Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
02:33 (GMT +7)

Gà con kể chuyện “pây tái” – Truyện ngắn. Hoàng Thị Hiền

VNTN - Mùng hai Tết năm nào họ nhà gà chúng tớ cũng đều cắt cử quân “pây tái”. Người miền xuôi có câu: “Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy”. Tớ ở Cao Bằng. Vùng đất này, mỗi dịp cuối năm, con cháu đi làm ăn, học hành xa sẽ trở về quê hương đoàn tụ cùng gia đình cho đến hết tháng Giêng. “Pây tái” có nghĩa là: Về thăm ông bà ngoại - một truyền thống tốt đẹp thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn được người Tày nơi đây gìn giữ đến tận ngày nay.

Tớ mới ba tháng tuổi, lông cánh ngắn tủn, mình trụi lông lốc, thuộc dòng lai giữa mẹ gà ri và bố gà chọi nên trông khá ngộ. Dĩ nhiên, tớ không được tuyển vào ngồi lồng nan đem đi “pây tái”. Nghe bác mái mơ kể lại thì lúc tớ chưa ra đời, khoảng mấy tháng đầu năm con khỉ vừa rồi, bác nhảy ổ được năm chú gà con rất đẹp mã. Hai chị em cô chủ nhỏ có cái tên dễ thương: cô Tép, cậu Tôm (bà chủ gọi họ ở nhà như vậy), xin phép người lớn nuôi năm chú gà con để làm kế hoạch nhỏ. Khi nào đủ kí xuất chuồng thì nhờ mẹ bán lấy tiền vỗ béo lợn đất. Kế hoạch nhỏ khá thú vị, người quê tớ gọi là nuôi “cáy tích”. Hai chị em cô chủ đem gà con thả vào lồng bé, đem theo mỗi lúc thả trâu ngoài đồng. Ở đồng, món ăn khoái khẩu của gà như châu chấu, cào cào, dế mèn,... rất sẵn, thi thoảng còn được quả ngô kẹ mót ở bờ bãi bên sông Bằng. Các chú gà, diều lúc nào cũng no mòng. Khi bộ lông phủ kín cơ thể, bộ ức oai vệ đường hoàng ưỡn ra theo mỗi bước đi và cặp cựa nhu nhú đủ để làm dáng ghẹo tán mấy chị mái tơ thì ông chủ gật gù khen:

- Năm con gà này chân vàng, màu lông óng ả, khỏe mạnh, sáng sủa, đến Tết Nguyên đán làm quà biếu ông bà ngoại được, Tôm, Tép ạ.

Cậu Tôm nói như ông cụ:

- Chỉ biếu hai con thôi bố nhờ. Năm ngoái cũng thế còn gì?

Ông chủ xoa xoa hai tay với nhau, ngắm nghía lại một lượt nữa và bảo:

- Cuối năm, mẹ cái Tép cho hai đứa xuống chợ Xanh dưới thành phố mua sắm quần áo, còn ngày mai đem năm con “cáy tích” ra chợ phiên nhờ thợ thiến nhé!

Cô Tép khóc tu tu:

- Nó bị mổ bụng sẽ chết mất!

Ông chủ cười xòa, ôm con gái vào lòng dỗ dành:

-Nó không chết đâu con. Bàn tay ông thợ khéo lắm. Một mảnh dao tem, cái kim, sợi chỉ, năm phút là xong thôi.

Các anh gà từ chợ về thì lành hẳn tính. Vết thương dưới cánh liền rất nhanh. Có thể vì ít chạy nhảy, bớt tương tư đêm ngày mà các anh to béo, nhảy cân vùn vụt. Mào không ngẩng cao ngạo nghễ như bác gà trống nữa. Tiếng gáy tậm tọe cũng tậm tịt đâu mất tăm. Các chú được thả ra vườn đồi rộng rãi. Tớ cũng có những ngày tự do lang thang dưới chùm hoa mận tam trắng muốt, ngắm tia nắng mặt trời làm giật mình cánh bướm đang ngủ mơ trên bông dã quỳ vàng ruộm ở bờ rào. Trời có rét dưới mười độ, tớ cũng có cơ hội xoãi chân tắm nắng ban trưa. Mắt gà thả chạy đồi tinh anh lắm. Nhác thấy diều hâu bèn tìm gốc na rậm lá, tảng đá xù xì để tránh móng vuốt. Mẹ tớ bảo gà nhìn bóng sưởi lâu ngày có đôi mắt lờ đà lờ đờ, thiếu chất xơ thì hay dùng mỏ xỉa cánh nhau, xù hết mã. Bố mẹ tớ cũng không bị nhốt trong chuồng kín ám nồng nặc mùi cám tăng trọng như ở dưới trang trại đâu. Vì thế mà tớ rất thích đi với các anh gà thiến. Họ hay nhường nhịn những con giun ngon lành. Ông chủ có lần đã phán cho tớ rằng: “Sau này, mày chỉ để bán thôi”. Tớ không để dành “pây tái” vì chân tớ giống bố, cao kều và đen trũi. Bố tớ có bộ đồ cộc khỏe khoắn khoe cơ bắp đỏ au.

 Bà hàng xóm béo ục ịch đã đan hộ chiếc lồng gà. Từng thanh lạt tre đan khéo léo những hình mắt cáo đủ rộng cho hai anh gà thiến chui vào ngồi. Ông chủ tớ vừa sắm xe tay ga. Quả này lướt đường nhựa cứ gọi là êm ru. Cậu Tôm khoái Tết, cứ lôi quần áo mới ra ngắm. Bà chủ chải đầu, tết bím tóc cho cô Tép, thủ thỉ:

- Con biết không? Người Tày mình rất coi trọng lễ hiếu. Ông bà ngoại luôn dành tình cảm tốt đẹp nhất cho bố mẹ và các con. Gia đình mình sau một năm lao động chăm chỉ, cấy hái được mùa, chăn nuôi gặp vận. Đôi gà thiến nuôi trong vườn, cặp bánh chưng làm từ gạo Nàng thơm, hoa quả cây nhà lá vườn, bánh khảo quyện hương mật mía… đều là sản phẩm chúng ta làm ra. Mùng hai, cả nhà về thăm ngoại là để ghi nhớ công ơn sinh thành, dạy bảo của ông bà, dâng lễ lên ban thờ cầu mong tổ tiên phù hộ cho một năm mới bình an, làm ăn thuận lợi, ông bà luôn mạnh khỏe, sống lâu cùng con cháu.

Tớ chẳng biết cô Tép có hiểu được hết lời mẹ hay không nhưng nhìn cô rất vui, vẻ mong ngóng đến ngày được về thăm ông bà ngoại lắm rồi.

Mùng hai đến. Tớ đứng dưới gốc cây đào bích ở góc sân. Hoa bung nở rợp trời, mưa xuân bay lất phất. Trên con đường làng, người người, nhà nhà, gà gà cùng nhau về ngoại như trẩy hội. Ông chủ nhà tớ hôm nay diện bộ com-lê mới coóng, giày da bóng lộn, bế cậu Tôm ngồi lên xe. Cô Tép diện váy lộng lẫy như công chúa, xách giỏ quà. Vinh dự nhất là hai anh gà thiến, vắt vẻo đằng đuôi xe bà chủ. Bà nổ máy, đem theo niềm xúc động trong ánh mắt khi được về quê. Hai anh gà thiến vẫy đuôi chào tớ. Tớ chào tạm biệt họ và trèo lên cành mận đã kéo quả non kể chuyện này cho các bạn nghe.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự đêm giao thừa

Văn học 1 năm trước

Chợ

Văn học 2 năm trước

Tháng Tám mùa thu

Văn học 3 năm trước

Dưới tán côm xanh

Văn học 7 năm trước