Hành trình cùng Heritage (3)
Bài 3: Đại Từ - “viên ngọc xanh” giữa lòng Thái Nguyên
Điểm đến trong ngày thứ ba trong chuyến hành trình của chúng tôi là huyện Đại Từ. Tang tảng sáng, mưa vẫn lất phất nhưng sắc trời có tín hiệu khả quan hơn.
Xe vừa khởi hành, chị Lương Thị Duyên, Phó Trưởng phòng Quản lý du lịch; anh Nguyễn Ngọc Linh, Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh (Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch) thông tin tới các thành viên trong đoàn về điểm dừng chân sắp tới. Đó là đồi chè thuộc xóm Cầu Đá, xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ.
Với tổng diện tích 90 ha, trong đó có 50 ha chè được sản xuất theo hướng VietGap, đồi chè Cầu Đá được đánh giá là đồi chè có cảnh quan đẹp nhất tỉnh tính đến thời điểm hiện tại. Từ vị trí trung tâm của đồi chè Cầu Đá, du khách có thể phóng tầm mắt quan sát cả một vùng chè rộng lớn tiếp giáp xã La Bằng và Bản Ngoại của huyện Đại Từ. Đến đây, du khách sẽ thoả sức check in với những góc chụp đẹp ngỡ ngàng như: sóng chè, thưởng trà, đạp xe trên đồi chè…
Xe dừng, ập vào mắt chúng tôi mà một màu xanh mướt trải rộng trên những quả đồi hình báp úp và trượt dần theo những sườn đồi thoai thoải. Khứu giác và thị giác của các nhiếp ảnh gia được đánh thức hoàn toàn. Người điều khiển flycam, người len vào những luống chè, người thoăn thoắt trèo lên cây cao để có được góc ảnh ưng ý nhất
Các nghệ sĩ nhiếp ảnh của Thái Nguyên nhiệt tình chỉ dẫn những người bạn mới các vị trí đẹp trên đồi chè mà các anh đã khám phá ra trong nhiều lần tác nghiệp trước đó. Không còn khoảng cách, họ vui vẻ trao đổi thông tin, chia sẻ với nhau những “ngón nghề” để có được những bức hình đẹp nhất.
Sau khi thưởng thức chén trà ngay trên đồi chè Cầu Đá, chị Nguyễn Quỳnh Trang, biên tập viên tạp chí Heritage chia sẻ, chị thích nơi đây vì đồi chè Cầu Đá mang một vẻ đẹp rất riêng. Sự thân thiện, mộc mạc của người dân cũng là điều khiến chị và du khách chắc chắn nhớ về nơi này.
Còn với chị Nguyễn Khai Minh, không giấu được sự thích thú, hào hứng khi đến đây. Chị Khai Minh tâm sự rằng, bản thân vừa đưa ra một quyết định đó là sẽ đi khám phá khắp Việt Nam bởi chuyến đi Thái Nguyên lần này khiến chị nhận ra rằng, quê hương mình quá đẹp. Chị Khai Minh mới trở về nước và công tác tại tạp chí Heritage sau 7 năm sinh sống và học tập tạp Vương quốc Anh.
Mọi người đang tác nghiệp trời lại đổ mưa bất chợt. Bà con nhà gần thì mời chúng tôi vào nhà trú mưa, người có ô vội vã chạy lại che cho các nghệ sĩ nhiếp ảnh khi các anh chưa kịp thu cất máy móc.
Cơn mưa nặng hạt kéo dài chừng 30 phút rồi tạnh hẳn. Lá chè đã ướt, bà con dừng việc thu hái, nhưng có lẽ đã bị vẻ đẹp của những nương chè “mê hoặc”, các thành viên trong đoàn vẫn tiếp tục say sưa tác nghiệp cho đến khi có hiệu lệnh di chuyển của trưởng đoàn.
Lưu luyến tạm biệt người dân hồn hậu ở xóm Cầu Đá, đoàn chúng tôi di chuyển tới hợp tác xã du lịch sinh thái Cửa Tử ở xóm Đồng Khuân cùng xã Hoàng Nông để khám phá suối thác trong rừng nguyên sinh nơi sườn đông Tam Đảo.
Người dẫn đường cho chúng tôi là anh Bàn văn Linh, Giám đốc hợp tác xã Du lịch sinh thái Cửa Tử. Thiên nhiên đã ban tặng cho điểm du lịch sinh thái Đồng Khuân một khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, rừng nguyên sinh, thảm thực vật đa dạng. Đặc biệt là hệ thống suối thác hùng vĩ, bao gồm 7 cửa suối và hơn 10 thác nước lớn nhỏ.
Không cưỡng lại được vẻ đẹp của thác suối, nhiều nhiếp ảnh gia đã trở thành mẫu ảnh, hoà mình vào làn nước mát trong. Nhiều người khác thích thú săn những bức ảnh đẹp với bộ môn chèo Sup hoặc dựng lều, thưởng trà bên suối.
Chứng kiến sự hăng say tác nghiệp của các nhiếp ảnh gia, sự thích thú, ngạc nhiên, thán phục của nhiều thành viên trong đoàn và những lời hẹn nhất định quay trở lại của mọi người, dù không bật lên thành tiếng nhưng trong tôi ăm ắp tự hào “Vâng, Thái Nguyên quê hương tôi đó!”.
Trở về TP. Thái Nguyên, trong buổi làm giữa đoàn khảo sát với lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, bà Lý Thị Thanh Hương, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Heritage chia sẻ: Chúng tôi lên đường tới Thái Nguyên với tâm thế không biết có gì hay để quảng bá không. Liệu chỉ có chè như nhiều người trong đó có chúng tôi vẫn nghĩ không. Nhưng kết quả là cả đoàn phải nói lời “xin lỗi Thái Nguyên” vì Thái Nguyên có quá nhiều thứ hấp dẫn mà chưa được khai phá. Thái Nguyên giống như cô gái đẹp trót uống thuốc ngủ liều cao, ngủ lâu quá chưa dậy…
Cùng mạch cảm xúc này, nhiếp ảnh gia Nguyễn Thanh Hải bộc bạch thêm: Tôi biết đến Thái Nguyên với nhà máy Gang thép rồi Hồ Núi Cốc qua sách vở. Dù rất nhiều lần đi qua Thái Nguyên nhưng vì những điều vẫn tưởng nên tôi chưa một lần dừng lại. Nhưng sau khi tham gia chuyến đi khám phá Thái Nguyên cùng tạp chí Heritage - Inflight Magazine of Vietnam Airlines tôi đã phải nghĩ lại. Giống như chị Hương, trên đường lên đây, tôi cũng đã nghĩ Thái Nguyên rồi cũng nhàng nhàng như một số địa phương có nền du lịch chưa mạnh mà thôi. Nhưng được trải nghiệm, khám phá trong 3 ngày vừa qua thì đúng là tôi đã phải hát bài “Xin lỗi em, ngàn lần xin lỗi em...”. Thái Nguyên có quá nhiều thứ hay và chắc chắn còn nhiều thứ hay khác mà tôi chưa biết. Tóm lại, Thái Nguyên mang lại cho tôi những cảm giác thú vị mà tôi chưa bao giờ tôi nghĩ đến...
Còn nhà văn Nguyễn Trương Quý thì chắc chắn: Sau chuyến đi này, tôi nghĩ tôi không còn phải nghĩ ngợi, tìm kiếm điểm đến khi muốn chọn một địa điểm du lịch, nghỉ dưỡng gần Hà Nội. Vì chắc chắn, tôi sẽ chọn Thái Nguyên.
Đáp lại tình cảm yêu mến của các thành viên trong đoàn công tác từ tạp chí Heritage, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, thể thao và Du lịch Lê Ngọc Linh giới thiệu thêm về tiềm năng du lịch tỉnh nhà:
Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có trên 1.000 di tích đã được kiểm kê, trong đó có 1 cụm di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt, 57 Di tích Quốc gia, 237 Di tích cấp tỉnh. Thái Nguyên tự hào là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, nơi sinh sống đan xen của 51/54 dân tộc anh em, trong đó đông nhất là 8 dân tộc: Kinh, Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chay, Dao, Mông, Hoa.
Đến nay, Thái Nguyên có tổng số 23 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, tiêu biểu như: Tri thức trồng và chế biến chè Tân Cương; múa Tắc xình, Lễ hội Cầu mùa của dân tộc Sán Chay; Nghệ thuật Khèn của người Mông; Nghi lễ cấp Sắc của người Dao; Rối Tày Thẩm Rộc của người Tày… Đặc biệt, Di sản thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, trong đó có Thái Nguyên chính thức được UNESCO ghi danh tại danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Thái Nguyên còn là cái nôi cách mạng với những “địa chỉ đỏ” luôn thu hút du khách về nguồn tìm hiểu các di tích lịch sử văn hóa, di chỉ khảo cổ,. Ngoài ra, Thái Nguyên cũng là điểm đến hấp dẫn về du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng với non xanh nước biếc, khí hậu mát mẻ, nhiều dòng suối, thác nước, bãi đá đẹp hoang sơ bên sườn đông Tam Đảo, những đồi chè xanh ngát thơ mộng.
Tỉnh Thái Nguyên đã và đang tập trung xây dựng 4 dòng sản phẩm du lịch đặc trưng, có thế mạnh gồm: Du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn; Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; Du lịch cộng đồng, nông thôn; Du lịch Mice, thể thao, khám phá hang động mạo hiểm...
Thái Nguyên rất mong muốn được đón các nhiếp ảnh gia nói chung, các nhiếp ảnh gia của tạp chí Heritage nói riêng đến Thái Nguyên, quay trở lại Thái Nguyên nhiều lần thêm nữa để ghi lại và lan toả hình ảnh đất và người Thái Nguyên đến bạn bè trong nước và quốc tế.
Theo thoả thuận giữa tỉnh Thái Nguyên và Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) về Chương trình hợp tác toàn diện giai đoạn 2023 – 2027, thông tin và hình ảnh về chuyến công tác của đoàn sẽ được đăng tải để quảng bá trên các ấn phẩm và kênh trực tuyến của tạp chí Heritage.
Kim Ngân
1 đã tặng
1
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...