Gặp “cha đẻ” của cặp linh vật hổ “khiến ai cũng trầm trồ” tại Thái Nguyên
Tháng Giêng đã qua đi, mọi người đã quay lại với nhịp sống thường nhật. Tại khuôn viên ngoài trời của Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, cặp linh vật hổ phục vụ cho dịp Tết Nhâm Dần đã không còn ở đó nữa nhưng chắc hẳn trong tâm trí nhiều người vẫn còn nhớ như in hình ảnh oai phong, ngạo nghễ của chúng. Và “cha đẻ” của chúng là ai có lẽ vẫn còn là một ẩn số khiến không ít người tò mò…
Cặp linh vật đáng tự hào của Thái Nguyên
Đón Tết Nhâm Dần 2022, nhiều địa phương đã đặt các mô hình linh vật hổ tại các vị trí trung tâm để trang hoàng không gian đô thị, Thái Nguyên cũng vậy. Từ cuối tháng Chạp năm Tân Sửu, tại khuôn viên ngoài trời của Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã xuất hiện hai bức tượng hổ. Một con đứng, một con nằm với dáng điệu khoan thai, hiền hòa pha chút bí hiểm nhưng cũng không mất sự oai hùng của linh vật vốn được coi là “Chúa sơn lâm”. Hai con hổ được đặt trong một mô hình giả sơn cùng với thảm cỏ xanh mướt, tất cả tạo nên một không gian hài hòa, độc đáo.
Ngay khi xuất hiện, cặp linh vật hổ này đã thu hút được sự tò mò, hào hứng đón nhận của đông đảo người dân và khiến ai nấy đều trầm trồ khen ngợi. Hễ đi qua khu vực trung tâm thành phố thì điều đầu tiên mọi người chú ý đến chính là cặp linh vật này. Rất đông người không cưỡng được “sức hút”, phải dừng chân để lưu lại những bức hình đẹp làm kỉ niệm.
Cặp linh vật hổ đặc sắc đặt ở khuôn viên ngoài trời Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam của Thái Nguyên gây sốt suốt thời gian vừa qua
Có dịp đưa gia đình xuống thành phố chơi và tham quan linh vật hổ, anh Đào Quang Huy (huyện Phú Lương) vui vẻ: “Thấy mọi người chụp ảnh trên mạng mình cũng rất tò mò, háo hức muốn trực tiếp tham quan. Tôi thật sự thích 2 chú hổ này và khâm phục người đã làm ra chúng. Chúng đẹp đẽ, oai hùng nhưng cũng hiền lành, duyên dáng mang lại cảm giác một năm mới nhiều khí thế cho người dân”.
Trên mạng internet, độ “hot” của cặp linh vật hổ của Thái Nguyên cũng không kém. Các diễn đàn, fanpage lớn thi nhau đăng hình ảnh các linh vật hổ trong nước lên để so sánh. Mỗi tỉnh đều nhận được những nhận xét đa chiều, khen có, “ném đá” có. Linh vật hổ của Thái Nguyên đặc biệt được chú ý, hầu như chỉ nhận được lời khen ngợi, thán phục. Các Facebooker đưa ra lời nhận xét khá hóm hỉnh: “Hổ Thái Nguyên đích thị là hoa hậu linh vật của năm nay rồi, quá xuất sắc”; “Thế này mới là chuẩn Tiger chứ! Nhìn những tượng hổ một số tỉnh khác thấy hài hước, nhìn hổ Thái Nguyên giống thật nhất, có da, có thịt, oai nghiêm đúng chúa sơn lâm”…
Ngay cả những báo đài ở trung ương cũng đã dành những bài viết để ca ngợi linh vật hổ Thái Nguyên. Như “Tượng linh vật hổ đón xuân Nhâm Dần khiến ai cũng trầm trồ ở Thái Nguyên” của báo Vietnamnet.vn; Tượng linh vật hổ “đẹp nhất Việt Nam” đã xuất hiện ở Thái Nguyên của Tinmoi.vn…
Dần dần cặp linh vật hổ này đã trở thành niềm tự hào, kiêu hãnh của người dân Thái Nguyên.
“Thần tốc”, vượt khó để hoàn thành cặp linh vật
Trở thành một “hiện tượng” như vậy nhưng những thông tin về tác giả của đôi linh vật hổ này thì lại không hề xuất hiện ở bất kì phương tiện nào. Qua dò hỏi, tôi được biết “cha đẻ” của chúng là họa sĩ Trần Xuân Nam (sinh năm 1977, hội viên Chi hội Mỹ thuật Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên). Đặc biệt, liên tiếp 4 năm nay, linh vật đón Tết của người Thái Nguyên đều do anh làm ra. Vì lí do sức khỏe, nên anh sống và làm việc khá khép kín, hạn chế tiếp xúc.
Linh vật chuột dịp Tết Nhâm Tý 2020 của họa sĩ Trần Xuân Nam
Tôi gọi điện để hẹn gặp anh mà trong lòng thầm nghĩ rằng khả năng cao sẽ bị từ chối. Nhưng ngược lại hoàn toàn, sau vài câu chào hỏi, trao đổi, anh đã vui vẻ nhận lời ngay và thu xếp công việc bận rộn để gặp tôi. Về sau anh bảo rằng: “Em chỉ bảo gặp gỡ trò chuyện chứ không nặng nề về phỏng vấn. Chỉ tiếp xúc qua vài câu nói nhưng anh cảm nhận được em chân thành giống như một người bạn. Có lẽ là anh em ta có duyên…”.
Toàn bộ quá trình làm ra cặp linh vật hổ được anh Nam kể lại một cách chi tiết, tỉ mỉ. Chúng được làm khá gấp rút, từ lúc bắt đầu nhận việc đến khi đưa ra phục vụ công chúng vỏn vẹn không đến 10 ngày. Cặp đôi linh vật hổ do Ban Quản lý Dịch vụ công ích đô thị thành phố Thái Nguyên đặt hàng. Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thái Nguyên là đơn vị thi công. Bên đặt hàng yêu cầu hoàn thành trong vòng 15 ngày nhưng bản thân anh Nam tự đặt mục tiêu là phải làm xong trong vòng 7 ngày bởi nếu không may chất lượng chưa tốt, người dân “ném đá” thì còn có thời gian khắc phục.
Việc đầu tiên anh làm là đọc sách, lên mạng tham khảo các tài liệu, các nét văn hóa về hổ với mục tiêu là làm sao để hổ vừa có biểu cảm, vừa có thần thái. Sau đó là nhanh chóng thiết kế 10 bản vẽ khác nhau để bên đặt hàng lựa chọn. Qua chỉnh sửa theo góp ý của bên đặt hàng thì những chú hổ ban đầu từ còn khá dữ dằn đã trở nên hiền lành hơn nhưng không hề mất đi cái uy của chúa sơn lâm.
Giai đoạn thi công gồm nhiều công đoạn, đòi hỏi phải tập trung, tỉ mỉ không được có sai sót ở bất kì khâu đoạn nào, nếu không sẽ sôi hỏng bỏng không hết. Bước đầu là chọn loại xốp tỉ trọng lớn (1 khối tương đương 20kg) tốt nhất để ghép vào thành khối lớn. Sau đó bắt đầu vẽ lên xốp rồi cắt gọt để tạo hình. Khi đã ra hình hài hổ theo bản thiết kế thì đánh nhẵn bề mặt, quét phủ thạch cao, đánh giấy ráp cho nhẵn bề mặt rồi tiến hành sơn là hoàn thiện.
Một mình thực hiện khối lượng việc lớn lại phải làm trong thời gian ngắn và tất cả đều phải làm thủ công như vậy nên anh Nam phải làm ngày làm đêm, vất vả, thậm chí đánh đổi cả sức khỏe. Bệnh vẩy nến cần nhất chế độ ăn ngủ, vận động điều độ. Thời gian này, những vết da, thịt đóng vẩy bị nứt ra khiến đau đớn, khó chịu vô cùng nhưng anh phải cố chịu đựng. Trong suốt thời gian làm anh đều ở một mình tại xưởng, tạm rời xa tổ ấm nhỏ của mình…
Anh Nam chia sẻ: Với người bình thường thì một ngày có 24 giờ nhưng với tôi thì chỉ có 20 giờ vì 4 tiếng kia phải thực hiện liệu pháp trị bệnh. Áp lực lớn nhất là về thời gian, về chất lượng. Trong thời gian này bệnh tình phát tác nhưng bản thân tôi tự nhủ phải cố gắng để kịp hoàn thành phục vụ bà con đón tết và để Thái Nguyên bằng bạn bằng bè. Chỉ đến khi cặp đôi hổ được nằm chễm trệ ở khuôn viên Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, sau đó được nhân dân vui vẻ đón nhận thì tôi mới thực sự thở phào.
Cặp linh vật hổ lập tức trở thành một hiện tượng, hiệu ứng đạt được ngoài cả sự mong đợi, nhưng đối với anh Nam thì: Được như vậy là do lãnh đạo Ban Quản lý Dịch vụ công ích thành phố Thái Nguyên luôn sát sao, quan tâm góp ý, điều chỉnh còn tôi chỉ là người thành công trong chuyển tải. Dù người dân khen ngợi với nhiều lời “có cánh” nhưng quan điểm của tôi thì 2 chú hổ này chỉ ở mức đạt chứ không phải là linh vật hổ đẹp nhất Việt Nam như nhiều người đã khen.
Chàng họa sĩ đa tài, lặng lẽ
Nhìn vẻ bề ngoài của anh Nam có thể sẽ có nhiều người nhận xét anh hơi “bặm trợn” bởi anh hay phải cắt trọc đầu do ảnh hưởng của bệnh. Nhưng nếu tiếp xúc thì sẽ nhận ra anh Nam hiền lành, thân thiện. Không chỉ câu chuyện về linh vật hổ mà cả những câu chuyện về nghề, về đời anh đều chia sẻ cởi mở với tôi.
Gia đình anh Nam vốn quê ở thị xã Phổ Yên chuyển lên thành phố Thái Nguyên sinh sống. Cha anh làm công nhân Nhà máy Giấy Hoàng Văn Thụ. Ngoài giờ, bác còn tranh thủ đi làm trang trí đám cưới, anh Nam thường được đi cùng xem ông cắt ghép những tấm xốp thành những con vật sinh động nên rất thích thú. Ngoài giờ học, anh lại cùng lũ bạn ra cánh đồng ở khu Cầu Bơn lấy đất sét để nặn con lợn, nặn hình người… đam mê mỹ thuật bắt đầu ấp ủ trong anh ngay từ khi ấy.
Theo đuổi đam mê, khi sắp chính thức được hái quả ngọt, thì năm 2000 một điều trớ trêu ập đến. Khi đang theo học Đại học Mỹ thuật Việt Nam, sau một pha stress nặng, anh Nam đã bị mắc bệnh vẩy nến. Da anh bị sưng đỏ lên, đóng thành những lớp vẩy dày ở khắp người và cả trên mặt. Gia đình tìm đủ mọi cách chữa trị nhưng bệnh tình đều không suy giảm. Những biểu hiện oái oăm của bệnh không thoát khỏi sự soi mói, thậm chí những lời cay độc của một số kẻ ác ý xung quanh. Anh mất ăn, mất ngủ, tự giam mình cách ly với xã hội tới một năm. Kể từ đó, anh cũng dần trở nên nhút nhát, mất tự tin, ngại giao tiếp.
Anh tâm sự: “Giai đoạn đó tôi đã bị rơi vào trầm cảm mức độ nhẹ. Được mọi người động viên và tôi tìm đến kinh Phật, ngồi thiền để tĩnh tâm nên đã phần nào vượt qua. Với căn bệnh này, tôi phải tuân theo chế độ ăn ngủ đều đặn nên tôi chuyển sang ăn chay hoàn toàn để đảm bảo sức khỏe”.
Vượt qua tự ti, không chịu khuất phục trước số phận để học xong Đại học rồi được vào làm việc tại trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc. Mỗi ngày được tham gia giảng dạy, truyền lửa cho các em học sinh, sinh viên là niềm khích lệ lớn giúp anh cải thiện tinh thần. Năm 2008, anh đã lập gia đình và lần lượt có những đứa con đáng yêu.
Năm 2016, anh Nam ngừng công tác tại Trường để mở xưởng sản xuất riêng. Lí do chính là anh thích tự do, muốn tiếp tục theo đuổi đam mê mỹ thuật, nhất là mảng điêu khắc. Địa điểm đặt xưởng anh đều chọn những nơi yên tĩnh. Đã từng có giai đoạn nó nằm biệt lập trên một quả đồi. Hiện giờ, xưởng anh đang nằm ở khu vực vắng dân cư cạnh Ga Quan Triều.
Họa sĩ Trần Xuân Nam làm việc tại xưởng của mình
Dù mang trong mình bệnh tật nhưng quả thực anh Nam làm tôi khâm phục vì nghị lực cũng như sự đa tài. Cả khu xưởng rộng hơn 100m2 chủ yếu do anh tự dựng lên trên mảnh đất của gia đình. Các máy móc trong xưởng đều do anh tự chế tạo ra. Khi rảnh, anh Nam ngồi thiền để tĩnh tâm sau đó chơi nhạc, luyện võ, chế xe máy, xe đạp… Anh theo học võ thiếu lâm từ nhỏ. Ngày hôm đó tôi đã được anh biểu diễn cho xem múa côn, mỗi động tác của anh đều dứt khoát, điêu luyện không thua kém gì các võ sư chuyên nghiệp.
Mỗi lần làm việc hoặc sáng tác anh thường nghe kinh Phật để lấy nguồn cảm hứng cũng như không gian tĩnh lặng. “Có người dùng nhạc nhẹ, rượu, thậm chí thuốc kích thích để tìm nguồn cảm hứng, còn tôi, tôi hướng kinh Phật. Tôi sống thiên về tinh thần chứ không coi nặng vật chất. Nếu được hợp tác làm gì, giúp được ai thì cứ làm hết mình, hết sức có thể và tôi coi đó là cái duyên” - anh Nam cho biết.
Sống và làm việc khép kín như vậy nhưng những sản phẩm mà anh Nam làm ra, hoặc mang dấu ấn của anh lại rất nhiều, dù không nhiều người biết. Có thể kể đến những sản phẩm điêu khắc, hình khối tại Nhà hát Ca múa nhạc Dân gian Việt Bắc và vô số trang trí điêu khắc, tượng đồng ở các nơi như đầu cầu Gia Bảy, các cơ quan công sở, trường học, trung tâm thương mại, quán cà phê…
Đến thời điểm hiện tại, cặp linh vật hổ đã hoàn thành sứ mệnh của nó trong dịp phục vụ Tết Nhâm Dần. Trải qua mưa gió chúng cũng đã bị hư hại phần nào nên đã được Ban quản lý dịch vụ công ích đô thị thành phố Thái Nguyên mang về để tu sửa lại. Rất có thể rồi chúng sẽ lại xuất hiện ở một địa điểm nào đó phục vụ nhân dân, du khách. Dù thế nào chăng nữa thì chúng vẫn luôn là niềm tự hào của người dân Thái Nguyên.
Chúc cho cha đẻ của chúng - họa sĩ Trần Xuân Nam sẽ luôn khỏe mạnh, vượt qua bệnh tật để tiếp tục cho ra đời những tác phẩm đặc sắc tô đẹp thêm cho đời.
Anh Thắng - Tuyết Nhung
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...