Thứ ba, ngày 17 tháng 09 năm 2024
02:09 (GMT +7)

Di tích – Truyện ngắn. Phan Thức

VNTN - Buổi sáng ngủ dậy, đánh răng rửa mặt xong, ông Sử vào bàn ăn bát mì tôm vợ ông đã chuẩn bị. Rồi ông dắt xe máy ra cổng thực hiện chuyến đi về một huyện cuối tỉnh.

Từ ngày nghỉ hưu, đã hơn một năm, ông lại thích đi tham quan các nơi có đền, chùa, các di tích lịch sử. Không biết có phải số phận con người được định trước không: Cha mẹ ông đặt tên cho ông là Sử, tên đầy đủ là Nguyễn Lịch Sử, mà suốt cuộc đời ông công tác ở Sở Văn hóa, phấn đấu từ anh nhân viên, đến chuyên viên, trước khi nghỉ hưu ông là trưởng phòng phụ trách quản lý các di tích lịch sử trong tỉnh. Ông không nhớ bao nhiêu di tích lịch sử cổ đại có, trung đại có, hiện đại có về văn hóa, về lịch sử trong toàn tỉnh, đã qua tay ông thẩm định, trước khi báo cáo UBND tỉnh quyết định công nhận, hoặc đề nghị lên trên quyết định. Ông hiểu mỗi lần một di tích được công nhận, là di tích ấy được tôn vinh giá trị, là niềm tự hào của mỗi địa phương, có ý nghĩa giáo dục  mọi người, không chỉ hôm nay, mà còn cho con cháu mai sau.

Nhiều lúc ông nghĩ: Tên mình là Sử, mình lại làm công việc có liên quan đến lịch sử, đúng là tên và nghề nghiệp nó vận vào nhau. Điều đó không làm cho ông băn khoăn, tính toán, trái lại ông lại thấy vui, vì thấy công việc mình làm có ý nghĩa.

Nghỉ hưu, công việc rỗi rãi, ông nảy ra ý định đi thăm lại tất cả các di tích trong tỉnh mà đã được ông chuẩn bị hồ sơ để thông qua cấp trên quyết định.

Rong ruổi trên chiếc xe máy, tự nhận mình là người đi tham quan. Ông đi từ di tích này, đến di tích khác, mà trước đây khi còn làm việc, ông chỉ biết qua hồ sơ giấy tờ mà thôi. Thực ra việc này cũng không khó, tất cả đã có trên hướng dẫn: Quy trình lập hồ sơ, cấp quyết định, Trung ương hay tỉnh. Vì vậy cứ đủ thủ tục, văn bản, là ông lập hồ sơ báo cáo cấp trên công nhận. Mỗi lần như vậy, ông cũng thấy vui, ông nhận được bao nhiêu lời cảm ơn. Có nơi còn có phong bì “Thuốc nước”.

Những di tích mà ông đã đến, nhiều nơi ông thấy phấn khởi, di tích được địa phương giữ gìn, thực sự đã phát huy được giá trị. Nhưng cũng có nơi di tích được xếp hạng rồi, địa phương lại để hoang phí, bước chân đến mà ông chạnh lòng, như thấy mình cũng có lỗi trong việc này. Tâm trạng vui buồn luôn luôn xen lẫn trong ông qua mỗi chuyến đi.

*

9 giờ sáng, chiếc xe máy đã đưa ông Sử đến ngôi đền ở một huyện cuối tỉnh. Đứng dưới bóng cây đa, thân cây to cỡ vài người ôm, ông Sử quan sát ngôi đền nằm trên khuôn đất khá rộng, vẻ rêu phong cổ kính, ông đoán ngôi đền này có lâu rồi. Đọc dòng chữ ở trên cổng, ông nhận ra và ông nhớ lại ngôi đền này là thờ vị quan võ sinh ra và lớn lên ở tỉnh này, có công lớn theo nhà vua đánh đuổi giặc ngoại xâm cách đây đã gần 10 thế kỷ. Theo ông được biết thì nhiều nơi trong tỉnh cũng có đền thờ vị quan võ danh tiếng này.

Bước chân vào khuôn viên, ông Sử nhận thấy ngôi đền được chính quyền và nhân dân địa phương giữ gìn khá cẩn thận, lối đi được quét dọn sạch sẽ, cây cối được chăm sóc, cành lá xum xuê, một không gian đẹp đầy cổ kính.

Một người mặc bộ đồ mầu nâu đi ra, ông Sử đoán chắc là người trông coi đền, ông Sử quan sát nhanh và đoán người đó khoảng ngoài 70 tuổi, đền gần, ông Sử cất tiếng chào:

- Chào bác, tôi ở xa đến, xin vãn cảnh đền.

Người mặc đồ nâu tỏ ra vui vẻ:

- Xin mời anh cứ tự nhiên. Tôi là thủ nhang của ngôi đền này.

Hai người đi vào đền. Mùi hương phảng phất, khiến ông Sử thanh thản sau quãng đường đi dài. Trong gian chính của đền, tấm bằng “Di tích lịch sử cấp quốc gia” được lồng trong khung kính và đặt trên giá gỗ trang trọng. Ông Sử đi thắp hương lần lượt các ban thờ. Ông nhận thấy những pho tượng uy nghi cũ có, mới có, vị nào khuôn mặt, ánh mắt cũng toát ra vẻ hiền từ, độ lượng. Đi đến ban thờ nào, ông thủ nhang cũng giới thiệu với ông Sử từng pho tượng và lịch sử ngôi đền với giọng rõ ràng khúc chiết khác hẳn với phong cách nói chuyện của những người trông coi đền chùa các nơi mà ông đã đến. Đi khắp lượt ngôi đền, ông Sử ngạc nhiên khi không thấy ông thủ nhang nói đến vị tướng mà trong hồ sơ đề nghị công nhận di tích, mà cũng không thấy tượng của vị quan võ ở đâu.

Khi hai người đi đến ngồi nghỉ trong ngôi nhà khách được dựng ở sân đền dưới bóng cây rợp mát. Ông Sử nhẹ nhàng hỏi ông thủ nhang:

- Bác làm thủ nhang ở ngôi đền này lâu chưa?

Vẫn giọng khúc chiết, rõ ràng:

- Tôi làm ở đây đã trên 10 năm rồi. Ngay sau khi tôi nghỉ hưu.

Ông Sử hơi bất ngờ khi nghe ông thủ nhang nói đến “nghỉ hưu”. Ông Sử ý tứ quan sát người thủ nhang và nhận ra những nét phong độ của ông thủ nhang. Ông thầm nghĩ trước đây chắc vị thủ nhang này là cán bộ, thảo nào ông có phong cách và giọng nói rõ ràng, khúc chiết thế:

- Thế trước khi nghỉ hưu bác làm gì, ở đâu?

Người thủ nhang thấy ông khách hỏi vậy, định nói lảng sang chuyện khác, nhưng ông quan sát và nhận ra ông khách tỏ ra vui vẻ, thật thà, nên ông cũng muốn tâm sự:

- Tôi làm chủ tịch của xã này.

Ông Sử như không tin vào điều vừa được nghe ông thủ nhang nói, ông nhắc lại như không làm chủ được suy nghĩ của mình:

- Bác làm chủ tịch của xã này?

Ông thủ nhang bình thản:

- Vâng, trước khi nghỉ hưu tôi là chủ tịch xã này, anh ngạc nhiên lắm sao?

Ông Sử thật thà thừa nhận:

- Vâng tôi ngạc nhiên, tôi cũng đã đi nhiều ngôi đền, chùa trong tỉnh, ngoài tỉnh, lần đầu tiên tôi thấy một người làm chủ tịch xã lại về làm thủ nhang như bác.

Giọng ông thủ nhang đôi chút chùng xuống:

- Nó cũng có nguyên nhân.

Thấy ông thủ nhang nói đến nguyên nhân làm ở trong đền, ngại chạm đến đời tư của người khác, ông Sử nói lảng sang chuyện khác mà ông đang suy nghĩ:

- Tôi nghe nói ngôi đền này thờ vị tướng có công diệt giặc Tống, sao vừa vào tham quan đền không thấy bác nói đến và cũng không thấy tượng của vị tướng đó?

Đến lượt ông thủ nhang ngạc nhiên:

- Sao anh biết chuyện đó?

- Trước đây tôi làm việc trên Sở, tôi là người trực tiếp chuẩn bị hồ sơ để thông qua cấp trên công nhận di tích ngôi đền. Tôi nhớ hồ sơ từ xã gửi là đều nói ngôi đền này thờ vị tướng có công giúp vua diệt giặc.

Ông thủ nhang trân trân nhìn ông Sử, như nhìn một người từ trên trời rơi xuống, nét mặt ông biến sắc, giọng ông trầm khác hẳn khi bình thường:

- Anh đã biết việc đó thì tôi cũng nói thật với anh, đây là câu chuyện mà hơn mười năm nay, từ khi ngôi đền này được công nhận Di tích Lịch sử cấp Quốc gia, làm cho tôi suy nghĩ và ân hận.

Ông Sử nhận thấy câu chuyện đã chuyển sang hướng khác, có những tình tiết sâu xa, ông động viên ông thủ nhang:

- Nếu có thể, bác nói chuyện với tôi, câu chuyện cũng đã trên mười năm rồi.

Bằng một giọng trầm, nhưng vẫn rõ ràng, ông thủ nhang thư thả nói:

- Tôi tên là Hòa, ngày ấy tôi là chủ tịch ủy ban nhân dân xã này. Lúc đó có chủ trương hướng dẫn các địa phương làm thủ tục hồ sơ để cấp trên công nhận các di tích lịch sử, văn hóa. Ngôi đền này theo truyền thuyết là thờ một bà Hoàng hậu đã cách đây gần mười thế kỷ, hoàng hậu xuất thân nhà nghèo, nhưng bà rất đẹp, lại giỏi nghề phụ, hát hay, biết sáng tác những điệu hát ví. Bà đã dạy dân nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt vải, vì vậy đời sống của nhân dân cả vùng đã thoát khỏi nghèo đói, bà còn dạy dân hát những lời hát do bà sáng tác. Khi bà mất, nhân dân đã lập đền thờ bà, lúc đầu chỉ là ngôi đền nhỏ, sau qua nhiều thế hệ, ngôi đền đã được nhân dân tu bổ, mà được như ngày nay.

Ông Hòa ngừng lời, như để suy nghĩ thêm, mắt ông dõi nhìn phía xa:

- Khi làm hồ sơ đề nghị cấp trên duyệt di tích, tôi nghĩ nếu cứ làm trung thực như những điều tôi nói ở trên, thì ngôi đền này chắc chỉ được công nhận di tích cấp tỉnh. Nhưng tôi lại muốn được công nhận di tích cấp quốc gia. Nên tôi đã chỉ đạo cho bộ phận làm hồ sơ ghi thêm phần ngôi đền thờ vị tướng kia như anh đã biết đấy. Vì tôi biết: Suốt dọc đất từ đây đến quê của vị tướng ở đầu tỉnh, nhiều nơi cũng có đền thờ của ông. Việc này cũng chỉ có vài người biết thôi, tôi yêu cầu họ giữ kín…Và kết quả như anh biết đấy. Xã tôi đã tổ chức một buổi lễ đón bằng di tích thật hoành tráng, mà mấy năm sau chúng tôi mới trả hết nợ cho chi phí buổi lễ ấy. Sau đó không lâu, tôi đã nhận ra sai lầm của mình…

Ông Sử nhận thấy giọng ông Hòa trầm xuống:

- Tôi nói điều này anh có tin không?

- Điều gì bác thử nói ra xem.

Ông Hòa không chút do dự:

- Sau buổi lễ đón Bằng di tích không lâu. Mấy đêm liền khi ngủ trong giấc mơ tôi đã gặp vị tướng kia, trong bộ quần áo, giày, mũ quan võ ngày xưa, như trong phim, trong sách mà chúng ta vẫn được thấy. Vị tướng đó không nói gì, mà chỉ nhìn tôi như trách cứ. Mỗi lần như vậy khi tỉnh dậy, tôi thấy trán mình rớm mồ hôi. Đầu năm sau tôi làm đơn xin nghỉ hưu chủ tịch xã, với lý do sức khỏe yếu. Mặc dù khi đó thời gian còn quá nửa nhiệm kỳ và tôi biết tôi vẫn được cấp trên và nhân dân đánh giá là người có năng lực.

Ông Sử chia sẻ:

- Tôi tin giấc mơ của ông, vì nếu ta luôn suy nghĩ về điều gì, thì điều đó cũng dễ đến trong giấc mơ.

Ông Hòa kể tiếp:

- Nghỉ hưu tháng trước, tháng sau tôi xin vào đền làm thủ nhang, vì lúc đó ông thủ nhang cũ tuổi đã cao, sức yếu, xin xã cho nghỉ. Từ đó tôi chăm lo cho việc nhang khói, thu dọn ngôi đền. Tôi không có mặc cảm gì cả, có điều mỗi lần nhìn lại tấm bằng di tích tôi lại suy nghĩ và ân hận. Thỉnh thoảng tôi lại mơ thấy vị tướng kia, vẫn ánh mắt nhìn tôi như trách cứ. Sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi nhận ra mình cần phải làm một điều gì.

Ông Hòa nhìn ông Sử:

- Anh có biết tôi đã làm gì không?

Ông Sử chưa kịp trả lời, ông Hòa nói tiếp:

- Sau nhiều ngày suy nghĩ, tôi đã bảo đứa con trai đầu đưa tôi lên ngôi đền thờ vị tướng đó ngay tại quê hương của Ngài. Tôi đã làm lễ xin ba chân hương ở ngôi đền của vị tướng đem về tôi cũng đã làm lễ đưa 3 chân hương đó vào bát hương ở gian chính ngôi đền này. Từ ngày đó mỗi khi làm lễ tôi đều thỉnh đến tên Ngài, coi như Ngài đã được thờ ở đây.

Ông Hòa nét mặt vui vẻ hơn, giọng nói của ông cũng đỡ trầm, buồn:

Cũng từ sau khi đem chân hương về thờ tại đền, lương tâm tôi thấy thanh thản đôi phần, một điều kỳ lạ là từ ngày ấy không bao giờ tôi mơ thấy Ngài nhìn tôi với đôi mắt trách cứ nữa.

Ông Hòa ngừng nói như thể suy nghĩ thêm:

- Tôi cũng đã có ý định, sang đầu năm tôi sẽ xin cấp trên tạc một bức tượng của Ngài đặt trong gian chính của ngôi đền, đã có mấy doanh nghiệp khi tôi nói chuyện, họ bảo sẵn sàng cung tiến bức tượng đó. Tôi nghĩ chỉ đến lúc đó lương tâm tôi mới hoàn toàn thanh thản được.

Một tốp người đi vào cổng đền. Ông Hòa đứng dậy chào tạm biệt ông Sử để đi ra đón khách, ông Sử nhìn theo ông Hòa lụi hụi đi dưới bóng hàng cây. Ông Sử cảm thấy hoàn toàn chia sẻ, cảm thông với những tâm tư suy nghĩ của ông Hòa.

Khác với mọi lần đi thăm các khu di tích, ông Sử đều tìm thấy sự bình tâm thư thái. Lần này thì khác, qua nghe những lời tâm sự của ông Hòa, ông Sử thấy băn khoăn tự nhủ: Giá như ngày ấy, mình thận trọng hơn, kiểm tra kỹ hồ sơ và trực tiếp đi thẩm định di tích, trước khi báo cáo cấp trên, thì ít ra sẽ không có một người như ông Hòa phải luôn canh cánh, ân hân nuối tiếc hơn mười năm nay. Và ông Hòa cũng không phải khắc khoải mong chờ ngày lương tâm được hoàn toàn thanh thản, như điều mong ước của ông khi tuổi đã xế chiều.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự đêm giao thừa

Văn học 1 năm trước

Chợ

Văn học 1 năm trước

Tháng Tám mùa thu

Văn học 3 năm trước

Dưới tán côm xanh

Văn học 7 năm trước