Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
15:47 (GMT +7)

Đi về phía ước mơ

VNTN - Trước khi gặp em, tôi hình dung đến một cô bé u sầu, tự ti, mặc cảm. Vậy mà thực tế lại trái ngược hoàn toàn. Em vui vẻ, tự tin, giọng nói đầy nội lực, cuốn hút người nghe. Có thể ánh sáng đôi mắt đã khép lại, song ánh sáng nghị lực thì luôn rạng rỡ giúp em bước qua bóng tối, đi về phía những ước mơ.

Em là Ma Thị Phương (19 tuổi) - một sinh viên khiếm thị, hiện đang học năm thứ nhất, ngành Công tác xã hội K18, Khoa Khoa học Xã hội & Nhân văn, Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên.

Công tác xã hội là ngành nghề với sứ mạng giúp đỡ, hỗ trợ, chăm sóc những người kém may mắn, có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, giúp họ hòa nhập và có cuộc sống tốt hơn. Phương chia sẻ: “Em nghĩ là mình đã chọn đúng ngành học. Em không chỉ có cơ hội thay đổi số phận của chính mình mà còn có thể giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ”.

Bóng tối cô đơn

Lần về ký ức cách đây hơn 4 năm, Phương kể tôi nghe câu chuyện buồn của em.

Tháng 7/2016, giữa niềm hân hoan trúng tuyển vào lớp thí điểm tiếng Anh, Trường THPT Lương Ngọc Quyến thì tai ương bất ngờ ập đến với Phương. Một buổi sáng thức giấc, mọi thứ trở nên nhòe nhoẹt, Phương không thể nhìn rõ thứ gì. Cả nhà hốt hoảng đưa em đi khám hết bệnh viện tỉnh lại đến trung ương, thậm chí ra cả nước ngoài. Nhưng suốt 9 tháng chạy chữa, đôi mắt em vẫn cứ mờ dần và... tối đen. Bố em, ông Ma Vĩnh Thái trầm ngâm: “Gia đình đưa Phương sang Singapore. Mới đầu còn hy vọng, trông chờ vào khoa học hiện đại, xác định đánh đổi cả nhà, cả đất để chữa bệnh cho con. Vậy mà...”. Bác sĩ bên Singapore kết luận em bị mắc bệnh viêm tủy thị thần kinh - một bệnh hiếm gặp trên thế giới và với tình trạng bệnh của em, không có hy vọng cứu chữa.

 

Ma Thị Phương trong ngày tốt nghiệp cấp 3

“Đó là những tháng ngày khủng hoảng, đau đớn, vật vã nhất của em”, giọng Phương đượm buồn. Thời gian đấy, Phương suốt ngày dày vò bản thân với hàng loạt những câu hỏi: Tại sao mình lại bị mù? Mình đã làm gì sai? Kiếp trước mình đã làm nên tội tình gì?. Ý nghĩ “mình mang nghiệp ác” cứ đeo bám, khiến Phương khổ sở, tuyệt vọng, thấy bản thân vô dụng, đáng trách, tốt nhất là nên “chết đi” để khỏi làm gánh nặng cho gia đình.

Phương cố che đậy những ý nghĩ tiêu cực bằng lớp mặt nạ của sự lạc quan, mạnh mẽ. Bởi em sợ bố mẹ thấy em yếu đuối, họ sẽ gục ngã theo. Phương cứ cô đơn một mình trong bóng tối, gặm nhấm nỗi buồn, sự tuyệt vọng mà chẳng biết chia sẻ cùng ai.

Mọi thứ tưởng như rơi vào bế tắc thì một ngày, chiếc điện thoại có cài đặt ứng dụng đọc màn hình như lối thoát mở ra với Phương. “Em vẫn nhớ như in, hôm đó là ngày 01/5/2017. Lần đầu tiên sau gần 1 năm cô lập với thế giới, em lại được tiếp xúc với mạng xã hội, được chủ động nói chuyện, liên lạc với mọi người. Cảm xúc như vỡ òa vậy chị!”, Phương nói với cả nét mặt rạng ngời.

Phải bảo lưu kết quả thi đầu vào cấp 3 để ở nhà chữa bệnh, nhưng Phương lại thèm đi học vô cùng. Em hạ quyết tâm, hết hè 2017, sẽ trở lại trường cấp 3, theo học cùng các bạn khóa sau. Song em phải đối diện với thực tại: Nếu có cơ hội đi học thì em sẽ học kiểu gì? Sau rất nhiều giải pháp được đặt ra mà không hữu hiệu, cuối cùng Phương nghĩ đến laptop. Nếu điện thoại có phần mềm đọc màn hình thì máy tính chắc chắn cũng có. Em lên mạng xã hội tìm kiếm thông tin, học cách cài đặt phần mềm đọc màn hình máy tính, cách tạo văn bản, tạo thư mục, đặc biệt là kỹ năng gõ bàn phím bằng 10 ngón tay...

Tháng 8/2017, sau rất nhiều đắn đo, cân nhắc, thầy hiệu trưởng Trường THPT Lương Ngọc Quyến quyết định nhận Phương trở lại, để em tiếp tục theo học lớp 10. Hành trang của em chỉ độc chiếc laptop. Nghe thầy cô giảng, em miệt mài gõ máy tính chép lại. Em nhanh chóng nắm kịp kiến thức với thành tích học tập rất tốt, cả 3 năm học, tổng điểm các môn đều trên 8,5.

Song trái ngược với kết quả học tập, suốt 3 năm học lại tồn tại một khoảng cách vô hình giữa Phương và các bạn. Phương như phải sống trong ốc đảo của riêng mình, đơn độc và lặng im.

Nhớ về một giờ thể dục học kỳ 1 lớp 10. Dù được miễn thể dục, nhưng Phương vẫn thích xuống sân để được nói chuyện với cô và các bạn. Hôm ấy, cuối giờ, Phương được một bạn dắt về lớp. Nhưng khi nghe các bạn khác gọi nhau tìm quả bóng chuyền bị mất, cô bạn bỏ tay Phương ra và bảo: “Để tớ đi tìm bóng chuyền”. Phương đứng bơ vơ giữa sân thể dục. Mãi mà chả thấy cô bạn quay trở lại. Rồi “bốp” - một quả bóng vô tình đập vào người Phương đau điếng. Song cũng chẳng có ai chạy lại hỏi han em. Phương thực sự hoảng hốt. Em hoàn toàn mất phương hướng, cứ dò dẫm đi trong vô định. Cuối cùng cũng gặp được người quen đưa em về lớp. Nhưng kể từ đó như một sự ám ảnh, Phương không bao giờ xuống sân thể dục nữa, mà ngồi một mình trong lớp, đối mặt với nỗi buồn, nỗi cô đơn, nhưng còn hơn là cảm giác bị bỏ rơi, bị lãng quên.

Mãi đến năm lớp 11, Phương mới có một người bạn thân, nhưng em với bạn không có nhiều thời gian trò chuyện trên lớp, “vì bạn ấy còn những mối quan hệ khác, và em thì không muốn mình là vật cản của bạn”.

Khám phá bản thân

Để quên đi sự cô đơn, Phương tìm đến “người bạn sách nói”. Từ năm 2018 đến nay, em đã nghe đọc hơn 200 cuốn sách ở nhiều thể loại: văn học kinh điển, kĩ năng sống, tự truyện, khoa học,… Phương bảo: “Mỗi cuốn sách em nghe đọc đều chứa đựng những bài học ý nghĩa. Trong số đó có một cuốn sách đã chạm tới trái tim em, khiến em thay đổi”.

Và Phương hồ hởi “review” cuốn sách của Tom Sullivan - nhà văn, ca sĩ, diễn viên, diễn giả, vận động viên khiếm thị người Mỹ: “Cuộc phiêu lưu trong bóng tối” là cuốn tự truyện về những cuộc phiêu lưu vô cùng mạo hiểm nhưng cực kì thú vị của cậu bé khiếm thị Tommy 11 tuổi, cũng chính là tác giả. Để khám phá, hòa nhập với thế giới bên ngoài, Tommy đã tạo ra những cuộc phiêu lưu mạo hiểm với mục đích được mọi người chấp nhận. Giờ đây, Tommy 11 tuổi đã là ông Tom Sullivan 73 tuổi với nhiều thành công vang dội. Ông là một trong những sinh viên khiếm thị hiếm hoi tốt nghiệp trường đại học danh giá Harvard (Mỹ); trở thành đại sứ giúp người khiếm thị kết nối với thế giới bên ngoài để hòa nhập với cộng đồng và có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

 

Phương (thứ 2 từ trái sang) là một trong 10 tân sinh viên được nhận học bổng toàn khóa của Trường

Đúng như lời Phương nói, cuốn sách đã tác động mạnh mẽ tới nhận thức và hành động của em. Phương rất bất ngờ khi Tommy có thể đan len, đánh đàn piano, ném bóng chày, đấm bốc như người bình thường. Em nhận ra rằng đối với người khiếm thị, suy nghĩ mình không thể làm được gì là một rào cản ngăn cách họ đến với những cơ hội được thể hiện tài năng đặc biệt. “Cuốn sách cho em thấy: Tom Sullivan có thể làm được những điều tưởng như bất khả thi, tại sao một người may mắn hơn ông khi đã có 15 năm được sống như người bình thường và chỉ bị khiếm thị mấy năm như em lại không thể làm được? Cuốn sách đã giúp em tin vào bản thân và không còn cảm thấy bi quan, sợ hãi trước những điều mới lạ. Henry David Thoreau từng nói: Một cuốn sách thực sự hay dạy tôi nhiều điều hơn là đọc nó. Tôi phải nhanh chóng đặt nó xuống, bắt đầu sống theo những điều nó chỉ dẫn. Điều tôi bắt đầu bằng cách đọc, tôi phải kết thúc bằng hành động. Và em đã bắt đầu hành động sau khi đọc xong cuốn sách này”, giọng Phương mạnh mẽ, đầy khẳng định.

Em đăng ký tập gym để rèn luyện sức khỏe, cải thiện vóc dáng cơ thể mình. Một cô bé khiếm thị nhưng chưa bao giờ bỏ một buổi tập nào. Em trở thành tấm gương để các anh chị trong phòng tập nhìn vào.

Không có bạn bè để chia sẻ về những cuốn sách mà mình đã đọc, ngoại trừ một cô bạn thân. Vậy là Phương nghĩ: Tại sao mình không review sách đăng lên youtube, chia sẻ với mọi người? Nghĩ là làm. Từ tháng 4/2020 em đã làm được 7 video giới thiệu về hơn 30 cuốn sách mà em tâm đắc. Công việc không hề đơn giản, Phương phải nhờ bạn tìm hình ảnh bìa sách, phải tự viết kịch bản để giới thiệu, chia sẻ, phải mày mò căn chỉnh âm thanh, lồng nhạc, mất khá nhiều thời gian. Song bù lại, em tìm thấy niềm vui từ sở thích thú vị và ý nghĩa này.

Tốt nghiệp cấp 3, Phương mạnh dạn làm hồ sơ học bổng toàn phần “Chắp cánh ước mơ” của Trường Đại học quốc tế RMIT (Hà Nội), với suy nghĩ: được học tập trong một môi trường quốc tế sẽ là cánh cửa mở ra cho tương lai em - một người khuyết tật cơ hội có được việc làm tốt. Phương mất 2 tháng để chuẩn bị hồ sơ xin học bổng với ideal (ý tưởng) chính: Em muốn vào ngành Ngôn ngữ để có thể dịch thuật nhiều sách nước ngoài và chuyển thể nó ra dạng sách nói cho các bạn khiếm thị. Song song với thời gian đó, em đăng ký học lớp tiếng Anh online miễn phí dành cho người khiếm thị để nâng cao hơn vốn ngoại ngữ của mình. Nhưng trái ngược với sự kỳ vọng, Phương trượt học bổng bởi trong suốt 3 năm cấp 3 em không có một hoạt động ngoại khóa nào đặc sắc.

Cánh cửa đầu tiên tưởng mở ra lại tiếp tục khép lại. Không nản lòng, Phương đăng ký nguyện vọng 2 vào ngành Công tác xã hội, Khoa Khoa học Xã hội & Nhân văn, Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên, và là một trong 10 tân sinh viên được nhận học bổng toàn khóa của Trường (có điểm xét học bạ lớp 12 từ 24,0 điểm trở lên).

Bị khiếm thị đã 4 năm, song Phương vẫn chưa biết dùng gậy định hướng. 3 năm học cấp 3, bố đưa em vào tận lớp. Giờ vào đại học, ngày nào cũng phải nhờ các bạn chờ ở cổng trường dắt lên giảng đường. “Mình không thể phụ thuộc vào bố và các bạn mãi!” - Phương quyết định phải thay đổi bản thân, học cách dùng gậy định hướng. Không có điều kiện tham gia khóa đào tạo, em lên Nhóm những người khiếm thị trên thế giới, chia sẻ tâm sự, được các bạn nhiệt tình chỉ dạy những kinh nghiệm sử dụng gậy định hướng. Có được lý thuyết rồi, Phương bắt đầu đi vào thực hành.

Đó là ngày 05/11/2020, từ 8 giờ sáng đến 11 rưỡi trưa, em nhờ sự giúp đỡ của một anh khóa trên chỉ em tập đi từ cổng trường lên các giảng đường. Chân mỏi nhừ, tay đau nhức nhưng những bước đi vẫn chệnh choạng, sai hướng. Phương mang tâm trạng chán nản chia sẻ với các bạn khiếm thị nước ngoài, nhận được hàng loạt những lời động viên: “Mới chỉ 3 tiếng rưỡi tại sao bạn đã bỏ cuộc?”; “Bạn đi như thế đã là giỏi rồi! Nên nhớ rằng bạn mới chỉ làm quen với cây gậy này mấy tiếng đồng hồ thôi”; “Việc bạn dám dũng cảm sử dụng gậy đã là một điều đáng quý rồi. Và bạn hãy nghĩ đến anh kia - người đã nhiệt tình giúp đỡ bạn, đừng phụ lòng anh ấy!”...

Cùng với đó, em nhận được dòng tin nhắn từ người anh khóa trên tốt bụng: “Em có mệt không? Nếu em mệt thì mình nghỉ, còn không thì chiều nay mình tập tiếp”. Vậy là chiều hôm đấy, sau hơn 2 tiếng đồng hồ, Phương đã học được cách đi lên cầu thang, đếm bước chân và tìm ra những đường đi ngắn nhất tới các phòng. Sau 2 tuần tập luyện, em đã có thể dùng gậy định hướng tự mình tìm đúng phòng học. Phương không ngần ngại chia sẻ niềm hạnh phúc: “Đây là một bước ngoặt lớn nhất trong 4 năm em bị khiếm thị. Giờ em có thể tự đi một cách tự lập - điều ấy thật tuyệt vời!”.

 

Trong tập thể Lớp Công tác xã hội K18, Phương (thứ 4, từ trái sang) luôn vui vẻ, chan hòa, được các bạn tin tưởng và yêu quý.

Với sự tự tin, cùng lực học của mình, Phương được các bạn bầu làm cán bộ lớp, còn thường xuyên được phân làm nhóm trưởng trong các môn học. Phương bảo: “Các bạn luôn lắng nghe, hưởng ứng những ý kiến, đề xuất của em. Còn cảm thấy thích chứ không tỏ ra khó chịu khi phải ở chung nhóm với người khiếm thị. Em thực sự thấy mình đang được học tập trong một môi trường tốt, nơi em có thể khám phá được bản thân mình”.

“Tôi gặp Phương trong buổi học đầu tiên lên lớp môn Kỹ năng giao tiếp. Thật bất ngờ khi em là sinh viên đầu tiên giơ tay giới thiệu về bản thân trước cả lớp một cách đầy tự tin và ấn tượng. Bất ngờ và cảm phục hơn khi tôi được biết về hoàn cảnh, nghị lực và những đam mê mà em đang theo đuổi. Với nghị lực và cách sống của em, tôi tin Phương luôn thấy yêu đời và sẽ đạt được nhiều thành công trong cuộc sống!” - đó là những dòng chia sẻ của TS. Nguyễn Thị Trà My (giảng viên Trường Đại học Khoa học) về cô học trò đặc biệt của mình.

Quả thực, ở Phương tỏa ra một năng lượng tích cực, lấp lánh về nghị lực sống và ngập tràn ước mơ: “Em muốn du học, muốn học lên Thạc sĩ, Tiến sĩ vì có kiến thức thì mình mới mở rộng được cánh cửa tương lai. Em muốn sau này được làm việc ở một tổ chức phi chính phủ để không chỉ hỗ trợ cho người khiếm thị nước mình mà còn cả trên thế giới”.

Giờ đây, khi ngồi viết về Phương, trong đầu tôi cứ vang lên câu nói của Henry David Thoreau mà em đã chia sẻ: “Điều tôi bắt đầu bằng cách đọc, tôi phải kết thúc bằng hành động”.

Bích Hồng

1 đã tặng

1

0

0

0

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước