Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
00:36 (GMT +7)

Họ đi theo mệnh lệnh trái tim

VNTN- Gần 2 năm vần xoay với đại dịch COVID-19, những mất mát chẳng dễ gì đo đếm được. Song, cũng chính trong gian khó ấy, biết bao nghĩa cử, sự hy sinh cao đẹp đã lưu dấu lại trong lòng mỗi người dân khắp dải đất mang hình chữ S. Với các y, bác sĩ của tỉnh Thái Nguyên làm nhiệm vụ chi viện cho những vùng tâm dịch, họ làm việc bằng mệnh lệnh từ trái tim của những người mang lời thề Hippocrates.


Tận tình chăm sóc các bệnh nhân tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 Long An

Vũng Tàu những ngày không quên

Ấn tượng đầu tiên của tôi gặp bác sĩ Tô Thị Hường là vóc dáng nhỏ nhắn, khuôn mặt hiền và đặc biệt là ánh mắt trong trẻo. Sinh năm 1996, năm 2020, Hường tốt nghiệp Đại học Y dược Thái Nguyên và công tác tại Bệnh viện A.

Hỏi về lý do xung phong vào phía Nam chống dịch, bác sĩ Hường chân thành chia sẻ: Lúc ấy em không nghĩ nhiều. Em nghe tin dịch bệnh ở phía Nam vô cùng căng thẳng và lời kêu gọi để cứu giúp đồng bào mình trong đó, em nghĩ rằng, bản thân là một bác sĩ, lại còn trẻ, em sẽ có ích cho nơi ấy. Chỉ suy nghĩ đó đã thôi thúc em tình nguyện đăng ký đi.

Ngày 11/8, bác sĩ Hường và Đoàn lên đường vào Bà Rịa - Vũng Tàu. Điểm đến là Bệnh viện dã chiến Ký túc xá Cao đẳng Dầu khí. Đây là đợt dịch đầu xảy ra tại tỉnh nên công tác ứng phó khi ấy còn khá bối rối. Cơ sở Bệnh viện dã chiến khi ấy gần như “không có gì”, thuốc men chưa có, bệnh án bệnh nhân cũng chưa. Trong khi đó, số lượng bệnh nhân thực tế vào Bệnh viện đã hơn 100 người. Nhân lực để chăm sóc số lượng bệnh nhân này khi ấy chỉ có 8 nhân viên y tế của Đoàn Thái Nguyên cùng 2 bác sĩ và một vài điều dưỡng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngoài việc thăm khám, điều trị cho các bệnh nhân, các bác sĩ như Hường còn phải kiêm thêm rất nhiều việc. Đồng thời, lượng bệnh nhân nhập viện không ngừng gia tăng. Cao điểm, bệnh viện phải chăm sóc, điều trị cho hơn 600 bệnh nhân. Nhưng ngay cả khi bệnh nhân đông nhất ấy, Bệnh viện dã chiến này cũng chỉ tăng cường được thêm 2 bác sĩ.

Bác sĩ Tô Thị Hường, Bệnh viện A Thái Nguyên

Hường nhớ lại: Lúc chúng em vào nhận nhiệm vụ, chưa bệnh nhân nào có hồ sơ bệnh án cả. Cùng với việc thăm khám, điều trị và tiên lượng sức khỏe bệnh nhân hàng ngày, chúng em phải dành rất nhiều thời gian để làm bệnh án cho từng bệnh nhân. Cái khó là khi ấy mẫu bệnh án không có, chúng em chỉ có thể nhờ các anh, chị làm nhiệm vụ chống dịch trong Thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn giúp. Mặc dù là Bệnh viện ở tầng 1 (tính theo phân tầng mức độ bệnh nhân nặng hay nhẹ của ngành Y tế) nhưng nhiều bệnh nhân trở nặng diễn biến rất nhanh. Nếu không tiên lượng kịp thời để chuyển bệnh nhân đến tầng cao hơn rất có thể sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng. Trong số hơn 100 bệnh nhân phải chuyển lên điều trị ở cấp cao hơn đa phần đều có diễn biến trở nặng vào ban đêm. Bởi vậy mà thời gian làm việc của cả Đoàn thường xuyên là từ sáng đến tận đêm khuya.

Thời điểm bệnh nhân đông, mỗi bác sĩ như Hường phải phụ trách việc thăm khám, điều trị cho bệnh nhân cả một khu gồm 4 tầng nhà với khoảng từ 70 – 90 bệnh nhân. Chưa kể vì thiếu nhân lực nên bác sĩ còn phải kiêm thêm một số công việc của điều dưỡng từ việc đi phát thuốc, đo nhiệt độ, kẹp SpO2 cho bệnh nhân…

Khối lượng công việc quá lớn, cộng với việc những ngày đầu đồ ăn do các tình nguyện viên nấu gửi vào không hợp khẩu vị với người miền Bắc (vì quá ngọt) nên các thành viên trong Đoàn ai cũng thấm mệt. Thêm vào đó, nhằm hạn chế các nguồn lây, nên các bác sĩ, điều dưỡng đều có số điện thoại của bệnh nhân để gửi các kết quả xét nghiệm qua hệ thống tin nhắn.

Hường kể: Có những bệnh nhân lâu âm tính, khi thấy nhiều bệnh nhân khác được ra viện, họ lo lắng sốt ruột nên gọi, nhắn tin cho bác sĩ bất kể là ban ngày, giữa trưa, nửa đêm hoặc gần sáng. Tâm lý của các bệnh nhân khi ấy thường rất bất ổn nên em cũng như các bác sĩ khác phải trò chuyện trấn an, động viên họ rất nhiều. Đôi khi phải chuyện trò để bệnh nhân tạm thời quên đi bệnh tật. Vì thế mà nhiều khi một vài tiếng đồng hồ lẽ ra được chợp mắt cũng trôi qua luôn. Nhưng cũng nhờ vậy mà bác sĩ và nhiều bệnh nhân trở nên gần gũi. Em về ngoài này rồi vẫn thường xuyên nhận được tin nhắn, điện thoại của cô, bác, anh chị là các bệnh nhân trong đó hỏi thăm. Vui lắm!

Với bác sĩ Hường, 2 tháng làm việc tại Bệnh viện dã chiến Bà Rịa – Vũng Tàu là những trải nghiệm không thể nào quên trong cuộc đời mình.Hơn 1.000 bệnh nhân đã được điều trị khỏi và ra viện trong khoảng thời gian này. Ngày về tới Thái Nguyên Hường bảo: “Về đến nhà mà em ngỡ mình như nằm mơ”. Chỉ thế thôi đã phần nào khiến người ngồi đối diện là tôi cảm nhận được những gian truân mà bác sĩ Hường và các đồng nghiệp trong Đoàn mới trải qua. Nhưng với Hường những gian truân để bảo vệ sức khỏe cho người bệnh ấy thật đáng giá và nếu như phải chọn lại, Hường chắn chắn mình vẫn chọn 2 chữ “xung phong”.

Trở thành F0 khi chi viện Thành phố Hồ Chí Minh

Cùng Đoàn xuất quân đi hỗ trợ đồng bào miền Nam chống dịch, cuối tháng 8, điều dưỡng Phạm Hà Huy (cùng công tác tại Bệnh viện A) đến nhận nhiệm vụ chăm sóc người bệnh tại bệnh viện dã chiến số 2, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh.

Nơi điều dưỡng Huy cùng Đoàn đến làm việc là tòa nhà 12 tầng với 2.300 bệnh nhân. Ngay tầng 1 là phòng hồi sức cấp cứu và khu điều trị hồi sức tích cực. Từ tầng 3 đến tầng 12 bệnh nhân được sắp xếp theo tình trạng nặng dần. Vì địa phương không bố trí được nơi ở riêng cho các cán bộ, nhân viên y tế nên Huy và Đoàn phải ở ngay tầng 2 của tòa nhà, xen giữa các buồng bệnh. Đêm đến cũng chỉ có thể đặt lưng trên chiếc giường gấp, những điều kiện sinh hoạt tối thiểu khác đều phải tự khắc phục.

Tại đây,nhiệm vụ của những điều dưỡng như Huy không còn chỉ là thực hiện y lệnh của bác sĩ mà còn phải nắm chắc diễn biến tâm lý và hoàn cảnh của từng bệnh nhân. Đặc biệt là các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân để phòng trường hợp bệnh nhân chuyển nặng.

Trong công việc chuyên môn, điều dưỡng Phạm Hà Huy luôn làm ấm lòng người bệnh

Nhiều bệnh nhân bị khủng hoảng tâm lý trầm trọng, lúc này cách tốt nhất để giúp đỡ bệnh nhân của những điều dưỡng như Huy là trở thành người thân của họ. Huy còn nhớ in trường hợp của một bệnh nhân nữ. 2 vợ chồng đều là F0, nhưng chồng bệnh nhân nhanh chóng chuyển nặng phải chuyển lên tuyến trên điều trị. Tiếp đó, 2 người con, một bé 4 tuổi, một bé chưa đầy 1 tuổi cũng nhiễm bệnh nhập viện. Bệnh nhân hoảng loạn đến mức gần như lúc nào cũng cần gặp cán bộ y tế. Dường như chỉ khi nhìn thấy bóng bộ quần áo bảo hộ của các y, bác sĩ thì nỗi sợ trong lòng bệnh nhân mới được thuyên giảm.Có nhiều lúc, bệnh nhân cảm thấy như “hóa điên” nếu không trực tiếp được nói chuyện với nhân viên y tế. Mỗi lần như thế Huy đều phải ân cần trò chuyện, động viên và lắng nghe câu chuyện của bệnh nhân để tìm cách trấn an họ. Đồng thời kết nối, tìm hiểu về tình trạng bệnh của chồng và 2 con bệnh nhân để lựa lời nói cho bệnh nhân yên tâm điều trị.

Trường hợp của bệnh nhân kể trên chỉ là một trong số hàng trăm ca bệnh mà điều dưỡng Huy phụ trách cần được trợ giúp về tâm lý.

Nhưng đó vẫn chưa phải là điều ám ảnh nhất với điều dưỡng Phạm Hà Huy, mà điều khiến Huy dù có chứng kiến bao lâu cũng không quen được đó là cảnh sinh ly tử biệt. Huy trải lòng: Từ ngày đầu tiên em đặt chân vào Thành phố Hồ Chí Minh cho đến ngày về, ròng rã trong vòng 2 tháng, ngày nào ở đấy cũng có bệnh nhân không qua khỏi. Tại nơi em làm việc, có một anh bộ đội làm nhiệm vụ, có mẹ cũng điều trị tại đó. Lúc mẹ trở nặng, anh cũng chỉ có thể đứng nhìn mẹ từ xa qua cửa kính. Sau mấy ngày, mẹ anh ấy mất. Người ta đưa thi thể mẹ anh ấy ra, qua chỗ anh ấy đứng làm nhiệm vụ, nhưng anh ấy cũng không được phép đến gần để nhìn mẹ lần cuối. Anh ấy đã khóc đến mức như chết lặng…

Công việc cứ miệt mài như thế đến ngày thứ 40 tính từ khi Huy cùng Đoàn công tác vào đến Thành phố Hồ Chí Minh...

Huy nhớ lại: Hôm đó thấy trong người có dấu hiệu mệt mỏi nên em và mấy anh em ở cùng test cho nhau. Kết quả dương tính, em phải chuyển lên tầng trên cách ly, điều trị cùng các bệnh nhân. Cảm giác lúc đó khá khó diễn tả. Thực ra, khi quyết định tình nguyện vào đây, em cũng xác định trước rất có thể bản thân sẽ nhiễm bệnh nên không quá hoang mang về chuyện đó mà hơi buồn vì đã đến ngày Đoàn chuẩn bị trở về. Ngoài em ra, trong Đoàn còn có 6 người khác cũng nhiễm bệnh (Đoàn công tác của tỉnh Thái Nguyên tại đó gồm 30 người). Ngày 14/10, Đoàn công tác của tỉnh trở về Thái Nguyên, những người nhiễm bệnh như chúng em phải ở lại. Nhưng cũng rất ấm lòng khi có 4 đồng nghiệp trong Đoàn xin ở lại để chăm sóc, giúp đỡ chúng em làm bệnh án, thuốc men và các sinh hoạt khác.

Sau 14 ngày, Hà Huy đã có kết quả âm tính, lại trở về tầng 2 và làm nhiệm vụ chăm sóc người bệnh như trước đó cho đến ngày trở về Thái Nguyên.

“Trận tuyến”Long An

Nhìn hình ảnh các y, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên chụp từ Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 Trung ương tại tỉnh Long An, do Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên phụ trách, bất giác tôi chẳng thể nén lòng, một cảm giác cứ rưng rưng khi nhìn thấy nét bút dạ có phần nghuệch ngoạc bên ngoài bộ quần áo bảo hộ:Tài, Quế, Long, An, Tiệp Công chúa, Hồng xinh gái…

Nếu không phải là người trong cuộc thì chẳng dễ gì có thể hình dung được hết những vất vả, khó khăn của những y, bác sĩ ở tuyến cuối trong việc điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch.

Nhân viên y tế của tỉnh Thái Nguyên tại Long An

Nói về những nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ trong điều trị bệnh nhân COVID-19 ở tuyến cuối cùng tại Trung tâm, Bác sĩ CKII Lê Hùng Vương, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên - người dẫn đầu Đoàn công tác gồm 79 cán bộ, y bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên vào quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh tham gia chống dịch hồi tháng 7 (Một tháng sau đó, anh được điều chuyển về Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 trực thuộc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tại Long An và kiêm nhiệm làm Phó Giám đốc Trung tâm) cho biết: Vì là đơn vị tuyến cuối nên các bệnh nhân vào Trung tâm đều ở tình trạng nặng và nguy kịch. Trong bối cảnh phải chăm sóc bệnh nhân từ đầu đến khi xuất viện, không còn bệnh viện tuyến cao hơn để chuyển đi nên áp lực với cán bộ, y bác sĩ Trung tâm là rất lớn. Bởi vậy, với đội ngũ của mình, Trung tâm đã triển khai tất cả những kỹ thuật cao nhất của chuyên ngành hồi sức cấp cứu để điều trị và cấp cứu bệnh nhân.

Trong số 159 cán bộ, viên chức của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên vào Long An, có nhiều người còn rất trẻ, xung phong vào làm việc tại Trung tâm. Trong đó có thể kể đến 2 vợ chồng điều dưỡng Nguyễn Văn Quế, Điều dưỡng trưởng Khoa Huyết học lâm sàng và là người được phân công phụ trách công tác điều dưỡng của Trung tâm.

Cán bộ, nhân viên y tế của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên chăm sóc người bệnh tại Long An

Điều dưỡng Nguyễn Văn Quế 

Hỏi điều dưỡng Nguyễn Văn Quế về lý do vì sao có quyết định cả 2 vợ chồng cùng vào nơi gian nguy ấy. Anh cho biết: Ngay khi biết thông tin Bệnh viện sẽ xây dựng Trung tâm Hồi sức tích cực trong Long An, về nhà 2 vợ chồng tôi có bàn bạc với nhau và cả 2 đều muốn xung phong đi. Cùng với đó, mặc dù gia đình 2 bên rất lo lắng, nhưng mọi người đều ủng hộ quyết định của chúng tôi nên chúng tôi càng vững tâm hơn. Chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng, những lúc khó khăn, biết bao người đã sẵn sàng vào tâm dịch, chúng tôi còn trẻ, không có lý do gì không san sẻ một phần trách nhiệm ấy.

Dù đã xác định tinh thần trước khi đi là sẽ khó khăn, vất vả, nhưng những khó khăn trong thực tế chăm sóc bệnh nhân còn lớn hơn gấp bội phần. Vì Trung tâm hầu hết là các bệnh nhân nặng, không thể tự chăm sóc được, những điều dưỡng như vợ chồng anh Quế phải làm tất cả các việc từ vệ sinh, tắm rửa, lau chùi, gội đầu đến thay quần áo cho các bệnh nhân... Nhiều bệnh nhân nặng phải thở máy, điều dưỡng phải bón, có khi phải bơm thức ăn cho người bệnh. Thường bữa ăn của những bệnh nhân như thế được chia làm nhiều bữa trong ngày nên các điều dưỡng càng vất vả hơn. Bên cạnh đó, những bệnh nhân nặng sau khi được điều trị tích cực và dần hồi phục, hầu hết đều có tâm lý lo lắng và hoảng sợ. Lúc này, các điều dưỡng phải dành thời gian ổn định tâm lý cho người bệnh.

Sau gần 3 tháng đối mặt với mọi khó khăn vất vả mà có lẽ chưa bao giờ bản thân phải trải qua, nhưng theo điều dưỡng Nguyễn Văn Quế, việc xung phong đi Long An làm nhiệm vụ là một quyết định vô cùng đúng đắn của vợ chồng anh. Chừng ấy ngày cùng các bác sĩ “chạy đua cùng thần chết” để giữ lại sự sống cho người bệnh giúp anh học được nhiều điều. Và, cao hơn hết, anh biết rằng đó là trách nhiệm cần phải làm không chỉ của riêng anh mà của bất kỳ ai đã khoác lên người chiếc áo blu trắng.

Trong Đoàn cán bộ, y, bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên vào Long An còn có cặp đôi bác sĩ Lâm Văn Tài và người vợ tương lai Đào Quỳnh. Gác lại hạnh phúc riêng dù đã định ngày rước dâu, cả 2 xung phong lên đường vào tâm dịch Long An, sát cánh cùng đồng đội. Hoàn thành nhiệm vụ sau gần 80 ngày đằng đẵng, với bác sĩ trẻ Lâm Văn Tài, Long Anlà nơi để nhớ về.

Long An thực sự là một “trận chiến” nhưng không thể nào quên. Nơi mà người chiến sĩ khoác áo blu thay cho áo giáp, tiếng của những chiếc máy thở ám ảnh chẳng khác nào tiếng đạn bom.Nhưng ở đó có cảm giác vỡ òa sung sướng khi giành lại được sự sống cho người bệnh. Là những đêm đau thắt ruột gan khi những bệnh nhân mới lúc sớm thôi còn tỉnh táo mà chẳng bao lâu đã “thập tử nhất sinh”…

Với bác sĩ Lâm Văn Tài, nỗi đau của nhiều gia đình ở Long An khi mất đi người thân vì dịch bệnh sẽ mãi là nỗi nhớ khôn nguôi để anh dốc cạn trí,lực cho nghề mình đã chọn.

Có một câu mà tất cả y, bác sĩ chúng tôi gặp đều nói giống nhau: Ai cũng mong dịch bệnh không còn diễn biến đáng sợ như thời gian vừa qua. Nhưng nếu chẳng may điều đó lặp lại thì chúng tôi vẫn sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ bất cứ khi nào.

Cảm ơn các “chiến binh” áo trắng! Những người đã làm rạng danh thêm hai tiếng “Thái Nguyên”.

Kim Ngân

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 1 ngày trước