Đêm định mệnh
(Kính viếng hương hồn hai liệt sỹ Bùi Hùng và Phan Ngọc Sơn)
Lời tựa: Đây là nén tâm nhang kính dâng hai đồng chí liệt sỹ ở đơn vị đặc công của Bộ. Đó là anh Bùi Hùng, người Tày, quê ở Thái Nguyên, hy sinh đêm 29/3/1972 tại cao điểm Fu Lơ - 544 ở Cam Lộ, Quảng Trị. Người thứ hai là liệt sỹ Phan Ngọc Sơn, quê Nam Định, hy sinh đêm 29/4/1975 tại cầu Rạch Chiếc trước cửa ngõ Sài Gòn.
Xe ta vượt Trường Sơn vào mặt trận. Ảnh minh họa, nguồn: tư liệu lịch sử.
1. Những năm tháng ấy tôi là trinh sát đặc công, nhập ngũ sau các anh 6 - 7 năm. Khi tôi còn là cậu lính binh nhất (rồi hạ sỹ, trung sỹ) thì các anh đã là cán bộ đại đội cả rồi, có vợ có con trước khi nhập ngũ. Các anh là cán bộ nhà nước “Tổng động viên”, còn tôi là sinh viên tòng quân, rồi lên đường đi chiến đấu.
Đêm 29/3/1972. Đơn vị đặc công của Bộ nhận lệnh “tăng cường cho Trung đoàn 27, Sư đoàn 320” chiến đấu tại Cam Lộ - Quảng Trị, dưới quyền của đồng chí Tiểu đoàn trưởng D1, E27, F320 Nguyễn Huy Hiệu (sau này AHLLVT, Viện sỹ - Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng). Đại đội trưởng Bùi Hùng, dáng người chắc nịch, ít nói, nhưng anh nói câu nào thì chắc như đinh đóng cột, bản chất người dân tộc Tày Thái Nguyên là thế. “Cậu đi trinh sát với Trung đoàn 27” - anh Hùng gọi tôi lên Đại đội bộ giao nhiệm vụ. Đó là vào chiều 28/3/1972, mưa lất phất… Những ngày này ở Quảng Trị sôi sục lắm, ta sẽ mở màn chiến dịch giải phóng Quảng Trị tháng 3/1972.
Đêm đột kích của chúng tôi là Cao Điểm 544 - Fu Lơ, sẽ mở một hướng đánh hỗ trợ tích cực cho Trung đoàn 27, Sư đoàn 320 giải phóng Cam Lộ - Quảng Trị. Sư đoàn 308 giải phóng Đông Hà, Sư đoàn 325 đánh Cửa Việt. Sư đoàn 324, 304 đánh Mỹ Chánh và Động Ông Do.
Trên chỉ yêu cầu 1 trung đội đặc công tham gia chiến đấu. Đại đội trưởng Bùi Hùng trực tiếp làm mũi trưởng, còn chính trị viên Đại đội dẫn một tổ đi thu quân, nếu đánh không dứt điểm thì Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 27 sẽ đánh tiếp và yểm trợ cho đặc công rút.
Đây là trận đánh then chốt quyết liệt của ta.
Đêm 28/3/1972, tôi bò vào hàng rào điện tử Mắc Namara dày đặc. Hai ông trinh sát Trung đoàn 27 là Bình và Nghĩa (bây giờ Bình sống ở Đông Hà) vốn dĩ là trinh sát của tỉnh đội Quảng Trị, người Cam Lộ mới bổ sung, các anh nắm rõ địa hình, địa vật ở Cao điểm 544 này như bàn tay. Mãi sau này, khi viết lại trận đánh Cao điểm 544 tôi mới rõ nó tên là Fu Lơ, do quân Mỹ đặt tên. Vì trước đây Cao điểm này do một tiểu đoàn Mỹ chiếm đóng từ 1965, còn khi đó là Tiểu đoàn Dù Trâu điên và Ngụy án ngữ. Hàng rào điện tử của địch dày đặc chi chít mìn Cromo, mìn dây, mìn cóc, mìn muỗi, thậm chí cả mìn chống tăng, ĐH20,… nhằm chống xung kích của ta (nhất là đặc công bò vào ban đêm).
Loay hoay từ 20h đêm 28/3 đến rất khuya, 3 trinh sát mới hoàn thành nhiệm vụ bò qua một hàng rào…
Ho khẽ, áp tai nghe rõ tiếng dế kêu, mũi ngửi mùi thuốc lá thơm, mùi cỏ cây hăng hăng, sau đó bàn đi tính lại 3 thằng tôi rút ra và đi đến thống nhất dùng pháo binh và mìn ĐH 20 mở hàng rào. Chúng tôi trở về đơn vị khoảng 3 - 4 giờ sáng 29/3. Thấy động, địch nã pháo và M79 đuổi theo (chỉ tại ông tướng Bình hắt hơi quá to). Ba thằng tôi chạy thục mạng, tụt cả quần, may mà không rơi bản đồ và vũ khí, “không thì về chết với ông Hùng”, tôi tự nhủ. Tôi lẩm nhẩm nếu đánh sở trường một tổ 3 người bò vào thì chỉ có nướng quân. Vậy chỉ có tập kích, sau đó bộ binh đánh công kiên thì mới giải quyết được.
Tôi nêu ý kiến này với anh Hùng, anh Hiệu, các anh chỉ huy suy nghĩ đắn đo mãi. Anh Hiệu bàn giao mũi đánh phía Nam cao điểm 544 cho anh Hùng đảm nhiệm. Đặc công đột kích trước, anh Hùng đăm chiêu lo lắng lắm, anh Hùng nhớ lại những trận đánh ở Khe Sanh đơn vị đã hy sinh nặng nề mới diệt được 2 ổ đại liên và 4 chiếc xe tăng (lô cốt tự động) ở Xa Va Na Khét (Trung Lào)… Cái chết của lính đặc công thật thảm khốc, có người “phơi áo” hàng rào, có người bị B40 của bộ binh bắn nhầm cụt cả đầu, toàn thân liệt sỹ không lành lặn… Ngày 29/3/1972, đơn vị chuẩn bị lương khô, nước uống, súng đạn AK, thủ pháo, lựu đạn USA quấn đầy quanh mình, mỗi tổ thêm một khẩu B40, hỏa tiễn vác vai, chúng tôi lẫn vào đêm tối im ắng, ai ai cũng xác định là “đi” không về…
Tôi dẫn anh Hùng và Trung đội đặc công vào chiếm lĩnh trận địa chờ giờ khai hỏa (có pháo sáng là nổ súng). Tiếng là trung đội, thực ra chỉ có 18 tay súng, Anh Hùng chọn các tay súng cừ khôi nhất Đại đội đánh trận này. Tổ số 1, 6 người chia 2 mũi xuất kích.
Chờ cho ngớt tiếng pháo 130 li của mặt trận B5 phá hàng rào, kích nổ các loại mìn áp đảo địch. Tiểu đoàn Dù của Ngụy được tăng cường hồi tháng 3/1972, bọn này chiến đấu ngoan cố lắm. Hàng rào điện tử Mắc Namara bật tung. Mìn ĐH của ta mở toang 6 mét, anh Hải người Thái Bình, Trung đội phó dẫn quân tiên phong, các anh bò lết kiểu thằn lằn bị bỏng nhanh lắm. Trời chi chít đạn lửa, pháo sáng tung tóe, máy bay địch gầm rú… Không khí trận mạc xé toang bầu trời Cam Lộ. Bên hướng đông và tây, 2 trinh sát Nghĩa, Bình dẫn Tiểu đoàn 1 cùng anh Hiệu đánh dồn dập cổ vũ toàn mặt trận Fu Lơ… (Sau này tôi được biết ở Cửa Việt, động Ông Do, Mỹ Chánh, Như Lệ ta đánh lớn lắm). Tiểu đoàn Dù Ngụy chia 3 mũi phản công lại dữ dội… có bao nhiêu đạn dược vốn liếng chúng tung ra hết. Tổ anh Hải vào đến đầu cầu hy sinh hết, anh Hùng tức điên lên, anh và 3 đồng đội đi cùng anh tung thủ pháo đánh thốc vào ổ đại liên số 2. (Đáng lý ra đêm qua 28/3 tôi phải biết ở lùm cây săng lẻ cụt này có đại liên nhưng vì sợ quá và mệt nữa tôi đã vội rút ra nên kết quả thế này đây, trời ơi!). 50 năm nghĩ lại, tôi thấy mình sai sót lớn, đau đớn quá.
Anh Hùng gọi “Thắng! B40 đâu!”. Xạ thủ Thắng bồi 2 quả B40, quả đầu trật bay vút lên điểm 1, quả 2 trúng ổ đại liên, địch câm họng, để chắc ăn. Anh Hùng đỡ khẩu B40 từ tay Thắng bồi thêm quả nữa rồi dẫn 10 người đánh thốc vào trung tâm, thủ pháo thi nhau nổ, các hầm địch ộc ra hàng như cá trê dốc ống. Thê đội 2 lệnh chiếm lĩnh trận địa và giải tù binh, thu vũ khí…
Vì quá chủ quan, anh Hùng xông lên trước đơn vị hạ AK56 quét một vòng thì một viên đạn cối M79 của địch bắn trúng đầu anh, anh gục xuống không kịp nói năng gì. Tôi bế thốc anh Hùng khóc to “lỗi tại em, anh ơi”…
50 năm trời qua đi, bây giờ tôi mới kể… Cái đêm định mệnh ấy, vài hôm trước thấy anh Hùng buồn, tôi gặng hỏi. Anh nói vừa gặp cậu em vợ ở Gio Linh vào bổ sung cho Sư 320, anh Hùng cho em vợ gói bánh lương khô JA – 70, em vợ tặng gói thuốc lào An Lão Hải Phòng, anh nói: “Anh không thể về Thái Nguyên nữa cậu ạ”. Trời! Anh Hùng có biết đâu em cậu cũng đánh 544. Ta thương vong 67 người. Còn cái giá phải trả ở 5 cao điểm tại Cam Lộ ta thương vong 200 người, trong đó có anh Bùi Hùng yêu quý của tôi.
2. Đêm 29/4/1975
Đầu năm 1975 đơn vị chúng tôi củng cố tại Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. Sau khi ta giải phóng Buôn Ma Thuột và Huế, tháng 3/1975 Quân đoàn II mở chiến dịch Quảng Đà (Quảng Nam – Đà Nẵng). Đơn vị Đặc công của Bộ tiến đánh sân bay Nước Mặn 29/3/1975, chúng tôi thiệt hại 12 đồng đội ở đây…
Đại đội trưởng Phan Ngọc Sơn dẫn đơn vị tăng cường cho Quân đoàn I (trực tiếp chiến đấu là Trung đoàn 27, Sư 320 của anh Nguyễn Huy Hiệu), còn để dành một trung đội đặc công và tiểu đội súng phun lửa cho Sư đoàn 312 tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Lai Khê - Phú Lợi. Chỉ huy Sư đoàn 312 là Thiếu tướng Nguyễn Chuông. Ta tiêu diệt toàn bộ Sư đoàn 5 Ngụy do tên tướng Lê Nguyên Vỹ cầm đầu, trận ấy tướng Vỹ tự sát tại Lai Khê (Bình Dương).
Mũi tiến đánh Tổng Nha cảnh sát, Bộ Tổng tham mưu các binh chủng của Ngụy do Sư 320 đảm nhiệm. Sư 304 đánh vào Dinh Độc Lập kết hợp với Lữ đoàn xe tăng 202. Anh Phan Ngọc Sơn dẫn quân đánh cầu Rạch Chiếc đêm 29/4/1975.
Hành quân. Ảnh minh họa, nguồn: tư liệu lịch sử.
Đã gần nửa thể kỷ trôi qua tôi mới có dịp ôn lại những thước phim tráng bằng máu của đồng đội mình. Tôi nhớ anh Ngọc Sơn và Trung đội đặc công hy sinh ở cầu Rạch Chiếc của Bắc Sài Gòn năm 1975.
Anh Phan Ngọc Sơn dáng thư sinh trắng trẻo hát chèo, anh quê Nam Định (mẹ người Thái Bình) và đã có thời gian công tác ở Phủ Lý. Hồi tập đặc công ở Bắc Giang có cô gái Bắc Ninh hát quan họ hay lắm phải lòng anh.
Ngày đó chúng tôi tập đánh nhà tại thành phố (khi ấy TX Bắc Ninh nhiều nhà tầng bị sập do không quân Mỹ đánh phá). Tôi theo anh bơi sang làng Vân (qua Sông Cầu) mua rượu, theo về quê cô nàng quan họ Bắc Ninh ấy, hình như làng Tam Đa thì phải. Chuyện tình của lính cũng nhiều khi thật lãng mạn. Anh đã có vợ, có con mà gái vẫn mê… nhưng cũng chỉ để nhớ nhung vậy thôi! Sau đó chúng tôi ra ga Sen Hồ đi B.
Ngày 27/4/1975 anh Thọ Mạc ở Lữ đoàn xe tăng 203 hy sinh khi dẫn quân đánh cầu Bình Triệu (cả xe tăng và bộ binh anh đều chỉ huy cả). Anh Sơn khóc, kể “Thọ với tao cùng nhập ngũ đã về Việt Yên, Bắc Giang chơi với nhau 3 ngày liền”.
Những ngày tháng Tư, 1975, những ngày máu lửa và quyết liệt, đối thủ của chúng tôi là người Việt Nam, họ chiến đấu cũng dũng mãnh và vô cùng tàn bạo, xảo quyệt. Quân Ngụy Sài Gòn tụ về cầu Bình Triệu, Rạch Chiếc hàng sư đoàn, chúng dùng xe tăng làm công sự dã chiến chống trả quyết liệt.
Chúng thua trận ở Xuân Lộc, Phú Lợi, chạy ồng ộc về, bị 5 cánh quân của ta bao vây tứ phía, từ Bà Rịa - Vũng Tàu trở ra. Năm cánh hoa cùng nở rộ. Pháo đạn tơi bời, các con đường 14, 15, 16 bị quân ta chặn giữ.
Địch cố giữ cây cầu này để chi viện cho Sài Gòn. Trong khi pháo binh của ta (2 tiểu đoàn) nổ tới tấp vào Sài Gòn thì ở cầu Rạch Chiếc vẫn có hàng ngàn lính Ngụy cố thủ. Tổ 1, tổ 2 hy sinh cả 6 người ở đây.
Đại đội trưởng Phan Ngọc Sơn dẫn trung đội đặc công xung phong đánh tiếp (đơn vị hỗ trợ là Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 27, Sư 320). Bỗng nhiên, gặp 3 ổ đại liên của địch quét chéo cánh sẻ, anh Sơn và 8 đồng đội hy sinh tại trận.
Cho đến năm 2019 các anh em chiến đấu ở cầu Rạch Chiếc 1975 gặp nhau và nhắc Phan Ngọc Sơn tôi giật mình gọi điện cho bạn bè thì được nghe kể là chôn anh Ngọc Sơn gần cầu Rạch Chiếc. Họ cũng cho biết: Đại đội đặc công còn 8 anh (4 anh quê Thái Bình, 2 anh ở Nam Định, 2 anh ở Hải Dương), nhưng đều bặt vô âm tín anh Sơn ơi!
May cho tôi viết được mấy trang “ký ức thành cổ” lại có chân trong Ban Chấp hành Hội Chiến sỹ thành cổ Quảng Trị 1972 cho nên có điều kiện tìm thấy nhiều liệt sỹ ở đơn vị mình. Tôi cũng muốn qua trang viết này đồng đội hãy tìm giúp tôi anh Phan Ngọc Sơn, quê Nam Định ở đơn vị Đặc công hy sinh ở cầu Rạch Chiếc an táng ở nơi nào nhé.
Chuyện 50 năm trước cứ như ngày hôm qua. Trong trái tim tôi bao giờ cũng nhớ hai anh Bùi Hùng và Phan Ngọc Sơn. Các anh mãi mãi là người anh hùng của dân tộc.
Đêm tháng Tư đã khuya… nhưng trái tim, tâm hồn tôi vẫn sáng, tôi tựa vào ánh trăng tưởng nhớ các anh về trong tiếng gió.
Anh Hùng ơi! Anh Sơn ơi!.
15/4/2021
Ký. Đỗ Dũng
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...