Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
01:49 (GMT +7)

Hoa mào gà vàng

“Biết gì chưa? Trâu nhà ông Quang đẻ đấy”. Ai đó nói to, rồi một nhóm tụm lại, thì thào, to, nhỏ. Chợ phiên ngày mùa tan sớm, còn trên dưới chục người dọn quán, người đi chợ lác đác được vài người. May tôi vẫn kịp lựa nhanh cân cà chua. Mẹ đã đi chợ một vòng rồi, nhưng quên hẳn món này nên sai tôi ra mua bổ sung. Quay lại tới đầu ngõ, tôi thấy một nhóm các cô, các chị đi cấy về, thủng thẳng. Tiếng ai đó léo nhéo, vẻ bất ngờ. “Trâu nhà ông Quang đẻ thật á? Không thể tin nổi”. Tới nhà, tôi đem thắc mắc này hỏi mẹ. “Thật con chả hiểu, con trâu nó đẻ thì có gì mà mọi người túm năm, tụm bảy bàn tán rồi ngạc nhiên ghê thế?”. “Trâu nào con?”. “Thì con trâu nhà bác Quang ấy”. Mẹ bật cười, gí trán tôi, lườm lườm. Hóng hớt thì chả có đầu có cuối gì cả. Chị Châu nhà bác Quang đẻ. Lại bảo không phải sự kiện đặc biệt đi. À, ra vậy, giờ tôi mới vỡ nhẽ. Nếu thế thì đáng để làng tôi – vốn quan tâm tới mức luôn ngó xem hàng xóm hôm nay ăn món nào – họp “thảo luận” quá đi chứ còn gì nữa.

Hoa mào gà vàng
Minh họa: Dương Văn Chung

Nhà bác Quang đã sinh ba anh con trai, nhưng sợ tam nam bất phú nên mãi muộn bác mới cố thêm người thứ tư, được cô con gái. Gái út, gái rượu, yêu lắm nên bác đặt tên chị là Châu, với ý quý như châu, như ngọc. Chắc do bác bá lớn tuổi quá mới sinh nên dù được chăm bẵm rất chu đáo, chị Châu vẫn còi cọc, yếu ớt. Mẹ bảo, ngày chị còn bé, suốt ngày mẹ thấy bá Quang bế chị trên tay, rồi than phiền, bồi bổ không thiếu thứ gì mà người cứ như dải khoai. Không những yếu, chị còn chậm chạp hơn hẳn những người bạn cùng trang lứa khác. Học ba năm chị Châu mới qua được lớp một để lên lớp hai, nên chị cố học đến hết lớp năm thì nghỉ học. Ở nhà, chị cũng không làm được việc gì mấy. Cấy, gặt, trồng trọt với chị còn khó khăn, chứ nói gì lên rừng lấy củi, vác gỗ. Chị Châu hầu như không chơi thân với ai cùng làng. Không gian di chuyển của chị chỉ từ nhà ra ruộng, vườn rồi về lại nhà. Phạm vi giao tiếp của chị chủ yếu trong gia đình và hai nhà hàng xóm sát tường. Bởi thế, chị Châu có bầu từ khi nào cũng không ai hay biết. Chỉ đến khi chị được đưa lên trạm xá xã để sinh mọi người mới ớ ra.

Nhà tôi không gần nhà bá Quang nhưng mẹ tôi hay qua lại nên hai nhà cũng thân. Mẹ được bá kể cho nghe chuyện của chị Châu. Khoảng đầu tháng chín năm ngoái, trời khô ráo, nhà bác bá muốn đào ao nhỏ phía sau nhà để nuôi cá cải thiện bữa ăn. Toán thợ đấu từ mạn xuôi được người trong làng gọi lên, khai công ao nhà bá Quang đầu tiên. Họ ăn, ở nhà bá Quang luôn. Xong ao, họ bảo quen nếp ăn, nếp ở nhà bác bá nên nhờ bác bá cho họ ở luôn và nấu ăn giúp họ khi họ đào các ao nhà khác trong làng. Họ trả tiền gạo nước và thức ăn với cả tiền công bá nấu nữa.

Trong toán thợ đó có anh Đối hơn chị Châu dăm tuổi, khỏe mạnh, hiền lành. Sau một tháng ở cùng nhà, Anh Đối xin phép bác bá được tìm hiểu chị Châu. Chị Châu và anh yêu nhau. Đám thợ đấu đào khỏe khiếp, sau hai tháng thì đào xong sáu cái ao cho bốn nhà trong làng. Làng không còn nhà ai cần đào ao nữa, họ rời lên xã trên tiếp tục công việc. Các buổi tối, sau một ngày vất vả đội đất, anh Đối vẫn thường xuyên mượn xe đạp chủ nhà để qua lại nhà bác bá. Gần Tết, toán thợ đấu về quê, anh Đối tới chào bác bá và chị Châu với lời hứa ra Tết thì đưa bố mẹ anh lên nói chuyện trăm năm cho anh chị.

Tết đến, xuân qua, rồi hạ về. Giờ mới được trên dưới chín tháng, chắc phải lâu mới tính đủ trăm năm, tôi nghĩ thầm. Tôi buột miệng, như “chị tôi” trong lời bài hát của nhạc sĩ Trần Tiến ấy mẹ nhỉ? Chỉ là “người đàn ông” ấy không “về xây chiếc cầu nối bờ sông” mà về đào ao cho bao nhà thả cá. Mẹ cười buồn. Cũng may, con trai chị Châu khỏe mạnh, nhanh nhẹn, hoạt bát.

***

Nhảy chân sáo về nhà, tôi háo hức khoe mẹ tin nóng hổi. Anh Lĩnh tồ sẽ cưới vào cuối tháng này đấy. Lần này thì mẹ bất ngờ thật vì tin này tôi lượm được trước mẹ. Mẹ hỏi tôi anh Lĩnh lấy ai. Tôi mới ớ ra lúc nãy quên béng, nghe đến đoạn anh Lĩnh cưới là phóng về luôn. Mẹ vẻ không hài lòng, lại gí trán tôi. Chuyên môn hóng hớt không đầu không cuối gì cả. Tôi biết thừa, mẹ tức tôi thì ít mà giận bá Xoan thì nhiều. Việc lớn thế mà sao mẹ lại là người biết sau. Đám cưới sẽ không có một bông hoa nào mẹ nhỉ, cả hoa thật và hoa giả. Mẹ lại cười buồn, mẹ hay cười buồn lắm, bảo, thế cũng chả sao con ạ. Nhưng mẹ lo. Mẹ khi nào cũng nghĩ rộng, nghĩ dài. Kể ra, mẹ lo lắng cũng là có cơ sở thôi. Hăm nhăm tuổi mà anh Lĩnh y như một đứa trẻ, đứa trẻ trong câu chuyện mẹ vẫn kể với chị em tôi.

Bá Xoan thuộc diện quá lứa nhỡ thì ở làng các con ạ. Ông ngoại mất sớm, mình bà ngoại ở vậy nuôi bá với mẹ trưởng thành. Bà còn nặng tư tưởng cũ lắm nên cứng nhắc dặn đi dặn lại bá Xoan, bảo lỡ cũng phải giữ giá. Bà ngoại thương bá Xoan không có ai để nương tựa tuổi già nên bà nhận bao cuộc mối lái mà chưa cuộc nào thành. Bà bảo không phải là bà không thương mẹ, mà vì mẹ còn có bố, có các con, có chỗ dựa nên bà bớt nỗi lo lắng. Bố bằng lòng bỏ cả quê lên đây ở với mẹ thì biết bố yêu mẹ cỡ nào rồi đấy.

Bá Xoan ba mấy rồi vẫn một mình. Hôm thấy bá Xoan ngồi ăn khế chua rau ráu, bà ngoại mắng bá xối xả, bắt bá khai ra ai là cha đứa bé. Bá Xoan nhất định không nói. Bà phát khóc lên bảo rồi cả làng này sẽ còn nhiếc móc mãi tôi không biết dạy con, để cho con gái chửa hoang. Bà bắt bá Xoan đi bỏ em bé cho bằng được. Mẹ phải sang làm công tác tư tưởng với bà. “Mẹ nên nghĩ đó là may mắn chứ, bốn mươi tuổi bá vẫn có chửa được, như vậy bá ấy mới có chỗ trông cậy tuổi già mẹ ạ, mẹ sống đời với bá ấy được đâu”, bà ngoại mới nguôi.

Bá Xoan trở dạ vào giữa đêm mồng Một, trời tối như hũ nút. Mẹ đốt đuốc đi gọi đón bà Tân sang đỡ đẻ cho bá. Bà ngoại ở nhà lo đun nước với chuẩn bị lẹm nứa để cắt rốn. Thêm người, thêm của, bà ngoại đặt tên anh cu là Lĩnh. Kể từ lúc đẻ ra, anh Lĩnh khóc ngằn ngặt suốt các con ạ. Mẹ phải sang gọi bà Tân sang xem cho sao thằng bé khóc, bà Tân có kinh nghiệm đỡ đẻ và chăm trẻ. Bà bảo thằng bé bị vàng da rồi. Lấy cây mào gà vàng, cả cây, lá và hoa đun nước tắm cho nó. Chẳng biết hoa mào gà vàng có tốt thật không nhưng ngót một tháng tắm nước mào gà vàng, anh Lĩnh hồng hào trở lại, ăn ngon, chơi ngoan, ngủ kỹ. Hơn một tuổi, anh Lĩnh vẫn chưa biết đi, biết nói, phản ứng rất chậm. Năm qua, tháng lại, anh đi được, nói được, nhưng không được khôn ngoan như người ta. Cả bà ngoại và mẹ đều buồn các con ạ. Thương bá Xoan, thương anh Lĩnh. Không biết có phải vì tắm mào gà vàng nhiều quá, mà anh Lĩnh sợ tất cả các loại hoa.

Mẹ cứ kể đến đấy là tôi nhớ lại ngày mình còn nhỏ xíu. Biết anh Lĩnh sợ hoa,  chúng tôi toàn rủ nhau bẻ hoa dứ dứ vào người anh. Nào hoa huệ, hoa hồng, hoa kim anh, hoa thủy tiên,... Chỉ một bông thôi anh đã sợ hết vía chứ đừng nói là một bó. Hoa càng sặc sỡ, anh càng sợ khiếp. Đang chơi vui vẻ mà thấy hoa là anh hét toáng lên, ù té chạy về nhà, chui vào buồng nấp kỹ. Biết thế, bọn trẻ trong làng càng trêu tợn. Cảnh anh Lĩnh tồ hốt hoảng, sợ xanh mặt, rồi khóc rưng rức... mỗi khi thấy hoa trở thành trò chơi mang lại niềm vui nhiều nhất cho cả lũ. Khi tôi học lớp sáu thì anh Lĩnh đã là một thanh niên. Dù có hơi chậm chạp, ngô nghê nhưng anh đã biết theo bá Xoan ra ruộng vạ bờ khi chuẩn bị cấy, xúc và gánh mạ lúc vào vụ, làm cỏ lúa đoạn lúa đã xanh lên, rồi đi gặt, phơi thóc, gánh rơm, đi làm thuê, làm mướn, anh chẳng ngại việc gì. Mỗi tội là anh chẳng bao giờ biết chủ động làm. Bá Xoan bảo gì, anh làm nấy. Làm gì cũng phải có bá kèm như kèm kem. Anh không hét và khóc khi bị dứ hoa vào người nữa nhưng cứ thấy hoa là anh chủ động né ra xa. Mẹ không cười buồn mà thở dài thượt thượt. Xót bá Xoan quá, trông mong gì tuổi già với anh con trai mồng Một ấy.

Tại tôi hóng hớt mỗi đoạn gốc nên mẹ tôi tất tả sang nhà bá Xoan để hỏi rõ ngọn ngành. Một chốc thì mẹ về. Khuôn mặt thất thần, mẹ ngồi thừ ra. Tôi hỏi gì mẹ cũng không nói. Mãi sau mẹ mới bảo, bá Xoan làm sinh thiết tế bào từ tuần trước, có kết quả xét nghiệm bị ung thư gan giai đoạn cuối rồi. Bá muốn anh Lĩnh yên bề gia thất. Có vợ, có chồng, anh chị khắc biết bảo nhau. Nên bá mới quyết định trong chốc lát. Phải nhanh, bệnh tật không biết thế nào. Có thế thì bá mới yên lòng nhắm mắt được. Con xem, làm gì có đứa con gái khôn ngoan, nhanh nhẹn nào nó chịu lấy anh con. Tôi muốn mẹ vui lên một chút nên bảo trong truyện cổ tích mẹ vẫn kể, đám cưới là một kết thúc có hậu cho một câu chuyện dù câu chuyện đó buồn hay vui đấy mẹ ạ. Nhìn mặt mẹ còn buồn hơn lúc nãy. Mẹ chỉ sợ, đám cưới này không phải là kết thúc có hậu, mà là khởi đầu cho những nỗi đau chồng lên nỗi đau. Đang háo hức là thế mà tôi cũng buồn lây theo mẹ.

Anh Lĩnh cưới chị Châu. Chị Châu hơn anh Lĩnh hai tuổi. Đẹp đôi quá còn gì. Gái hơn hai, trai hơn một. Đúng như dự đoán của tôi. Đám cưới không có một bông hoa nào, dù là hoa tươi hay hoa giấy, hoa lụa. Kể cả hoa cắt tỉa từ cà rốt, cà chua, ớt cho lên đĩa thịt gà luộc, đĩa nộm hay đĩa miến xào chim câu để trang trí cũng không có. Chiếc cổng rạp cưới được kết từ hai lá dừa cho giống với ngày xưa. Phông bạt để nguyên màu trắng ngà, không pha hồng, đỏ gì hết. Bà ngoại đã tám nhăm, đôi chân không còn nhanh nhẹn, đôi mắt đã mờ dần, nhưng vẫn ánh lên niềm vui, bỏm bẻm ngồi nhai trầu với các bà cùng xấp tuổi ấy. Đám cưới không một bông hoa vẫn linh đình. Làng tôi vừa được vui vẻ ăn cỗ, vừa được hỉ hả bàn tán. Anh cu Lĩnh tồ giờ lại càng lĩnh đẫy. Lấy một được hai, cả trâu lẫn nghé, lãi quá còn gì. 

Từ ngày lấy vợ, anh Lĩnh đi làm công cho cơ sở sản xuất gạch không nung. Công việc nặng nhọc nhưng anh không ngại việc. Đến giờ nghỉ, thợ khác cứ thế mà nghỉ thôi. Anh mà thấy đang dở cối trộn, thể nào anh cũng cố. Để là nó chết xi măng, phí ra. Anh lại hiền lành, chả ganh đua gì với ai nên chủ họ quý lắm. Tháng nào anh cũng gần đủ ba mươi ngày công. Tiền anh Lĩnh mang hết về đưa cho mẹ. Sau, bá Xoan bảo, từ giờ đưa vợ con chi tiêu, mẹ không cầm nữa. Mẹ ở cùng các con, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Chị Châu ở nhà làm ba sào ruộng, trồng rau, chăn lợn. Từ ngày sinh con, chị vẫn chậm chạp thế nhưng được cái lại khỏe mạnh hơn, ít ốm vặt. Bá Xoan yếu dần nên thi thoảng chị phải theo xuống viện để chăm sóc bá. Rồi chị Châu có bầu. Nghe mọi người trong làng bảo, mỗi tối đi làm về, anh Lĩnh chẳng về không nữa. Khi thì anh mang theo quả trứng ngỗng, khi thì chai nước mía, lúc quả dừa, đoạn lại chục trứng gà. Mẹ tôi mừng ra mặt.

Thấy bên nhà anh Lĩnh ầm ĩ, tôi chạy sang. Chị Châu xuống viện chăm bá Xoan một tuần. Con trai chị Châu ra vườn sau nhà ngó thấy cải đã ra hoa. Rau già rồi không ăn được nữa, thằng bé tiếc công mẹ trồng nên hái hoa vào, cắt ngang cổ lọ cô-ca-cô-la rồi cắm đầy một lọ hoa vàng, rực rỡ hẳn ngôi nhà nhỏ. Tối anh Lĩnh đi làm về, sẵn mệt mỏi cả ngày, lại bất ngờ thấy lọ hoa cải chềnh ềnh trên bàn giữa nhà, anh hoảng hốt hét ầm ĩ lên. Thằng bé con chị Châu giật mình không hiểu nguyên cớ gì mà bố giận dữ thế, nó rúm ró ngồi góc nhà. Tôi vứt lọ hoa đi xa rồi dặn dò nó lần sau thật cẩn thận. Tôi cứ thắc mắc mãi, không hiểu những bông hoa có ma lực gì mà khiến anh sợ hãi đến thế. Mấy mươi tuổi đầu rồi.

Chị Châu sinh được một ngày thì bá Xoan phải cấp cứu ở viện tỉnh. Mẹ tôi xuống chăm bá. Ngày bá với mẹ tôi về thì cò bé đã yếu lắm rồi. Vào tới phòng cữ là mẹ tôi hốt hoảng, đưa thằng bé đi viện ngay, để bác sĩ còn chiếu đèn, nó bị vàng da. Lên viện được một ngày thì cò bé mất. Không chỉ vàng da, cò còn bị viêm phổi nặng quá. Trước khi đi, mẹ tôi đã dặn đi dặn lại, có vấn đề gì thì nhớ gọi mẹ tôi một tiếng. Thêm nữa, ở nhà để ý thấy bé vàng da thì lấy cây hoa mào gà vàng đun nước tắm cho bé. Chị Châu phân trần, ở trong bóng điện, cháu không nhìn ra cò bị vàng da dì ạ. Với cả,… Chị Châu bỏ lửng câu nói nhìn về phía anh Lĩnh. Hồi lâu, chị giải thích thêm, cháu ít sữa nên cứ nghĩ cò khóc quấy vì đói thôi. Bá Quang ở nhà cũng vẫn chạy đi chạy lại nhưng tuổi bá cũng cao rồi, mắt lại kém, nên bá cũng không để ý hết. Anh Lĩnh ngồi đấy, ngẩn người lẩm bẩm đi lẩm bẩm lại “Cây hoa mào gà vàng đun nước tắm chữa bệnh vàng da. Cây hoa mào gà vàng đun nước tắm chữa bệnh vàng da,…”. Đến khổ. Mẹ chỉ biết khóc lặng kêu trời “Nói có sai tí nào đâu. Nỗi đau chồng lên nỗi đau. Sao chị tôi lại khổ thế này”.

Từ đận cò bé mất, anh Lĩnh ít nói hơn hẳn, chị Châu cũng buồn. Bá Xoan nhất nhất ăn chay, ban đầu thì bá yếu lả. Kỳ lạ thay, sau bá lại khỏe dần. Các bệnh nhân ung thư khác cùng phòng điều trị của bá cứ lần lượt không thấy đến. Mà sức khỏe bá lại tốt hơn ngày mới nhập viện. Mẹ tôi cứ trêu, chắc vì bá không yên tâm khi anh Lĩnh chưa sinh cháu nội cho bá nên bá cố khỏe đấy. Tôi thì vẫn mong niềm hy vọng có cháu sẽ giúp bá sống lâu hơn. Sách vẫn bảo tinh thần thoải mãi sẽ thắng được bệnh tật mà.

Năm sau, chị Châu có bầu lại. Anh Lĩnh vẫn nhớ lời mọi người trong làng bảo anh lần trước nên anh mua cho chị ăn bồi bổ sức khỏe không thiếu thứ gì. Một ngày đầu thu, tôi thấy anh Lĩnh nghỉ làm gạch. Anh ở nhà cuốc cuốc, gieo gieo năm luống ở vườn trước cửa. Hỏi anh gieo gì đấy. Anh giơ một ngón tay phía miệng suỵt suỵt vẻ bí mật, ý bảo tôi sau khắc rõ. Tôi không gặng nữa. Thu qua, những cây được anh Lĩnh gieo trước đó cứ lớn dần lên, cao tới tận gần hông tôi. Mà bụng chị Châu vẫn nhỏ gọn dù bác sĩ dự sinh là giữa tháng Giêng. Bá Xoan và mẹ tôi lo lắm, giục anh Lĩnh nghỉ làm đưa chị đi kiểm tra. Kết quả siêu âm thường xuyên đều ổn bá với mẹ mới yên tâm. Mẹ tôi bảo nhỏ gọn, nhọn nhọn thế này chắc lại con trai đấy. Miệng, mắt anh Lĩnh hấp háy cười.

***

Cuối Chạp, mưa rét buốt, gió lạnh từng cơn, từng cơn cứ lùa vào mọi ngõ ngách, trong nhà, ngoài vườn. Năm nay nồm sớm chứ không chờ ra Giêng như mọi năm. Bá Xoan ở tịt trong nhà dưỡng bệnh. Bà ngoại ngồi bỏm bẻm nhai trầu ở hiên nhà. Đợi mãi cũng có ngày nắng vàng rộm, chị Châu giặt giũ sạch sẽ, phơi khô tã lót và chuẩn bị sẵn mọi thứ cho lần ở cữ thứ ba. Được hai ngày nắng, gió lại buốt cắt da, cắt thịt, mưa lây rây suốt ngày như mưa xuân. Mà thật lạ, vườn hoa mào gà anh Lĩnh gieo cứ vàng rực rỡ, đung đưa trước gió. Tôi huých tay hỏi “Anh Lĩnh tồ không còn sợ hoa nữa à?” Anh bảo có, vẫn sợ. Nhưng em bé thì cần cây hoa mào gà vàng để tắm nếu em bị vàng da. Mẹ tôi không cười buồn nữa, tôi thấy đôi mắt mẹ ánh lên niềm vui.

 

3 đã tặng

0

0

0

3

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy