Thứ tư, ngày 15 tháng 01 năm 2025
16:58 (GMT +7)

Hoàng Thị Hiền: Văn chương là con đường đi tìm hạnh phúc

Ngay từ khi công tác tại Hội Văn học nghệ thuật tỉnh hơn 10 năm trước, tôi đã quen biết với Hoàng Thị Hiền. Tôi là người Tày Bắc Kạn còn Hiền là cô gái Tày Cao Bằng nên những chia sẻ với nhau cũng khá cởi mở. Thú thực, tôi ấn tượng và khâm phục Hiền - một cô gái năng động luôn tràn đầy năng lượng, thân thiện và đặc biệt dù cũng gặp phải không ít những trắc trở nhưng Hiền vẫn luôn cháy bỏng niềm đam mê với văn chương.  

Hoàng Thị Hiền: Văn chương là con đường đi tìm hạnh phúc
Hoàng Thị Hiền, cô gái Tày Cao Bằng cởi mở, thân thiện, năng động và luôn tràn đầy năng lượng

Từ niềm đam mê đọc sách và mơ ước trở thành cô giáo

Hiền sinh năm 1990, hiện đang sinh hoạt tại Chi hội Văn xuôi, Hội VHNT tỉnh. Những ngày cuối năm, tôi gặp Hiền khi vừa đón nhận niềm vui đoạt giải Ba cuộc thi thơ “Nhân nghĩa đất phương Nam” lần 2 do Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Niềm vui như nhân đôi khi hai thiên thần bé nhỏ của Hiền cũng vừa chào đời. Trong không gian ấm áp của những ngày đầu xuân mới, Hiền đã chia sẻ với tôi về tình yêu của mình dành cho văn chương.

Sinh ra và lớn lên ở bản Vò Ấu, xã Hồng Việt, huyện Hòa An (Cao Bằng), cô gái người dân tộc Tày đã sớm được tắm gội trong hương rừng gió núi. Từ nhỏ, Hiền đã đam mê đọc sách, báo. Hồi đó, sách là món quà quý không phải trẻ em nào cũng có thể sở hữu. Nhà không có điện, phải chạy ăn từng bữa, ngoài chiếc đài nhỏ có thể đón nghe các chương trình đọc truyện đêm khuya, tiếng thơ và tác phẩm tuổi hồng thì Hiền hay lân la ở thư viện nhà trường để tìm đọc sách, báo. Đọc các tạp chí cấp phát, Hiền thấy nhiều bạn trạc tuổi mình viết truyện, làm thơ rất hay. Thế rồi Hiền cũng tập viết theo nhưng khi viết xong thì không biết làm cách nào gửi báo được. Thật may, nơi Hiền sinh sống có thầy Hoàng Triều Ân, nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa công tác ở Hội VHNT tỉnh Cao Bằng. Thấy Hiền có năng khiếu văn chương, nhà văn Hoàng Triều Ân đã động viên Hiền viết và gửi cho các báo, tạp chí. Bài thơ đầu tiên của Hiền được đăng trên số Tết của Tạp chí Non nước Cao Bằng. Sau bài thơ đầu tay, Hiền tiếp tục sáng tác và được đăng đều đặn trên một số báo, tạp chí của trung ương và của tỉnh. Số tiền nhuận bút có được từ sáng tác, Hiền dùng mua sách báo, đồ dùng học tập và gửi mẹ chi tiêu sinh hoạt gia đình.

Hiền luôn giữ trong mình niềm đam mê đọc sách, báo
Hiền luôn giữ trong mình niềm đam mê đọc sách, báo

Thấu hiểu nỗi vất vả, hy sinh của cha mẹ, nên Hoàng Thị Hiền khát khao vươn lên trong học tập để thoát nghèo. Hiền luôn là tấm gương học sinh vượt khó học tốt của nhà trường. Tốt nghiệp THPT, Hiền đăng ký thi vào Đại học Sư phạm Thái Nguyên và đỗ vào khoa Ngữ văn, tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ trở thành cô giáo. Với tình yêu văn chương có sẵn lại được bồi đắp thêm kỹ năng, kiến thức trong quá trình học tập chuyên nghiệp, Hiền viết chững chạc hơn từng ngày. Hiền tích cực tham gia các hoạt động phong trào của nhà trường, là thành viên nổi bật của Câu lạc bộ Văn học Nhà trường, nhiều tác phẩm đã được chọn đăng trên tập san của Câu lạc bộ. Trong quá trình học tập, Hiền được Nhà trường tạo điều kiện tham gia các chương trình liên quan đến văn chương, nghệ thuật của tỉnh, được tiếp cận với các nhà văn, nhà thơ của trung ương, của tỉnh qua các buổi ra mắt sách, nói chuyện văn chương. Cũng từ những chương trình như thế này, Hiền đã biết đến báo (nay là tạp chí) Văn nghệ Thái Nguyên, một tờ báo chuyên ngành uy tín về văn học nghệ thuật. Từ đó, Hiền thường xuyên gắn bó và cộng tác với Văn nghệ Thái Nguyên.  

…Đến tình yêu cháy bỏng với văn chương

Sau khi tốt nghiệp đại học, Hiền quyết tâm gắn bó với mảnh đất Thái Nguyên và về làm dâu mảnh đất Nga My, huyện Phú Bình. Bận bịu việc làm vợ, làm mẹ và kiếm tìm công việc, có những thời điểm, tưởng chừng niềm đam mê văn chương phải gác lại nhưng sau những trải nghiệm, va đập cuộc sống càng khiến Hiền chín chắn, sâu sắc hơn trong lối viết. Để nâng cao kỹ năng viết văn, Hiền tham gia Câu lạc bộ Văn học Trẻ của tỉnh và Lớp bồi dưỡng kỹ năng viết văn do nhà văn Hồ Thủy Giang trực tiếp giảng dạy.

Với sức trẻ và sự năng động, Hiền đã thử sức ở nhiều công việc khác nhau. Ở công việc nào Hiền cũng tận tụy, trách nhiệm và hết mình với công việc, được mọi người yêu quý. Hiền đã từng là trưởng xóm nữ trẻ nhất của huyện Phú Bình khi dũng cảm đảm nhận vai trò Trưởng xóm Đình Dầm. Những năm tháng làm Trưởng xóm giúp Hiền hiểu hơn về cuộc sống của người dân quê. Đó cũng là trải nghiệm quý báu để sau này Hiền thể hiện trong các tác phẩm văn chương của mình. Được vài năm, Hiền quay trở lại với công việc là một cô giáo trường làng. Sau một thời gian gắn bó với công việc bảng đen phấn trắng, Hoàng Thị Hiền lại bén duyên với nghề báo. Hiện tại, Hiền công tác tại Cơ quan Thường trú Đông Bắc, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), kênh phát thanh tiếng Tày - Nùng. Dù công việc làm báo vô cùng bận rộn, thường xuyên có những chuyến đi dài ngày đến các bản làng xa xôi nhưng Hiền luôn dành thời gian để sáng tác văn chương.

Đề tài xuyên suốt trong nhiều tác phẩm của Hiền những năm gần đây là về dân tộc và miền núi. Có thể nói viết về mảng đề tài này, Hiền có sự thành công nổi trội. Bản sắc riêng của đồng bào dân tộc được thể hiện rõ nét, tạo ra sự khác biệt so với các cây bút người Kinh. Không gian văn hóa và nhân vật là dân tộc ít người và miền núi, các chi tiết trong các truyện của Hiền thường gây bất ngờ qua giọng văn chau chuốt, cuốn hút, dẫn dụ người đọc.

Những chuyến đi tác nghiệp tại vùng đồng bào miền núi giúp Hiền có thêm tác phẩm mới và trải nghiệm để sáng tác văn chương
Những chuyến đi tác nghiệp tại vùng đồng bào miền núi giúp Hiền có thêm tác phẩm mới và trải nghiệm để sáng tác văn chương

Tập truyện ngắn đầu tay “Gửi trăng về núi”, (Nxb Thanh Niên, 2020) là một minh chứng về sự nỗ lực để khẳng định mình của Hiền. Trong các truyện, Hiền đã tỏ ra có nghề khi biết biến không gian thực tại thành không gian nghệ thuật. Những mảnh đời, số phận được Hiền dụng công khai thác với thủ pháp ẩn dụ, mang nhiều sắc thái thể hiện sống động, tính cách nhân vật, phản ánh hiện thực nhân sinh không hề khiên cưỡng, như trong các truyện “Dòng sông chảy ngược”, “Đường về”, “Đồi cỏ xanh”, “Mảnh trăng ở bản Tum”, “Cáy tắc”…

Bên cạnh truyện ngắn, thơ của Hiền cũng thực sự ấn tượng. Nếu trong truyện, chất dân tộc và miền núi thấm đẫm, thì thơ Hiền lại là sự hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại, giữa trữ tình sâu lắng và đầy trăn trở suy tư hòa nhịp cùng nền thi ca đương đại. Giọng điệu mới lạ, cấu tứ mềm mại. Từng vần thơ, từng con chữ mang âm hưởng núi rừng và gió núi mây ngàn với bao nỗi niềm chạm tới trái tim người đọc. Hẳn ai cũng ám ảnh khi đọc những câu thơ sau: “Bốn bề cheo leo vực sâu núi đá/ Thở ra khói ra sương/ Trượt ngã nơi đâu là mộ là giường…/ Những giấc mộng đỏ tươi trên đá/ Nhìn mặt trời như tỉnh như say” (Phận người làm thuê nơi biên ải).

Đọc thơ của Hiền, nếu là người từng trải, hẳn không ai nghĩ đó là một nhà văn tuổi đời còn rất trẻ. Dường như Hiền đã dũng cảm dấn thân làm mới ngôn ngữ, dụng công để ngôn ngữ biểu đạt tinh tế triết lý nhân sinh. Những phá cách từ sự thể hiện ẩn chứa muôn nỗi niềm nhân thế. Trong các bài thơ trữ tình, Hiền tỏ ra khá chững chạc trong những trải nghiệm sâu sắc, sự nhìn nhận thấu đáo và miêu tả tâm trạng tính cách người miền núi một cách sống động: “Rượu ngô pha hơi vào gió buốt/ Thảm lá phong hương đốt ấm khoảng trời/ Lời thương còn ngần ngừ thắp lửa/ Đừng để dành đến giao thừa” (Ngày bản mình xanh lộc).

Sinh ra và lớn lên giữa suối nguồn văn hóa Tày, Hiền có thế mạnh về ngôn ngữ, chữ viết của đồng bào dân tộc mình. Điều đó giúp Hiền thêm vững tin khi thử sức với những sáng tác thơ song ngữ Tày - Kinh, điều mà không phải người trẻ nào cũng làm được. Sáng tác thơ song ngữ không chỉ là cách để Hiền lưu giữ được tiếng mẹ đẻ - tiếng nói của dân tộc, mà bản thân Hiền xa quê đã hơn chục năm, dường như tình cảm, nỗi nhớ quê, tâm hồn người dân tộc mình có nơi để gửi gắm, giãi bày.

Hoàng Thị Hiền (ngoài cùng bên trái) trong chuyến công tác tại đảo Bạch Long Vĩ
Hoàng Thị Hiền (ngoài cùng bên trái) trong chuyến công tác tại đảo Bạch Long Vĩ

Thu về trái ngọt

Hiền khá có duyên với các giải thưởng văn chương. 35 tuổi đời, Hiền đã sở hữu thành tích giải thưởng khá đáng nể: Giải C tập truyện “Gửi trăng về núi” trong Cuộc thi Sáng tác và phổ biến VHNT về đề tài dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên năm 2021; Giải Tư Cuộc thi thơ “Sống và hy vọng”, năm 2022 do Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên phối hợp với kênh VOV6, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức; Giải Ba Cuộc thi thơ “Nhịp điệu mới 2023” do Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên và Kênh VOV6 - Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức; Giải Nhất Cuộc thi “Đọc từ trái tim lần 2”, năm 2023 do Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên điện tử tổ chức; Giải Khuyến khích truyện ngắn trên Tạp chí Lang Bian (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng); Giải Nhất cuộc thi thơ 30 năm thành lập huyện đảo Cô Tô tỉnh Quảng Ninh và mới đây nhất là giải Ba cuộc thi thơ “Nhân nghĩa đất phương Nam” lần 2 do Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức... Cùng với đó, Hiền đã có 2 tập sách đã xuất bản gồm Sóng ngược (in chung, 2017) và Gửi trăng về núi (In năm 2020).

Khi được hỏi quan niệm về văn chương Hiền bộc bạch: Với tôi, văn chương là con đường đi tìm hạnh phúc. Ở nơi tìm thấy hạnh phúc có hơi thở cuộc sống và tình người dành cho nhau. Văn chương rõ ràng đã và đang đem đến cho Hiền niềm vui và thỏa sức niềm đam mê viết của mình.

Dịp cuối năm, gia đình Hiền đã vỡ òa trong niềm hạnh phúc khi chào đón một cặp bé trai sinh đôi bụ bẫm. Dù là “bà mẹ bỉm sữa”, bận việc chăm con nhưng Hiền vẫn sắp sếp được thời gian để viết bài cộng tác với Văn nghệ Thái Nguyên. Đó cũng là điều tôi ấn tượng với Hiền - một cộng tác viên tích cực làm tôi rất yên tâm, luôn trách nhiệm, tỉ mỉ với từng tác phẩm của mình.

Tết đến Xuân về, chúc cho Hiền luôn giữ được tình yêu với ngọn lửa văn chương, đặc biệt là phong cách rất riêng viết về đề tài dân tộc, miền núi và thu hoạch thêm nhiều trái ngọt.

Anh Anh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Người trẻ làm trà xưa

Xem tin nổi bật 10 giờ trước