Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
09:24 (GMT +7)

Dạy và học nhạc tại nhà: trào lưu đang thịnh hành

VNTN - Thả hồn vào tiếng đàn, cảm nhận giai điệu giúp giảm bớt áp lực công việc, học tập, âm nhạc như một phương thức nuôi dưỡng tâm hồn và tái tạo năng lượng sống. Vì lẽ đó, xu hướng dạy và học nhạc tại nhà đang dần trở nên phổ biến và ngày càng thu hút trong những năm gần đây ở Thái Nguyên. 


Như một “liệu pháp tinh thần”

Cho con trai theo học guitar đã mấy năm nay với mong muốn giúp con giải tỏa căng thẳng sau những giờ học văn hóa ở trường, anh Hoàng Long (tổ 15, phường Đồng Quang) vui mừng khi thấy con bộc lộ năng khiếu và niềm ham mê âm nhạc. Những khoảng thời gian say sưa chơi đàn là lúc các con anh, và ngay cả bản thân anh được cân bằng cảm xúc. Anh chia sẻ: “các con bây giờ không (ít) có sân chơi, chúng không thể chân trần đá bóng, hè đi bắt ve, đào dế, bắt chim non, tối đến lăn lê bò toài chơi trốn tìm… như mình thuở trước, tôi sợ con sa đà vào mạng xã hội, game bạo lực,.... nên định hướng cho đi học nhạc. Mong sao khi lớn lên, bước vào vòng xoáy cuộc sống bon chen, cơm áo gạo tiền, lúc mệt mỏi thì tiếng đàn dù đầy lỗi cũng sẽ giúp con khỏa lấp phần nào”.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Thái Nguyên có khoảng trên 10 điểm sinh hoạt âm nhạc, dưới hình thức câu lạc bộ ở các trường cao đẳng, đại học chuyên nghiệp; Nhà Thiếu nhi tỉnh; các trung tâm âm nhạc tư nhân như Thiên thần nhỏ, Thắng Vượng (đường Minh Cầu)…. Piano, guitar, ocgan là những nhạc cụ phổ biến và dễ tiếp cận nên được lựa chọn dạy và học nhiều hơn. Đối tượng theo học cũng rất đa dạng, từ nhi đồng, học sinh trung học phổ thông, người đã đi làm… Việc dạy và học nhạc tại nhà chiếm ưu thế hơn so với trung tâm, bởi bản thân người dạy không mất tiền thuê mặt bằng, lại tiết kiệm được thời gian rảnh rỗi; người học chủ động thời gian sao cho phù hợp với nhu cầu bản thân. Thời điểm các gia đình cho con đi học nhạc thường sẽ nhiều hơn vào mùa hè, các lớp học sẽ tăng cả về số lượng học sinh và số buổi học. Có hai hình thức dạy và học nhạc tại nhà là gia sư (một thày một trò), và dạy theo lớp/nhóm (nhiều học viên). Học theo nhóm thì kinh phí được chia đều, giá cả khá bình dân; các bậc phụ huynh liên kết với nhau, gia đình nào có điều kiện phù hợp thì trở thành địa điểm tập trung, sau đó thuê thầy dạy. Thường mỗi nhóm chỉ 5, 6, hoặc nhiều nhất là 10 học viên, học phí trong khoảng 70 - 80 nghìn đồng/ người/ buổi (2 - 3 tiếng). Nếu gia sư thì giá cao gấp 3 lần.

Giúp con mang cây ocgan đến điểm học, chị Bùi Thị Hoài Sơn (phường Trung Thành, TP. Thái Nguyên) khuyến khích con thể hiện các bản nhạc đã được học. Nhìn con vui vẻ, chị thoải mái cho biết: Tôi cho cả hai con theo học piano, ocgan, mỗi tuần chỉ một buổi, từ 18h - 20h. Thời gian đầu con không thích lắm, nhưng giờ thì cả hai đứa đều rất say mê, cứ rảnh rỗi là đàn cho cả nhà nghe. Đây thực sự là sân chơi bổ ích, bởi sau những giờ học căng thẳng, các con tìm thấy niềm vui, một nơi để giải trí, thư giãn; âm nhạc còn giúp con rèn luyện tính kiên trì, mạnh dạn và tự tin hơn trước đám đông.

Học nhạc tại nhà thịnh hành và trở thành phong trào trong khoảng 5 năm trở lại đây. Từ một gia đình cho con đi học, thấy con thoải mái tinh thần, kết quả học tập được cải thiện, thế là cả khu phố cùng rủ nhau đi theo. Bé Ngô Phương Anh (lớp 6 trường Tiểu học và THCS 915 Gia Sàng) hào hứng: Con đã học piano được hơn 2 năm, cảm thấy rất thích vì khá thoải mái và thư giãn. Con thấy mình hòa nhập, mạnh dạn hơn trong giao tiếp. Học piano còn giúp con có tư thế ngồi đúng, ngón tay linh hoạt, cảm thụ âm nhạc ngày càng tốt. Từ piano khi chuyển sang chơi ocgan hay guitar cũng tiếp cận được dễ dàng...

Đất sống cho tài năng và tình yêu âm nhạc

Có thâm niên dạy nhạc tại nhà hơn 10 năm nay, tốt nghiệp Khoa âm nhạc (Đại học Văn hóa Hà Nội), anh Đặng Xuân Lương (ngõ 889, đường Dương Tự Minh, TP Thái Nguyên) rất vững vàng về chuyên môn, dạy được nhiều loại nhạc cụ như guitar, piano, ocgan. Công tác tại cơ quan nhà nước với công việc trái ngành, nhưng âm nhạc như mối duyên nợ đời người, anh sắp xếp hoàn thành việc chuyên môn cơ quan và dạy nhạc ngoài giờ hành chính. Đối với anh, dạy nhạc tại nhà có nhiều lợi thế, trong đó phải kể đến việc có điều kiện để đầu tư dài hơi, làm thương hiệu cá nhân. Dù xu hướng học nhạc phát lên như phong trào, thì với những gì được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, anh Lương dạy từ gốc chứ không theo kiểu ăn xổi. Tuyệt đối không ôm đồm mà sẽ xem xét nhận học viên qua 4, 5 buổi đầu không thu học phí, nhận định về khả năng của người học và tư vấn có nên tiếp tục hay không.

Âm nhạc nói chung, guitar nói riêng cần sự kiên trì cao, anh Đặng Xuân Lương phải “cầm tay chỉ việc” cho học viên. 

Không chỉ dạy tại nhà, anh còn được mời đi dạy ở những trung tâm, các Câu lạc bộ âm nhạc, dạy luyện thi cho học sinh vào các trường chuyên nghiệp. Duy trì 2 lớp với 15 học viên, lịch dạy 2 buổi/tuần, cộng thêm dạy trung tâm và gia sư, thu nhập mỗi tháng anh đạt trên dưới 10 triệu đồng. Anh có nhiều dự tính mở rộng và chuyên hơn về âm nhạc, như mở thêm những dịch vụ làm nhạc, mix nhạc, cung cấp nhạc cụ…, nhưng hiện tại chưa đủ điều kiện và thời gian hạn hẹp nên vẫn chỉ tạm thời dạy theo nhu cầu.

Nói về những yếu tố then chốt của một người dạy nhạc, trước tiên phải kể đến tài năng, niềm đam mê, sự yêu nghề thầy giáo, và quan trọng nhất là phương pháp. Sư phạm nhạc là bộ môn hết sức đặc biệt, bởi không phải ai có kiến thức cũng có thể dạy được, và không phải ai dạy học cũng có phương pháp dạy đúng. Với bất cứ nhạc cụ nào cũng cần ở người học sự kiên trì, khả năng cảm thụ. Các lớp học đa thành phần, số lượng không nhiều nên thường sẽ học ghép. Đó cũng là cái khó mà các giáo viên dạy nhạc gặp phải.

Tốt nghiệp Khoa Sư phạm Nhạc họa trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội, Đào Tuấn Anh hiện đang công tác tại Đoàn Nghệ thuật tỉnh cũng tranh thủ dạy nhạc tại nhà ngoài giờ hành chính. Đi dạy gia sư khi còn là sinh viên, Tuấn Anh tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm. Ngoài phương pháp sư phạm phổ biến là dạy kiến thức rồi thực hành, anh còn áp dụng phương pháp của người Do Thái, đó là chú trọng vào việc tiếp nhận của học sinh. Mỗi người sẽ có cách tiếp nhận theo mỗi cách khác nhau như: bằng mắt, bằng tai, bắt chước, hoặc tập đi tập lại… Vì thế anh thường có bài kiểm tra đối với từng học viên để áp dụng phương pháp dạy sao cho phù hợp, hiệu quả nhất.

Không “thêm thắt” như anh Lương, anh Tuấn Anh, chị Dương Minh Trâm (phường Thịnh Đán) toàn tâm toàn ý cho việc dạy nhạc và đang sống bằng nghề. Trước đây, sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc, chị có thời gian cộng tác dạy tại Nhà thiếu nhi Thái Nguyên. Sau nhiều khóa học, chị được phụ huynh mời dạy tại nhà riêng thấy hiệu quả họ giới thiệu cho nhau, tập hợp các con học theo nhóm. Chuyên piano, ocgan, gần 15 năm nay lịch dạy của chị luôn kín trong tuần. Hiện chị có 4 buổi dạy nhóm (mỗi nhóm 5,6 học viên), còn lại là gia sư.

Cô giáo Dương Minh Trâm khuyến khích các em thể hiện những bản nhạc piano cổ điển và bộc lộ khả năng khi hòa tấu cùng nhau.

Với một người được làm nghề, được truyền thụ kiến thức từ tài năng tâm huyết của mình, chị Trâm thỏa nguyện với cuộc sống hiện tại. Tuy cũng có cái khó riêng, piano là bộ môn phổ biến, nhưng vì giá cả đắt đỏ nên chỉ những gia đình có điều kiện mới mua được đàn chuẩn, nhạc cụ cồng kềnh nên cũng gây nhiều bất tiện khi di chuyển..., bù lại, xu hướng học piano vẫn khá “hút hàng” nên chị Trâm vẫn “đắt khách”. Vào dịp hè, chị dạy nhiều gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với trong năm học, thu nhập bình quân khoảng 12 - 15 triệu/tháng, bình thường cũng ổn định trong khoảng 5 - 6 triệu đồng/tháng. “Tôi có thể nắm bắt tâm lý học viên, tư vấn cách học cho từng trường hợp. Nếu chỉ học các bài cổ điển và luyện ngón thì học viên không hứng thú. Học theo nhóm, các con có thể hòa tấu với nhau, vui vẻ và hứng thú hơn rất nhiều” - Chị Trâm vui vẻ cho biết.

Lựa chọn dạy nhạc tại nhà như một cách nuôi dưỡng đam mê và tình yêu âm nhạc, anh Lương, Tuấn Anh, chị Trâm cũng chia sẻ nhiều chuyện hài hước. Nhiều khi thầy cô vừa dạy nhạc vừa làm… bảo mẫu, có những phụ huynh ép con học bằng được dù bé không có năng khiếu; trường hợp đưa con đến lớp và không quan tâm đến kết quả, giao cho thầy như đi gửi trẻ cũng không hiếm. Các em nhỏ (6 - 7 tuổi) ôm guitar chưa được, mới tập đau tay thì khóc ré lên; có em lại “ăn vạ” thầy vì đói, vì nhớ mẹ… Lúc này, thầy giáo không chỉ dạy nhạc mà còn dạy cả kỹ năng sống, đạo đức cho trẻ. Yếu tố hài hước, vui vẻ, sự cởi mở, hòa đồng, làm bạn với học viên giúp thầy cô nắm bắt được tâm lý, áp dụng phương pháp phù hợp nhất. Tuấn Anh cho hay: “vì hạn hẹp thời gian, thu nhập chẳng đáng là bao (chỉ từ 2,5 - 3 triệu đồng/tháng), nhưng thấy rất thú vị. Ví như khi dạy đàn cho một chàng trai nhằm mục đích để anh ta… tán gái, hay một học sinh muốn đàn để tặng mẹ nhân dịp 8/3; có người học đàn vì thất tình, học để giảm béo,… mỗi người một cảnh đời, một câu chuyện, và tôi được trở thành một phần của câu chuyện đó.”

Dạy và học nhạc tại nhà dưới hình thức nhóm, gia sư, học sinh ít, các giáo viên sẽ tập trung, tư tưởng khá thoải mái. Để có thể cạnh tranh với đông đảo những trung tâm, giáo viên khác, anh Lương, chị Trâm tạo uy tín bằng chất lượng đầu ra. Thông qua các buổi giao lưu, biểu diễn để quảng bá hình ảnh trực tiếp, anh Lương còn dùng mạng xã hội đăng tải các clip chơi nhạc lên Youtube. Hiện nay anh cũng đang thử nghiệm dạy Live stream (truyền video trực tiếp), online, những hình thức khá mới mẻ và hiệu quả, bởi sự tương tác trực tiếp sẽ giúp ích cho quá trình truyền đạt và tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn.

Với những lợi ích mang lại về mặt tinh thần, thì dù là phong trào hay xuất phát từ đam mê của con trẻ, thì việc học và dạy nhạc tại nhà cũng đã làm tốt vai trò là tạo sân chơi lành mạnh, nuôi dưỡng tâm hồn người học. Phần đa các gia đình coi đây là hoạt động ngoại khóa nên có rất ít (thậm chí là không có) học viên chuyên sâu và theo đuổi về âm nhạc mà chỉ biết chơi, phục vụ nhu cầu giải trí khi cần. Dẫu là vậy, thì những bản nhạc đầy lỗi vẫn có thể khiến con người ta cân bằng cảm xúc, cân bằng cuộc sống.

 

Kim Việt

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy