Thứ hai, ngày 14 tháng 10 năm 2024
12:50 (GMT +7)

Đau đớn Mù Cang Chải

VNTN - 5giờ 30.Vừa mới bắt đầu được một đoạn trên hành trình Thái Nguyên-Lai Châu, đang thiu thiu ngủ thì chuông điện thoại. Hường, cô lớp trưởng lớp Đại học tại chức mầm non, thảng thốt, giọng lạc hẳn đi:

- Thầy đừng lên nữa thầy ơi! Thầy quay lại đi. Đường sạt nhiều lắm, không qua được đâu. Lũ quét. Nhiều người chết lắm. E đang đi cứu người…

Tôi giật mình, gọi lại thì điện thoại không liên lạc được. Hỏi anh tài xế: Lũ quét ở Mù Cang Chải, đường tắc không đi được. Anh thử hỏi kiểm tra xem thế nào?

Sau cuộc điện thoại khá lan man dài dòng với đầu dây bên kia. Anh bảo: “Lũ quét tại trung tâm Mù Cang Chải. Nhưng không sao, bọn em đi đường dài quen rồi. Chiều mình lên tới nơi thì cũng ổn thôi. Lũ quét không giống như lụt úng ở đồng bằng, nó chỉ một nhoáng là xong thôi. Còn đường tắc thì không lo, cung nào cũng có sẵn mấy xe ủi túc trực, chỗ nào sạt lở thì múc ngay, nhanh lắm”.

Nhìn vẻ mặt bình thản của anh lái xe, tôi cũng không hỏi gì thêm. Được một lúc, lại điện thoại, lần này là cuộc gọi của anh cán bộ phòng giáo dục, phụ trách lớp học: “Thầy quay lại đi, không học được đâu. Lũ quét tan hoang hết cả rồi”.

Ơ hay! Lũ quét là việc của lũ. Tôi đi dạy là việc của tôi. Sao mọi người lại sốt sắng thế nhỉ để bảo tôi quay lại. Tôi bắt đầu khó chịu: “ Anh không quyết định được đâu. Tôi cũng thế.Tôi cứ lên đã. Có gì tính sau…”.

Điện về cho đồng chí Quý, trưởng khoa, báo cáo tình hình. Tôi bảo: “Kệ, anh cứ lên xem thế nào đã, không đủ người cũng không sao, có vài người cũng học”. “OK, anh cứ lên đi, có gì thông tin em ngay nhé”.

Vậy là lại tiếp tục đi.

3 giờ chiều. Đến Tú Lệ vẫn chưa thấy có dấu hiệu gì của lũ quét. Trời sau mưa xanh đến lạ lùng. Lái xe đã tắt điều hòa, mở hé các cửa kính lấy gió trời, cảm giác khá mát mẻ và dễ chịu.

Đến ngã ba Kim, nghĩa là chỉ còn cách trung tâm Mù Cang Chải đúng 20 km, bắt đầu dần nhận ra dấu hiệu của một cái gì đó bất ổn, một cái gì đó có vẻ nghiêm trọng hơn thường ngày. Cứ vài ba cây số lại thấy đất đá sạt thành từng mảng lớn. Hai bên đường, nhất là phía dọc theo con suối, thỉnh thoảng, lại một vết dài từ đỉnh núi xuống lòng suối, dấu vết dòng nước đổ xuống trông như một vết trầy xước lớn trên thân thể của đồi, như người ta mặc một chiếc áo bị gai cào, xé toạc một vệt dài. Đúng hơn, giống như một quả chuối xanh bị tước một lớp vỏ, một vệt thôi, nhưng sâu vào trong thịt, Những vết thương ấy không còn thấy chảy máu, chỉ đỏ sậm màu đất, hằn lên giữa màu xanh của núi, của đồi.

Đường bị sụt nhiều nhưng khá thông thoáng, xe máy ủi túc trực từng chỗ sạt lở, làm việc liên tục, công an đứng điều tiết giao thông, xe qua lại khá nhịp nhàng, thỉnh thoảng lại có tiếng còi hụ, một vài chiếc xe biển xanh hối hả lách đường, lao nhanh về phía Mù Cang Chải.

Càng đến gần trung tâm, dòng suối bên đường càng phình ra, nước đỏ như nước sông Hồng mùa lũ, cả những rãnh nước hai bên đường cũng sậm màu như thế, màu của đất.

Tới trung tâm Mù Cang Chải, xe ô tô đỗ kín một bên đường, trải dài gần cây số, cả xe của truyền hình VTV cũng sắp hàng, người người đông nghịt, chỉ khác là gương mặt ai cũng lộ rõ sự nghiêm trang. Không có tiếng ồn ào. Công an, bộ đội, đoàn viên thanh niên mặc trang phục, quần sắn cao, bì bõm trong lớp bùn đất sền sệt, nhão nhệt.

Chỉ kịp quẳng ba lô vào nhà nghỉ, tôi mượn được cái áo mưa, quàng vội và ngược về phía đông người nhất: chợ Mù Cang Chải. Chiếc cầu bê tông khá lớn vẫn còn nguyên vẹn nối từ ngã ba chợ vào hẻm núi, sát dọc theo trường tiểu học và THCS huyện. Đường vào xã Kim Nọi đã bị phá hủy hoàn toàn. Cảnh sát ngăn người không có nhiệm vụ vào khu vực này. Với lại, nếu có cho cũng không chắc mấy ai dám lội qua cả chặng sình lầy ngập ngang đầu gối ấy mà vào. Phía bên trong, đến cuối tầm mắt chỉ toàn lực lượng thanh niên ai cũng lấm lem, bê bết cuốc xẻng. Đoạn từ ngã ba chợ xuôi xuống đến chiếc cầu bê tông đang xây dở vẫn ngổn ngang sắt thép, chừng hơn 500 m, thẳng và đẹp, bình thường là nơi đi dạo lí tưởng cho khách du lịch, bây giờ suối đã thành sông, nước  réo như tiếng thác đổ, lềnh phềnh trăm thứ cuồn cuộn trôi. “Nhiều lợn gà, xe máy, tủ lạnh trôi đi lắm, cả trâu bò nữa, dưới kia người ta vớt lên cả trâu”, anh bạn thanh niên đứng gần tôi bảo vậy.

Không ai biết rõ thiệt hại về người. Con số đài báo nhắc tới từ buổi trưa là 6 người mất tích, 27 ngôi nhà bị lũ cuốn trôi.Thống kê tính đến buổi chiều là 17 người bị chết và mất tích. Chắc đài báo nghe được từ lực lượng chức năng, nhưng lực lượng chức năng làm sao mà biết hết?

Lũ ống đổ xuống Mù Cang Chải sáng 3/8/2017 (Ảnh cắt từ một clip trên mạng Facebook)

Hường, cô lớp trưởng lớp đại học tại chức mầm non, mặt vẫn chưa hết vẻ thất thần, nói với tôi trong lúc tranh thủ ăn cơm tối, gọi là tranh thủ vì chỉ ăn nhoáng nhoàng để còn làm việc. “Chồng em cả ngày ở trong ấy. Anh ấy là công an. Bọn em thì ở ngoài này từ sáng đến giờ. Lúc chiều, lũ tiếp tục về, bọn em sợ quá, chạy toán loạn thầy ạ”. “Lũ về khoảng mấy giờ hả em?”. “Khoảng gần 6 giờ sáng thấy ạ. Nhà em bên này đường, nhìn thẳng sang bên kia cầu. Em nghe tiếng nước chảy to nên mở cửa sau ra nhìn, thấy nước chảy tràn kín hết phía bên kia cầu. Không biết nước ở đâu đổ xuống mà nhiều thế. Rồi ùng một cái, như quả bom nổ phía trên đỉnh núi, mọi người nháo nhác chạy ra xem thì thấy đỉnh núi khói bốc lên mù mịt như khói bom, nước đổ xuống ầm ầm …”. “Có lâu không?”. “Chỉ năm mười phút thôi thầy ơi. Chồng em lấy ống nhòm ra xem. Em cũng nhìn, thấy chỉ chừng mấy chục giây, cả dãy nhà bên ấy đã biến mất, như trong phim vậy”. “Thiệt hại thế nào em, bao nhiêu người chết?”. “Hiện giờ thì chưa thể biết được, bên ấy nhiều nhà lắm. Ở ngoài này thì mới chỉ rõ có 6 người. Trong đó 1 người bị chết, người ta thấy văng ra mặt đường bên này.Trông thấy xác thì gọi là chết, còn 5 người nữa không thấy đâu thì gọi là mất tích thầy ạ. Chắc xuống lòng hồ thủy điện hết rồi”.

“Nhưng thầy ơi, bên trong nữa còn nhiều nhà lắm, nhà người dân tộc, họ ở chỗ nào mình chẳng biết. Như chiều nay họ nói, có nhà cứ kéo nhau đi tìm ông bố đang ở trên nương, tìm không thấy đâu, đến mười giờ trưa mới chợt nhớ còn 4 đứa con đang ngủ trên lán. Bấy giờ mới hốt hoảng tìm tới nơi thì chẳng thấy lán đâu, chỉ còn một thằng bé bị gẫy chân, mắc vào cành cây đang kêu khóc. Nó bảo hai anh lớn chạy được rồi, nhưng quay lại định cứu đứa em lên trôi luôn. Riêng nó bị mắc kẹt vào cành cây, lũ tràn qua còn vướng lại...”.

Cả khu tập thể giáo viên thị trấn có 6 gia đình. Không ai nghĩ lũ quét, chỉ thấy nước dâng nên có người còn kê lại ti vi tủ lạnh, đến khi người ta hô hoán ầm lên mới chạy vội lên đồi. May đằng sau có ngọn đồi mà lũ lại không tràn qua phía ấy, nên mới sống sót. Nhưng nhà cửa, tài sản thì bị mất hết.

Có cô giáo chồng đi làm xa, có hai con nhỏ, bế được đứa nhỏ chạy lên đồi, đứa lớn may hàng xóm ôm chạy được. Ba mẹ con còn sống nhưng nhà cửa không còn một tí dấu vết nào nữa. Sợ quá, bế dắt hai đứa con sang bên này cầu, quần áo ướt hết, bê bết bùn đất. Mấy bà ở chợ cho đứa con bộ quần áo để thay. Cô suy sụp hoảng loạn, không nói được câu gì, mẹ con kéo nhau ra, đi nhờ xe về thẳng quê ngoại.

Có một nhà bị trôi hết 4 người, may ông bố bị nước cuốn hất văng sang phía bên này nên sống, mọi người đến cứu, vực ông dậy, ông còn vùng ra, nói được “để tôi đi cứu vợ con tôi” rồi ông ngất luôn.

Tôi nghe mà nghẹn lòng. Lũ quét kinh hoàng quá. Ai mà chẳng biết vậy, năm sáu năm trước ở Du Già, lũ quét đã hốt sạch cả một dãy phố.  Ai lường trước được điều gì. Hàng trăm năm ở đây chưa bao giờ xảy ra điều này. “Phía bên kia ngã ba có nhà bạn em, mới tích cóp mua được của người ta năm trăm triệu, đang sửa sang làm chỗ ở với cửa hàng, sửa chưa xong bây giờ trôi mất tất cả”. “Những gia đình ấy, họ ở đâu hết rồi em?”, “huyện đã bố trí đưa họ lên ở chỗ các cơ quan trên huyện”, “hôm nay phó thủ tướng lên thầy ạ”.

Lang thang trở về phòng trọ, dọc con đường phố vẫn bình yên. Nhà vẫn sáng đèn, cửa hàng vẫn mở, quán ăn vẫn có người. Nhưng tuyệt nhiên không nghe tiếng ồn ã. Người ta nói chuyện với nhau dường như cũng nhỏ hơn. Anh chủ nhà nghỉ mời tôi chén nước chè rồi thong thả tiếp chuyện: “Thầy lên thế này, dạy thế nào được, trường mầm non bị cuốn sạch rồi. Trường cấp hai bị nước đục thủng hết các bước tường tầng 1, tường bao đổ cả, không còn gì thầy ạ”. “Thầy ơi thương lắm, sáng em vừa ngủ dậy nghe tiếng người kêu cứu ầm ầm, mở cửa ra thấy một anh thanh niên ướt sũng, run cầm cập đứng nói gì đó. Em không để ý chạy vội ra bờ suối, thấy người ta đang xúm vào thả dây kéo được một người lên, một người bị nước cuốn quẩn vào chân cầu may thoát nạn. Sau về mới biết cái anh đứng trước cửa nhà mình xin quần mặc, anh ấy vừa thoát chết, bám được vào cái cây, nước trôi giật mất cả quần thầy ạ”.

“Tội nhất là anh bạn em, cũng là giáo viên, nhìn thấy vợ và hai con trôi trước, anh ấy trôi sau giạt về bên này thoát được. Vợ anh ấy còn bám được vào cành cây, giơ tay kêu cứu, trôi đến sau cầu thì cuốn vào xoáy nước, chìm nghỉm”. “Còn hai con cậu ấy?”. “Cũng thế, chắc xuống dưới hồ thủy điện hết rồi”. “Cũng may thầy ạ, thầy tính nếu lũ về muộn hơn khoảng một tiếng, thì có mấy trăm con người, mấy trăm cái xe máy tập trung ở trường học. Em cũng làm ở ngành giáo dục.Chúng em đang học chính trị đầu năm mà thầy”.

Ừ may thật, lớp chính trị học ở tầng hai. Còn lớp tôi sẽ dạy, lớp tại chức mầm non ấy, lại học ở tầng một, chính nơi dòng lũ đã đào một cái lỗ thủng khổng lồ làm ống thoát nước. Nếu lũ về chậm, nếu lớp tôi học sớm một ngày… Nhìn nước  đổ ào ào về phía hồ thủy điện mà nghe sống lưng lành lạnh.

Đêm đầu tiên ở Mù Cang Chải, từ cửa sổ tầng ba trông ra suối, vẫn thấy lờ mờ dòng chảy và tiếng nước sôi, không gầm rú nhưng nghe đắm đắm điều gì, sốt ruột vô cùng.

Dòng xe đã kéo nhau đi, đài báo rồi cũng sẽ thôi đưa tin vì thế gian này còn biết bao nhiêu chuyện để mà nói viết. Mai tôi về Thái Nguyên. Lần đầu tiên vượt mấy trăm cây số mà không gặp được học trò, mà không được dạy. Không có lớp thì có thể học nhờ. Nhưng học được không khi cả huyện vẫn đang sôi lên trong công tác tìm kiếm, khắc phục hậu quả lũ quét. Vết thương trên các ngọn núi kia rồi sẽ thành sẹo, rồi cây cối lại mọc lên và màu xanh sẽ lại vá lành những chỗ rách của rừng. Nhưng còn vết thương của lòng người?

Những ám ảnh của cô giáo mầm non tất tưởi khóc dọc đường đưa con về ngoại. Lúc ấy, cô đã thề sẽ không quay lại mảnh đất này. Còn những người cha, người chồng bất lực nhìn vợ con mình trôi nhanh về cái chết, liệu có phút nào nguôi ngoai trong quãng đời còn lại của họ? Và biết bao gia đình may mắn thoát chết nhưng không còn nhà cửa và tài sản, họ sẽ sống như thế nào? Các ban ngành rồi sẽ quan tâm hỗ trợ, các nhà hảo tâm rồi sẽ chung tay. Nhưng đó chỉ là trước mắt, còn con đường nào cho tương lai của họ…?

Nhắm mắt lại, tôi lại thấy hiện ra mồn một những hình ảnh buổi chiều dọc bên bờ suối: những đôi mắt thất thần, đăm đắm vào những xoáy sâu  hun hút, chờ đợi một phép màu người nhà của họ sẽ hiện lên, cùng họ trở về. Những cái nhìn vừa vô vọng, vừa mong mỏi đang tìm kiếm người thân, dáo dác hai bên bờ suối. Hình ảnh một người đàn ông Mông lầm lũi, ướt như chuột lột, cõng trên lưng cái vai giường vừa vớt được, cúi đầu bước những bước không thể nặng nề hơn, dường như trên tấm lưng nhỏ thó đó, không chỉ là cái vai giường, mà nặng hơn và đau đớn hơn, đó là nỗi đau trước những mất mát quá đau đớn, quá bất ngờ. Tôi không thể nào quên được dáng đi ấy, gương mặt ấy, lầm lũi và đau khổ. Đằng sau, một người phụ nữ Mông nhẫn nại cất bước. Họ không nói với nhau một lời nào. Họ đi dọc bờ suối, ai biết là họ sẽ đi đâu khi một tấm ván gỗ không thể là giường, một  khoảng trống thẳm sâu, ngập ngụa đất đá không còn là nơi ngự mái nhà của họ…?!  Ai oán và xa xót quá!

Chợ Mù Cang Chải chiều nay, những người phụ nữ, những em bé Mông vẫn cầm trên tay dăm món đồ thổ cẩm, nhưng không còn tiếng chào mời. Những đôi mắt trẻ thơ mở to nhìn về phía dòng chảy, vừa ngơ ngác vừa hãi hùng. Những giọt nước mắt loang trên gò má nhăn nheo của người phụ nữ Mông đăm đăm nhìn lên sườn núi. Ở đó là nhà của họ. Nhưng người thân của họ ở đâu thì còn phải hỏi dòng nước nghiệt ngã kia. Tôi nhìn theo ánh mắt ấy, Mù Cang Chải đẹp ở những thửa ruộng bậc thang lượn những đường cong mềm mại, đã hút hồn bao du khách gần xa. Ở trên đỉnh của những đường cong ấy, dọc theo những khe nước là nhà của người Mông, lơ thơ từng chùm lẻ, nép tội nghiệp vào sườn đồi. Phía cao hơn là sừng sững núi, là những quả đồi nhìn sao giống những quả bom chưa nổ đang găm sâu vào đất, những khe nước kia là những cái ngòi. Bao giờ sẽ phát nổ những quả bom nước tương tự thế kia? Câu trả lời là định mệnh. Khi chặt phá rừng đầu nguồn, khi đào núi lấy quặng, khi san ủi đắp hồ xây thủy điện, người ta đã vô tình châm ngòi kích nổ cho những quả bom nước ấy rồi…

Đêm Mù Cang Chải sao mà dài. Hay không có đêm, chỉ có tiếng suối nước đang nức nở...?

Nguyễn Kiến Thọ

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Trên đường ta về lại Thủ đô

Xem tin nổi bật 5 ngày trước

Tháng Mười lịch sử bóng cờ bay

Xem tin nổi bật 6 ngày trước

An toàn trong siêu bão

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Làm giàu từ những vườn cây ăn quả

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Những bước chân lặng thầm thời hoa lửa

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Ăn ngủ cùng rừng

Xem tin nổi bật 1 tháng trước