Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
00:59 (GMT +7)

Đồng đội

Ký. Đỗ Dũng

VNTN - 1. Chờ cho đàn bồ câu bay vút lên cao giữa khoảng trời xanh bao la, tôi xăm xăm rẽ lên Đài tưởng niệm anh hùng liệt sỹ Việt - Lào tọa lạc tại huyện Anh Sơn tỉnh Nghệ An. Tay run run thắp nén nhang tìm đồng đội, mắt tôi nhòa đi chập chờn hình bóng bạn tôi lại hiện về đậu trên từng tấm bia có vành sao vàng lấp lánh giữa nắng chiều rung rinh ngọn cỏ non tơ trong từng khoang mộ chí. Lòng tôi tưởng như xát muối khi nhớ về đồng đội đã ngã xuống năm xưa tại Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng và các cao điểm Phu Tâng, 1505, 1978, Sầm Thông, Loong Chẹng, Hang Há Mồm, Nam Tra, Bản Mèo, Nậm Xiêm…, hồi những năm 1969 đến 1972.

Đâu rồi hình bóng Nguyễn Ngọc Quyết lao lên cửa mở “ăn trọn” một tràng đại liên của địch vào buổi sáng 19/12/1971 tại trận đánh tập kích Phu Tâng? Cánh tay trái của Quyết lìa ra khỏi xác, tim thoi thóp đập, toàn thân anh vắt ngang hàng rào bùng nhùng, máu từng giọt nhỏ xuống mảnh đất Quyết nằm. Hai giờ sau anh từ giã cõi đời ở tuổi 19, áo lính chiến chưa phai màu hồ.

Đâu rồi hình bóng Lê Văn Luận bị bom đánh toạc ngực tại hang Há Mồm vào chiều ngày 15/3/1972. Anh chết tay vẫn khư khư quả đạn ĐKZ vừa lĩnh ở kho hậu cần về?

 

Đâu rồi hình bóng Đỗ Viết Mạc, chỉ huy đại đội đặc công đánh quật lên cao điểm “đồi mâm xôi” thị xã Xiêng Khoảng 9/12/1969. Anh “nhồi” được 2 quả thủ pháo vào hầm địch và bị thương lần thứ nhất. Chính quả thủ pháo của Mạc lại trở thành hiệu lệnh tấn công toàn trung đoàn đánh vào thị xã Xiêng Khoảng, bởi vì quả mìn ĐH20 của đơn vị công binh đặt ở chạc ba cây lim già bị tuột kíp nổ. Thế là giờ hiệp đồng tác chiến bị lùi lại. Đại đội phó Đỗ Viết Mạc nhanh như cắt băng mình lên sát hàng rào, tung thủ pháo vào hầm địch… Nghe “hiệu lệnh” 10 mũi đánh tung lên đỉnh núi Choong Voong, sân bay thị xã, đồi con lợn, đồi tròn, đồi con rùa, đều đồng loạt nổ súng. Mạc dũng cảm lao lên, vướng phải sợi dây thép gai khuỵu xuống (Mạc bị thương lần thứ hai). Địch chống trả quyết liệt. Trung đội trưởng đặc công Nguyễn Như Kim nằm đè lên sợi dây thép gai đó. 15 người lính đặc công vùng dậy leo qua vai Kim thọc sâu vào trận địa. Mạc dùng AK tỉa giặc. Anh dẫn 5 đồng đội sục sâu vào hầm hào địch. Bóng các anh cao lên giữa làn chớp đạn. Một tên cố vấn Mỹ lùi lại tựa lưng vào hầm chiến hào xả cả 1 băng đạn AR15 vào Mạc. Mạc ngã gục. Nguyễn Như Kim, Hà Huy Thường xông lên xỉa cho tên cố vấn Mỹ một lê và khóa trái nó lại. Kim đỡ Mạc dậy. Máu thẫm đẫm toàn thân Mạc. Mạc trao cây AK cho Kim rồi nhắm mắt. Kim lồng lên gào to trong cơn bão đạn: “Trả thù cho Mạc các bạn ơi!”.

Chuyên gia Quân sự Việt Nam huấn luyện kỹ thuật sử dụng pháo 12 nòng cho đơn vị nữ pháo binh của Bộ đội Pa-thét (Lào), năm 1972.     (nguồn: www.mod.gov.vn)

Đâu rồi hình ảnh tiểu đội trưởng đặc công Phùng Thế Báo? Anh dẫn một mũi vào hầm địch, vấp mìn ngã gục, máu xối ra ướt đẫm 2 ống quần. Hai bàn chân Báo bị tiện phẳng đi…

Đâu rồi tiểu đoàn phó Bạch Xuân Bường sinh năm 1941 tại Quy Nhơn - Bình Định. Anh dẫn đại đội 1 tiểu đoàn 4 băng qua cửa mở Phu Tâng đánh vào cao điểm số 2. Anh Bường là một trong số người lính hy sinh đầu tiên của Trung đoàn đánh trận Phu Tâng 19/12/1971. Toàn thân Bường dính đạn. Anh chết mà thân xác không còn lành lặn. Cả tiểu đoàn 4 lồng lên: “Trả thù cho anh Bường, các đồng chí ơi!”.

Bầu trời nghĩa trang như sà thấp xuống vai tôi. Tôi đang gánh một gánh nặng mà 44 năm qua chưa trả hết nợ đời cho các anh. Lòng tôi đau đáu khóc thương các anh. Lòng tôi tê tái nhớ về các anh. Các anh ở đâu? Để tôi đưa các anh về quê hương xứ sở của mình, các anh ơi! Nơi ấy có người thân ngày đêm ngong ngóng các anh. Nơi ấy sinh ra các anh và lại an ủi các anh bởi bàn tay của mẹ đất hiền hậu trung liệt vô cùng.

2. Đầu năm 2015, tôi cho ra mắt bạn đọc cuốn tiểu thuyết “Trung đoàn 165”. Đó là sự lao động bền bỉ hàng chục năm trời viết và nghĩ về đồng đội, những người anh hùng ra đi mãi mãi không về.

44 năm trời lặng lẽ qua đi, nhưng mỗi khi nhớ về đồng đội tôi vẫn cảm thấy như ngày nào đây thôi cùng đồng đội cầm súng xông lên đồn thù. Tháng 9 vừa qua, tôi có ý định đi tìm đồng đội thì lại được Hội VHNT tỉnh cho đi dự Trại sáng tác tại Vũng Tàu. Thế là kế hoạch đi đảo lộn. Nhưng lại có cái may, ở Vũng Tàu, tôi tìm được một số đồng đội như: nhà thơ Lê Huy Mậu, Trung đội trưởng đặc công Lê Thành Kính, nhà doanh nghiệp Trần Du và rất nhiều CCB - chiến sỹ bảo vệ thành cổ Quảng Trị 1972. Phần lớn là người Bắc vào Nam sinh sống. Chính các anh cho tôi sức mạnh viết về đồng đội mình, và thêm cảm kích về đồng đội mình.

Dự Trại sáng tác xong, tôi trở về Thái Nguyên thì được thông báo: “Đi Lào tìm đồng đội” do Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Thái Nguyên tổ chức. Tôi mừng quýnh lên dẫn 30 anh em trên dưới 60-70 tuổi đi Xiêng Khoảng ngay. Ở đâu chúng tôi cũng được các bạn Lào tiếp đón niềm nở. Chính cái băng zôn: “Ban liên lạc, cựu chiến binh sư đoàn 312 anh hùng tỉnh Thái Nguyên thăm lại chiến trường xưa” dán lên xe đã giúp chuyến đi của chúng tôi khá “thông đồng bén giọt”.

Chúng tôi đã trèo đèo lội suối khắp các ngả đường, khắp các nghĩa trang ở Xiêng Khoảng từ Bản Sa đến Sầm Thông,  Loong Chẹng và Phu Tâng để tìm đồng đội mình. Chúng tôi chìm mình trong nắng Lào, quần áo đẫm mồ hôi và sương đêm hàng tuần lễ liền trên đất Triệu Voi. Nào cao điểm Choong Voong, nào Bản Thẵm, nào nhà tướng phỉ vua Mèo Vàng Pao, nào Nậm Ngừm xanh biếc, nào chum đá, nào nghĩa trang Việt-Lào tỉnh Xiêng Khoảng… Nhưng tất cả đều công cốc, chẳng thấy một hài cốt nào cả. “Trên đã đưa liệt sỹ Việt Nam về nghĩa trang Việt - Lào ở Anh Sơn, Nghệ An rồi!”. Đó là câu kết luận của Kim Bun, cán bộ tỉnh đội Xiêng Khoảng. Lúc đó chúng tôi mới vỡ nhẽ: “Mình đi tìm đồng đội mà không về Sư đoàn 312 lấy sơ đồ mộ chí là sai, là thiếu chính xác”, làm sao mà tìm được!

Chúng tôi lại quay về nghĩa trang Việt Lào, tra trên máy tính cũng chỉ lõm bõm được vài đồng đội, còn lại “trên 4000 liệt sỹ chưa biết tên”. Trời ơi! 7000 liệt sỹ ở nghĩa trang Việt Lào thì 4000 liệt sỹ chưa biết tên. Thật đau xót. Chỉ tính riêng trung đoàn tôi E165, F312 tác chiến ở Lào từ 1969 -  3/1973, hy sinh 1657 đồng chí (còn ở Quảng Trị từ 6/1972 - 1/1973, 7 tháng trời chúng tôi hy sinh 4000 người, chưa kể Bình Dương 1975 hy sinh 200 đồng đội). Trung đoàn tôi thay áo bổ xung 13 lần ở các mặt trận.

Trời thành Vinh lại mở rộng đón chúng tôi vào. Tôi đến tìm đội trưởng qui tập liệt sỹ tên là Phương để tra cứu trên máy tính xem đồng chí mình được đưa về khi nào, chôn ở lô nào, số mộ chí bao nhiêu. Thật không may! Phương lại dẫn quân đi Lào tìm hài cốt (ở Lào bây giờ đang mùa khô tiện cho việc bốc dỡ hài cốt). Thế là tôi lại quay ra Bắc với tâm trạng u buồn man mác…

3. Đang buồn chán, sau khi thắp hương cho cụ Nguyễn Chuông (thiếu tướng Sư đoàn trưởng F312) tôi nằm xem phim “Cô dâu 8 tuổi” thì anh bạn thân thiết nhất từ thuở ấu thơ lên chơi thăm tôi.

Trời! Tôi ôm chầm lấy Son, hai thằng tôi cười ra nước mắt. Có tìm thấy Luận, Quyết không? Son hỏi. Chưa tìm thấy! tôi trả lời. Son hơi buồn. Anh đã từng làm Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, giờ là Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông. Son đã đưa nhiều liệt sỹ về Hải Dương, Hưng Yên, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên…, như anh Lê Văn Hải - tiểu đội trưởng của tôi và Son (thuộc C20. E165. F312) về quê Huống Thượng - Thái Nguyên.

Son tặng tôi bức tranh sơn mài và tấm ảnh khổ lớn về cuộc mít tinh 2/9/2015 ở Quảng trường Ba Đình do chính tay Son chụp: “Tặng ông nhân dịp xây nhà mới!”. Cái thú chụp ảnh là sở thích của Son từ khi còn là học trò cấp 3, không ngờ tay nghề Son lại khá đến vậy.

Tôi dẫn Son lên tầng 3 thắp hương cho các cụ nhà tôi. Son lần lượt thắp hương cho cụ Hồ; cha nuôi Xuân Diệu của tôi; cha mẹ đẻ của tôi và cụ Nguyễn Chuông. “Son ơi, tại sao mình thờ cụ Chuông, Son biết không?”. “Hồi Son còn công tác ở Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Son và anh Nguyễn Văn Hoắc đã tặng cụ Chuông ít tiền xây cái “am sư 312” ở Mai Dịch…Cụ thờ liệt sỹ sư đoàn mình. Bây giờ cụ mất, mình thờ cụ cũng như thờ các đồng đội mình đấy!”

Đêm chìm ngập trong hương trầm. Nhớ về Luận, Quyết đồng hương, đồng đội nhập ngũ cùng tôi và Son. “Son chậm rãi nói: ông phải sang Lào, vào Vinh lần nữa!”. “Tôi trả lời: Hết tiền túi rồi!”. “Tôi chi viện cho ông, cứ thoải mái đi, nhiệm vụ là phải tìm cho ra Luận, Quyết!”. Tôi ôm chầm lấy Son và khóc.

Sáng 27/10/2015, tôi lại lên xe vào nghĩa trang Anh Sơn, Nghệ An (Việt Lào). Đến nơi đã 16 giờ chiều, trời nắng quá gay gắt. Lần này tôi nhờ các đồng chí quản trang “tra máy” cũng không thấy Luận - Quyết. Tôi gọi điện về sư đoàn 312 cũng vô ích. 2 đêm ngày căng võng ngủ vờ vật tại nghĩa trang cũng chẳng thấy Luận, Quyết về báo mộng gì cả.

Cứ thế tôi đi tìm lần thứ ba cũng vô nghĩa. Bạn bè cứ bặt vô âm tín. Sau vài đêm suy nghĩ ở Nghệ An, tôi chợt nhớ cô dân công Thanh Chương tôi viết trong tiểu thuyết “Trung đoàn 165”. Tôi lại đi tìm Tuyết ở Thanh Chương, thì cô giáo Tuyết đã theo chồng về Quỳnh Lưu. Bởi tôi biết chắc đại đội dân công Thanh Chương đã chôn Luận, Quyết của tôi (để gỡ đầu mối mà). Hôm sau tôi ra Vinh tìm lại một số gia đình có con hy  sinh ở Lào. Người còn, người mất cũng chẳng ai biết Luận, Quyết ở đâu. Hồi ấy (1969 - 1972), dân công Nghệ An đi phục vụ trung đoàn tôi nhiều lắm. Buồn, tôi lại làm thơ nhớ lại những mối tình lãng mạn…

Đêm! Son lại nhắn tin “Có tin gì của Luận, Quyết chưa?”. Tôi bải hoải trả lời tin nhắn của Son “Khả năng tìm thấy Luận, còn Quyết thì B52 đánh tan mộ vào đêm 21/12/1971 ở chân cao điểm Phu Tâng rồi”.

Son giục: “Cố gắng!”.

4. Lần thứ tư, để “chắc ăn” tôi lại sang Trung Hà về làng Thượng Nông nơi chôn cất cụ Nguyễn Chuông vái cụ và mang cả danh sách liệt sỹ sư đoàn 312 “xin cụ phù hộ độ trì cho con tìm thấy đồng đội”.

Có lẽ khi tâm hồn mình thanh thản, tự nguyện thì mọi việc sẽ thuận tiện và trôi chảy. Tôi thầm nhủ. Biết đâu tâm linh lại có niềm tin thì sao! Tôi nhớ lại hồi tháng 7 năm 2012, đi Quảng Trị tìm đồng đội ở động Ông Do, nơi Hiển hy sinh bị bom vùi 5 - 6 lần. Thượng tướng Nguyễn Văn Hiến, Tư lệnh Hải Quân, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng “lật tung cả Quảng Trị” có thấy anh Hiển đâu (Hiển hy sinh vào đêm thứ 7 tháng 9/1972 do B52 rải thảm và là anh ruột của tướng Hiến. Năm 1974 sư đoàn 312 ra đắp đê sông Đáy và sông Hoàng Long. Trời xui đất khiến thế nào tôi lại tìm ra nhà mẹ Hào, thân sinh ra Hiển, Hiến, Hiên, Chiến - Để đến bây giờ tôi lại có thêm mẹ và anh em hơn 40 năm trời). Rồi cái hôm ở trên xe đi nghĩa trang Việt Lào tôi gặp một bà lão trạc 65 - 66 tuổi. Bà lão nói: “Đi làm việc đức không vội vàng được, người âm người ta hay dỗi lắm, lúc ẩn lúc hiện - bác ạ! Phải kiên trì!” Có lẽ: Kiên trì mới thành công thật!

 

Thượng tuần tháng 11/2015, tôi lại đến nghĩa trang Việt Lào. Sau khi khấn vái các anh xong tôi đặt danh sách liệt sỹ của sư đoàn 312 lên mộ chí của một đồng chí vô danh khấn. Tự dưng tóc tai tôi dựng đứng cả lên. Mặt nóng như rang như đốt “Các anh về!” - Sư đoàn âm binh về. Họ bước ra từ trong sách của tôi, cuốn tiểu thuyết “Trung đoàn 165”. Họ lần lượt hiện ra…

Phùng Thế Báo số mộ…

Liệt sỹ Mạc số mộ…

Bạch Xuân Bường số mộ…

Nguyễn Văn Bóng đại đội 3, nhập ngũ 1965 chính trị viên phó quê Thạch Thành Thanh Hóa số mộ số 1, hy sinh 11/3/1972.

Trần Ngọc Ánh nhập ngũ 1971 hy sinh 11/3/1972 số mộ số 3…

 

Lê Văn Luận đại đội 14 quê Phố Lu - Bảo Thắng - Lào Cai hy sinh 15/3/1972 số mộ số 4.

Hầu như gần 100 liệt sỹ ở đơn vị tôi hiện ra…Tôi cứ lầm rầm khấn vái, thế là các anh về đông lắm…

Tôi nghe trong cây cỏ đâu đấy có tiếng nói rầm rì của anh em mình: “Ông là tướng rồi đấy, ông hô chúng tôi về ngay”. Trời ơi! Chả nhẽ giao cảm của âm dương lại dễ dàng như vậy ư? Có lẽ do tâm linh mình mách bảo thôi.

Tôi mừng quá gọi điện cho đại tá Nguyễn Như Kim ở Thanh Hóa. Kim khóc trên máy và 2 hôm sau anh đi về tận Thọ Xuân - Thanh Hóa tìm gia đình liệt sỹ Đỗ Viết Mạc. Họ tổ chức vào nghĩa trang Việt Lào tìm anh Mạc sau hơn 40 năm lần mò không ra. Tôi nhận liên tiếp 15 cú điện thoại ở khắp mọi nơi gọi đến. Họ đều nói: “Liệt sỹ bảo tìm tôi” - Kể cũng lạ… khó giải thích quá.

Đặc biệt, gia đình liệt sỹ Đỗ Viết Mạc cho hay là có người quê Thái Bình đã đưa Mạc về rồi… Tôi khẳng định, Mạc đặc công chôn cùng Phùng Thế Báo hy sinh 9/12/1969 là Mạc này. Anh Mạc nằm giữa anh Bạch Xuân Bường người ta ghi là: Bạch.X. Buồng… quê Quy Nhơn - Bình Định, Phùng Thế Báo (quê Hà Tây cũ - H1 đội trưởng trinh sát). Những người này tôi biết rõ, không thể nhầm lẫn được.

5. Trại viết Thái Nguyên do Hội Văn nghệ tỉnh tổ chức cho anh em đi một chuyến dã ngoại tại Hà Tĩnh  thăm mộ cụ Nguyễn Du. Lần này tôi quyết định cho em trai Lê Văn Luận (hiện là Hiệu trưởng trường Tiểu học xã Sơn Hà huyện Bảo Thắng - Lào Cai) đi cùng để xác định AND… Còn gia đình Nguyễn Ngọc Quyết thì thật cơ cực. Ông Cò Đang - bố Quyết mất sau khi nhận tin Quyết hy sinh vài năm. Gia cảnh quanh năm túng quẫn. 4 đứa em trai Quyết chẳng học hành gì cả người cứ đơ đơ… Mai, em con chú họ tôi là người yêu Quyết từ khi 16 tuổi. Hôm nhận giấy báo tử của Quyết, Mai ngất lịm đi, mọi người xúm vào giật tóc, đốt cả bồ kết, mãi mới tỉnh. Những năm gần đây, Mai làm ăn cũng khá dư giật, bèn lập một sổ tiết kiệm 15 triệu đồng tặng bà Cò Đang - mẹ Quyết, để lấy tiền chi tiêu hàng tháng, cộng thêm số tiền liệt sỹ của Quyết, cũng tàm tạm. Nhưng chao ôi, hai thằng em nghiện ấy cứ “nọc” mẹ để lấy tiền tiêu xài. Bà mẹ 90 tuổi còng lưng chỉ biết tựa cột nhà mà khóc. Nghĩ tình cảnh ngán ngẩm như thế thì sao đủ sức vào Vinh, vào Lào để tìm anh trai và xác định AND nữa đây. Tôi và Son bàn bạc và tặng mẹ Quyết một sổ tiết kiệm. Đời là vậy, tình đồng đội là thế, 36 năm là giảng viên đại học tôi cũng đã giúp đỡ 58 trường hợp con cái của đồng đội tốt nghiệp đại học. Âu cũng là cái nghĩa phải trả cho đời. Nhiều năm tôi cứ âm thầm tự nhủ lòng mình “giúp bạn” chỉ có hương hồn bạn biết và phù hộ cho mình mà thôi.

6. Sau 44 năm trời giở lại những trang chiến trận Cánh Đồng Chum -  Xiêng Khoảng, tôi lại giật mình vì những trận B52 đánh tơi tả ở chân chốt vào chiều 20/12/19971…hay vô tình nghe đâu đó tiếng con chim gáy “gù gù” gọi bạn của nhà hàng xóm, tôi như thấy hình ảnh anh Hải, anh Đỗ (người Chợ Mơ - Hà Nội) đã cùng tôi vào hàng rào như thế nào? Rồi hôm 19/12/1971, Quyết đã ngã xuống trước cửa mở của đại đội 10 cùng một tiểu đội xung kích ra sao. Khi tôi cầm bút viết những dòng này, tôi thấy trái tim tôi thắt lại, tóc gáy cứ gai gai, tưởng như Quyết về…, đang nhìn tôi và hiện lên trên từng nét chữ, từng trang giấy. Vẫn đôi mắt sáng hiền từ ấy, vẫn dáng người ấy, vẫn giọng nói “ngọng nghịu” ấy. Một vài sợi tóc bạc của tôi rơi xuống trang giấy, tôi hoa mắt dưới ánh đèn hoa nhấp nháy… Quyết về, các bạn tôi về… Những anh hùng hy sinh trên đất nước Triệu Voi đã về, kia họ sắp hàng ngoài sân cửa sổ tầng 2 phòng tôi, họ đu trên cánh phong lan, cánh phong lan trĩu nặng lập cập đập vào cánh cửa… Nhập nhoằng những tia chớp như chờ đến lượt mình hiện lên trang giấy. Họ còn sống kia kìa. Họ không bao giờ chết, họ cười. Những gương mặt rất trẻ bảo tôi: “Bọn mình ở đây vui lắm cơ… có đón về quê bọn mình cũng không về đâu… ở đây trẻ suốt đời… Không có tranh công đổ lỗi cho ai cả, chỉ có hát thôi, hát thi với chị em dân công vui lắm… Không có yêu đương xằng bậy ở thế giới này đâu, vì ai cũng đầy hương thơm trong lòng. Bọn mình thích hát và tập thêm cả bài hát mới thời bây giờ mà các cậu hay hát đấy, nhất là bài: “đời mình là một khúc quân hành” ấy… Bọn mình lại hành quân đây... Thế là họ lại đi xa rồi. Tôi khóc, cành lan cửa sổ nhà tôi cũng khóc, nó nhớ họ, nhớ hồn ma tốt tính đấy… Xuỵch một cái, trên bàn thờ tự nhiên có mùi hương trầm quẫn trong đêm thâu, tôi lạnh toát xương sống.

Từ Hà Tĩnh, tôi trở ra Vinh tìm đến đội truy cập liệt sỹ Việt Lào…Thật trời không phụ công tôi và Son, đã cho tôi tìm thấy Lê Văn Luận và Nguyễn Ngọc Quyết ở hàng bia mộ số 4 lô số 9. Thật là bắt được vàng. Liền tù tì tôi lại tìm thấy mộ anh Nguyễn Như Đỗ ở Chợ Mơ - Hà Nội và Phạm Đăng Thịnh ở Nam Định, hy sinh tại cao điểm 1507…, hai đồng đội của tôi ở đại đội trinh sát đã mất tích hơn 40 năm qua. Thật là khó giải thích.

Ngày mai tôi ra Bắc để đưa thân nhân liệt sỹ vào xác định AND rồi làm thủ tục đưa các anh về quê mẹ. Trời Anh Sơn trong xanh cao rộng thênh thang. Trong tôi lại lóe lên một câu thơ ở làng Tiên Điền: “Vạn nhân chinh chiến, kỷ nhân hồi”, mà ai đó đã đọc… Sự hy sinh cao cả của đồng đội tôi đã nhường sự sống cho tôi, đã mở ra một lối đi trong tâm khảm những người đang sống. Đất nước này từ 4000 năm gian lao binh lửa giành được độc lập đã phải nhuộm máu dân tộc ta biết bao đời. Đồng đội ơi! Xin hiến dâng lên đồng đội những tình cảm chân thành mà muôn kiếp ta chưa làm trọn vẹn. Tình cảm ấy chỉ xuất phát từ những người lính cùng chung một chiến hào chịu đựng những viên đạn bắn thẳng từ trước ngực chứ không phải sau lưng. Không biết đến khi nào, bao giờ và ai sẽ giúp đồng đội tôi có tên trên từng tấm bia “liệt sỹ chưa biết tên” kia.

Đồng đội ơi! Tiếng gọi lại vang lên trong tôi!

 

Thái Nguyên 2015

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 1 ngày trước