Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
19:21 (GMT +7)

Giá lợn lên, người vui kẻ buồn

VNTN - Tôi cứ trăn trở tìm hiểu, ngẫm nghĩ về cái nghịch lý này, nhưng người nông dân ba chìm bảy nổi thì đã quá quen với cảm xúc ấy nhiều năm nay rồi. Nói quá quen bởi nó liên tục xảy ra theo thời tiết, mùa vụ, rồi cả dịch bệnh bất thường.

Từ năm 2016 đến đầu năm 2020 là mấy năm thất bát liên tục với người chăn nuôi, nhiều câu chuyện buồn lắm mà phải người trong cuộc mới thấu hết nỗi niềm này. Tôi đã trằn trọc nhiều đêm mà nghĩ về hai chữ cần cù, dám nghĩ, dám làm. Nào các cụ vẫn dạy cháu con cứ cần cù không bao giờ lo đói; nào là cần cù bù khả năng… Nhưng nó chỉ đúng ở một phạm vi, một quy mô nào đó của một thời đã qua, còn thời buổi công nghệ bây giờ, có lúc, có việc lại trở thành nghịch lý.

Từ xưa, chăn nuôi chỉ tận dụng cơm thừa, canh cặn, thả đôi lợn vào chuồng một năm, thậm chí hai năm mới được xuất chuồng. Gà cũng vậy, thả mấy con mái rồi kệ chúng bới tìm, sinh sôi nảy nở trong khu vườn nhà. Tôi nhớ về một thời còn nhỏ, nhà tôi nuôi đôi lợn trong chuồng cũng phải hàng năm mới được sáu bảy chục cân. Chuồng chỉ là những gióng tre đóng khung xung quanh, nền đất, tích cực bỏ rác vào để có phân cân cho hợp tác. Tôi được bố mẹ khoán ngày thì cắt mấy mớ dây lang về băm rồi nấu nồi cám lợn. Chiều chiều, ngồi dạng chân trên cây chuối gò lưng thái, băm, nấu cám. Giờ nghĩ lại vẫn buồn cười, có cái nõn chuối bên trong cứ thái đến đâu lại dùng mũi dao khoét ra chén đã, rồi mới thái tiếp. Cái vị ngọt mát của nõn chuối nó làm tăng niềm hứng khởi cho những thằng trẻ trâu chăm chỉ chúng tôi. Nhiều bữa chăn lợn, thấy có mấy củ khoai trong nồi cám chín nhừ, bèn bóc chén đến no bụng rồi mới bóp nát cho lợn. Nói thật, khoai nấu trong nồi cám lợn hình như ngọt hơn, lại thơm thơm nồng nồng, rất khó quên. Nồi cám lợn ngày ấy chỉ có nước vo gạo, khoai, sắn, chút cám gạo, rau lang và chuối hoặc bèo là chính. Giờ tôi mới hiểu ra, sao lợn nuôi ngày xưa lúc ăn cứ cắm mõm xuống mò đáy máng. Bà tôi luôn bảo nết ăn con này hư, rồi rắc cho vài hạt muối, thậm chí có lúc còn múc cho chút nước giải ở vại bên cạnh chuồng dội vào, lợn lại lao vào đớp tộp tộp. Cung cách chăn nuôi ngày ấy thì nhà nào cũng vậy, chăn dông dài, chủ yếu lấy phân để bón ruộng, còn việc xuất chuồng như của bỏ ống tiết kiệm cả năm trời. Không thất bát bao giờ, nhưng cũng không bao giờ là nguồn thu nhập chính trong kinh tế gia đình.

Bây giờ thì khác nhiều, quy mô chuồng trại nhỏ và vừa xuất hiện khắp các vùng nông thôn. Ngay xã Linh Sơn quê tôi cũng đã có ba trang trại quy mô cỡ trăm con lợn nái và năm sáu trăm lợn thịt. Các trang trại nhỏ, có chục con nái và vài ba trăm lợn thịt thì nhiều. Thức ăn bây giờ là cám công nghiệp, bỏ qua “giai đoạn” dạng chân băm bèo, thái chuối như xưa. Mỗi lần về quê thấy các trang trại mọc lên, các chủ trại toàn bạn bè và lứa đàn em, tôi mừng lắm. Mừng vì đây là việc làm kinh tế, có hạch toán, đầu tư hẳn hoi, dám mở rộng chăn nuôi tới vài trăm đầu con không phải ai cũng dám mạnh dạn vay vốn mà làm.

Năm 2016, thằng cháu tôi là Phạm Ngọc Ninh sau khi học xong đại học ngành điện tử viễn thông, thấy xin việc có vẻ khó khăn liền tính kế mở trang trại nuôi lợn để tự lập. Năm ấy chăn nuôi đang thuận lợi, giá lợn con xuất chuồng từ triệu bảy đến hai triệu một con. Lợn thịt sau khoảng ba tháng được xuất chuồng cũng lãi khoảng một triệu một con. Nếu cứ làm phép tính đơn giản ở qui mô nhỏ mười con nái và vài trăm lợn thịt như cháu tôi đầu tư, thì mỗi lứa xuất chuồng cũng thu về vài trăm triệu tiền lãi. Khi cháu vay tiền xây chuồng trại, mọi người trong gia đình ai cũng lo. Số tiền vài ba trăm triệu với những nhà có điều kiện thì vấn đề không lớn, nhưng đã phải vay lãi để đầu tư thì thất bát sẽ là một gánh nặng cho một chàng trai vừa bước vào làm kinh tế.

Ngay đợt xuất chuồng đầu tiên đã thắng lợi, thằng cháu phấn khởi lắm, gần chục con nái đẻ ra lứa nào đã có người đăng ký mua luôn từ khi vài chục ngày tuổi, giá triệu bảy một con. Lợn thịt hơn năm chục con khi xuất cũng lãi từ năm trăm nghìn đầu con. Ai cũng mừng cho nó, vạn sự khởi đầu nan thế là thuận lợi. Vậy mà ngay lứa thứ hai, lợn thịt xuống giá một cách khủng khiếp, từ hơn năm mươi nghìn cân móc xuống hơn ba mươi nghìn cân, và mốc đáy ở năm 2017 là mười tám nghìn một cân, trong khi giá cám không hề thay đổi. Lợn thịt đã xuống giá thì lợn con cũng lao dốc theo, từ hơn triệu một con xuống một trăm một con nhưng vẫn chẳng có người mua. Lợn thịt khi rẻ, muốn bán cũng không bán được, phải nuôi thêm ngày nào là móc vào tiền túi mình ngày ấy. Có một nỗi buồn rất lạ lùng của người chăn nuôi là ở những thời điểm như thế, càng nhìn thấy đàn lợn đẹp như tranh vẽ của mình cứ phải chăn kéo dài chờ bán mà ruột gan lại càng nẫu thêm. Sau dịch tả lợn Châu Phi đến nay, chuồng trại cháu tôi bỏ trống, đành xoay sang nuôi chim cút, chim bồ câu cầm cự.

Câu chuyện của Nguyễn Thanh Ngân ở xóm Cây Thị cũng có nỗi buồn tương tự. Xây chuồng trại năm 2014, những năm đầu nuôi nái bán giống đều có chút lãi. Từ cuối 2016 chuyển nuôi lợn thịt lại gặp liền hai năm rớt giá, lúc lỗ lúc hòa. Năm 2019 quay lại đầu tư thêm chục đầu lợn nái lại gặp đợt dịch tả lợn Châu Phi. Đến nay chuồng vẫn bỏ trống, chưa biết khi nào hồi phục được. Dẫn tôi đi xem dãy chuồng bỏ không, bảo anh đứng cho xin kiểu ảnh mà cứ xua tay từ chối: Thất bại, có gì hay đâu mà chụp ảnh, anh.

Ngồi chuyện trò với anh Nguyễn Văn Thắng ở xóm Ngọc Lâm, xã Linh Sơn, TP. Thái Nguyên, người đã làm trang trại chín năm nay mới thấm thêm những vui buồn của nghề chăn nuôi ba nổi, bảy chìm. Anh là người nổi tiếng về sự nhanh nhạy, mạnh dạn trong làm ăn kinh tế ở xã Linh Sơn nhiều năm nay, giọng nói lúc nào cũng oang oang nên có biệt danh “Thắng loa”. Cách đây vài chục năm, khi chưa có cây cầu treo Bến Oánh anh đã dám làm thủ tục xin đầu tư cầu phao Ngọc Lâm, xóa bỏ cảnh con đò ậm ạch đưa khách qua hai đầu bến. Năm 2001, anh xây dựng trang trại nuôi lợn cách nhà khoảng ba cây số, đủ điều kiện về môi trường, từ nguồn nước đến chất thải đều xa khu dân cư, bảo đảm cả việc an toàn cho phòng dịch, quy mô khoảng gần nghìn đầu lợn. Nói về sự thăng trầm của bằng ấy năm đã trải, anh bảo: Em bị “ăn đòn” liên tục. Vừa làm trang trại xong thì dính dịch tai xanh, qua được tai xanh thì giá chỉ đủ hòa. Năm 2016, vớt được về giá, gỡ được một ít thì 2017 và 2018 lại chết kỹ lần nữa về giá. Vợ Thắng không chịu nổi, xen vào: Anh ơi ở Ngọc Lâm này, nhà nào thân thiết mượn được sổ đỏ nhà em mượn hết rồi, nợ mấy tỷ chứ ít đâu.

Cũng ở Ngọc Lâm này có thêm một trang trại của chị Hằng ở Ngân hàng Nông nghiệp về thuê đất, thuê người làm kinh tế cũng bị thất bát do giá cả và dịch bệnh, đành nhượng lại cho người khác. Trang trại ngay cạnh của con rể anh Thắng là Nguyễn Văn Thưởng nay cũng bỏ không. Quy mô không lớn như của bố vợ, chỉ hai trăm đầu lợn nhưng đau ở chỗ đến ngày được xuất thì dính dịch, ngày đầu mấy chục con lăn quay một lúc, vội vã đi chôn hủy, rồi lần lượt cả đàn phải hủy theo. Vậy là chỉ vớt vát ít tiền hỗ trợ, lấy đâu bù đủ chi phí đầu tư.

Tôi lại thấy một nỗi buồn xâm lấn lòng mình, những con người tôi gặp, những câu chuyện tôi đã nghe ở miền quê yên ả này sao cũng lắm long đong. Toàn những gương mặt chịu khó, dám nghĩ, dám làm, vậy mà bạc tóc, mất ăn, mất ngủ vì một số tiền lớn bỏ ra, vất vả đêm ngày, không những không sinh sôi nảy nở lại từng ngày mất đi khi đàn lợn vẫn lớn lên như thổi. Điều này thật dễ hiểu, vì giá cám không giảm, giá luôn từ hơn hai trăm đến siêu cám hơn ba trăm một tạ. Anh Thắng nói nhẹ tênh nhưng mà “đau”: “Mấy năm rồi, giá cả dịch bệnh thế, nơi nào chả “chết”, anh!”. Tôi nhớ lại, ti vi đã từng đưa, năm 2018 một trang trại lợn ở Vĩnh Phúc không bán được lợn con, liền thả ra rừng cho chúng tự kiếm ăn. Rồi nơi nào cũng có cảnh chủ trang trại trở thành con nợ mấy trăm triệu khi vay vốn gây dựng cơ ngơi. Thì ra, việc vươn mình lên với người nông dân ở thời kinh tế thị trường này cũng năm ăn năm thua chứ chẳng dễ dàng gì.

Quay trở về câu chuyện với anh Nguyễn Văn Thắng, thời điểm này anh đang vào cầu, mặt tươi như hoa, giọng nói oang oang phấn chấn: Hiện giờ, mỗi đầu lợn thịt xuất chuồng em cứ lĩnh mấy triệu lãi ngon ơ. Lợn con siêu nạc hơn ba triệu con nhưng em chẳng bán, để còn gối chuồng chứ. Tôi nhẩm tính hơn bảy mươi con lợn nái của anh dù không đẻ cùng lúc cũng có mấy trăm lợn giống trong chuồng. Mỗi lần xuất chuồng hơn năm trăm con lợn thịt cũng ẵm vào két mấy tỷ đồng. Thì giá cám vẫn thế, giá lợn móc lên hơn năm mươi nghìn cân người chăn nuôi đã vỗ tay, kê cao gối ngủ rồi. Bây giờ giá móc lên hơn chín mươi, vậy là dù “chết” dài mấy năm, giờ lại có cơ lấy lại “danh dự trên võ đài”.

Lại có một câu hỏi đặt ra là sao hàng loạt các trang trại bị thiệt hại về dịch tả lợn châu Phi mà có trang trại vẫn bảo toàn để bây giờ gặt hái? Vợ anh Thắng cho biết, suốt thời gian dịch, gia đình không dám mua một cân thịt nào bên ngoài về ăn, chủ yếu ăn các thực phẩm khác. Khu trang trại biệt lập chỉ có gia đình trông nom chứ tuyệt đối không cho ai vào. Việc khử trùng cũng rất đúng bài bản, nghiêm ngặt nên không bị ảnh hưởng gì. Có lẽ đây là bài học chung cho những người đầu tư chăn nuôi. Sự cách ly tránh dịch ở những khâu nào cần triệt để nhất, ai làm được điều đó người đó thắng. Xã Linh Sơn còn đúng ba trang trại có quy mô lớn nhất, bảo toàn được số đầu lợn vượt qua đợt dịch để bây giờ gặt hái.

Những trang trại bỏ không, cỏ dại đã bắt đầu "hỏi thăm", hoặc bị biến thành nơi chứa đồ

Có một vấn đề nóng mà cả Chính phủ cũng đang tìm cách tháo gỡ, đó là làm thế nào để hạ nhiệt giá thịt lợn trên thị trường. Tôi nhìn vào thực tiễn ở quê mình, nguồn cung tại chỗ có lẽ phải có thời gian mới hồi phục được. Thực tế là chuồng của một số trang trại đang bỏ trống, chuồng của các hộ nhỏ lẻ cũng bỏ trống. Nguyên nhân giá lợn con quá cao, thả ít không bõ, thả nhiều bí vốn, lại còn nỗi lo thường trực dịch bệnh rình rập, giá cả phập phù. Mà lợn giống bây giờ đã đắt lại khó mua chứ đâu phải dễ dàng. Họ xuýt xoa nhìn cái giá trên trời, niềm mơ ước của một thời mà đành bó tay để trang trại trống. Ngay anh Thắng bây giờ, biết lợn giống đắt nhưng không dám bán bởi giá lợn thịt đang cao, lợn giống gối chuồng là điều lợi nhất, anh thừa biết thời giá như bây giờ có được mấy khi. Tôi đã nghe thông tin Cục Chăn nuôi đã nhập mấy nghìn con lợn giống của Thái Lan, nhưng cứ làm một phép nhẩm đơn thuần thì có lẽ cũng phải mấy tháng nữa may ra những vùng nông thôn mới đủ giống để chăn nuôi.

Có một sự thật nghe thì vô lý, mà ngẫm ra lại đúng. Ấy là người ta bảo đa số những người chăn nuôi lúc giá lên cũng buồn, lúc giá xuống buồn, chỉ còn vớt lại niềm vui ở lúc giá trung bình thôi. Nghĩa là lúc giá xuống đáy thì lợn đầy chuồng, lúc giá lên cao thì lợn trống chuồng, còn mỗi đoạn trừ giống vốn, cám bã còn tí công là được hưởng. Họ cũng chỉ mong người nuôi vui, người tiêu dùng vui chứ đừng nhấc bổng lên rồi ném cái bịch xuống, nó đau cho bao con người. Nghĩ thì thế nhưng điều đó còn phụ thuộc giữa cung và cầu, mà cái cách làm trăm hoa đua nở dễ cùng lôi nhau xuống lắm. Mấy năm vừa qua đã là bài học nhãn tiền mà càng làm, càng chịu khó đầu tư lại càng “chết” kỹ. Có lẽ phải có một giải pháp tổng thể hơn trong việc điều phối lĩnh vực này, để có một thị trường ổn định cho cả người chăn nuôi và người tiêu dùng.

Đi giữa sự yên bình của vùng quê mình, cảm xúc của tôi cứ bị xáo trộn giữa vui và buồn. Vui vì những trang trại trải nhiều giông gió, giờ đang kéo lại những gì phải lăn lộn, gánh chịu suốt mấy năm qua. Họ đang thoát ra khỏi vòng nợ nần đang đè nặng trên gia đình họ. Nhưng lòng vẫn nặng trĩu nỗi buồn, những chuồng trại của nhiều người vẫn đang bỏ trống kia, rồi bao hộ gia đình nông dân, một lực lượng không nhỏ góp phần ổn định thị trường, đến khi nào mới có con giống giá cả hợp lý để có niềm vui. Và, cả chúng ta nữa, những người hàng ngày phải tiêu thụ loại thực phẩm này cũng đang từng ngày mong cơn sốt trên thị trường hạ nhiệt.

Phạm Quý

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước