Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
16:07 (GMT +7)

Đọc thư tình của lính

VNTN - Đã là lính thì bên nào cũng giống nhau là phải chiến đấu với đối phương. Đã là lính thì người nhà bên nào cũng đêm ngày lo lắng trông ngóng cầu mong chồng con an lành trước mũi tên hòn đạn. Nơi quê nhà cha già mẹ yếu mong cháy ruột cháy gan ngày con mình trở về.

Người lính bên nào cũng là niềm thương đợi chờ của người thân. Người lính nào có người yêu nơi quê nhà thì lại càng là nỗi lo tức tưởi của người con gái hậu phương. Lá thư đến với tay lính ít khi có tư tưởng cao siêu gì trong đó. Trừ phi là thư của cơ quan đoàn thể gửi cho con em địa phương mình. Những lá thư này tưởng như quan trọng nhưng là vô thưởng vô phạt. Thư lính chỉ là là nhớ nhung yêu thương đằm thắm, hi vọng hoặc đau đớn đợi chờ… Suy cho cùng, thư lính tất cả là tình thương con người.

(Ảnh minh họa, nguồn: Internet)

Thư lính giống nhau lắm. Bên này hay bên kia cũng thế. Thường là không có tính giai cấp, tính đảng trong những lá thư gửi về hậu phương. Và lính nào cũng có thể đọc thư của người khác mà cũng thấy như thư của mình.

Chuyện tôi kể đây, lại là đọc thư của lính đối phương.

Đó là chiến dịch giải phóng Tây Nguyên 1975.

Đánh vào thị trấn Buôn Hồ ngày 12/3/1975, chúng tôi (E64, F320) ào lên thị trấn vào lúc gần trưa. Một trận địa pháo 4 khẩu 155 li không còn một tên lính nào. Vừa lúc trước nó còn nã vào chúng tôi, thế mà chỉ sau 30 phút bộ đội ta nổ súng và xung phong họ đã biến mất. Họ bỏ chạy về hướng đông. Chúng tôi vượt qua anh em cối 120 của sư đoàn còn đang khiêng vác ì ạch, để tiến vào khu chỉ huy trận địa pháo binh. Trước khi rút chạy lính đối phương đã kịp gài lựu đạn. Căn nhà chỉ huy có dây mìn giăng ngay các cánh cửa sổ. May mà bọn tôi phát hiện ra, rồi gỡ mìn. Từ lúc ấy lính ta dò dẫm chứ không ào ào xông xáo nữa. Tôi thận trọng dò vào, nhìn căn phòng của tên trung úy đại đội chỗ tôi ngồi có hàng trăm con ong đang chúi đầu hút mật hoa cà phê. Tháng Ba ở Tây nguyên hoa cà phê thơm nưng nức và trắng như những cái ống tay áo thiếu nữ.

Tôi đọc thư của lính đối phương say sưa và vô cùng thích thú. Thư xếp theo thứ tự ngày tháng khiến tôi dễ hiểu câu chuyện tình yêu của đôi trai gái. Tôi hình dung…

...Một đêm người sĩ quan trẻ từ Cao Nguyên về Sài Gòn thụ phép, anh gặp cô sinh viên năm nhất ở một nhà người bạn. Rồi những ngày sau cô ấy phải lòng, nhớ nhung chàng thiếu úy và đã từng bay lên cao nguyên để thăm “người hùng chiến trận”. Đã từng lặn lội tới nhà người anh trai mình đang là chỉ huy một phòng trong bộ Tổng Tham mưu để nhờ chuyển cho bạn trai mình bộ sách “Chuông nguyện hồn ai” và “Giã từ vũ khí”… Những kì nghỉ chớp nhoáng của trung úy T về sài Gòn, những cuộc gặp nhau đẫm nước mắt và nụ cười. Càng đọc về sau tôi càng hiểu họ yêu nhau vô cùng, yêu mê đắm. Giọng văn của thiếu nữ miền Nam thật mới mẻ với chúng tôi. Họ viết rất tự nhiên, yêu không khiên cưỡng kiểu chính trị lí tưởng. Họ nồng nàn, chân thật trong yêu đương. Họ vừa nũng nịu vừa thiết tha. Họ vừa căn dặn tin tâm vào người mình yêu, vừa trìu mến mong ngày trở về. Trên hết, các cô gái người yêu lính họ đều cầu mong người lính được bằng an.

Đọc thư của họ mà mình cũng thấy cuộc đời đáng yêu đến thế. Tôi cố gắng không để cho mọi đồng đội xung quanh biết. Nhưng có lá thư hay quá không thể nín nhịn một mình được bèn gọi mấy thằng xúm vào cùng nghe. Cứ tưởng chúng nó chê mình hữu khuynh, tư tưởng lệch lạc đọc thư của đối phương. Ấy thế mà nghe tôi đọc chúng nó cứ im thin thít. Có thằng thở dài... có thằng khịt mũi liên hồi. Tôi cũng thở dài rồi cả tiểu đội im lặng. Chính trị viên không biết, đại đội trưởng cũng không biết, chỉ có chúng tôi biết với nhau.

Chiều hôm ấy hành quân đi đánh Cư Pao. Một cứ điểm nằm trên đường 14 cách Ban Mê Thuột về phía bắc chừng 20 cây số, chúng tôi lại có thêm những lá thư của lính. Rồi tiếp tục là những ngày truy kích trên đường 7 chân tơ tướp máu, những trận đánh cứ liên miên suốt tháng Ba. Dọc đường chiến trận tôi lại thu được nhiều những ba lô mà lính địch bỏ lại, nhưng chỉ nhặt những lá thư hay các tấm ảnh của họ để xem.

Hôm ấy 25 tháng 3 năm 1975. Trưa nắng lắm chúng tôi chốt lại ở một cánh rừng ven đường 7. Tôi đọc một lá thư của cô gái quê gửi cho chồng. “Anh thương à. Mấy rày nghe đụng độ trên cao nguyên quá trời. Ba má và em lu bu không ăn không ngủ. Anh có thường không? Có hành quân không? Thương quá à anh ơi. Cầu thượng đế và ông bà trên cao che chở anh khỏi hòn tên mũi đạn, anh về với ba má với mẹ con em....”, kẹp trong lá thư có tấm hình cô gái miền Nam đứng dưới gốc dừa. Thư đề Nha Trang… tháng 1 năm 1975. Tôi sờ tay lên má. Nước mắt tôi chảy ra từ lúc nào. Tôi vội lau nước mắt ngó quanh. May quá chỉ có rừng cỏ tranh ràm rạp trong trưa nắng.

Dọc đường 7, chúng tôi hay nhặt những cuốn sách giáo khoa rồi chụm đầu vào xem mỗi khi nghỉ lại ven rừng. Đêm trú quân tôi cứ miên man hay nghĩ về quê hương. Nằm trên võng ngửa mặt nhìn những ngôi sao ở phía chòm Đại hùng tinh cứ hình dung ra giờ này mẹ mình đã ngủ chưa, tôi lại nhớ hình ảnh người con gái miền Nam đang cầu khấn ông giời cho chồng mình bằng yên.

Một hôm hành quân mệt quá rồi, dừng lại là nằm lăn quay ra rừng. Có thằng gọi to: Luân ơi đọc thư tình đi. Tôi lấm lét rút ra một lá thư đọc cho cả trung đội nghe. Thằng nào cũng nuốt nước bọt nơi cổ họng chả để ý gì xung quanh. Đúng lúc ấy anh đại đội trưởng đi lại, anh ấy ngồi xuống lặng lẽ. Đọc một lá thư con gái thôi mà cái mệt tan đi nhanh quá. Thằng nào cũng tưởng rằng đó chính là tiếng nhắn nhủ của người yêu mình. Rằng sự yêu thương của người con gái nó lớn lao quan trọng thế nào với người người lính chiến biền biệt ở trận tiền. Rằng, tình yêu không có biên giới, tình yêu không có giai cấp, không có phía bên này hay bên khác. Tình yêu ở mọi phía giống nhau. Tình yêu không có ta và kẻ địch, nó chỉ là khát vọng sống, khát vọng được yêu thương. Tình yêu chỉ làm cho cái thù hằn trong con người bớt đi. Nó chỉ làm cho trái tim thêm dòng máu tươi đỏ. Tình yêu là tiếng nói chung vì đó là trái tim con người, ước muốn con người.

Rồi những ngày sau, chiến dịch cuốn như lũ, chúng tôi đánh ra tận bờ biển Tuy Hòa rồi lại lên đường đi đến chiến dịch cuối cùng. Chúng tôi tiến vào Sài Gòn khi chưa kịp chuẩn bị trong suy nghĩ là mình sẽ gặp Sài Gòn.

Sáng ngày 1/5/1975, tôi được chọn thay mặt chiến sĩ trung đoàn 64, sư đoàn 320 giao lưu gặp gỡ với các thầy giáo và học sinh, sinh viên tại Trường Trung học Lê Quí Đôn. Đây là ngôi trường ở gần sát với Dinh Độc Lập. Buổi trưa hôm ấy, chợt nhớ ra lá thư của cô SV khoa Luật H.T.H. Nhung với chàng trung úy pháo binh Thái Anh T. trên Buôn Hồ. Giữa thành phố Sài Gòn đầy nắng tôi thấy hiện lên cặp đôi trai gái Sài thành như đã thân quen. Tôi đi dọc đường Trần Hưng Đạo tìm đến nhà ...X15. Đường phố to quá, dài quá, mỏi cả chân. Cái số ...X15 cũng nhiều nhà sau một cái cổng sắt to. Tôi bần thần đứng ngoài cổng nhìn vào. Những bậc tam cấp những vòm hoa lơ đãng dửng dưng. Cô gái có tên H.T.H. Nhung ở đây ư? Hỏi ai bây giờ nhỉ? Và nói mình là ai? Chả nhẽ nói tôi đuổi người yêu của cô chạy tóe khói rồi lấy thư tình của cô để mang ra đọc. Đọc mãi rồi nay lại tìm gặp cô ư?

Tôi quay trở về.

Sài Gòn nắng tháng Năm vàng như mật. Thành phố ngày đầu tiên giải phóng đang lâng lâng bàng hoàng. Tôi khoác khẩu AK báng gấp, đội mũ tai bèo chìm vào trong dòng người và xe cộ với không gian còn đang ngơ ngác. Trong tôi bần thần hiện lên câu hỏi, trung uý Thái Anh T. bây giờ ở đâu nhỉ? Anh ta còn sống hay đã tử thương? Còn cô gái mang cái tên thật đẹp H.T.H. Nhung ấy bây giờ còn ở lại thành phố này hay đang lênh đênh trên biển, bỏ lại đằng sau là thành phố Sài Gòn xinh đẹp và tình yêu nồng nàn một thời với một người trai lính chiến?

Hơn bốn chục năm rồi, nhớ lại chuyện đọc thư tình của lính mà lòng tôi vẫn bâng khuâng…

Nguyễn Trọng Luân

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước