Điêu đứng với “cô – vít”
(KỲ 1)
VNTN - Dịch COVID-19 như “vết dầu loang” tác động tới mọi khía cạnh của đời sống kinh tế, xã hội. Giáo dục, du lịch, vận tải, ăn uống, lưu trú... bị ảnh hưởng nặng nề, hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ. Từ đây, có biết bao nỗi niềm, trăn trở, cùng những cố gắng chống chọi trong cơn đại dịch ghê gớm này!
Trường công xáo trộn, trường tư lao đao
Tính đến hết ngày 1/3 là tròn bốn tuần học sinh THPT trên toàn tỉnh phải nghỉ học bởi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và hết ngày 8/3 là 5 tuần nghỉ đối với cấp học mầm non, tiểu học và THCS.
Không “nhàn hạ” như nhiều người vẫn nghĩ: giáo viên được nghỉ mà vẫn ăn lương! Bởi tiếng là “nghỉ học” song cả giáo viên và học sinh khối phổ thông vẫn phải duy trì việc ôn tập, củng cố kiến thức từ xa, tránh tình trạng nghỉ học dài ngày, học sinh quên kiến thức, xao nhãng việc học.
“Hoạt động thường nhật bị dừng lại, thay vào đó giáo viên phải đi tập huấn về phòng chống dịch bệnh, ứng dụng công nghệ mới vào việc dạy học. Hàng ngày phải giao bài, chấm bài, báo cáo kết quả học tập cũng như tình hình sức khỏe của học sinh.” - cô Phạm Thị Loan, giáo viên Trường Tiểu học và THCS 915 Gia Sàng chia sẻ.
Cũng đã cố gắng duy trì việc học tập từ xa cho học sinh, như giao chuyên đề, giảng dạy bằng phần mềm hay tổ chức dạy học online, song thầy Trần Văn Hưng, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Thái Nguyên thẳng thắn: “Xét về hiệu quả thì không thể bằng dạy trực tiếp trên lớp được.”.
Thực tế, các trường vẫn xác định, nghỉ bao nhiêu sẽ học bù bấy nhiêu, nhưng nghỉ 1-2 tuần thì tổ chức dạy học bù hoàn toàn thuận lợi, còn nghỉ một tháng hoặc hơn như hiện nay thì các trường phải thay đổi rất nhiều kế hoạch giảng dạy. Như một số trường có chương trình mời chuyên gia, giáo viên nước ngoài về đều bị dừng; việc đào tạo liên kết với các trường đại học, cao đẳng sư phạm cho sinh viên đến thực tập cũng bị hoãn; các hoạt động của học sinh như giáo dục trải nghiệm, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao đều dừng lại... Chưa kể, thời gian học sẽ kéo sang tháng 6 - thời điểm nắng nóng, mà không phải trường nào cũng có điều kiện lắp điều hòa, dạy và học trong môi trường nhiệt độ cao chắc chắn cả thầy cô và các em đều rất mệt mỏi.
Bên cạnh đó, việc nghỉ học dài ngày khiến năm học 2019-2020 phải kết thúc muộn và Kỳ thi THPT quốc gia dự kiến lùi vào cuối tháng 7. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch du học của các em lớp 12 dự kiến nhập học vào Kỳ tháng 8 hay tháng 9. Là trường có lượng học sinh nộp hồ sơ du học lớn của tỉnh, người đứng đầu Trường THPT Chuyên Thái Nguyên trăn trở: “Nếu lùi Kỳ thi THPT quốc gia vào cuối tháng 7, những em muốn nộp hồ sơ du học, nhất là sang các nước châu Âu, cơ hội sẽ rất khó khăn, có thể sẽ bị lỡ mất một nhịp (chậm một kỳ hoặc một năm). Vì thông thường, nhà trường sẽ cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời vào giữa tháng 7 mới đủ thời gian cho các em nộp hồ sơ du học vào cuối tháng 7”.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Thịnh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cũng chia sẻ: Năm học 2019-2020 sẽ kết thúc muộn hơn một tháng (trước 30/6). Vì vậy, việc nghỉ học của học sinh căn bản chỉ ảnh hưởng đến tiến độ chứ không ảnh hưởng đến chương trình dạy học. Điều ngành giáo dục đẩy mạnh lúc này là làm tốt công tác phòng chống dịch, tạo sự yên tâm cho cộng đồng xã hội trong việc đồng hành với ngành thực hiện nhiệm vụ giáo dục.
Giáo viên Trường Tiểu học và THCS 915 Gia Sàng trao đổi cách ứng dụng công nghệ vào hình thức giao bài tập cho học sinh.
Không quá lo về công tác dạy và học như các trường phổ thông, nhưng gánh nặng của các trường mầm non tư thục lại là chuyện “tiền nong” - không có thu nhập khiến đời sống giáo viên căng thẳng, thậm chí đảo lộn. Cả tháng nay, bà Hà Thị Tuyết, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Mầm non Hoa Trạng Nguyên mất ăn mất ngủ bởi phải gồng mình lên trong dịp trẻ nghỉ học phòng, chống dịch COVID-19: “Các cháu không đến trường không thu được học phí, không có nguồn tiền trả lương cho giáo viên, đóng Bảo hiểm xã hội, tiền thuê mặt bằng và trả lãi ngân hàng cũng không!”. Trường gồm 3 cơ sở, với hơn 130 cán bộ, giáo viên, chỉ tính riêng tiền đóng Bảo hiểm xã hội đã lên tới hơn 150 triệu đồng/tháng. Bà Tuyết tâm sự: “Tiền Bảo hiểm xã hội, Trường đóng 70%, người lao động đóng 30%, tháng này cán bộ, giáo viên không có gì mình phải đóng 100% chứ ai nỡ đè họ ra đóng”.
Còn Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Hồng Vân, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Hướng Dương lại đầy tâm tư: “Phải nghỉ không lương khiến chị em giáo viên dao động, hoang mang. Nhà trường đã phải họp để động viên tinh thần các cô, đồng thời cùng nhau bàn bạc tìm biện pháp khắc phục kỳ nghỉ chống dịch không mong muốn này. Song thực tình vì bị động trước thời gian nghỉ, cứ tuần một, tuần một nhận thông báo khiến các cô muốn đi làm thêm tạm thời cũng dang dở”. Không có lương, chi tiêu gia đình hạn hẹp, những mâu thuẫn “không đâu” cứ tự nhiên nảy sinh khiến nhiều chị em giáo viên phải kêu giời: “Mới một tháng không đi làm mình đã trở thành kẻ ăn bám trong nhà!”; “Vợ chồng cứ cáu nhặng với nhau, toàn chuyện cỏn con nhưng chung quy đều vì không có tiền”...
Phần vì kinh tế eo hẹp, phần vì không chịu nổi áp lực từ phía gia đình nên nhiều giáo viên phải lựa chọn làm lao động thời vụ, bán hàng online, thậm chí làm shipper (nhận giao hàng)... “Đi giao hàng gặp đúng nhà phụ huynh, các con thấy chào rối rít, phụ huynh biết là cô giáo “bo” thêm tiền, mà sao thấy ngậm ngùi, tổn thương thế!”, cô Hương buồn bã kể. Cũng có một số giáo viên nhận đến nhà trông trẻ theo nguyện vọng của phụ huynh, chỉ “một cô một trò”, song cũng không dễ làm. Cô Thu chia sẻ: “Nhà trường tạo điều kiện cho các cô đến nhà riêng trông trẻ nhưng cũng không nhiều cô đi được, vì phải không vướng bận con cái. Mặt khác, các cô cũng bị áp lực đến nhà riêng phức tạp, không thoải mái trong việc chăm sóc, dạy dỗ trẻ, gia đình để ý nhiều, cảm giác không khác gì đi làm osin!”.
Không chỉ khó khăn khi trẻ nghỉ học, mà ngay cả khi trẻ được đi học trở lại cũng không khiến các trường mầm non tư thục hết lo lắng, bởi nhà trường và thầy cô đã sẵn sàng, nhưng phụ huynh vẫn chưa yên tâm cho con đi học thì sao?
Dù rất bất tiện trong việc trẻ nghỉ ở nhà, như: phải thuê người chăm sóc, đón ông bà lên trông cháu hay gửi con về quê; thậm chí vợ chồng phải cắt cử nhau nghỉ ở nhà trông con hay “tha lôi” con đến nơi làm việc... Song dường như gia đình nào cũng chưa yên tâm cho trẻ mầm non đi học trở lại,vì lo lắng các con còn nhỏ không tự ý thức bảo vệ sức khỏe được, trong khi việc học hành ở lứa tuổi này thì chưa quá quan trọng.
“Một khi đã thu nhận trẻ rồi mà phụ huynh chưa yên tâm, giáo viên đi làm mà không có học sinh, hay chỉ có vài cháu, mình vẫn phải trả lương cho giáo viên, lúc đấy còn thiệt hại nặng nề hơn, chết chồng chết ghép mất!” - bà Hà Thị Tuyết không giấu nổi lo lắng.
Quán xá ế ẩm
Chuyện học thì vậy, chuyện mưu sinh thì sao?
Dạo quanh khu chợ Thái, không còn cảnh nhộn nhịp như trước. Tiếng chào mời thưa thớt, thay vào đó là không gian vắng lặng. Ở tầng hầm, người đi chợ vô tư phóng xe vào tận các sạp hàng mà không lo bị tắc nghẽn như trước đây. Người mua người bán đều đeo khẩu trang, chẳng buồn nói cười nhiều, ai nấy đều muốn cuộc giao dịch diễn ra nhanh nhất.
Nơi nhiều khách hàng hơn một chút là các gian hàng thực phẩm tươi sống, rau củ và hoa quả. Bà Điểm, chủ một sạp hàng thịt cho biết: “Từ khi có dịch bệnh Covid-19 thì giá cả các loại thực phẩm không bị ảnh hưởng nhiều nhưng lượng khách giảm gần nửa. Trước đây, dù giá cả thị trường và nhu cầu người mua có biến động thế nào thì trung bình tiền lãi vẫn đều trên 600 - 700 ngàn một ngày. Nay giảm đến hơn nửa, trừ tiền thuê quầy, công sức dậy sớm, bắt lợn thịt rồi ngồi phơi mặt cả ngày thì tính ra lợi nhuận chẳng đáng là bao”.
Tình cảnh ế ẩm của các tiểu thương tại chợ Thái.
Không được “khả quan” như mặt hàng tươi sống, các mặt hàng khác đều bị rơi vào tình trạng ế ẩm bao trùm. Tại các gian hàng khô, hàng tiêu dùng, thời trang… gần như vắng bóng khách. Nhiều gian hàng trước hoạt động từ 6-7 giờ sáng thì nay gần trưa mới bắt đầu mở cửa. Vắng khách, các tiểu thương người ngủ say, thức chơi game, xem phim trên điện thoại, chỗ đánh bài giết thời gian, cốt để nguôi ngoai nỗi niềm ế khách.
Chị Mai, bán nguyên liệu, phụ kiện may mặc cho biết: Dịch khiến chị trầy trật, không có khách mua. Trước đây, hàng tháng chị thu về ít nhất 10 triệu tiền lãi trong đó đã trừ 3 triệu tiền mặt bằng, vệ sinh, điện, bảo vệ và một số chi phí khác. “Tháng này vắng khách, gần như không nổi một xu lãi mà vẫn phải lẹm vào túi 3 triệu như thường”. Bản thân chị không phải thuê người thì còn trụ được, những gian hàng lớn hơn mới thật cám cảnh, bởi chi phí cho cửa hàng nhiều hơn, lại thêm tiền nhân viên và đóng thuế…
Cùng chung cảnh ngộ bi đát là gian thời trang trẻ em và trang thiết bị trường học của chị Ninh. Nhìn vào những chiếc ba lô, túi xách chị thở dài: “Học sinh nghỉ dài ngày nên những mặt hàng này gần như bị lãng quên. Trẻ con hầu hết được bố mẹ giữ ở nhà, nên chẳng còn các “thượng đế” đến đây mua sắm. Hàng ngày, tôi chỉ mở hàng ra cho đỡ mốc meo thôi.
May mắn thì được dăm ba khách, nhưng cũng chẳng phải ai đến cũng mua. Có vị còn nhân dịp dịch bệnh này mà mặc cả giá xuống thấp hơn cả giá nhập vào, nhiều khi phải tặc lưỡi bán để trang trải cuộc sống”.
Các nhà hàng ăn uống gần như không có khách.
Đồ vàng mã vốn được tiêu thụ nhiều dịp đầu năm thì nay cũng lâm vào tình cảnh ế ẩm. Bà Vinh chia sẻ: Mọi khi, đầu năm nhu cầu sử dụng vàng mã rất lớn. Tôi cứ lo ra Giêng không đủ hàng bán nên cuối năm nhập hàng đầy kho. Giờ dịch bệnh, các hoạt động lễ hội bị dừng lại, kéo theo người mua hàng giảm mạnh... Cứ thế này có khi bán cả năm không hết hàng, chết đấy!”
Không chỉ ở chợ Thái mà các tiểu thương, hộ kinh doanh nhỏ lẻ trên toàn tỉnh đều chịu ảnh hưởng không nhỏ từ dịch Covid - 19 khiến việc kinh doanh bị trì trệ. Tham khảo một số tuyến đường trung tâm: Hoàng Văn Thụ, Lương Ngọc Quyến, Phan Đình Phùng… nhiều cửa hàng mở cửa rất muộn, tạm thời đóng cửa thậm chí treo biển nhượng lại mặt bằng.
Chị Trang chủ một cửa hàng thời trang “bình dân” trên đường Quang Trung bộc bạch: “Chủ yếu tôi bán hàng Trung Quốc nên khi xảy ra dịch, nguồn hàng không có, cửa hàng buộc phải nhập hàng từ một số nguồn khác hoặc bí lắm thì lấy mẫu cũ trong kho ra để “chữa cháy” nhưng không ăn thua. Hơn nữa, xu thế mua hàng online cho an toàn cũng đang được nhiều người tiêu dùng hướng đến dịp này. Cửa hàng càng ì ạch, lợi nhuận gần như không”.
Hứng chịu hậu quả từ Covid - 19 không thể không kể đến các cửa hàng ăn uống. Ế ẩm, lượng khách tụt giảm là điều dễ nhận thấy. Chuyên đồ ăn về cá và gà, không gian đẹp, giá cả lại phải chăng nên Vùng Cao Quán (phường Tân Thịnh) thời gian trước ngày nào cũng chật cứng khách nhưng nay cũng chỉ lèo tèo một, hai bàn, thậm chí có ngày không có khách nào.
Anh Dương Công Tứ, chủ quán cho biết: Nghĩ lại những ngày quán còn làm ăn được mà chạnh lòng, mỗi ngày lãi được 2 - 3 triệu là chuyện thường. Giờ thì… thê thảm thật sự. Từ khi Nghị định 100, quán bắt đầu thưa thớt khách và đến đợt Covid-19 xuất hiện thì vắng hẳn. Quán từ 5 nhân viên giờ chỉ duy trì 1 mà cũng chả có việc để làm, chủ tớ cả ngày uống nước chè nhìn nhau! Có nguy cơ phải đóng cửa”.
Khu vực Đại học Thái Nguyên, nơi được coi là một trong những “trung tâm ăn uống” của thành phố, nhưng sinh viên nghỉ học, khách đâu mà ăn? Các cửa hàng ăn uống chỉ mở cửa cầm chừng và cùng chung tình cảnh ế ẩm.
Anh Nguyễn Đình Tuấn, chủ nhà hàng Ven Hồ hướng mắt vào những dãy bàn sắp xếp ngăn nắp nhưng tuyệt nhiên không một bóng khách, buồn rầu: “Trước đây, quán làm ăn cũng tạm ổn, doanh thu cũng tầm 20 - 30 triệu. Giờ đây, mỗi ngày chỉ có dăm ba lượt khách đến lác đác, may mắn lắm thì thu về 100 - 200 tiền lãi. Càng nghĩ càng đau đầu bởi cứ mở mắt ra là 1 triệu “đi bay”. Nào là tiền thuê mặt bằng, nhân viên, điện nước, tiền trả lãi suất ngân hàng...”. Anh Tuấn thuê mặt bằng để mở nhà hàng theo hợp đồng 5 năm, 12 triệu đồng/tháng, mỗi năm trả một lần. Sắp đến đợt đóng tiền mặt bằng, xoay xở không đủ, tính thanh lí hợp đồng để tìm hướng làm ăn khác, nhưng phải đền bù 20% giá trị hợp đồng do hủy trước thời hạn. Anh Tuấn tuyệt vọng: “Làm tiếp cũng chết, mà không làm cũng chết, đúng là tiến thoái lưỡng nan. Cứ kéo dài nữa thì chẳng biết bấu víu vào đâu”.
BÍCH HỒNG - ANH THẮNG
(Còn nữa)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...