Chủ nhật, ngày 08 tháng 09 năm 2024
08:53 (GMT +7)

Hành trình cùng Heritage (1)

Trở về từ chuyến công tác kéo dài 3 ngày cùng các nhiếp ảnh gia, nhà văn, nhà báo thuộc Đoàn khảo sát các điểm đến du lịch của tỉnh Thái Nguyên của tạp chí Heritage - Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Chương trình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên tổ chức). Nếu ai đó hỏi tôi điều gì đọng lại nhiều nhất từ chuyến đi ấy, tôi có thể trả lời ngay: Tôi thán phục tinh thần lao động, ngưỡng mộ tài năng của các anh, chị trong đoàn và càng thêm tự hào về mỗi vùng đất và con người quê hương Thái Nguyên tôi.

Hành trình cùng Heritage
Trong gian bếp của một gia đình ở bản làng Thái Hải nơi đoàn đến khảo sát và tìm hiểu

Tại sao ư? Bởi mỗi địa điểm chúng tôi đến, mỗi con người chúng tôi gặp không chỉ mang lại vẻ đẹp được nhận diện bằng thị giác đơn thuần mà còn khiến cho các vị khách phương xa, những người yêu và luôn kiếm tìm cái đẹp đi từ sự bất ngờ này đến bất ngờ khác. Sự bất ngờ dành cho những người “sành” về cái đẹp không chỉ dừng ở cảnh sắc thiên nhiên mà còn là những nét văn hoá đặc trưng, những dấu ấn được tổng hoà từ “thiên thời, địa lợi” riêng có của Thái Nguyên.

Chuyến công tác lần này, ở góc độ “chủ nhà”, ngoài tôi là phóng viên của Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên ra, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh còn cử 4 nghệ sĩ Nhiếp ảnh tham gia đoàn để sáng tác, phối hợp và sẵn sàng hỗ trợ các nhiếp ảnh gia của tạp chí Heritage.

Bài 1: “Chạm” vào Thái Nguyên

Theo lịch trình, địa điểm đầu tiên mà đoàn ghé thăm là Bản làng Thái Hải, hay còn gọi là “Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải”, ở xóm Mỹ Hào, xã Thịnh Đức (TP. Thái Nguyên).

Hành trình cùng Heritage
Tại  Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải

Trong ngày đầu tiên của chuyến công tác, thời tiết không mấy ủng hộ khi mưa dày hạt liên tục kéo dài. Trên bầu trời rặt một màu xám xịt. Đoàn đi với mục đích chính là khảo sát, chụp ảnh các điểm đến du lịch của tỉnh Thái Nguyên để quảng bá trên tạp chí Heritage - Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines). Thế nên, kiểu thời tiết mưa dầm dề thế này đúng là “kẻ thù không đội trời chung” với mục đích của chuyến đi. Dọc đường đi, trên gương mặt của nhiều nghệ sĩ thoáng nét âu lo, pha chút e ngại.

Chúng tôi xuống xe, những chiếc máy ảnh hiện đại với những chiếc ống kính đủ kích cỡ, được các thành viên trong đoàn công tác che chắn cẩn thận. Ngó qua thôi, tôi thầm xuýt xoa bởi nhiều chiếc máy kèm ống kính có giá trị có khi bằng cả gia tài mà tôi đang có!

Đoàn đi theo sự chỉ dẫn của hướng dẫn viên. Thông tin, Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải lọt tốp “Làng du lịch tốt nhất thế giới” có vẻ không lấy gì làm lạ với những người ưa khám phá các điểm đến khắp trong và ngoài nước như nhiều thành viên trong đoàn. Nhưng dường như ngay tức khắc, tất cả đều hướng sự chú ý của mình về phía hướng dẫn viên khi chị giới thiệu làng hiện có 30 ngôi nhà sàn truyền thống, cư dân của làng khoảng 200 người. Nhiều gia đình có đến 4 thế hệ cùng chung sống. Tất cả đều ăn chung một nồi cơm, tiêu chung một túi tiền. Gia đình nào có người ốm đau hay có công to việc lớn đều được làng lo.

Có thành viên trong đoàn ngỡ mình nghe nhầm hỏi lại: Hàng ngày bà con cùng ăn cơm với nhau thật sao? Tiền bà con cũng tiêu chung sao?.

Hướng dẫn viên nở nụ cười tươi: Vâng, mỗi ngày bản làng em có tới 70 mâm cơm đó ạ. Chúng em cùng sống, cùng ăn, cùng làm và cùng nhau giữ gìn văn hoá.

Một người khác thốt lên: Quá độc đáo! Tôi chưa từng thấy mô hình nào như vậy. Tiếng của hướng dẫn viên tiếp tục vang lên: Trước khi vào làng, em mời các anh, chị, em mình qua giếng làng để em múc nước cho đoàn mình rửa tay. Nghi thức này thay cho lời chào mừng và lời chúc bình an của cư dân làng chúng em gửi tới du khách khi đến thăm bản làng.

Hành trình cùng Heritage
Các Nhiếp ảnh gia say sưa tác nghiệp tại giếng làng

Đón nhận từng gáo nước mát lành được múc lên từ giếng làng, dường như mọi e ngại về thời tiết đã được gạt bỏ hết. Câu chuyện xoay quanh giếng làng như: Quan niệm vạn vật đều có linh hồn, nên cạnh giếng là một cái miếu nhỏ thờ Thần Giếng. Hay, vào 5 giờ sáng hàng ngày, người phụ nữ trong mỗi gia đình của làng sẽ ra giếng múc nước đổ vào ống bương, gánh về cho ông bà, bố mẹ, chồng con rửa mặt. Một ngày mới sẽ bắt đầu từ chiếc giếng làng…

Hành trình cùng Heritage
Những người phụ nữ trong bản mỗi sáng sớm đều gánh nước về từ giếng làng để chuẩn bị cho một ngày mới của gia đình

Chẳng còn che chắn, những chiếc ống kính đủ tiêu cự dài có, ngắn có được giơ lên. Không khí lao động của các nghệ sĩ như xua tan cả bầu trời mây u ám. Chẳng nề hà chỗ đứng là bụi cỏ ướt hay vướng cành tre gai, ai cũng cố chọn cho mình một góc máy ưng ý nhất. Tôi thán phục các anh, không chỉ ở chỗ sẵn sàng lăn xả, không ngại lấm giày, không sợ gai tre móc vào quần áo mà còn ở cái cách họ tìm tòi câu chuyện cho mỗi bức ảnh của chính mình.

Tôi nhớ, lúc ấy có một nghệ sĩ đã nói rằng, giếng của bản làng có linh hồn, vậy nên chúng tôi cũng sẽ cố gắng để mang cho bằng được linh hồn của giếng vào trong từng “sót” (shot - cú bấm) hình của mình.

Hành trình cùng Heritage
Những bức ảnh của nhiếp ảnh gia Lê Cao Hải chụp tại làng nhà sàn Thái Hải ngay khi vừa đăng tải  trên mạnh xã hội đã nhận được hàng trăm lượt yêu thích và chia sẻ 

Quả đúng là như vậy! Khi nhìn vào những bức ảnh của các nhiếp ảnh gia như: Lê Cao Hải với nick name Hải Lê Cao (anh là KOL của Tạp chí Heritage), Nguyễn Thanh Hải, Lê Ngọc Bích, Nguyễn Bá Ngọc… của Tạp chí Heritage hay ảnh của các nghệ sĩ nhiếp ảnh Thái Nguyên tham gia đoàn như: Vũ Kim Khoa, Ngọc Như Hải, Đỗ Anh Tuấn, Đỗ Khánh Vân đều khiến người xem có một cảm nhận như những bức ảnh đang tự kể về câu chuyện của chính mình.

Hành trình cùng Heritage
Các thành viên trong đoàn luôn sẵn sàng tác nghiệp ở mọi địa hình

Mỗi bước chân của các thành viên đoàn đã thực sự bị vẻ mộc mạc, đậm chất văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Tày ở bản làng Thái Hải thu hút. Ai cũng lắng nghe và say sưa chụp từ những nếp nhà sàn, những món ăn của đồng bào đến trang phục truyền thống được bà con mặc hàng ngày. Rồi cùng tìm hiểu về các bài thuốc nam chữa bệnh của bà con, bồi bổ sức khỏe và trải nghiệm quá trình làm bánh chưng, bánh gai, chè lam, thịt treo gác bếp, rượu men lá chưng cất theo phương pháp truyền thống...

Những giá trị văn hóa phi vật thể được bản làng vô cùng coi trọng. Đặc biệt là ngôn ngữ. Mọi công dân của bản làng nói chuyện, giao tiếp với nhau bằng tiếng dân tộc; hằng ngày cùng tập luyện, trao truyền hát then, đàn tính...

Hành trình cùng Heritage
Hăng say tác nghiệp
Hành trình cùng Heritage
"Pháo hoa" của người Tày được tạo ra từng những hạt thóc nếp phơi khô, thơm phức do người dân của bản làng tự trồng cấy

Chị Ngô Thị Chuyên, Biên tập viên của Tạp chí Heritage thốt lên: Bà con ở đây làm du lịch thật chất quá. Giờ thì mình hoàn toàn tin vào sứ mệnh gìn giữ văn hoá truyền thống người Tày của bản làng rồi.

Chị Chuyên đưa ra nhận xét đó sau khi cùng đoàn bước lên ngôi nhà thuốc nam của bản. Một bé gái xinh xắn chừng 5 tuổi trong trang phục truyền thống của người Tày đang ngồi chơi trong nhà sàn. Vì trời mưa nên ánh sáng tự nhiên khá yếu, muốn tận dụng được chút ánh sáng hắt vào từ ô cửa sổ, một nhiếp ảnh gia đã nhờ em bé ngồi xoay lưng lại hướng em đang ngồi để mong lưu lại hình ảnh quá đỗi dễ thương của em một cách đẹp nhất. Cô bé hồn nhiên đáp: Cháu không được phép ngồi quay lưng vào bàn thờ ạ.

Người lớn trong nhà vội đỡ lời: Đó là quy định để lại từ thời ông cha và các cháu được dạy những điều đó từ khi còn nhỏ. Nhà của bà con trong bản không những được dựng theo kiến trúc tứ trụ, kín đáo, thoáng mát mà còn gói ghém ở đó là triết lý âm dương ngũ hành. Trong ngôi nhà hoặc bếp sẽ có những quy định về vị trí ngồi của các thành viên trong nhà. Đó không phải phân biệt về giới tính mà người Tày chúng tôi coi trọng về sự hài hoà âm – dương trong mỗi gia đình.

Hành trình cùng Heritage
Các  nhiếp ảnh gia lưu giữ những khoảng khắc đẹp khi người dân của bản làng thực hành biểu diễn một trích đoạn then cổ

Một em bé cũng có thể biết, hiểu và thực hành các lễ nghĩa truyền thống, bất kể người dân nào cũng đều có thể làm hướng dẫn viên du lịch. Điều đó dường như đã chinh phục hoàn toàn và chạm tới cảm xúc của tất cả các vị khách của bản là những thành viên đoàn chúng tôi.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Thanh Hải, Hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đồng thời là Hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Quốc tế FIAP, người được trao tước hiệu A – FIAP bày tỏ: “Tuy thời tiết cả miền Bắc đang bị ảnh hưởng đợt mưa bão, nhưng không vì thế mà vẻ đẹp của Thái Nguyên và cụ thể một ngôi làng nguyên sơ của người Tày lại bớt đi vẻ đẹp vốn có của nó! Lần đầu đặt chân đến đây mình bị ấn tượng cái nét mộc mạc rất xưa cũ gợi nhiều ký ức hoài niệm về nếp sống văn hoá từ nhiều đời của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nếu bạn để ý kĩ trong từng ảnh bạn sẽ thấy nét mặt của mọi người ở đây cực hạnh phúc và hiền hậu. Có lẽ mình xin phép được đặt tên ngôi làng này là "Ngôi Làng Hạnh Phúc"”.

Một ngày tìm hiểu và sáng tác ở bản làng Thái Hải dường như vẫn là chưa đủ, dù ai cũng đã kịp lưu cho mình vài trăm bức ảnh. Chúng tôi hẹn nhau, nhất định đợi để đón các anh, chị trong đoàn công tác hôm nay sẽ cùng bạn bè, người thân trở lại đây khám phá vẻ đẹp của cảnh sắc và tâm hồn con người ở bản thêm nhiều lần nữa.

Ngày làm việc đầu tiên của chúng tôi kết thúc khá muộn bởi như các nghệ sĩ nói “ở làng nhà sàn này nhìn đâu cũng thấy đẹp”. Dù còn nhiều lưu luyến nhưng trời đã sắp sang khuya. Mọi người buộc phải nghỉ ngơi, chuẩn bị thiết bị sẵn sàng để chuẩn bị cho hành trình tiếp theo với những điều thú vị khó mà đoán trước…

(Còn nữa)

Bài 2

Kim Ngân

1 đã tặng

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy