Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
21:18 (GMT +7)

Gửi con, gửi mình, gửi chúng ta

(Đọc Thư gởi con trai, Nguyễn Đức Tùng, Nxb Phụ nữ Việt Nam, 2023)

Với cách dùng lời trí tuệ mà ấm áp, trong sự diễn đạt khúc chiết mà bay bổng, cuốn sách “Thư gởi con trai” của Nguyễn Đức Tùng không chỉ là những con chữ để đọc bằng mắt, mà còn là những tiếng vọng để lắng nghe bằng tình yêu, không chỉ gửi con mà còn gửi chính mình, gửi tất cả chúng ta. Như tác giả tự nhủ, “Nhờ trẻ con mà chúng ta lớn lên, nhờ có chúng mà chúng ta được hạnh phúc làm người đi trước, che chở, chỉ đường”.

Những khoảnh khắc vĩnh cửu của kí ức

Gần 100 bức thư gửi cho con trai cũng là gần 100 mảnh ghép kí ức, được tác giả phục dựng qua những câu chuyện tuy nhỏ nhưng không hề nhỏ. Các mẩu kể phân mảnh không đầu không cuối như đời sống vốn thế, tưởng chừng chỉ tái hiện những trí nhớ vu vơ, ngẫu nhiên, thoảng qua, nhưng đọng lại sau những bé mọn ấy lại là những khoảnh khắc vĩnh cửu của kí ức với bao điều hệ trọng.

Giản dị, chân thực, ấy là cốt cách đầu tiên của người kể chuyện, người viết thư, người tỏ bày trong cuốn sách này. Trong phận vị một người cha, tác giả đã chọn chính những câu chuyện mà bản thân và con trai của mình đã trải qua để cùng ôn lại, cùng chuyện trò, đối thoại. Nó như những vệt sáng trong tiềm thức người kể chuyện, nhỏ bé mà lộng lẫy, thoáng chốc mà hằn sâu. Ấy là những sự việc nho nhỏ nhưng vô cùng đáng nhớ, như: một lần cùng con đạp xe; một buổi cả nhà trượt tuyết; một bữa ăn ở nơi xa lạ; một buổi tựu trường; một pha lạc mất con giữa chốn đông người; lần đầu tiên con nhảy xuống bể tập bơi… Ấy là những đồ vật cũ kỹ cất chứa cả nỗi niềm luôn mới mẻ sống động, như: cây saxophone bụi phủ trong tầng hầm; chiếc đinh hoen rỉ cong queo trong hộp đồ; tấm áo cũ thiếu cúc được đính thêm chiếc cúc khác loại để làm quà tặng… Nhiều lúc lại là những ngẫm ngợi suy tưởng được khởi lên từ một nguyên cớ nào đó rất đời thường, như: nắm đôi bàn tay con mà nghĩ về số phận đời người; nhìn khói bếp bên sông mà nhớ về tuổi thơ thương khó; ngồi trà chiều mà quán tưởng về chiến tranh, mất còn, đời sống…

Hình thức là các lá thư gửi cho con trai, nhưng rõ ràng đây cũng là những tỏ bày mà tác giả gửi chính mình khi thời gian không những không làm mọi thứ nguôi ngoai mà còn khơi dậy rất nhiều xúc cảm rung ngân. Sau nữa, tự thân mỗi câu chuyện, mỗi tình huống được kể cũng trở thành một nỗi niềm chia sẻ, một lời khuyên chân thành để gửi gắm đến tất cả chúng ta - những người đều đã từng là trẻ em và lớn lên, những người đều làm con, đã và sẽ làm cha mẹ. Ngắm nhìn những mảnh ghép, lắng nghe những khúc rời, bất kì người đọc nào cũng có thể hình dung ra một bức tranh, một khúc hát, để đón lấy một đồng điệu nào đó, theo cách của mình.

Lòng biết ơn đời sống và niềm hy vọng gửi tương lai

Trên hành trình ngược về tuổi thơ, tác giả chọn ra những “điểm dừng”, “trạm nghỉ”, khi mỗi câu chuyện đều tự nó đặt ra một đúc rút nào đó, về bản thân, về con người, về vạn vật, và đời sống. Bằng cách lẩy ra các ghi chú ngắn gọn nhưng có sức khơi mở dài rộng trong mỗi bức thư, tác giả đã tự nghiệm về nhiều vấn đề xoay quanh bản thể, nhân sinh, trong đó toát lên niềm khao khát hiểu sống, yêu sống.

Từ việc quan sát con trai tập đạp xe, tác giả trò chuyện một cách nhẹ nhàng và nghiêm túc: “Sau này, khi lớn lên, con sẽ biết rằng, có những lúc không phải bao giờ chạy nhanh cũng tốt cho mình hay cho người khác”. Chỉ một nhắn nhủ mà biết bao suy tư về hơn thua và giá trị, cá nhân và cộng đồng, lựa chọn và phương cách, khám phá và hạnh phúc.

Chỉ qua cách ứng xử với một chiếc đinh cũ cong queo hoen rỉ, tác giả đưa ra một thực hành và quan niệm sống rất đáng nghĩ: “Một cái đinh ném vào thùng rác, hay tệ hơn, vứt ra đường, là điều nguy hiểm. Một cái đinh đóng vào tường là một cái đinh hữu ích. Một cái đinh cong cần phải được uốn thẳng lại, không những chỉ để tiết kiệm tiền bạc, giá của chúng cũng không bao nhiêu, mà là để sửa chữa một sai lầm của bạn trước đó. Sự ẩu tả hay vụng về bao giờ cũng cần được sửa chữa. Hơn thế nữa, một cái đinh cần sống hết cuộc đời của nó, một cách tối ưu. Mọi con người, mọi súc vật, mọi cỏ cây hay đồ vật đều nên được phép sống đến tận cùng cuộc đời của nó”.

Hối tiếc khi bản thân đã bỏ cây saxophone vào góc tầng hầm quá lâu, tác giả vừa nhắc nhở vừa cũng là khích lệ con trai: “Trong khi còn bé, nếu có một sở thích nào, đừng bỏ rơi, hãy tiếp tục. Đừng nhét chiếc kèn saxophone của con vào góc tối một tầng hầm sau tấm mạng nhện, hãy đặt nó gần chỗ ngồi của con, bên bàn học, cạnh giường ngủ, nơi con có thể nhìn thấy mỗi ngày”. Hãy ngắm nhìn ước mơ của mình mỗi ngày, bởi vì kể cả khi chưa thực hiện được, thì nó vẫn ở đó, thẳm sâu trong tâm thức chúng ta, chỉ chờ một ngày được gọi tên là sẽ bật dậy.

Đúng như những lời tâm can trong lá thư cuối cùng trong cuốn sách, “Thư gởi năm 2062”, câu chuyện mà tác giả muốn trò chuyện một cách thiết tha, trách nhiệm nhất với con trai chính là “Hãy sống thông minh hơn, chân thật hơn, hạnh phúc hơn”. Có lẽ đây cũng là mong ước của tất cả mọi đứa trẻ, mọi người lớn, mọi bậc làm cha mẹ.

Lòng biết ơn đời sống, niềm hy vọng gửi tương lai, đó là nguồn năng lượng tích cực được tỏa ra từ những câu chuyện mẫn tiệp và tinh tế, thôi thúc bất kì một trẻ nhỏ, bất kì một cha mẹ, bất kì chúng ta, sống một cách hạnh phúc hơn - thứ hạnh phúc đến từ việc được trở thành chính mình và sống trách nhiệm, tử tế với cuộc đời.

Nhà văn Nguyễn Đức Tùng

Sinh tại Quảng Trị, lớn lên và đi học tại Quảng Trị, Huế

Hiện là bác sĩ và định cư tại Canada

Viết thơ, viết truyện, dịch thuật, làm nghiên cứu phê bình

Một số tác phẩm đã xuất bản: Thơ đến từ đâu (2009), Đối thoại văn chương (2012), Thơ cần thiết cho ai (2015)…

Thanh An

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy