Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
00:47 (GMT +7)

Hoa xoan tím biếc giêng hai – Tản văn. Tú Anh

VNTN - Tháng hai, thương hoa xoan, cánh nào cũng mỏng manh bé nhỏ, gió khẽ lay đã tan tác rã rợi. Dẫu thế, vẫn thắm đến cạn cùng kiếp mình cho trời đất vẹn xuân.

*

Sau nhiều ngày mưa lê thê, ô cửa sổ cũ mèm trên gác trọ im ỉm không ai chạm vào, sáng nay tôi mở toang, bắt gặp phía trước rất gần, một cây xoan đương độ hoa tím. Ở cái thành phố nhìn đâu cũng chỉ những mảng màu bê tông bàng bạc, hay rêu xám vô cảm lạnh lẽo này, thì việc nhìn thấy thứ hoa quê mùa ấy lại là điều vô cùng xa xỉ. Lòng dưng xốn xang. Lòng dưng hoan hỉ. Dưng nhớ quê đến nghẹn.

Hoa xoan, thực ra nó đâu tím biếc hay tím thắm, tím ngắt như ai kia từng viết cho đẹp thơ, đẹp văn và ngọt ngào câu hát. Tím hoa xoan, cái sắc màu ấy nhàn nhạt, vờ vờ, tím vừa độ để nhận biết mà kêu tên màu sắc, cái tím cũng nghèo nghèo, mong manh như thân kiếp của nó.

Tháng hai, hoa xoan tim tím lòng mùa, cho bao người tương tư trời đất, rồi viết nhạc làm thơ. Dẫu quê mùa, bình dị đến độ chẳng ai bán mua, chẳng ai nhặt xâu vòng chơi trò cổ tích, chẳng ai đem cắm ở góc phòng mà mơ mộng, trưng diện, hay đem tặng nhau ngỏ ý nhớ thương. Ấy thế nhưng, cứ hễ tháng hai người ta lại rắc đầy hoa xoan lên trang viết, lên hồn mình mà lãng đãng, bay bổng. Cứ hễ tháng hai, loài hoa ấy lại được gọi tên như thể chỉ nó mới là linh hồn, là minh chứng cho sự tồn tại của tháng hai. Người ta hay ca nó đẹp, thi vị, lãng mạn, rồi nọ kia bằng đủ thứ ngôn nghĩa mĩ miều trong văn thơ. Với tôi, hoa xoan mang nhiều ý niệm, không chỉ của riêng gì đó thuộc về cái đẹp hình thức, sắc hương. Là ý niệm thời gian, ý niệm phận đời, ý niệm cuộc sống, ý niệm tâm hồn, v.v…và tất cả đó là cái đẹp. Nó, tím sắc tím lỡ cỡ, lưng chừng cảm xúc. Không đủ đậm đà, sắc nét găm vào nỗi niềm để gọi rõ thành tên mà nôn nao, mà cồn cào, mà da diết cháy bỏng. Nhưng cũng không hững hờ, nhợt nhạt đến độ có thể trôi tuột qua tâm hồn của ai kia, khi đã trót vương ánh mắt đăm đăm vào từng chùm bé xinh treo lưng lửng trời biếc. Vậy thôi, nhưng đôi khi cũng đủ níu được bước chân vô thức trên đường, đủ làm xao xuyến, bâng khuâng lòng người yêu quê những chiều lòng đễnh đãng.

Tháng hai, người ta viết thơ, những trang thơ màu tim tím, lãng mạn. Tôi thì nhớ cha hay bảo: “Tháng hai tháng ba, câu hát ru tắc nghẽn trong cán thuổng trên thung hoang…”. Giờ mùa đói không còn ai vác thuổng lên đồi, mà cũng chẳng có gì trên đó để tìm kiếm nữa. Mùa đói, dân làng tôi kéo nhau ra quán xá cắm kí, ghi sổ, nợ nần từng bữa ăn. Mùa đói, vẫn cơm trắng vẫn cá mắm, đậu phụ, thậm chí cả nhiều bữa thịt (xa xỉ như ngày lễ tết của thời tôi còn nhỏ). Để rồi, lo toan lại trút trĩu bước chân tất tả của những kẻ dằn lòng bỏ quê bạt xứ. Người không còn trẻ, không nhiều chữ, không nhanh khéo… thì lân la đến các công trường xin phụ hồ, bốc vác. Thanh niên trai gái, sáng sủa trẻ trung thì ôm hồ sơ lang thang tìm việc ở các khu công nghiệp. Sau nụ cười tháng Giêng, sau vài ngày Tết nghỉ ngơi sum vầy, âu lo lại ùa ập về trên những gương mặt, trên những hình dáng pha trộn chút sa hoa vụn của thành thị lẫn cùng lấm lem quê mùa. Người ta có mong những pha trộn ấy làm cho mình bớt nghèo, bớt khổ hơn không? Mà sao tôi nhìn chỉ thấy như càng xót xa, tồi tội. Có áo khăn, son phấn nào che được những lam lũ nhọc nhằn. Cũng như hoa xoan ấy, dù người ta có viết, có ngợi ca trên những ngòi bút, trang giấy thơm, hay hát ngọt bằng đôi môi sang giàu quý phái, với thứ ngôn từ mĩ miều, thì nó vẫn chỉ là hoa xoan bình dị quê mùa.

Quê tôi, đồng ruộng đắp đầy những khối bê tông mang hình dáng nhà máy này nhà máy nọ. Giờ tường xanh lên rêu và xanh lên cỏ, nằm chết trơ ra đó làm nhức nhói những giấc mơ chiêm mùa của cánh cò, bóng sẻ. Triền đồi, chân núi lởm chởm vương vụn tàn tích của mỏ đá, đến loài có sức sống bền bỉ như cỏ còn không len, ngóc lên được mà xanh, thì làm sao mong nương rẫy ngút ngắt lưng mùa. Tôi thương cha, ngày ngày cứ cặm cụi nhặt vụn đá, nhặt đến rớm xước bàn tay mà  đám rẫy cũng chẳng thể nào gieo hạt.

Tháng hai, người già trẻ nhỏ lại ôm nhau ngồi bên thềm, ngồi dưới chân thang. Ngóng đợi gì trên những cánh gió tim tím, lả tả hoa xoan, ngóng đợi gì từ những tờ giấy gọi nhận tiền ít ỏi của bưu điện, cho bao thứ trang trải nợ nần vì miếng ăn ở quán xá.

Tháng hai, đâu đó vẫn chiêng trống hội làng, đâu đó vẫn lễ chùa du xuân. Tôi thương em trai tôi, em dâu tôi, cả những đứa chẳng là ruột thịt của mình, thấp thỏm lê la chờ đợi vận may ở phố thị, để rồi nếu nó đến, lại mài lưng, thức trắng, nhịn ăn gom từng đồng tiền gửi về nơi tím mộng mơ những triền hoa xoan xơ xác gió.

Cha không đọc nữa câu thơ: “Tháng hai, tháng ba câu hát ru tắc nghẽn trong cán thuổng…”, chỉ thấy mái tóc hiếm hoi sợi đen, bàn tay gân gầy như rễ cây nhò trên thung vắng, cứ run run theo từng nhịp gió. Mẹ lưng đã còng, giọng đã lạc, vẫn rạc đêm nhọc nhằn ru cháu, vẫn bỏm bẻm nhai mớm cơm cho những đứa nhỏ, như người đàn bà đương thì nuôi trẻ mọn. Con trai, con dâu còn mải kiếm cơm nơi thành thị, cha mẹ già lại tập làm tuổi son, thay nhau ơi à, bế bồng, dành dỗ tiếng khóc khát sữa. Đêm trắng, ngày sớm, mỏi lòng đợi mong qua mùa hoa xoan, rồi qua mùa hoa gạo và cả mùa hoa lúa, hoa ngô, những mùa hoa trôi đi mong manh, mòn mỏi như nhau ở cái chốn nghèo nàn ấy.

Tháng hai, ai đó hát tím nồng nàn hoa xoan….

Tháng hai, tôi thương mẹ già khản giọng ru cháu mọn khắc khoải đêm trường. Thương những kẻ xa quê chẳng còn thời gian để nhớ màu hoa tri kỷ tuổi thơ. Thương đồng bãi cũ, thương đồi đá hoang, thi thoảng còn liêu xiêu một vài cây xoan non vừa tập thắp hoa đầu vụ, cũng lả tả tím gieo vào gió những niềm yêu mỏng mảnh, gieo vào lòng người dân quê nghèo những hy vọng, những mong chờ biêng biếc màu xuân.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự đêm giao thừa

Văn học 1 năm trước

Chợ

Văn học 2 năm trước

Tháng Tám mùa thu

Văn học 3 năm trước

Dưới tán côm xanh

Văn học 7 năm trước