Thứ bảy, ngày 27 tháng 04 năm 2024
15:44 (GMT +7)

Đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm văn hóa, thể thao của vùng

VNTN - Những năm qua, toàn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thu được những kết quả quan trọng, tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số hạn chế, trong đó có sự hạn chế về các thiết chế văn hóa. Đề án Phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2035 vừa được HĐND tỉnh khóa XIV thông qua tại kỳ họp Kỳ họp thứ hai là một giải pháp thiết thực để giải quyết hạn chế đó, nhằm đưa Thái Nguyên xứng với vị thế trung tâm Vùng.


Các thiết chế văn hóa vẫn ở mức “khiêm tốn”

Các thiết chế văn hóa là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, thể thao cộng đồng, đáp ứng nhu cầu của nhân dân về hưởng thụ và sáng tạo văn hóa, đồng thời bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương; qua đó tuyên truyền phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; giải trí, tập luyện nâng cao thành tích, sức khỏe thể chất và tinh thần của người dân…

Hiện nay, tiến độ xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao trên toàn tỉnh còn chậm và chưa đồng bộ, nhất là các thiết chế văn hóa thể thao cấp tỉnh dù đã được quan tâm xây dựng và cải tạo, tuy nhiên lại thực hiện trên những cơ sở cũ nên chưa đáp ứng yêu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân và chưa đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Đối với thiết chế văn hóa, hiện nay ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đang quản lý 07 thiết chế: Bảo tàng tỉnh; Thư viện tỉnh; Trung tâm phát hành phim và Chiếu bóng; Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật; Trung tâm Thể dục Thể thao; Trung tâm Dịch vụ và Thi đấu Thể thao; Trường Phổ thông Năng khiếu Thể dục Thể thao (thiếu 03 thiết chế là Nhà hát, Trung tâm thông tin - Triển lãm và Khu Liên hợp thể thao).

Thư viện tỉnh có trụ sở tại số 29, đường Bến Tượng, phường Trưng Vương, TP. Thái Nguyên. Trong những năm vừa qua, Thư viện đã tập trung hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ công tác, hoàn thành và vượt chỉ tiêu kế hoạch… Mỗi năm cấp được khoảng 700 thẻ bạn đọc mới, phục vụ hơn 28.000 lượt bạn đọc. Có điều, hiện nay Thư viện vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về cơ sở vật chất.

Ông Phạm Minh Tuấn, Phó Giám đốc Thư viện cho biết: Trụ sở của Thư viện tỉnh kế thừa lại tòa nhà của Cục Thuế tỉnh trước đây nên công năng chưa thật sự phù hợp cho hoạt động thư viện và cơ bản đã xuống cấp nhiều. Từ phòng làm việc đến phòng đọc đều đã bị bong tróc, ẩm mốc. Hệ thống phòng chuyên môn, nghiệp vụ, kho bảo quản đến trang thiết bị khác đều thiếu và yếu như thiếu phương tiện, máy móc, tủ, giá sách, tài liệu, đặc biệt là tài liệu về đất và người Thái Nguyên. Chính vì vậy, việc ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào lưu trữ và phục vụ bạn đọc còn hạn chế.

Cùng nằm trong khuôn viên của Thư viện tỉnh là Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên. Bảo tàng hiện có 02 trụ sở làm việc là: Bảo tàng tỉnh tại 29b đường Bến Tượng, phường Trưng Vương, TP. Thái Nguyên và Không gian Văn hóa Trà Tân Cương (xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên). Nhiều năm qua, đơn vị đã thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ được giao, song vẫn gặp không ít khó khăn. Theo bà Lương Thị Duyên, Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng cho biết: Khu nhà hành chính và phục vụ hoạt động chuyên môn của Bảo tàng chưa có (nên phải mượn, dùng chung với Thư viện tỉnh). Trụ sở làm việc của Bảo tàng đã xuống cấp nghiêm trọng, phải tận dụng các phòng làm việc để cải tạo thành kho hiện vật và phòng trưng bày. Các trang thiết bị để phục vụ công tác bảo quản, trưng bày còn thiếu nên thời gian qua Bảo tàng còn hạn chế trong việc đáp ứng như cầu tham quan, tìm hiểu của nhân dân.

Kho chứa tài liệu hiện vật của Bảo tàng được cải tạo lại từ phòng làm việc nên diện tích nhỏ hẹp và thiếu các điều kiện bảo quản.

Đối với một thiết chế văn hóa tiêu biểu của tỉnh là Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh thì cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn dẫn đến hoạt động còn bị hạn chế. Ông Hoàng Minh Tuân, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh cho biết: Đối với cơ sở 1 (Trung tâm Văn hóa cũ): các phòng tập phục vụ cho tập luyện chuyên môn không phù hợp với thực tế. Hệ thống âm thanh, ánh sáng, các phương tiện nghe nhìn không đồng bộ, các thiết bị do sử dụng lâu năm nên chất lượng xuống cấp, không đảm bảo khi diễn ra các sự kiện lớn. Phương tiện vận tải (xe chuyên dùng cho các hoạt động tuyên truyền lưu động, văn hóa cơ sở) không có nên toàn bộ các hoạt động đều phải thuê xe.

Cơ sở 2 (trụ sở Đoàn Nghệ thuật tỉnh trước kia) hiện có 02 dãy nhà làm việc và làm kho, tuy nhiên 01 dãy nhà cấp 4 đã xuống cấp trầm trọng do thời gian sử dụng đã lâu (Đoàn Nghệ thuật tiếp quản từ Sở Tài chính năm 1994). Dãy nhà còn lại đang hoạt động từ năm 2015, Hội trường tập của đơn vị đã được nâng cấp sửa chữa 2 lần nhưng do kinh phí hạn hẹp nên đều sửa chữa nhỏ không nâng cấp được nhiều, đặc biệt là phần sân khấu chưa đáp ứng đúng theo tiêu chuẩn của một sân khấu biểu diễn. Các phòng tập luyện chuyên môn khác như phòng tập nhạc, phòng thu âm, phòng tập ca, phòng tập diễn viên chèo đơn vị đều phải tận dụng các phòng làm việc hành chính để cho chuyên môn có chỗ tập luyện vì vậy chưa đảm bảo tính chuyên nghiệp. Là một đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp nhưng hiện tại dàn nhạc của đơn vị không đủ để hoạt động do không có biên chế tuyển dụng các nhạc công có chuyên môn tốt. Trong khi đó để một dàn nhạc chuyên nghiệp hoạt động ít nhất phải  có 07 người, nhưng hiện tại dàn nhạc của bộ phận múa chỉ có 04 người…

Đối với thiết chế văn hóa cấp huyện, hiện nay cả tỉnh đã có 9/9 huyện, thành phố, thị xã thành lập được Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông. Về cơ bản các Trung tâm này đều đã tổ chức được bộ máy và cán bộ tương đối đầy đủ, đáp ứng được yêu cầu tuy nhiên, cơ sở vật chất, trang thiết bị vẫn còn thiếu. Mặc dù TP. Sông Công, huyện Võ Nhai và Định Hóa có đầy đủ các thiết chế theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tuy nhiên chỉ có TP. Sông Công là có các thiết chế hiện đại, đảm bảo nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tập luyện và thi đấu thể thao của người dân. Huyện Định Hóa tuy mới được đầu tư vào sử dụng sân vận động tương đối hiện đại (năm 2020) nhưng các thiết chế còn lại do đã xây dựng từ lâu nên đều đã xuống cấp. Nhất là Nhà thiếu nhi trước khi sáp nhập với Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông đã xuống cấp nghiêm trọng. Các thiết chế văn hóa, thể thao của các huyện còn lại cơ bản cũng được đầu tư xây dựng nhưng chưa hoàn chỉnh do vậy chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của nhân dân, dẫn đến hiệu quả hoạt động chưa được rõ nét.

Quy mô, kiến trúc và chất lượng nhà văn hóa ở một số thôn, xóm, tổ dân phố còn nhiều hạn chế, trang thiết bị còn thiếu. Trong ảnh: Nhà văn hóa xóm Đồng Lá xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa.

Toàn tỉnh Thái Nguyên có 178 xã, phường, thị trấn. Mỗi xã, phường, thị trấn có 01 công chức văn hóa. Hiện tại, có 108 xã, phường, thị trấn có Trung tâm VHTT đạt chuẩn (theo tiêu chuẩn Nông thôn mới) và 70 xã phường, thị trấn chưa có Trung tâm VHTT đạt chuẩn (Hội trường/ Trung tâm học tập cộng đồng). Theo đánh giá chung, các Trung tâm VHTT xã trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được thành lập, có cơ sở vật chất trang thiết bị tương đối đầy đủ, tuy nhiên tổ chức bộ máy chưa có. Điều này dẫn tới các hoạt động thuộc chức năng nhiệm vụ như tuyên truyền cổ động, văn nghệ quần chúng, thể dục thể thao chưa thường xuyên và đạt được hiệu quả cao.

Đối với thiết chế văn hóa, thể thao thôn xóm, tổ dân phố thì trước khi sáp nhập toàn tỉnh có 3.036 xóm tổ dân phố. Sau khi sáp nhập toàn tỉnh còn lại 2.335 xóm, tổ dân phố. Hiện nay, trên toàn tỉnh có 2.240 thôn có nhà văn hóa. Trên thực tế tổng số nhà văn hóa thôn của tỉnh là 2.647 (số lượng Nhà văn hóa lớn hơn tổng số thôn, xóm, tổ dân phố do các đơn vị này sáp nhập với nhau). Trong đó 1.478 nhà văn hóa đạt tiêu chuẩn về diện tích sử dụng theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; 762 nhà văn hóa chưa đạt tiêu chuẩn… Các nhà văn hóa, khu thể thao thôn hiện có trên địa bàn tỉnh chủ yếu được xây dựng từ nguồn kinh phí xây dựng nông thôn mới, ngân sách địa phương và nhân dân đóng góp. Hầu hết các nhà văn hóa, khu thể thao thôn đã có đất sử dụng nhưng chưa đủ theo quy định… Quy mô, kiến trúc và chất lượng nhà văn hóa ở một số thôn, xóm, tổ dân phố còn nhiều hạn chế, trang thiết bị còn thiếu nên chưa đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao của nhân dân.

Xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao phát triển và đồng bộ

 Để khắc phục một số hạn chế trong việc phát triển, sử dụng các thiết chế văn hóa ở tỉnh, tại kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh khóa XIV vừa qua đã thông qua Đề án Phát triển triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2035 (gọi tắt là Đề án).

Đề án đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025 hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến thôn, xóm, tổ dân phố được phát triển đồng bộ; đến năm 2035 hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở phát triển đạt các tiêu chí của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đồng thời Đề án cũng xây dựng đầy đủ các nội dung về quy hoạch sử dụng đất; xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật; quy hoạch phát triển nguồn nhân lực.

Mục tiêu cụ thể: Giai đoạn 2021 - 2025: Phấn đấu 50 - 60% thiết chế văn hóa cấp tỉnh đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, gồm: Sửa chữa, nâng cấp Trung tâm Dịch vụ và Thi đấu thể thao đạt chuẩn; xây dựng mới thư viện, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng, Trường Phổ thông Năng khiếu Thể dục thể thao, Trung tâm Thể dục thể thao và hạng mục dự án xây dựng cơ sở vật chất, huấn luyện và thi đấu môn đua thuyền; 02 sân golf (nguồn vốn doanh nghiệp); Khu Liên hợp thể thao... Đối với cấp huyện, phấn đấu 70 - 80% trở lên có Trung tâm Văn hóa Thể thao và Truyền thông đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, gồm: Sửa chữa, nâng cấp hoặc xây mới các Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông của các địa phương. Đối với cấp xã, phấn đấu từ 80 - 90% Trung tâm Văn hóa - Thể thao đạt chuẩn của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch, gồm: Cải tạo, sửa chữa 18 Trung tâm Văn hóa - Thể thao; xây mới 52 Trung tâm Văn hóa Thể thao. Ở thôn, xóm, tổ dân phố: Cải tạo, sửa chữa 257 Nhà văn hóa - Khu thể thao; xây mới 600 Nhà văn hóa - Khu thể thao...

 

Việc phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao của tỉnh theo Đề án sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển không chỉ của riêng lĩnh vực văn hóa mà ở cả các lĩnh vực khác. Góp phần quan trọng đưa Thái Nguyên khẳng định vị thế trung tâm Vùng.

(Bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh).

Một điểm nhấn của Đề án là tỉnh ta sẽ có một Khu Liên hợp thể thao hiện đại, bao gồm nhiều hạng mục đáng chú ý như: Sân vận động trung tâm được xây dựng mới với công năng lên tới 22.000 chỗ ngồi; khu luyện tập và thi đấu bộ môn đua thuyền ở Hồ Núi Cốc vừa để phát triển bộ môn thể thao mũi nhọn và góp phần kích thích tiềm năng du lịch của tỉnh; Nhà thi đấu dưới nước, khu tập Golf; Khu nhà ở cho Vận động viên rộng 50.000 m2; khách sạn thể thao rộng 17.660 m2…

Bộ máy, đội ngũ cán bộ hoạt động tại các thiết chế văn hóa cũng sẽ được quan tâm, bồi dưỡng, nâng cao trình độ. Cụ thể: cấp tỉnh, 80% số cán bộ quản lý và nghiệp vụ đạt trình độ đại học, cao đẳng trở lên về chuyên môn nghiệp vụ; cấp huyện 90% đạt trình độ đại học trở lên; cấp xã 80% công chức đạt trình độ đại học; ở cấp thôn 100% cán bộ kiêm nhiệm phụ trách nhà văn hóa - khu thể thao được tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ.

Tổng kinh phí thực hiện Đề án là trên 5.022 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách địa phương là 3.328,72 tỷ đồng; vốn ngân sách Trung ương là 957,38 tỷ đồng; nguồn xã hội hóa và các nguồn hợp pháp khác là 736,8 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết: Việc phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao của tỉnh theo Đề án sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển không chỉ của riêng lĩnh vực văn hóa mà ở cả các lĩnh vực khác.  Ngay từ lúc này, Sở đã khẩn trương xây dựng các chương trình, dự án triển khai để cụ thể hóa việc thực hiện nội dung, chỉ tiêu của Đề án. Đồng thời phối hợp với các ngành liên quan, hướng dẫn cơ sở để triển khai Đề án có hiệu quả. Sở cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án để có thể đề xuất, điều chỉnh, bổ sung mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp, giải quyết khó khăn vướng mắc trong thực hiện.

Với việc triển khai thực hiện Đề án một cách khoa học, nghiêm túc thì nhất định các thiết chế văn hóa thể thao của tỉnh ta sẽ được phát triển một cách đồng bộ theo hướng hiện đại; đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo các giá trị văn hóa, luyện tập thể dục, thể thao và vui chơi giải trí của nhân dân. Đồng thời, giúp Thái Nguyên khẳng định được vị thế trung tâm Vùng Trung du, miền núi phía Bắc.

Phú Thái

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy