Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
15:47 (GMT +7)

Hành trình cùng Heritage (2)

Bài 2: Từ câu chuyện tình yêu đến vị trà “Đệ nhất”

Chia tay bản làng Thái Hải, chúng tôi tiếp tục chuyến hành trình của mình. Điểm đến của đoàn trong ngày thứ 2 của chuyến công tác sẽ là Khu du lịch Hồ Núi Cốc và vùng chè Tân Cương.   

Hành trình cùng Heritage
Bình yên trên Hồ Núi Cốc

Buổi sáng trên hồ

Chúng tôi xuất phát lúc 4 giờ 10 phút sáng. Chiếc xe thận trọng lăn bánh trong không gian chỉ một màu đen kít. Hai chiếc đèn pha rọi thẳng vào màn đêm tĩnh mịch. Trời vẫn lất phất mưa. Chúng tôi bảo nhau tiếp tục hô thần chú “nắng lên, nắng lên, nắng lên”…

Gần 5 giờ sáng, nắng thì tất nhiên không thể có nhưng mà trời tạnh thật! Mưa ngừng rơi. Những nếp nhăn trên trán của nhiều người khi nãy đã được giãn ra hết.

Chúng tôi lên thuyền, bắt đầu công cuộc “săn” ảnh trên hồ. Các nghệ sĩ Nhiếp ảnh Thái Nguyên gồm: Vũ Kim Khoa, Ngọc Như Hải, Đỗ Anh Tuấn, Đỗ Khánh Vân cùng các anh chị thuộc phòng Quản lý du lịch và Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh (Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên) nhiệt tình giới thiệu các vị trí có “viu” đẹp trên Hồ đã được phát hiện ra trước đó cho các thành viên trong đoàn tham khảo.

Hành trình cùng Heritage
Dù không có ánh bình minh, cảnh vật trên hồ vào buổi sớm vẫn đẹp đến mê hoặc

Thuyền nhằm hướng Đảo Cò, bãi đá nổi,… Màn đêm dần lui về phía sau nhường chỗ cho ánh sáng, tuy không rực rỡ.  Ngồi phía sau tôi, ai đó đang khe khẽ ngân nga câu hát trong nhạc phẩm “Huyền thoại Hồ Núi Cốc” của nhạc sĩ Phó Đức Phương: “…Nắng lên xanh màu xanh huyền thoại/ Nghe câu chuyện xưa của đôi trai gái/ Tha thiết yêu nhau vẫn không thành đôi/ Ngày tháng dài nhớ mong khôn cùng/ Một người đau nước mắt thành sông/ Một người chờ, chờ hoá núi...”.

Một giọng nói khác cảm thán: Hồ Núi Cốc không cần mệnh danh “Vịnh Hạ Long trên đất liền”, đẹp thế này Núi Cốc chỉ cần là Núi Cốc thôi!

Tôi thầm nghĩ, thật là một ý kiến “chuẩn không cần chỉnh”. Với diện tích mặt hồ chừng 25km2 trong đó có 89 hòn đảo lớn, nhỏ và các vùng đất, đồi núi nơi sườn Đông Tam Đảo, Núi Cốc là một vùng thắng cảnh tuyệt đẹp thấm đẫm chất huyền thoại về câu chuyện tình thuỷ chung giữa nàng Công, chàng Cốc.

Lênh đênh trên hồ ngắm mây bảng lảng ấp ôm nơi sườn núi. Không khí mát lành dội vào trong thuyền. Tôi khẽ so vai, cảm giác thật thư thái. Xa xa, thi thoảng có con thuyền nhỏ của người dân đang kéo lưới với ánh đèn pin loang loáng soi xuống mặt nước mà theo truyền thuyết, đó là nước mắt của nàng Công.

Truyền thuyết kể lại rằng, xưa kia có một chàng trai nghèo sống bằng nghề đốn củi, chàng có tên là Cốc. Bởi vì quá nghèo nên chàng Cốc không thể lấy được vợ. Mỗi lúc buồn, chàng chỉ còn biết gửi nỗi lòng vào tiếng sáo.

Một năm mất mùa, chàng Cốc đến nhà quan lang ở vùng gần sông Công, sông Gâm làm thuê. Quan lang có một cô con gái xinh đẹp và hát hay, múa giỏi nức tiếng khắp vùng, đó là nàng Công. Nhiều người đến ướm hỏi nhưng nàng Công không ưng một ai. Duyên trời định đoạt, tiếng sáo chàng Cốc đã khiến trái tim người con gái rung động. Biết chuyện, quan lang vô cùng tức giận. Ông bắt chàng Cốc làm những việc khó khăn, nguy hiểm nhưng với sự giúp đỡ của tiên ông và các loại thú rừng, chàng Cốc đã hoàn thành tất cả yêu cầu.

Song điều đó không làm quan lang hài lòng, ông bắt nhốt nàng Công trong nhà và cho quân truy đuổi chàng Cốc. Chàng bèn về quê chờ ngày gặp lại người yêu. Chàng chờ mãi, chờ đến khi cả tấm thân hóa thành quả núi mà nàng Công vẫn chưa đến, còn nàng Công thương nhớ chàng Cốc, khóc ròng rã đến khi nước mắt chảy dài thành sông…

Hành trình cùng Heritage
Hào hứng tác nghiệp bên hồ

Đang miên man nghĩ về chuyện tình éo le của những người yêu nhau không đến dược với nhau, tiếng xuồng máy kéo mọi người về thực tại. Chiếc xuồng chạy quanh đảo Cò, rẽ nước tạp ra những vệt màu trắng đẹp đến mê hoặc. Những chiếc máy ảnh, flycam cũng nhờ đó mà làm việc hết công suất. Nhiều người không kìm được mà cười giòn tan, sảng khoái khi ống kính của mình tìm thấy góc ảnh như ý.

Trời sáng hẳn, cảnh vật hiện lên rõ nét. Xung quanh hồ là những dãy núi trùng điệp, rừng cây bao phủ và đồi chè xanh mướt nhấp nhô tạo nên một bức tranh thiên nhiên đầy mê hoặc.

Lại mưa! Thuyền chúng tôi cập bến. Điểm đến tiếp theo của đoàn là HTX du lịch cộng đồng Tân Cương.

Vương vấn vị trà

Nằm cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 13km về phía Tây, Tân Cương là vùng đất bán sơn địa, cảnh quan thiên nhiên đẹp mắt với những dãy đồi thoai thoải, nhân dân địa phương gọi đó là núi Thằn Lằn. Vùng chè ở đây được tưới mát nhờ những con suối chảy men theo chân đồi.

Hành trình cùng Heritage
Giới thiệu phương pháp sao chè thủ công tại vùng chè đặc sản Tân Cương

Trời mưa càng lúc càng lớn. Cả không gian bị bao phủ một màu bàng bạc. Xe chúng tôi dừng tại khu vực chế biến, trưng bày và giới thiệu sản phẩm của Hợp tác xã chè Hảo Đạt (Xóm Nam Tân, xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên). Đây không chỉ là một trong những đơn vị chế biến chè chất lượng hàng đầu Thái Nguyên (đơn vị sản xuất chè duy nhất của tỉnh Thái Nguyên có sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia về trà) mà còn là một điểm đến hấp dẫn về du lịch cộng đồng. Hương thơm tự nhiên phả ra từ những mẻ chè đang được sao khô, lấy hương trước khi đóng gói khiến cảm giác thất vọng vì trời bỗng đổ mưa như được bù đắp phần nào.

Bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc hợp tác xã chè Hảo Đạt hiếu khách mời các thành viên trong đoàn thưởng thức những ấm trà thơm hương, đượm vị. Bà kể chuyện lịch sử vùng trà, những nỗ lực của người dân Tân Cương trong việc trồng, chăm sóc cây chè để chè Tân Cương luôn xứng danh “Đệ Nhất” với những vị khách đáng mến.

Hành trình cùng Heritage
Không gian trưng bày sản phẩm của hợp tác xã chè Hảo Đạt

Nghề trồng và chế biến chè Tân Cương bắt đầu từ đầu những năm 20 của thế kỷ 20, được đánh giá là vùng đất “Đệ nhất danh trà” của tỉnh Thái Nguyên với 8 “Làng nghề chè truyền thống cấp tỉnh”. Thời điểm hiện tại, vùng chè đặc sản Tân Cương đã có 17 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao đến 5 sao. Sản phẩm chè Tân Cương được Hội kỷ lục gia Việt Nam công nhận lọt vào TOP 100 đặc sản quà tặng Việt Nam (2020 - 2021).

Năm 2023, xã Tân Cương, xã Phúc Xuân, xã Phúc Trìu đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Văn hóa phi vật thể Quốc gia đối với “Tri thức trồng và chế biến chè Tân Cương”. Không chỉ có trà ngon nổi tiếng, hàng năm vùng chè Tân Cương còn thu hút hàng vạn du khách đến thăm quan, trải nghiệm. Cũng trong năm 2023, xã Tân Cương được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch cộng đồng vùng chè.

Hành trình cùng Heritage
Chế biến món ăn với búp chè

Câu chuyện của nữ Giám đốc Hợp tác xã chè Hảo Đạt cùng những chén trà vấn vương nơi đầu lưỡi, cuống họng khiến chúng tôi tạm quên đi cái mưa gió bên ngoài. Đến trải nghiệm tại Điểm du lịch cộng đồng xã Tân Cương, du khách có thể diện những bộ trang phục dân tộc và trải nghiệm các hoạt động cùng bà con như: Hái chè, sao chè thủ công, đóng gói sản phẩm và thưởng trà trong một không gian vô cùng độc đáo. Tiếp đó, du khách có thể thoả sức lựa chọn các sản phẩm chè Tân Cương mang về làm quà cho người thân, bạn bè.

Vì trời mưa lớn, không được trải nghiệm hái chè, không chụp được những bức ảnh bà con trên nương chè là nỗi tiếc nuối với các thành viên đoàn, nhưng đổi lại chúng tôi lại được mặc sức sáng tạo với những món ăn gắn với chè.

Hành trình cùng Heritage

 

Hành trình cùng Heritage
Chế biến các món ăn có thành phần là lá chè xanh

Từ những búp chè thân thuộc quanh năm suốt tháng được thu hái từ nương bãi lại có thể tạo ra những món ăn không chỉ đẹp mắt mà còn là “cực phẩm” về hương và vị như: Trà xanh Hoàng Bào, Ngọc ẩn trong mây, Cá kho búp chè… Qua đó cũng phần nào cho thấy sự sáng tạo đáng nể của những đầu bếp đang làm du lịch cộng đồng ở Tân Cương.

Hành trình cùng Heritage
Du khách có nhu cầu sẽ được thưởng thức mâm cơm với nhiều món ăn có thành phần là trà Tân Cương

Chúng tôi lại tiếp tục rủ nhau hô “thần chú” “nắng lên” để hy vọng và chờ đợi những điều thú vị đang chờ đón ở chặng tiếp theo của hành trình.

(Còn nữa)

Bài 1

Kim Ngân

1 đã tặng

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy