê”; diễn viên như rút ruột trong từng cử chỉ, từng lời thoại; mối quan hệ tình - tiền - giới tính bị lột trần trụi và đau đớn.

“Tiếng thơ vang vọng đất trời” một vở diễn giàu chất thể nghiệm của Công ty TNHH giải trí Hero Film
“Tiếng thơ vang vọng đất trời” một vở diễn giàu chất thể nghiệm của Công ty TNHH giải trí Hero Film

Tuy nhiên, không chỉ thưởng thức, nhiều khán giả còn phản biện khá tinh tế. Cùng xem “Bắt quỷ” tối 15/6, các chị Mai, Hoa, Lan ngồi cạnh tôi cho rằng diễn biến tâm lý nhân vật bị khiên cưỡng, chỗ kia anh công an (nhân vật Minh) nên mở hồ sơ ra xem vài giây rồi hẵng nhận xét là khai chưa trung thực; nhân vật hoa hậu doanh nhân là người già đời, lọc lõi tình trường, dám đến nhà tình nhân đe dọa… mà lại tự tử để bảo vệ sự trong sạch của bản thân thì vô lý. Một số khán giả nhận xét “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” (Công ty CP Điện ảnh và Sân khấu Việt Nữ), kịch bản hay thế mà diễn “chưa tới”, tiết tấu chậm buồn, sân khấu đơn điệu, âm thanh quá yếu. Tiên cờ Đế Thích trước nay vẫn được “mặc định” là đàn ông, nhưng trong vở lại là phụ nữ khiến người xem ngỡ ngàng.

Ngoài những khen chê thường tình như thế, người xem còn đặt câu hỏi về sự thiếu vắng vở diễn của Thái Nguyên. Bà Lan Anh, phường Tân Thành, người có mặt ở hầu hết các suất diễn, nói với tôi giọng tiếc nuối: “Cả nước hội tụ về Thái Nguyên mà mình chẳng có vở nào tham gia”. Tôi nói với bà Lan Anh: Các đoàn nghệ thuật địa phương góp vở chỉ có Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Phú Thọ. Con số ít ỏi so với số địa phương thiếu vắng vở tham gia, trong đó có Thái Nguyên. Tuy nhiên, sự xuất hiện vở diễn chững chạc của các câu lạc bộ, các công ty tư nhân cho thấy sự nhập cuộc mạnh mẽ của các lực lượng khác trong xã hội. Thái Nguyên bao giờ mới có vở tham gia các kỳ Liên hoan Kịch nói toàn quốc là câu hỏi lớn và chỉ các nhà chuyên môn và lãnh đạo mới có thể trả lời được.

Cảnh diễn trong “Vang bóng một thời” của Công ty TNHH Nghệ thuật sân khấu Lệ Ngọc  
Cảnh diễn trong “Vang bóng một thời” của Công ty TNHH Nghệ thuật sân khấu Lệ Ngọc  

 Liên hoan Kịch nói toàn quốc đang đi đến chặng kết. Khán phòng Nhà hát không suất diễn nào vắng khách và càng đông hơn vào những ngày cuối. Khán giả thật sự là nguồn cảm hứng cho diễn viên “cháy” trong từng vai diễn. Sẽ có những giải Vàng, giải Bạc để trao như các kỳ Liên hoan trước. Nhưng với người Thái Nguyên yêu kịch, đây là khoảng thời gian đáng nhớ. Họ được hóa thân cùng nhân vật, họ dành tặng các nghệ sĩ những tràng vỗ tay nồng nhiệt và chân tình thể hiện sự biết ơn và ngưỡng mộ. Các nghệ sĩ cả nước chắc hẳn cũng mang nhiều kỷ niệm đẹp về công chúng Thái Nguyên văn minh, hiểu biết và yêu nghệ thuật.

Riêng tôi lại nghĩ về điểm hội tụ văn hóa ở quê mình. Thái Nguyên sẽ là nơi hút nghệ thuật đến và ở lại.

Bài : Minh Hằng

Ảnh: Quang Khải

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy
  • BÙI HẢI ANH haia****@gmail.com

    Cảm ơn Chị Minh Hằng