Hội nhập của văn hóa Mỹ
VNTN - Vận động tranh cử của Tổng thống Mỹ Donal Trump là "Nước Mỹ trên hết" (America is the first) được đưa ra và đang được ông thực hiện nghe ra có vẻ khác lạ trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.
Toàn cầu hóa với nội dung là hội nhập và mở cửa là xu thế của thời đại. Nước Mỹ là nước dẫn đầu thế giới, văn hóa Mỹ đang tràn ngập thế giới, len lỏi vào tận hang cùng ngõ hẻm, vào tận giường ngủ của mỗi gia đình với các phương tiện truyền thông đại chúng với sự giúp đỡ của Mạng toàn cầu (Networld) và Internet cùng T.V, Radio, Ipad, Iphone, điện thoại thông minh (Smart phone), cùng với chúng là thức ăn nhanh (Fast Food), Coca-cola, Pepsi-cole và quần bò, áo phông, giầy dép và mỹ phẩm và phim ảnh, âm nhạc...
Để có một nền văn hóa này và có một nước Mỹ là đầu tiên, là thứ nhất (First) như Tổng thống Donal Trump mong muốn và hưóng tới, đã và đang trải qua một lịch sử tuy ngắn ngủi nhưng rực rỡ với những thành tựu của một quốc gia non trẻ.
Phi hành gia người Mỹ Neil Armstrong - người đầu tiên trên địa cầu đặt chân lên mặt trăng vào năm 1969. Nguồn: Internet
Nước Mỹ và những lần hội nhập
Năm 1492 Columbus cùng đoàn thám hiểm Tây Ban Nha phát hiện ra châu Mỹ. Dù lúc đó họ cứ tưởng là Ấn Độ (nên họ gọi người bản địa là Indien - người Ấn Độ). Họ không biết rằng, từ lúc này họ đã mở ra Hội nhập lần thứ hai của thế giới. Hội nhập lần thứ nhất là sự ra đời của Thiên Chúa giáo La mã (Catholic Roma). (Cũng có ý kiến cho rằng sự ra đời của Phật giáo cách nay hơn 3.000 năm là hội nhập lần thứ nhất. Thực tế tác động của Phật giáo đối với xã hội và thế giới không to lớn như các lần hội nhập về sau).
Xã hội loài người sau lần Hội nhập thứ hai - phát hiện ra Châu Mỹ - đã phát triển như vũ bão với các cuộc cách mạng của khoa học kỹ thuật để dẫn đến cuộc hội nhập lần thứ ba, ấy là chủ nghĩa thực dân ra đời, với sự hỗ trợ đắc lực của chủ nghĩa tư bản từ thế kỷ XVII đã làm khuynh đảo thế giới.
Trên đà phát triển của khoa học công nghệ với tin học, tự động hóa và số đã mở ra thời Hội nhập lần thứ tư, thời đại của thế giới phẳng hôm nay.
Lịch sử ra đời và phát triển của nước Mỹ mới hơn 200 năm và hình thành dân tộc Mỹ mới hơn 300 năm (dù Châu Mỹ được phát hiện từ thế kỷ XV nhưng thế kỷ XVII mới có nhiều người Châu Âu đến định cư) nhưng nước Mỹ đã tham gia tích cực vào cả 4 lần Hội nhập của thế giới.
Hội nhập tạo nên văn hoá Mỹ
Trong số những người châu Âu đổ xô vào Tân thế giới, người Anh đến sớm nhất và đông nhất, sau đó là người Tây Ban Nha, người Đức, Hà Lan, Pháp và người Nga. Sau này thì đủ thứ người tứ xứ. Mỗi cộng đồng người từ các quốc gia khác nhau đến đây đều mang theo một di sản văn hoá dân tộc họ. Do đó đặc điểm lớn nhất, bao trùm tất cả của văn hoá Mỹ sẽ là một nền văn hoá của tất cả mọi cộng đồng dân tộc tạo nên dân tộc Mỹ.
Sau khi có chỗ đứng ở vùng đất mới, sớm nhất là người Anh đã xây dựng nên các thành phố lớn. Đầu tiên là Jamestown Thành phố mang tên đức vua James. Sau đó nhiều trung tâm lớn được hình thành, là nơi tập trung của các cộng đồng các dân tộc khác. Phần lớn những người di cư sang Mỹ sang một phương trời mới đầy hứa hẹn và cắt đứt với các quốc gia già cỗi là những người có chí làm giàu, có ý chí vươn lên trong cuộc sống. Họ là những người nghèo, có máu mạo hiểm, là những người lanh lợi có mưu mẹo buôn bán và quyết tâm. Rất nhiều trong số họ thuộc hạng “đầu trâu trán khỉ”, qua các cuộc cách mạng, nhất là các cuộc nổi dậy thất bại họ phải chạy trốn khỏi các cuộc đàn áp và trả thù của chính quyền sở tại. Họ cũng còn là những kẻ “đầu trộm đuôi cướp” bị truy nã, trả thù và cũng có nhiều người muốn được tự do tín ngưỡng mà ra đi. Đó là chưa kể chế độ phong kiến hà khắc và lạc hậu ở nhiều nước dồn con người vào bước cùng quẫn. Họ phải ra đi tìm cuộc sống mới.
Cũng chính những vấn đề này sẽ tạo nên những điểm đặc thù của nền văn hóa Mỹ về sau, mà trước hết là văn hóa châu Âu, Rome, Byzantin và Islam. Bên cạnh đó là dòng chảy văn hóa Ấn Độ, Trung Quốc, Mêhico và Peru và các dân tộc khác. Đến thế kỷ XVI với làn sóng nhập cư của châu Âu, sau đó là sự cưỡng bức người châu Phi sang làm nô lệ đã mang đến cho văn hóa Mỹ những bản sắc mới.
Sản phẩm của Hội nhập thế giới lần thứ nhất là Thiên chúa giáo đã tạo nên một nước Mỹ là một quốc gia tôn giáo. Ngay từ 1733 khi mới là 13 bang thì giáo dân Thiên Chúa ở Mỹ đã chiếm hơn 85% dân số (nhiều nhất là Thanh giáo - Puritant).
Nhiều người hỏi tại sao nước Mỹ không có lịch sử, không có truyền thống lại là siêu cường thế giới? Địa lý rộng. Nga, Trung Quốc, Canada có kém đâu. Là quốc gia trẻ trung, thì Australia, New Zealand còn trẻ hơn. Nước Mỹ biết ứng dụng khoa học kỹ thuật. Đức, Pháp, Anh, Nga đâu có thua kém. Dân số, tài nguyên? Có một phần nhưng nhiều nước không thua kém Mỹ. Vậy thì cái gì là điều kiện tạo nên nước Mỹ giàu mạnh? Tôn giáo. Là yếu tố quan trọng nhất tạo nên sự đồng thuận tuyệt đối của dân tộc Mỹ, làm nên sức mạnh của nước Mỹ.
Hội nhập tôn giáo tạo nên sức mạnh của nước Mỹ
Tất cả 45 Tổng thống nước Mỹ, dù thuộc tôn giáo nào (nước Mỹ có Thiên chúa giáo Hồi giáo, Do thái giáo, Phật giáo… và hơn 3.500 tôn giáo mới) ai cũng trân trọng nhắc đến Chúa, xin Chúa phù hộ trong các Diễn văn tranh cử và nhận thức. Quốc ca Mỹ cũng nhắc đến Chúa, đồng đô la Mỹ cũng trịnh trọng ghi: "Chúng ta tin ở Chúa".
Tôn giáo (không kể tín ngưỡng của thổ dân ở lục địa châu Mỹ) không phải ra đời từ nước Mỹ, kể cả rất nhiều các giáo phái tôn giáo mới hiện nay đã hội nhập vào nước Mỹ để nước Mỹ là một quốc gia tôn giáo. Đầu tiên phải kể đến Thiên chúa giáo (và các hệ phái tôn giáo ra đời từ Thiên chúa giáo là Chính thống giáo (Orthodoc),Tin lành (Protestan) với vô số các tổ chức tôn giáo khác nhau). Vào thế kỷ XVI - XVII giáo dân từ Anh và các nước Bắc, Tây Âu di cư sang Mỹ đã tiếp nhận Thiên chúa giáo và cải cách thành Thanh giáo (Puritan), như là Quốc giáo của người Mỹ với tinh thần hội nhập để ngày nay nước Mỹ thành một "Siêu thị tôn giáo", có mặt tất cả các tôn giáo trên thế giới.
Văn hóa của các dân tộc trên thế giới theo chân dân nhập cư đến Mỹ cùng với tôn giáo tạo nên nền văn hóa đa sắc tộc.
Cũng trên cơ sở đó mà nước Mỹ với không gian địa lý mới, người Mỹ đã sáng tạo nên các học thuyết trong văn hóa nhân loại: Thuyết Nông bản (Agrarianism), Thuyết Dân chủ (Democratie), Thuyết Biên cương (Frontier), Thuyết Phồn vinh, Chủ nghĩa thực dụng (Pragmatism), Thuyết Lò luyện (Crieuset), Thuyết Đa dạng, Bất định (Pluralisme Instable), Thuyết Darwin xã hội và đặc biệt là Thuyết Nồi hầm nhừ (Melting Pot).
Trong lần Hội nhập lần thứ ba của thế giới, nước Mỹ càng không thua kém ai. Chủ nghĩa thực dân đưa nước Anh lên hàng thứ nhất trong những đế quốc xâm chiếm thuộc địa. "Mặt trời không bao giờ lặn trên đế quốc Anh". Sau Anh là Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha... Nước Mỹ non trẻ, vừa thoát khỏi thuộc địa nước Anh (1783) lại trở thành một kẻ xâm lược mới.
Năm1803 chiếm bang Louisiane của Pháp. Năm1812 tuyên chiến với Anh, các bang thuộc địa của Anh rơi vào tay Mỹ. Năm 1816-1819 chiếm Florida của Tây Ban Nha. Năm 1838 cưỡng bức người da đỏ và chiếm bang Georgia của họ. Năm 1846-1848 đánh Mehico, bắt chẹt mua bang Oregon giá 15 triệu đô la… Chưa nói sau này còn bắt chẹt Nga, mua Alaska rộng mênh mông với giá rẻ hơn bèo. Lần Hội nhập thế giới thứ hai này đến nay Mỹ đã tham gia hơn 100 cuộc chiến tranh, trong đó có hai cuộc chiến tranh thế giới. Đến nay quân đội Mỹ đang có mặt trên khắp nơi trên 4 châu lục; tàu sân bay, tàu ngầm, chiến hạm Mỹ có mặt trên khắp Đại dương thế giới và nước Mỹ đã lên tận mặt trăng và các vì sao.
Hội nhập về văn học
Riêng về văn học, chúng ta thấy là hiện tượng kỳ lạ và thú vị.
Một nền văn học vĩ đại có tuổi mới 200 năm thực ra thì mới có văn học Mỹ từ thế kỷ XIX, khi mà văn học thế giới đã có lịch sử hàng nghìn năm. Không như các nền văn học khác kể từ văn học Hi Lạp - La Mã đến sau này, Mỹ không có văn học dân gian. Văn học ở Mỹ thế kỷ XVI - XVII là văn học Anh. Các nhà văn tên tuổi đầu tiên thực ra là người Anh di cư sang Mỹ, viết bằng tiếng Anh.
Cuộc kháng chiến đầy gian khổ và hy sinh của người Mỹ chống lại thực dân Anh (1775 - 1783) là cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc chống lại chủ nghĩa thực dân. Chiến thắng của người Mỹ có ý nghĩa hết sức trọng đại, nó chứng tỏ xu thế tất yếu của lịch sử thế giới đã bắt đầu một thời kỳ mới: Thời kỳ hoàn chỉnh của chủ nghĩa Tư bản. Người Mỹ đã chiến thắng thực dân Anh trên các mặt quân sự và chính trị. Tuyên ngôn độc lập được ký ngày 2 -7 - 1776 và kết quả của cuộc chiến tranh giành độc lập của người Mỹ với hiệp định đầu hàng của thực dân Anh. Hiệp định Paris năm 1783 chấm dứt hoàn toàn sự chiếm đóng và đô hộ của người Anh trên lãnh thổ Mỹ. Nước Mỹ hoàn toàn độc lập.
Văn học Mỹ cũng bắt đầu một trang mới: Văn học cách mạng. Tuy nhiên, chiến thắng quân sự và chính trị to lớn của cách mạng Mỹ cũng chỉ để lại những tác phẩm chính trị nổi tiếng, trong đó có những bút ký, nghị luận chính trị và Tuyên ngôn độc lập mà cả trước và ngay sau năm 1776 đã không có một tác phẩm văn học nào có giá trị. Sự lệ thuộc vào văn học Anh quá lâu dài và sâu sắc đã làm cho văn học Mỹ - một nền văn học mới không thoát ra khỏi bóng trùm của văn học Anh. Điều này là sự ám ảnh sâu sắc không chỉ với tầng lớp trí thức Mỹ mà cả toàn dân tộc Mỹ. Họ coi sự phụ thuộc ấy là sự nhục nhã và họ cho rằng sự phụ thuộc nước ngoài làm thui chột những trí tuệ người Mỹ và là nguyên nhân cho sự lười biếng và trì trệ.
Cả dân tộc trẻ trung, năng động sau cuộc cách mạng 1755 1783 đã quật khởi, đứng dậy xây dựng một nền văn hóa mới. Cũng phải mất ngót nửa thế kỷ tích lũy, xây dựng và giành độc lập dân tộc, người Mỹ mới tạo nên những nhà văn đầu tiên. Thế hệ những nhà văn cách mạng (và quật khởi) và sau đó là đội ngũ hùng hậu các nhà văn danh tiếng của thế kỷ tiếp theo thế kỷ XIX.
Tuy nhiên, do tình trạng lệ thuộc, nền kinh tế Mỹ hồi này kém phát triển, phương tiện kỹ thuật yếu kém nên việc in ấn và phát hành các tác phẩm văn học Mỹ rất chậm và hạn chế. Điều đó làm ảnh hưởng đến tác động và phát huy ảnh hưởng của nó đối với toàn thế giới. Cho đến thời điểm những năm sau 1783 ở Mỹ chưa xuất bản tác phẩm văn học nào cả. Đội ngũ những người chuyên môn làm kỹ thuật, chế bản, vẽ bìa cũng chưa có. Các nhà văn Mỹ hồi đó chưa có luật bảo vệ quyền tác giả, luật nhuận bút, thậm chí ai muốn in sách phải bỏ tiền ra xuất bản tác phẩm của mình. Do vậy, trừ những người giàu có điều kiện và nhàn rỗi như Washington Irving; ngoại trừ Benjamin Franklin, từ một gia đình nghèo khổ nhưng ông làm thợ in và vì mục đích kinh doanh nên ông có thể tự xuất bản tác phẩm của mình.
Trong số các nhà văn Mỹ thời kỳ Bão táp và Cách mạng có Charles Brockden Broun, Một nhà văn bậc trung là tác giả của một số tác phẩm lãng mạn. Lịch sử văn học Mỹ ghi nhận ông là nhà văn Mỹ đầu tiên sống bằng nghề viết lách, tuy nhiên cũng chỉ được một thời gian sau đó lại đói nghèo.
Việc thiếu luật bản quyền là nguyên nhân gây ra sự trì trệ của văn học Mỹ ở giai đoạn này. Các nhà in của Mỹ vì mục đích lợi nhuận cứ tái bản sách tiếng Anh bán chạy mà không phải trả tiền nhuận bút cho tác giả vì tác giả đã qua đời hoặc vì xa xôi, thiếu thông tin. Việc tái bản sách nước ngoài không hợp lệ từ lâu đã được xem như là một dịch vụ đối với thuộc địa và nguồn thu lợi nhuận cho các nhà in. Nhưng cũng chính nhờ vậy mà trong một thời gian ngắn Frankin - người đã tái bản được nhiều tác phẩm kinh điển và những cuốn sách có giá trị của châu Âu để phổ biến rộng rãi và phổ cập tri thức trên tất cả mọi mặt trong công chúng Mỹ.
Bên cạnh đó là nạn in nối bản. Một quyển sách lậu được in và tung ra thị trường nếu bán chạy là họ in tiếp, chi phí nối bản rất rẻ so với lần đầu. Hơn thế nữa là ăn cắp bản thảo, thậm chí ngay từ bản in thử từ bên Anh chuyển sang. Mathew Carey, một nhà xuất bản quan trọng của Mỹ đã trả tiền cho một đại lý ở London để mua thông tin tình hình văn học, dịch vụ này gửi các bản sao của những bản thảo mới về, mới đưa đến nhà xuất bản thậm chí là cả bản in thử gửi về Mỹ cho ông trên những chuyến tàu biển chạy nhanh. Trong khi chờ làm thủ tục vào cảng thì đám công nhân của Carey dùng tàu nhỏ chạy ra để đón, và đưa nhanh những bản in thử này về ngay xưởng in của mình. Thợ sắp chữ chia cuốn sách ra thành nhiều phần và họ thay nhau làm ca suốt ngày đêm. Những cuốn sách tiếng Anh in trộm này có thể được tái bản trong một ngày và được bày lên giá của các hiệu sách ở Mỹ cùng thời gian ở bên Anh và giá cả lại rẻ hơn nên bán rất chạy. Do việc biên tập các ấn phẩm, vì không có thợ chuyên môn nên sách được in ra thường đắt hơn và không cạnh tranh được với sách in trộm. Các tác giả của Mỹ đã phải cay đắng sống trong nghèo đói, không những không được nhận thù lao mà còn phải chứng kiến cảnh tác phẩm của họ bị tái bản trộm ngay trước mắt. Cuốn sách Gián điệp (The Spy, 1821 ) của Feninmore đã bị bốn nhà in khác nhau ăn cắp ngay sau khi xuất bản chưa đầy một tháng nhưng ông không nhận được một xu nhuận bút.
Sự ngưng trệ của văn học Mỹ do những hoàn cảnh và điều kiện đó đặt ra yêu cầu cấp bách phải có luật xuất bản. Vào năm 1790, Luật bảo hộ quyền tác giả Mỹ ra đời, tạo điều kiện cho các nhà văn thế hệ tiếp theo xây dựng được một diện mạo mới của văn học Mỹ. Dù sau thời kỳ Bão táp và Cách mạng cũng đã có các nhà văn lớn: Benjamin Franklin (1706 1790) và Philip Freneau ( 1752 - 1832).
Mãi đến cuối thế kỷ XIX mới có văn học Mỹ do người Mỹ viết. Những nhà văn Lãng mạn Walt Whitman (1819-1892), H. Beecher Stowe (1811-1896), Emily Dickison (1830-1886), James Fenimore Cooper (189-1851), các nhà văn hiện thực danh tiếng như Nathanil Hawthorne (1804-1864), Edgar Poe (1808-1849), Mark Twain (1835-1910)… Rồi thế kỷ XX ào ạt những nhà văn lẫy lừng thế giới xuất hiện. Với 11 giải thưởng Nobel danh giá mà nhiều nền văn học có lịch sử lâu đời mơ được một, hai giải cũng không có. Nhà văn Mỹ đầu tiên đoạt giải là: Levis Sinclair. Tiếp đó là những W. Faulkner, Hemingway, E.O'neill, John Steinbeck, T.S. Eliot, Pearl Buck, Saul Bellow, Tonni Morison, Isaac Bashevis Singer, Czeslan Milosz, Joseph Brodsky,…
Hội nhập phim ảnh, sân khấu, âm nhạc...
Phim ảnh, âm nhạc, sân khấu Mỹ có mặt ở tất cả các nước trên thế giới. Những giải thưởng danh giá nhất về văn hóa, Nobel (văn học), Oscar ( phim ảnh), Granmy (âm nhạc), phần lớn thuộc về Mỹ. Những Michael Jackson, Presley, Bop Dilan, John Lenon… làm chao đảo sân khấu thế giới. Với gần 100 bộ phim được giải Oscar với những kịch bản hay, đạo diễn lẫy lừng cùng với những diễn viên sáng giá của thủ đô điện ảnh Holywood với những hãng phim Walt Disney, Fox, Paramount, Metro, First Nation, Warner Bros, Columbus, King Vinder hàng năm thu về hàng tỷ dola cho nền kinh tế Mỹ.
Để đạt được những thành tựu rực rỡ ấy trong hội nhập, nước Mỹ luôn luôn vận động tìm ra những phương pháp và cách thức phù hợp với sự thay đổi của thế giới. Nước Mỹ đưa ra được những chính sách hợp lý của Hội nhập, nước Mỹ có 10.000 đài phát thanh với 440 triệu chiếc radio, 1.500 Đài truyền hình, Đài truyền hình của 50 bang nước Mỹ, Đài truyền hình của hệ thống giáo dục, các Trường và Viện đại học, của các Bộ (nước Mỹ chỉ có 8 bộ) phát thanh bằng 54 thứ tiếng ngoài tiếng Anh. Nước Mỹ có 62 triệu ấn bản báo chí. 56 triệu bản ra ngày chủ nhật. 6.855 tờ báo tuần. 220 tờ in tiếng nước ngoài với 37 ngôn ngữ khác nhau. Tất cả các ấn bản này đều có tham gia quảng cáo, giới thiệu, lăng xê cho sân khấu, âm nhạc và điện ảnh Mỹ. (Theo Niên giám thế giới về xuất bản năm 1994).
Đó là chưa nói đến phim truyền hình với kỹ thuật siêu hiện đại. Băng, đĩa, USB và mạng Youtube, Facebook, Yahoo, Gmail... của Networld đã chuyển tải hàng nghìn phim ảnh của Mỹ ra khắp thế giới. Phim truyền hình Mỹ được khấu hao vốn bởi thị trường nước Mỹ (giá thành sản xuất, giá chuyển tải Wifi rẻ) nên khi thâm nhập vào thị trường các nước khác cũng với giá rẻ cạnh tranh làm cho phim truyền hình các nước khác thêm khó khăn và phải nhường cho phía Mỹ (Mỹ không có Bộ Văn hóa). Sản phẩm văn hóa, văn học, phim ảnh, âm nhạc, sân khấu nằm trong Bộ Thương mại. Đó là những sản phẩm đặc biệt được tự do cạnh tranh trong thị trường sản xuất của tư bản. Nước Mỹ Hội nhập lần thứ tư này có công nghệ thông tin hỗ trợ đắc lực. Truyền thông và Netword và công nghệ thông tin đưa văn hóa Mỹ ra thế giới, tiếp nhận văn hóa của cả thế giới về cho nước Mỹ làm giàu cho nước Mỹ.
Với Chủ nghĩa Thực dụng và thuyết Nồi hầm nhừ, với tính năng động và thích nghi của văn hóa Mỹ, ông Tổng thống Donal Trump có lý do và cơ sở để hướng tương lai và ưu tiên số một cho nước Mỹ trong Hội nhập của Thế giới phẳng.
Hạnh Liên
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...