Giấc mơ Xuân – Truyện ngắn. Trần Thanh Cảnh
VNTN - “Bóng lòe gươm giáo lòng thêm đắng
Nghe rộn trống đồng tóc đốm hoe.”*
Mùa đông năm Quý Tỵ (1293). Tại hương Khúc Thuỵ Đông, huyện Triết, Giang Nam có một sự khác thường.
Quan chánh sứ Trần Phu tiên sinh, sau khi từ kinh thành Thăng Long, nước Đại Việt về bị mắc một chứng lạ. Ngài ngủ li bì suốt ngày đêm, hầu như chả ăn uống gì. Thỉnh thoảng có thức dậy thì thấy mặt mũi lơ ngơ, đi như người mộng du trên đường. Và tóc đã bạc trắng như cước từ hồi nào. Văn nhân bạn hữu Giang Nam tới đón mừng ngài trở về, thấy vậy tất thảy mọi người đều kinh ngạc. Mới một năm về trước, Trần Phu thư sinh đầu xanh tuổi trẻ, thốt nhiên nhận được mệnh của nhà vua dẫn đầu sứ bộ sang Thăng Long giao hảo, phong chiếu. Khi đi trẻ trai tráng khí ngời ngời. Khi về, râu tóc đã bạc phơ phơ, mà chỉ có một năm…
Thư sinh Trần Phu vốn gốc họ Trần đất Mân, cách đây năm đời mới lưu lạc đến hương Khúc Thuỵ Đông. Vốn gốc nhà làm ăn buôn bán, nhưng đến Trần Phu lại sở trường đọc sách, văn hay chữ tốt nức tiếng Giang Nam, cầm kỳ thi hoạ môn gì cũng giỏi. Bầu rượu túi thơ kết giao khắp vùng Giang Nam, Lưỡng Quảng. Bạn bè của Trần thư sinh toàn những người ưu tú. Thế nhưng gặp buổi sơ triều Nguyên, trọng võ khinh văn, sự nghiệp lập cả trên lưng ngựa, văn nhân không có đất dụng. Văn nhân như Trần thư sinh, số làm thư lại, số chẩn bệnh bốc thuốc, số dựng nhà dạy học qua ngày… Không ai nhìn thấy có tiền đồ được đem sở học ra phò dân giúp nước. Đành khi chén rượu, khi cuộc cờ, khi ngâm vịnh ngợi ca mây gió trăng thanh, non nước hữu tình đợi tháng ngày trôi…
Minh họa: Đào Tuấn
Tháng giêng, mùa xuân năm Quý Tỵ (1293) bỗng đâu có sắc của triều đình ban xuống, sai Trần Phu tiên sinh cầm đầu sứ bộ sang Đại Việt.
Cha mẹ Trần tiên sinh khóc cạn nước mắt, bày đàn cúng tế trời đất bảy ngày bảy đêm, cầu cho con trai đi dữ về lành, bảo toàn tính mệnh nơi bản quán. Bởi mệnh vua không thể không tuân, mà nghe nói xứ Nam man chướng khí ngàn trùng, tướng sĩ hổ báo hung hãn. Quân triều đình xuất sư trăm vạn thảo phạt ba lần, số mất xác tới bảy tám phần. Không thể không lo lắng.
Quả nhiên lo lắng không thừa, sau gần một năm, Trần Phu thư sinh trở về, trả áo mũ triều đình, nửa ngơ nửa tỉnh.
Đêm gối đầu chong đèn nhìn mái nhà.
Ngày thơ thẩn đi dọc hương thôn, ra bờ sông dệ cỏ ngồi ngắm nước chảy mây trôi, tịnh không nói với ai lời nào.
Thỉnh thoảng thấy mắt vẩn vơ xa, miệng thì thầm hát vài câu lạ lùng…
Thày lang Cổ Chấn nổi tiếng khắp vùng là cao tay, trị được cả bệnh tà ma nói, Trần Phu thư sinh đi sứ nước Nam, bị nhiễm chướng khí, thành cái khối âm u uất kết trong người. Phải kiếm được những loại thuốc tả uất xả khí cực mạnh mới mong chữa được.
Bố mẹ Trần chánh sứ mang lễ đến nhờ thày Cổ Chấn tìm thuốc cho con, giá nào cũng chịu. Thày từ chối nói: “Bệnh quỷ chỉ có thuốc tiên. Mà tiên ở trên giời, giời sẽ sai xuống. Ông bà cứ về đợi, sẽ có kết quả hiển hiện nay mai thôi.”
Ôi cái nước Nam man xa xôi quỷ quái…
***
Trần Phu thư sinh không lạ gì nước Nam.
Vốn là người đọc sách thiên kinh vạn quyển, tuy chưa đặt chân tới bao giờ, nhưng Trần đã dụng công tìm hiểu. Người Giang Nam vẫn nói, tú tài chỉ cần ngồi một chỗ cũng biết hết mọi việc trong thiên hạ. Trần Phu đã tới hỏi han các binh sĩ sống sót qua mấy cuộc nam chinh trở về. Chàng biết, triều đình bên đó vốn dĩ có gốc gác xa xưa cùng ở đất Mân bên này thiên di sang.
Nhưng họ hung bạo, dã man, thân mình xăm hổ báo vằn vện hay là họ cũng biết đọc sách thánh hiền, lấy nhân lễ nghĩa trí tín làm đầu, cũng biết thưởng thức âm nhạc thơ phú, ngợi ca non sông cẩm tú…
Trí giả đất Trung Nguyên không ai dám chắc.
Hoàng thượng nghe ai đó, biết Trần Phu thư sinh người Giang Nam nổi tiếng văn hay chữ tốt, trẻ tuổi tài cao, lại cùng họ đồng tông với Trần triều Đại Việt… Bèn xuống chiếu sai lãnh chức chánh sứ sang nước Nam. Quan tước lộc vua thật như trên trời rơi xuống vậy.
Ngày mười sáu tháng giêng, nhận sắc chỉ văn thư tại hành cung Giang Nam, dập đầu về hướng bắc lạy tạ ba lần, rồi cùng đoàn tuỳ tùng hành phương Nam.
Bảy ngày sau nhập ải Nam Quan.
Đêm, Trần Phu chánh sứ bảo phó sứ: “Ta nhận mệnh kín của hoàng thượng, bí mật đi xem xét thế núi hình sông nước Nam, ghi khắc lại để sau này có lúc cần dùng cho việc nước nhà. Ông dẫn sứ đoàn thong thả ngày đi đêm nghỉ. Về đến nhà đại phú hào Đàm Huy, làng Đồng Kị, xứ Kinh Bắc, vốn là chỗ đi lại buôn bán với cha ta, đợi ở đó. Khoảng cuối tháng ba ta tới, thì sẽ cùng nhau vào kinh thành Thăng Long.” Nói rồi Trần Phu cải trang thành một khách phong lưu lãng tử, bí mật rời khỏi sứ đoàn, rẽ vào đường núi…
***
Nhưng không có mệnh vua nào thì Trần Phu thư sinh cũng đã nung nấu ý định sang nước Nam xem thực hư ra sao.
Trần Phu đã nhiều lần đến Lưỡng Quảng, Châu Ung, tới giáp vùng biên ải hai nước chơi bời ngắm cảnh và tìm hiểu sự đời. Chuyện quân Thát Đát xưa rồi quan quân nay bị đánh tơi bời bên nước Nam mặc dù triều đình đã ra lệnh giữ kín, nhưng tin tức vẫn lọt ra ngoài làm cho dân gian rúng động.
Trần Phu thư sinh vốn vẫn mang nặng trong lòng câu hỏi, tại sao Tống triều có tới trăm vạn hùng binh, của cải dồi dào mà bị người Thát xóa dễ như xóa bàn cờ đánh dở. Thế mà nước Nam bé con con, người ít, vật lực có hạn mà vó ngựa quân Thát ba lần bị đánh gục nơi đây? Cái gì đã làm nên võ công hoảng hốt cả Trung Nguyên vậy? Viên tướng Hưng Đạo Đại Vương cùng vua tôi nhà Trần bên ấy có võ nghiệp bí truyền gì để làm cho các tướng Thát trăm trận trăm thắng phải bại vong? Trần Phu thư sinh vốn nổi tiếng là kẻ trí giả thông tuệ bậc nhất của đất Giang Nam, càng muốn biết tận tường điều gì đã xảy ra. Và cũng kèm theo nỗi tò mò là một sự gần như hơi ngấm ngầm hãnh diện, những cái con người vốn gốc gác xa xưa cũng ở đất Mân, bên này sông Dương Tử, đã thiên di về phương nam cả ngàn năm nay, nhưng dẫu sao họ cũng vẫn mang họ Trần và hào tâm tráng khí của dòng giống Đông A bất diệt…
Sáng ấy, Trần Phu tới núi Cấm, trên đường đèo Xa Lý đi về Nội Bàng. Trần Phu dự định sẽ thám sát vùng Lạng Sơn, qua Nội Bàng xuống Lạng Giang rồi tới Vạn Kiếp. Từ Vạn Kiếp, Trần sẽ ngược sông Thiên Đức về Kinh Bắc gặp sứ đoàn rồi cùng vào Thăng Long.
Núi Cấm mùa xuân, muôn hoa đua nở, chim hót véo von. Chân núi có một chợ phiên đang họp, dân quanh vùng đổ về tụ tập mua bán, uống rượu và ca hát. Từng tốp trai gái, áo chàm đen, đứng túm tụm hát giao duyên với nhau. Điệu Sli, giống như bên Châu Ung. Trần thư sinh dịp tới đó đã được bạn hữu văn nhân sở tại đưa đi hát, Trần hiểu và hát được điệu này. Nhưng Trần thư sinh không có ý định vào chợ hát giao duyên đối đáp tìm bạn tình. Trần có nhiệm vụ đi quan sát khắc ghi trong đầu mọi điều về sông núi nước Nam, rồi về làm tấu chương trình vua. Trần thư sinh đi thong thả vừa đi vừa nghỉ. Viên võ sĩ cận vệ đã được dặn trước luôn giữ một khoảng cách vừa đủ để người Việt không nghi ngờ nhưng cũng sẵn sàng can thiệp nếu cần. Qua khỏi khu chợ ồn ào và véo von tiếng hát, Trần đi trong cánh rừng xuân đang kỳ xanh nõn. Trên mình mặc một bộ quần áo chàm đen của người Nùng bản địa, Trần như một thanh niên đi chợ về. Tới một con suối chảy ngang qua đường, nước trong vắt róc rách dưới những tảng đá to nằm ngồi ngổn ngang, Trần khoan khoái ngồi lại trên một tảng đá giữa dòng, ngâm chân nghỉ ngơi trong dòng nước mát lạnh. Bỗng có tiếng hát cất lên:
“Buổi chợ đương đông, câu hát đương nồng, sao ai le lỏi ngồi không thế này…”
Trần thư sinh nhìn về bên kia suối, một cô gái trẻ đang giặt giũ những tấm vải chàm bên bờ, mắt long lanh, miệng chúm chím hát mời…
Trần vui vẻ đáp lời:
“Chợ đông không có bóng hồng, lòng anh những muốn về cùng theo ai...”
“Nhà em ở mãi núi xa, cách năm con suối lại ba ngọn đèo… hỏi chàng còn muốn theo sao”
“Núi dẫu cao có chân anh chắc, suối dẫu dài mười anh vẫn lội theo em, ba đèo chứ năm bảy đèo, anh đây vẫn muốn theo nàng về bản uống rượu chơi…”
Thoạt đầu là đối đáp chơi chơi, vui vui. Nhưng rồi Trần bị cuốn vào cuộc hát lúc nào không hay. Trần đi theo cô gái, họ vừa đi vừa hát, cách nhau một quãng vừa đủ gần, đủ để nhìn thấy ánh mắt nhau, đủ để ngắm nhau. Trần là một chàng trai trẻ, mới hai nhăm. Cô gái còn trẻ hơn, chắc chỉ mười sáu là nhiều. Bộ quần áo chàm đen nàng mặc càng tôn nước da trắng hồng. Và ánh mắt… Ôi. Trần không kìm nổi mình, như một chàng trai Nùng đa tình chính hiệu, Trần mê mải theo nàng. Nàng sơn nữ càng hát, giọng càng véo von say đắm. Má nàng hồng môi nàng thắm. ánh mắt như có lửa tình nồng cháy. Lúng liếng đong đưa… Đôi trai gái cứ vừa đi vừa hát đối nhau, lúc thủ thỉ tâm tình, lúc cất cao bay bổng. Họ dùng giọng hát kể của mình dìu nhau vào sâu trong núi, miên man. Núi rừng mùa xuân, hương hoa thơm nức, chim chóc rộn ràng hót vang như đồng lõa. Khi ánh chiều đổ ập xuống, cũng là lúc duyên vừa bén, họ trao mình vào tay nhau trong rừng thẳm…
Tiểu Nhiên, tên cô gái, người bản Cấm. Sáng đó không đi chợ vì bận ra suối giũ đám vải mới nhuộm. Nàng đang buồn bực vì lỡ mất buổi hát Sli ngoài chợ thì gặp Trần thư sinh. Họ hát đối đáp cả buổi chiều, họ giao tình với nhau trong rừng. Thế rồi Trần thư sinh theo Tiểu Nhiên về nhà ra mắt bố mẹ. Trần nói dối mình cũng người Nùng, bên Châu Ung sang chơi với người bà con bên núi Chi Lăng. Bố mẹ Tiểu Nhiên thấy chàng mặt mũi khôi ngô, ăn nói dễ chịu thì cũng đẹp lòng cho Trần ở lại kết bạn cùng con gái họ. Nếu thấy hợp duyên sau này có thể kết nên đôi lứa…
***
Tục hát Sli của dân Nùng quanh vùng núi Cấm cũng giống như tục hát của dân bên Châu Ung mà Trần từng đến chơi. Hát Sli không cần nhạc cụ, chả cần vũ đạo, chỉ cần có bạn cùng hát. Thế là đủ. Người ta có thể hát bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào. Lúc đi chợ. Lúc vào rừng lên nương hay lúc cùng nhau đi vãn cảnh ngày xuân…
Ngày mùng mười tháng mười hàng năm, vùng núi Cấm làm Tết cơm mới, cày bừa treo lên gác bếp, trâu bò thả vào rừng. Công việc thanh nhàn, chỉ còn săn thú, lấy củi, nấu rượu… Cả vùng dập dìu lả lơi trong tiếng hát Sli. Cho đến tận tháng ba năm sau, khi những cơn mưa rào đầu tiên đổ xuống, trâu bò lại được bắt về. Người ta mới lên nương đi cày, gieo lúa gieo trồng ngô. Còn bây giờ, khắp đồi, khắp núi, khắp rừng hầu như chỗ nào cũng văng vẳng tiếng hát. Mùa xuân, hoa đào hoa mận nở đỏ núi trắng rừng, từng đoàn trai gái từ các bản xung quanh chân núi Cấm, từ bên Sông Hóa, từ Đồng Mỏ, từ Chi Lăng kéo về tụ tập hát với nhau, đong đưa ánh mắt trao tình cho nhau. Rồi từng đôi tách ra, dìu nhau bằng tiếng hát, gọi nhau, mời nhau, dẫn dụ nhau vào trong rừng xanh núi thẳm giao duyên. Và khi chỉ còn họ bên nhau, giữa núi rừng hoang sơ, hai người sẽ cất tiếng hát lên, hòa cùng nhau trong một cung bậc cao thăm thẳm thiết tha. Cung hát của tình yêu đôi lứa…
Trần thư sinh ở bản Cấm Sơn, quên hết mọi sự triều đình giao, không thiết đi đâu nữa. Trần cho tay võ sĩ đi theo bảo vệ mình về Kinh Bắc với sứ đoàn trước. Trần có bạc của triều đình cấp nên phong lưu, cùng Tiểu Nhiên đi hát mấy tháng mùa xuân. Tiểu Nhiên càng ngày càng đẹp mặn mà. Nồng nàn. Rực rỡ. Một đêm hai người đi hát bên bản Cấm Tây, uống rượu về muộn. Họ không đợi nổi để về đến nhà, bèn rẽ luôn vào một cánh rừng giao tình. Thoả khao khát rồi, họ nằm ôm nhau trong đêm. Đêm cuối xuân ấm áp, ánh trăng khuya mờ chiếu cũng đủ để cho họ đắm đuối ngắm nhìn nhau. Tại quê Giang Nam, Trần thư sinh cũng chưa thành gia thất, chàng mong được đón nàng Tiểu Nhiên xinh đẹp về làm vợ. Họ nằm ôm nhau trong rừng đêm yên tĩnh. Bỗng, Tiểu Nhiên cầm tay Trần chỉ những ngọn dây leo đang nằm la liệt xung quanh. Thì ra nơi họ nằm âu yếm nhau là một thảm dây rừng mềm mại đan kín mặt đất như một tấm nệm êm ái. Những ngọn dây leo thốt nhiên ngóc dậy, đung đưa như múa, vươn những cái ngọn non tơ mềm mại run rẩy. Những cái ngọn đẹp đẽ ấy hướng về nhau, rung rinh múa lượn trong mơ hồ rồi từ từ quấn lấy nhau. Chúng vặn xoắn vào nhau như những thân thể trai gái nứng tình trong đêm trăng. Trần thư sinh ngạc nhiên mê mải ngắm. Một cảnh tượng chưa bao giờ được chứng kiến trong rừng đêm như vậy, quả xứ Nam này có biết bao điều kỳ lạ. Trần hỏi Tiểu Nhiên: “Giống cây gì mà lạ lùng vậy nàng?” “Dạ thưa, đây chính là cây Dạ Hợp, một vị thuốc bổ trường sinh bất lão bí truyền của rừng quê em. Chúng chỉ cuốn nhau vào đêm, ban ngày lại duỗi ra. Mai sớm mình đào ít củ mang về chế thuốc cho chàng uống, trẻ khỏe mãi để cùng nhau hưởng phúc.”
Đêm hôm ấy họ không về nhà. Hai người nằm ôm nhau ngủ trên thảm dây Dạ Hợp êm ái. Trần thư sinh mơ thấy mình và nàng Tiểu Nhiên hóa thân thành hai ngọn dây leo mềm mại. Hai ngọn dây non tơ mỡ màng cuốn vào nhau, cuốn mãi, cuốn chặt mãi. Chặt nữa. Rồi bỗng nhiên vỡ tung ra. Những mảnh lá, những mẩu dây vỡ vụn biến thành những mảnh sao băng muôn màu bay vút lên trời cao tỏa sáng rực rỡ… ánh nắng xuân ấm áp chiếu vào mặt khiến hai người tỉnh dậy. Xung quanh, những ngọn Dạ Hợp vẫn nằm thẳng yên bình, dường như vũ điệu giao hoan đêm qua chỉ là giấc mơ xuân không thực…
Nhưng chưa kịp đợi dùng thử môn thuốc bí truyền của vùng núi Cấm thì Trần thư sinh chợt nhớ đã đến hẹn với sứ đoàn. Trần thư sinh đành nói thật thân phận của mình với Tiểu Nhiên để từ giã nàng về kinh thành Thăng Long, làm trọn phận sự quốc gia. Trần hẹn Tiểu Nhiên, sau khi xong việc, trên đường về sẽ rẽ vào thưa chuyện với bố mẹ và đón nàng về Giang Nam sinh sống cùng nhau.
***
Sáng 15 tháng 4 năm Quý Tỵ (1293) Trần chánh sứ vào triều yết kiến và trao sắc phong của Hoàng đế Hốt Tất Liệt cho đức vua Trần Nhân Tông.
Đức vua nói chuyện với sứ đoàn rất khoan hòa. Tối đó, nhà vua sai Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật thay mình thết sứ đoàn quốc yến tại chính điện.
Đèn đuốc sáng rừng rực.
Yến tiệc thết sứ được bày trên thềm cao cung điện.
Dưới sân rồng là dàn trống đồng bảy mươi hai chiếc do các trai tráng lực lưỡng đóng khố cởi trần đứng đánh.
Quân sĩ gươm giáo tuốt trần sáng lòa đội ngũ chỉnh tề, cờ xí phấp phới.
Trần Nhật Duật tươi cười vòng tay đón mời Trần Phu lên điện, nói: “Nước tôi vốn xa Trung Nguyên, lễ nhạc không được tinh thông như quý quốc. Xin đem dàn trống tấu lên và sai bọn quân sĩ múa giáo, hầu ngài uống rượu cho vui.”
Dàn trống bảy mươi hai chiếc lập tức được thúc lên. Những tiếng trầm hùng dữ dội: Bung ung …ung… ung… u u u…
Tiếng trống đồng ngân sâu, vang vọng như thúc vào ruột gan người nghe.
Đội giáo sắt, đội cung tên, đội gươm dài, đội đoản đao lần lượt tiến ra sân giao đấu biểu diễn. Tiếng gươm giáo chém vào nhau chan chát toé lửa. Tiếng hét chuyển trời dậy đất của tráng sĩ ra đòn…
Trần Nhật Duật phấn khích cười vang, liên tục mời rượu sứ đoàn.
Trần chánh sứ lặng người nhìn quang cảnh xung quanh. Những thân hình võ sĩ cởi trần lấp loáng mồ hôi, vằn vện hình xăm hổ báo. Những ánh chớp của đao kiếm vung lên, sáng loé trong đêm. Thốt nhiên Trần chánh sứ thấy như quang cảnh chiến chinh vừa mới thôi hiển hiện. Nội Bàng, Vạn Kiếp, Thăng Long, Bạch Đằng đang diễn ra trước mắt. Trần chánh sứ thấy mình như đang đứng giữa trận tiền chứ không phải tiệc rượu khoản đãi của triều đình. Tiếng trống đồng liên tục rùng rùng thúc. Tâm can người nghe như đang cháy bỏng. ánh gươm giáo lập lòe trong lửa đuốc chập chờn như lửa ma dưới địa ngục. Trần chánh sứ gục xuống mê man…
Đoàn sứ nhà Nguyên cáo lui ngay hôm sau.
Nằm trên xe ngựa trở về cố quốc, Trần chánh sứ nửa mê nửa tỉnh. Không còn nhớ gì đến lời hẹn với nàng Tiểu Nhiên dưới chân núi Cấm. Vua nhà Nguyên thấy thế cũng không bắt hỏi đến nhiệm vụ giao cho dò xét nước Việt nữa.
Trần Phu, đang vốn là một văn nhân trẻ tuổi hào hoa phong nhã, bỗng chốc bị biến thành ra như một người già ngẩn ngơ, tóc bạc trắng. Không nhớ gì đến mọi sự trên đời. Ngày ngày chỉ tha thẩn trên đường hương thôn Khúc Thuỵ Đông.
***
Đến đầu mùa xuân năm sau.
Có một cô gái tự xưng tên là Tiểu Nhiên tìm đến nhà Trần Phu. Nàng ta có mang theo một gùi thứ củ lạ. Nàng thái lát, chế, rồi đem sắc cho Trần Phu uống. Đúng bảy mươi hai ngày, tóc Trần Phu xanh trở lại, người tươi tỉnh, khí sắc nhanh nhẹn như xưa. Trần cầm tay Tiểu Nhiên: “Thật là nàng đã hồi sinh lại ta vậy.” Tiểu Nhiên bảo: “Vị thuốc thần Dạ Hợp của núi Cấm quê thiếp đã hồi sinh chàng.”
Trần Phu thư sinh lại mở giấy, múa bút, viết:
“Thiếu niên ngẫu thử thỉnh trường anh
Mệnh lạc Nam Châu nhất vũ khinh
Vạn lý Thượng Lâm vô nhạn đáo
Tam canh Hàm Cốc hữu kê minh
Kim qua ảnh lý đan tâm khổ
Đồng cổ thanh trung bạch phát sinh
Dĩ hạnh quy lai thân phúc tại
Mộng hồi do giác chướng hồn kinh.”*
Tiểu Nhiên đứng đằng sau Trần Phu xem viết. Bỗng nàng lùa tay vào mái tóc đã mềm mại xanh mướt trở lại của Trần. Nàng âu yếm kéo đầu Trần ấp vào ngực mình. Trần quay mặt vào hít hà bầu vú thơm nức của Tiểu Nhiên, thầm thì: “Ta muốn dành cả phần đời còn lại ngủ yên trong ngực nàng. Sẽ không có ánh lòe của gươm giáo nào làm cho ta đau khổ. Không có tiếng trống trận nào rung vọng được đến nơi này khiến cho ta bạc tóc. Trong ngực nàng, ta sẽ lại có những giấc mơ xuân đẹp đẽ dịu êm. Như hôm nào trong rừng núi Cấm, dưới thảm Dạ Hợp thần kỳ.”
Họ mỉm cười nhìn nhau đắm đuối. Hôm ấy Giang Nam là tiết cuối xuân, ngoài trời mưa bay nhè nhẹ…
-------------
*Thơ Trần Phu, đời Nguyên- Giải nghĩa:
Người trẻ tuổi này ngẫu nhiên được gọi đến cho làm quan.
Thế rồi thân phận bay đến tít tận phương Nam nhẹ như chiếc lông.
Y như cảnh Tô Vũ bị giam ở Thượng Lâm đất Hung Nô mà còn chả có nhạn báo về cho vua biết.
Khốn khó hơn Mạnh Thường Quân lúc canh ba ở Hàm Cốc vì không có ai giả tiếng gà để lập mưu đi qua cửa ải.
Nhìn ánh sáng lòe của gươm giáo quân Nam bày ra mà lòng đau đớn.
Nghe tiếng trống đồng thúc đêm đến bạc cả tóc.
May mắn được trở về quê cũ cảm thấy như mình được sinh ra lần thứ hai.
Đêm đêm trong giấc mơ vẫn cảm thấy kinh sợ chướng khí nơi trời Nam.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...