Dự báo vấn đề xây dựng Đảng trong Di chúc của Bác Hồ
VNTN - Di chúc của Bác Hồ được viết từ tháng 5/1965 đến tháng 5/1969. Đó là những năm cuối thế kỷ XX, đến nay đã gần 50 năm, thế giới đã thay đổi ghê gớm. Thời gian trôi đi, cuộc sống trôi đi. Những biến động dữ dội của thế giới và những bước đi của cách mạng Việt Nam thời gian qua (có rất nhiều thành công, thắng lợi nhưng cũng gặp phải vô vàn khó khăn, thất bại nữa) càng cho thấy giá trị to lớn của bản Di chúc của Bác.
Không ai ngờ được chỉ một thời khắc ngắn ngủi năm 1989 - 1990 cả hệ thống xã hội chủ nghĩa ở châu Âu bị sụp đổ. Chúng ta cũng không ngờ là sau chiến thắng lừng lẫy mùa xuân 1975, đánh bại hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược, đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, dân tộc ta lại phải tiếp tục đương đầu với chiến tranh phía Tây Nam và phía Bắc. Nghiêm trọng hơn là đất nước chìm ngập trong nghèo đói và bị cô lập. Và đến nay, là những vấn đề về biển, đảo chưa được giải quyết triệt để, kinh tế khó khăn, môi trường sống bị ô nhiễm, văn hóa xuống cấp... Thật khó tưởng tượng nổi, trong cơn bĩ cực của khủng hoảng ấy, Đảng ta lại trụ vững, xốc tới lãnh đạo nhân dân cả nước vượt qua khó khăn một cách ngoạn mục, bắt đầu từ đường lối Đổi mới và Mở cửa từ Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) và đang ngày càng vững bước đi lên. Tất cả có liên quan đến dự báo về vấn đề Trước hết nói về Đảng mà Bác đã viết trong Di chúc.
* *
Lúc chuẩn bị về Trời, tâm lí thường thấy của con người được thể hiện qua di chúc là nghĩ và viết về quá khứ, về cuộc đời đã trải qua với những sự việc (có thể là lớn hay nhỏ), đặc biệt là sự việc quan trọng nhất của đời mình đang xảy ra ở thời điểm viết di chúc. Như chúng ta đã biết, cuộc đời Bác, tất cả là chiến đấu hi sinh cho Tố quốc, tất cả vì độc lập tự do của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân. Bất chấp mọi hi sinh gian khổ, mọi tù đày, chém giết của thực dân đế quốc, Bác đã vượt qua, kể cả những khó khăn gian khổ không phải do kẻ địch gây ra. Bác đã âm thầm chịu đựng và vượt qua, chiến thắng tất cả. Nhưng, một trong những việc quan trọng nhất của cuộc đời và sự nghiệp của Người là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước - lại chưa hoàn thành, đang ở giai đoạn quyết liệt, gay go nhất trước khi bước vào giai đoạn quyết định để giành thắng lợi hoàn toàn và cũng là hoàn tất sự nghiệp vẻ vang của một đời người, của Bác.
Ấy vậy mà với Di chúc của mình, ngược lại với lẽ thường, Bác chỉ nói đến tương lai và dành phần lớn nhất của Di chúc cho vấn đề của Đảng. Phần Bác quan tâm nhất của Di chúc là "Trước hết nói về Đảng", ngoài những dự báo tài tình về tình hình có thể xẩy ra trong Đảng (mất đoàn kết, thiếu dân chủ, tham ô, lãng phí, vi phạm pháp luật, hống hách, cường hào và căn bệnh kiêu ngạo cộng sản mà Lênin đã cảnh báo...) là những di huấn của Người về xây dựng Đảng. Bác đã nhắc lại vấn đề này 2 lần (ở Bản A và Bản C(*)), cho thấy vấn đề của Đảng quan trọng đến nhường nào.
Lần thứ nhất, ở bản A, Bác viết: "Trước hết nói về Đảng (Bác gạch chân mấy chữ này) - Nhờ đoàn kết chặt chẽ một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc (Bác viết thêm 4 chữ này) cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Đoàn kết (Bác gạch chân 2 chữ này) là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.
Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình (Bác gạch chân 5 chữ này) là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình thương yêu lẫn nhau (Bác gạch chân 7 chữ này).
Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng (Bác gạch chân 4 chữ này) thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo và người đầy tớ thật trung thành của nhân dân".
Đây là phần viết nhiều nhất, dài nhất trong Di chúc. Ngay cả về việc riêng Bác cũng chỉ viết có 79 chữ (đúng với 79 năm của cuộc đời Bác).
Cả đoạn này có thể hiểu những vấn đề của Đảng là:
1/ Nhờ đoàn kết chặt chẽ, phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc mà Đảng giành được thắng lợi và có vị trí trong đời sống xã hội.
2/ Đảng phải giữ truyền thống đó từ Trung ương đến địa phương.
3/ Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi.
4/ Phê bình và tự phê bình là cách tốt nhất (không phải là duy nhất, nghĩa là còn có những cách khác).
5/ Phải có tình đồng chí. Thương yêu lẫn nhau.
6/ Đảng ta là một đảng cầm quyền (chứ không chỉ là lãnh đạo nên Đảng phải tuân theo Hiến pháp và pháp luật).
7/ Vì vậy mỗi đảng viên và lãnh đạo phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, phải thật sự cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư (nghĩa là không được xa hoa, lãng phí, tham nhũng, vơ vét về mình).
8/ Và văn hóa của Đảng, là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân (Lãnh đạo thì phải gương mẫu. Đầy tớ thì phải kính trọng ông chủ là nhân dân. Đầy tớ thì phải trung thành, Bác nhấn mạnh hơn là thật trung thành).
Như vậy, có thể nói rằng ngay từ lúc ấy (1965 - 1969) khi Bác viết Di chúc, lúc Việt Nam đang là "lương tâm của thời đại" do Đảng lãnh đạo, cả loài người ngưỡng mộ và thán phục cách mạng Việt Nam. Ngay lúc đó, Bác đã nhìn thấy những khuyết điểm và mầm mống: mất đoàn kết, thiếu dân chủ, thiếu văn hóa lãnh đạo, cá nhân, ích kỷ… của một số đảng viên, sẽ làm mất uy tín và vai trò của Đảng ta.
Nếu không có những hiện tượng và mầm mống ấy thì chắc Bác không dự báo và phải căn dặn như trong Di chúc. Đó chính là một dự báo tài tình của Bác mà hiện nay Đảng ta phải đối mặt và đang ra sức chống đỡ bằng Phong trào Học tập và làm theo tấm gương đạo đức và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Lần thứ 2, ở bản C, Bác nhắc lại, bổ sung và nhấn mạnh: "Theo tôi, việc cần làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng". Chỉnh đốn lại Đảng là cần thiết, nhưng ở cấp độ cấp bách và phải ưu tiên hơn, là việc cần làm trước tiên.
Như vậy, cùng với vấn đề xây dựng Đảng, Bác quan tâm là phải chỉnh đốn lại Đảng.
Theo Từ điển Tiếng Việt (Nxb.KHXH.H.1988,tr.179), chỉnh đốn: là sửa sang, sắp đặt lại cho đúng phép tắc, cho có nề nếp. Chỉnh đốn hàng ngũ, chỉnh đốn cách làm việc.
Chúng ta biết, đến thời điểm Bác viết Di chúc (1965 - 1969), Đảng Lao động Việt Nam lúc đó đã có lịch sử gần 40 năm. Qua lịch sử hoạt động, lãnh đạo Cách mạng của mình, để đáp ứng với thực tiễn cách mạng và yêu cầu của lịch sử, qua nhiều thời kỳ, Đảng ta đã phải nhiều lần chỉnh đốn qua các đợt học tập chính trị và tư tưởng, các đợt chỉnh huấn trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và học tập đạo đức, tác phong và tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay. Trong đó có việc đổi tên Đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam do Bác thành lập ngày 6/1/1930, đến tháng 10/1930 đã được đổi tên là Đảng Cộng sản Đông Dương (do Trần Phú làm Tổng Bí thư). Ngày 11/11/1945 Đảng tuyên bố tự giải tán, rút lui vào hoạt động bí mật (chỉ để một bộ phận hoạt động công khai là Hội nghiên cứu Chủ nghĩa Marx). Năm 1951, Đảng khôi phục lại và lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam. Sau ngày thống nhất đất nước, năm 1976 Đảng lấy lại tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Qua các thời kỳ chỉnh đốn, nhiều chủ trương đường lối, văn kiện Đại hội và Điều lệ của Đảng cũng thay đổi cho phù hợp (xem bảng).
Trong kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc những năm 60, đặc biệt là trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhất là ở miền Nam (1954 - 1975), Đảng ta đã phải hoạt động trong khó khăn và phức tạp. Nhưng Di chúc của Bác đã dự báo: "Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta, Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam, Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà".
“Còn non, còn nước, còn người,
Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng gấp mười ngày nay.”
Thực tế lịch sử đã diễn ra đúng như dự báo của Bác. Mỹ đã cút, ngụy đã nhào. Bắc - Nam thống nhất, và Bác đã nhìn thấy trước những thay đổi căn bản của cách mạng và tương lai của đất nước Việt Nam là Hòa bình, Thống nhất, Độc lập, Dân chủ và Giàu mạnh.
Trong tình hình và điều kiện mới của đất nước hòa bình, để đáp ứng với nhiệm vụ mà Đảng phải gánh vác: Lãnh đạo và cầm quyền trong giai đoạn mới mà "cần phải chỉnh đốn lại Đảng". Tức là phải sửa sang, sắp xếp lại cho đúng phép tắc, cho đúng nề nếp. Thực tế Đảng ta đã làm theo như lời Bác Hồ căn dặn. Đại hội lần thứ IV (1976) của Đảng đã đổi tên Đảng Lao động Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội, Điều lệ Đảng được bổ sung thêm nhiều vấn đề quan trọng. Ví dụ như Điều lệ Đảng quy định tiêu chuẩn của Đảng viên mở rộng hơn trước. Văn kiện Đại hội Đảng, phần viết về đường lối hoạt động kinh tế nhất mạnh: Kinh tế nhà nước từ vị trí chủ đạo trở thành một thành phần bình đẳng với các thành phần kinh tế khác trong xã hội. Việc tổ chức Đại hội, đại biểu, đề cử và ứng cử cũng linh hoạt (nhất là Đại hội Đảng lần thứ XII - 2016 mới đây).
Trong Di chúc¸ Bác viết ở bản A "Ai đoán biết tôi sẽ sống và phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng mấy năm, mấy tháng nữa". Bác lại nhắc lại ở (Bản B) "nhưng ai đoán biết được tôi sẽ sống và phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng mấy tháng, mấy năm nữa". Cũng ở bản B lần nữa Bác nhắc lại: "Suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng phục vụ nhân dân". Ở bản cuối cùng (bản D) Bác khẳng định lại: "Nhưng ai mà đoán biết tôi còn phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân được bao lâu nữa". Như vậy Bác đã khẳng định: Cuộc đời của Bác là phục vụ Cách mạng, phục vụ Tổ quốc và phục vụ Nhân dân. Với cương vị là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và cũng là người tổ chức, lãnh đạo Đảng nhưng trong Di chúc ta không thấy Bác nói đến Bác phục vụ Đảng. Bác coi sự nghiệp của Đảng tất cả là phục vụ Nhân dân chứ không phải vì lợi ích của Đảng. Đảng là của Dân, Đảng không có lợi ích nào khác của riêng mình. Chính vì vậy, khi nói về Đảng, trước khi dự báo những vấn đề khó khăn mà Đảng ta sẽ gặp phải sau kháng chiến chống Mỹ, Bác đã đánh giá cao những đóng góp của Đảng và nguyên nhân để Đảng giành được những thắng lợi, đó là: Đảng "một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc cho nên...". Ta thấy rõ vai trò và trách nhiệm của Đảng. Trước hết là phục vụ giai cấp, bởi đảng nào cũng vậy, (dù là đảng Cộng hòa hay đảng Dân chủ của Mỹ) cũng là chính đảng của một giai cấp, một bộ phận của một giai cấp nhất định. Cho nên tôn chỉ và mục đích trước hết của bất cứ đảng nào là phục vụ giai cấp sinh ra nó. Nhưng giai cấp nào thì cũng là từ nhân dân, của nhân dân. Đảng ta là đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cơ sở là giai cấp Công - Nông. Lá cờ của Đảng hiện nay có hình búa - liềm. Búa (Công nhân) và Liềm (Nông dân). Do đó lợi ích của giai cấp được coi trọng trước tiên, nhưng quyền lợi của nhân dân (có các giai cấp khác) trong xã hội cũng là mục đích phục vụ của Đảng ta. Đảng là một tổ chức của các đảng viên, nhưng đảng viên trước hết ai cũng là công dân, dù là Bác Hồ thì cũng là một công dân. Mỗi đảng viên cũng có trách nhiệm của một công dân, phải phục vụ sự nghiệp cách mạng như một công dân, như Bác đã nêu gương, trên hết là Tổ quốc. Đảng viên, công dân, nhân dân nào thì cũng có một Tổ quốc cụ thể. Quyền lợi của Tổ quốc phải là độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, tức là Độc lập (dân tộc), nhân dân phải được Tự do (nhân quyền) và Hạnh phúc (dân sinh) như hai lần Bác viết Quốc hiệu ở (bản A) và (bản C) trong Di chúc:
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Độc lập, Tự do, Hạnh phúc.
cũng là để nhấn mạnh và khẳng định điều đó.
Và đó cũng chính là mục tiêu mà Bác viết "Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới." (bản A và bản di chúc đọc ở Lễ tang ngày 9/9/1969).
Gần nửa thế kỷ trôi qua, "Điều mong muốn” - điều mà năm 1965 chưa xảy ra - nay đã thành hiện thực một số vấn đề. Đất nước đã có hòa bình, thống nhất, đã có độc lập. Nhân dân ta, cùng với Đảng đang đấu tranh cho dân chủ và giàu mạnh. Để đạt được mục tiêu đó, Đảng đang nỗ lực chỉnh đốn và xây dựng, và nhất định thành công.
Bác Hồ là người am hiểu sâu sắc Truyện Kiều, rất nhiều lần Bác đã lẩy Kiều và tập Kiều. Ngay trong Di chúc, Người cũng sử dụng Truyện Kiều (Còn non còn nước còn người...). Tôi xin mượn một câu thơ trong Truyện Kiều để kết thúc bài viết:
“Mới hay tiền định chẳng lầm,
Đã tin điều trước, ắt nhằm điều sau”.
(*) Di chúc của Bác, ngoài bản tổng hợp của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đọc ở Lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 9/9/1969, còn có 4 bản của Bác để lại. Trong đó có bản đánh máy, nhân dịp mừng 75 tuổi (có nghĩa là vào năm 1965), tạm gọi là bản A. Tiếp đó là bản Bác viết tay vào năm 1968 (“năm nay, tôi vừa 78 tuổi”), bản B. Ngay trong năm này có bản C, Bác viết “tháng 5-1968, khi xem lại thư này” (tức xem lại bản B). Và bản cuối cùng, bản D, được Bác viết vào ngày 10/5/1969.
Lê Thị Hạnh Liên
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...