Thứ hai, ngày 06 tháng 05 năm 2024
04:01 (GMT +7)

 “Đánh bài ngửa”, chạy đua với cái chết…

VNTN - Đoàn xe JUL mới toanh vừa nhận. Hai bên cánh cửa và trên nóc ca bin còn hàn thêm khung sắt. Trong ép chặt những thanh tre nứa nhỏ. Rồi còn được đoàn Bộ Quốc phòng vào phát áo giáp mũ sắt mới… Vậy mà, chả nghĩa lý gì với bom bi dày như vãi cát.

Mỗi quả bom con có hàng trăm viên bi. Mỗi bom mẹ có hàng trăm bom con. Một tốp B52 ném cả trăm quả bom như thế, mấy trăm quả bom ném xuống một cao điểm tập trung. Tưởng như không gì sống được dưới mưa bom ấy.

Xe tôi chạy thứ 3, phía trước là xe của Thiệu. Đang đi bỗng thấy sáng lòa, rồi ầm ầm với muôn vàn tiếng nổ như sấm rền, đinh tai, xe rung lên bần bật. Tôi đạp phanh dúi dụi, chúi đầu ôm chặt vành lái. Bụi khói mịt mùng, khét lẹt. Ngớt tiếng nổ, tôi nhoài sang cạnh, thấy Phương còn cựa quậy. Tiếng kêu yếu ớt.

- Xem còn chạy được khô.ô.n.g... Cố chạy... đi…

Đúng, phải cố thoát, nếu không 30 phút nữa sẽ lại tốp B52 khác tới thì vô cùng nguy hiểm (không hiểu sao, ở trong đó máy bay B52 lại cứ đánh theo quy luật 30 phút một trận. Phải chăng đó là kiểu đánh trận ăn lương khoán của người Mỹ?). Tôi cố gắng điều khiển xe. Hai chân đau buốt. Sờ tay, thấy ướt toàn máu. Phía sau nhiều tiếng kêu í ới. Khắp nơi lửa cháy rừng rực. Ba viên đạn vạch đường nối đuôi nhau, lao vút lên bầu trời - báo hiệu tắc đường.

Nhích lên một đoạn, gặp xe của Thiệu nằm chết giữa đường, không đi được. Tôi cố hết sức mở cửa. Bung được cửa thì tôi bị ngã nhào xuống đất. Tất cả chân tay đều đau, đều ướt máu. Bò lên xe trên, gọi Thiệu không thấy gì. Tôi cố bám cánh cửa, mở ra thì xác Thiệu đã đổ nhào xuống. Anh đã hy sinh rồi. Tôi kéo rê anh ra bên cạnh. Có tiếng ai đó thét lên: - Lên xe xem còn nổ máy được không? Cố dẹp đường cho xe sau lên…

Xe còn nổ máy được, nhưng tay lái quá nặng. Chắc các lốp đã thủng hết. Vành tay lái cũng mẻ sứt, cong vênh. Vất vả lắm mới dẹp được chiếc xe vào lề đường. Bên chân phải bị đau nặng, tôi ôm hai tay vào đùi, nhích từng bước lết về xe mình. Rồi cũng cố đưa xe lên phía trước. Lại gặp xe đi đầu, nó đang cháy một bên, đầu chúi sang lề đường. Tôi đành húc đầu xe của mình vào, ủi đại nó sang một bên.

Tốp 2, B52 đã lập trình sẵn, nó đang trên đường bay tới. Lúc ấy, chúng tôi như đã đánh bài ngửa. Chẳng còn che đậy ngụy trang gì, không thể xuống hầm vì hàng vạn quả bom vãi xuống, khó có mét vuông mặt đất nào thoát được. Chỉ có chạy, chạy thật nhanh, càng xa càng tốt. Xung quanh lửa sáng rực. Kể cả bật đèn pha mà chạy cũng được. Nhưng chân phải của tôi nặng trĩu, không đi ga được. Tôi phải xoay người, dùng chân trái đi ga. Trong buồng lái, Phương đã đổ gục xuống, lại càng vướng. Chân trái không quen đi ga, xe cứ chồm lên, giật cục. Tôi như chạy đua với thời gian, chạy đua với cái chết…

Nỗ lực chạy đua khỏi chốn “địa ngục” ấy, giải thoát rất nhiều xe, giải cứu bao con người đang kẹt phía sau, tôi đã lập thành tích và được Chủ tịch nước tặng Huân chương. Khi nằm trong trạm Phẫu, cán bộ đơn vị vào thăm thông tin cho tôi biết, loạt bom sau nó không đánh bom bi, mà trút toàn bom phá. Chúng muốn hủy diệt những gì còn sót lại và băm nát con đường. - “Bên công binh làm đường họ rất phục, khen ngợi người lái xe nào đã dẹp mấy chiếc xe hỏng rất khéo, để giải phóng đường trong điều kiện không thể tốt hơn như vậy”.

Phương còn sống, nhưng bị nặng lắm, phải đưa lên tuyến trên. 2 xe đi đầu cũng hi sinh cả, chỉ còn anh Nguyễn An Giang, hiện cũng đang ở Trạm, nhưng yếu, chưa đi lại được.

Tại trang 18 cuốn sách Những năm tháng hào hùng (NXB Quân đội nhân dân, tháng 11 năm 2008) có viết: Trong cuộc chiến đấu ấy, đã có 2 vạn chiến sỹ Trường Sơn anh dũng hy sinh, 3 vạn người bị thương. Khoảng 14.500 lần chiếc xe, máy các loại, 400 lần khẩu pháo, 9 vạn tấn hàng bị hỏng và phá hủy.

Chiến tranh - đâu có phải trò đùa/ Chạy trốn - cũng là một kế sách/ Dưới bom - tưởng như là xóa sạch/ Trên trời - bình minh vẫn hồng lên.

“Pháo đài bay” B52 và xe vượt Trường Sơn (Ảnh tư liệu)

Nơi đang điều trị cho tôi là một trạm phẫu thuật tiền phương, gần đường số 9, chạy từ cửa khẩu Lao Bảo qua nước ta ra biển. Trạm quân y nằm ngay gần trận địa, tất cả đỏ ối một màu đất đá, cây cối ngổn ngang không còn màu xanh. Thật tài tình và khôn khéo làm sao, ở đây ngụy trang hòa đúng với cảnh vật cả vùng xung quanh. Hầm hào, lán trại đều một màu đất đỏ, cây cành cháy dở ngay cạnh, còn có cả xác chiếc trực thăng nằm chềnh ềnh. Cứ thế lại đánh lừa che mắt được kẻ thù.

Từ ngày tôi vào, hầu như lúc nào cũng có máy bay quần đảo. Tiếng bom đạn ì ầm lúc rộ lên, lúc lắng xuống. Những trận chiến hiệp đồng binh chủng lớn đang diễn ra. Thương binh cũng liên tục được cáng vào. Họ là Bộ binh, Công binh, Pháo binh v.v.. Các bác sĩ thăm khám, mổ cắt cũng mau lẹ khẩn trương. Sau khi mổ cho tôi, lấy ra được mấy mảnh lớn, còn vài chỗ nhỏ không nhặt hết, bác sĩ bảo: “kệ nó, rồi sẽ tự đùn ra”. Chừng 5 ngày thì tôi chống nạng đi được. Việc đầu tiên là tôi tìm anh Giang. Anh y sỹ dẫn tôi vào, chỉ đống chăn xù xù ở góc hầm, bảo:

- Đây, ông ấy vẫn sốt cao, mấy hôm rồi chưa giảm.

Nghe thấy tiếng tôi, anh Giang kéo chăn xuống, giọng thều thào:

- Thành đấy à. Vào đây. Tớ sốt rét. Cậu đỡ rồi hả?

Tôi ngồi vào mép giường, sờ người anh thấy nóng hầm hập.

- Vâng em đỡ rồi. Thế anh có bị thương nhiều không?

Anh cố cười, làn môi thâm tái.

- Chỉ bị nhẹ ở tay thôi, may mà tớ còn thêm cái áo giáp cũ vắt bên cửa… Tớ vơ chụp lên đầu.

Tôi cùng cười, an ủi anh:

- Vâng, anh em mình vẫn có các cụ phù trợ phía sau mà. Anh phải cố gắng ăn vào. Em thấy anh gầy lắm.

Nãy giờ, anh quân y ngồi nghe chúng tôi nói. Anh cứ nhìn tôi ngờ ngợ, rồi chợt hỏi:

- Có phải cậu lái xe, lần trước chở thương binh, bị đâm xuống vực, ở cao nguyên Bô-lô-ven, đúng không?

Tôi nhìn anh cố hình dung.

- À nhớ rồi, lần ấy anh đi áp tải thương binh?

Anh mừng rỡ, bắt tay tôi nói:

- Đúng rồi, chuyến ấy các cậu làm bọn tớ hết sạch hồn vía… Nhưng sao hồi ấy trông cậu trẻ đẹp cứ như con gái cơ mà?

Tôi cười. Anh Giang cũng góp thêm chuyện:

- Ơ, thì ra quen nhau à? Đúng, cậu này ở đơn vị tôi, mọi người vẫn gọi là o Thành mà (ở miền Trung gọi o).

Tôi vẫn nghĩ ngợi về số phận các anh em đi chuyến xe ấy, nên hỏi anh:

- Vậy số anh em hôm ấy, sau thế nào hả anh?

- Xe đâm, quá khủng khiếp. Tất cả vón chặt vào một đống, sau rất lâu mới gỡ được hết ra. Cậu biết rồi, lúc ấy may không ai chết, nhưng nhiều người vết thương chồng vết thương. Có người phải đi viện cấp cứu lại, tội nghiệp vô cùng. Họ làm gì còn sức lực, họ cố bám víu lấy cuộc sống tương lai còn lại, mà chiến tranh vẫn chưa buông tha.

Nghe anh nói, tôi nhớ lại hồi ở cao nguyên Bô-lô-ven, tôi chở anh cùng 9 người thương binh, xe bị đâm xuống vực. Ngày ấy, sau khi trả hàng vào tuyến trong, trên đường quay ra, tôi được giao nhiệm vụ chở thương binh ra. Họ bị mất chân, mất tay, không đi đường giao liên được (có những cung đường tạm yên ổn hơn, giao liên bố trí chuyển sang tuyến xe). Ai cũng lo lắng. Chúng tôi lo, giao liên lo, và nhất là thương binh - rất lo. Xong ai dám chống lệnh? Chúng tôi phải chở. Và họ phải vật lộn, “lăn lóc” trên thùng xe khi tay chẳng còn, chân chẳng vững! 9 anh thương binh, cùng một cán bộ giao liên, một quân y sĩ. Có người tự lên xe được, có người phải gác cáng lên thùng mới bò vào được.

Thùng xe JUL 157 bằng gỗ trống trơn. Loại xe này là “Anh cả đỏ” lúc bấy giờ. Nó khỏe, có 3 cầu. Nghĩa là tất cả các bánh xe đều được truyền động lực khi cần. Nó còn được thiết kế một cái tời nặng hàng tấn trên đầu. Tay lái quá nặng, không hề có trợ lực. Bàn tay người lái xe các ngón đều bị vuông, đưa tay lên nhìn không thấy các khe hở (sau này không lái nữa ngón tay mới dần tròn trở lại). Ngón tay bẹt ra, vuông cạnh, bởi vì cầm và cố giữ vành tay lái ngày này qua tháng khác. Có khi bụi đất tràn buồng lái (xe trong Trường Sơn hầu hết không còn kính), mồ hôi chảy ròng ròng, nó thành thứ bùn nhão nhoét, trơn như đổ mỡ. Lau nào có hết trơn, nhiều khi phải lật ngửa bàn tay, nhổm người lên bẻ ghì lấy vô lăng. Gặp phải những hòn đá hay gốc cây trên đường, vành lái đánh vèo, quay tít. Thế nên đã có người bị sẻ ngón tay. Trên đỉnh dốc là một trạm barie. Công binh giữ chúng tôi lại, để nghe ngóng máy bay, để chờ thông đường gì đó... Tôi và anh Thân Ngọc Khoản (cán bộ trung đội đi cùng xe) cùng vào hầm chờ. Trong hầm, mấy người đang lúi húi bên chiếc đèn bão đỏ quạch. Họ nói:

- Đường trơn lắm, lại mới có ít mưa hồi chiều, các ông đi phải rất cẩn thận. Có xe trước đã bị đổ rồi đấy. Hiện giờ đường đang thông cũng phải chạy thôi.

Tôi thực sự lo lắng, bởi chở hàng lại khác. Đằng này là chở người, tính mạng của hơn chục các anh thương binh? Ngoài kia, họ nằm im ắng, cứ như trên xe chẳng có ai. Họ lo còn hơn chúng tôi nữa. Sức lực yếu ớt, họ không thể làm gì được, chỉ còn biết trông chờ số phận, coi như phó thác tính mạng cho chúng tôi. Họ không biết gì về con đường phía trước, chỉ lo lắng nghe tiếng máy bay, nhìn pháo sáng lập lòe ma quái tít nơi xa. Cái thứ ánh sáng lạnh lẽo ghê sợ ấy, nó chạy rất nhanh. Những bóng sáng - tối của núi rừng đuổi nhau vun vút. Rồi đột ngột tắt lịm. Bóng đêm lại bao trùm. Ra khỏi hầm, tôi rụt rè nói với anh Khoản:

- Hay là anh lái giúp em đoạn này đi anh? Em lo lắm, thà bom đạn còn hơn, đường trơn dốc thế này…

Anh Khoản đã lái xe trong chiến trường nhiều năm, nay đã lên cán bộ, ít lái nên cũng ngại.

- Thôi cậu cứ lái đi, tớ sẽ nhìn đường và giữ phanh cho. Lâu không lái, giờ không bằng cậu đâu.

Bước lên xe, trời tối quá. Tôi ngoái nhìn lên thùng xe. Chỉ thấy loáng thoáng những chiếc băng trắng. Có tiếng ai đó trên thùng hỏi nhỏ.

- Đi à các anh?

Tôi cố trấn tĩnh.

- Đi chứ, ở đây sao được. Các anh cẩn thận nhé, tranh thủ không có máy bay.

- Cẩn thận cái gì chứ? Ôm chặt lấy nhau à? Mà có tay đâu để ôm, để giữ.

Tôi đã bật thêm đèn, chỉ đi số thấp, ga nhè nhẹ. Nhưng chỉ lát sau là tốc độ đã tăng nhanh. Xe có còn bám đường nữa đâu. Nó pa- ty- nê, lao đi ầm ầm, rồi vọt khỏi đường. Tối tăm mặt mũi. Anh Khoản ôm chặt phanh tay. Tôi nhấn ga rồ lên, mặc cho xe lao tự do, không còn biết gì nữa. Có lẽ chỉ có lái xe Trường Sơn mới có cách lái kỳ cục, vô lý như thế… Xe đã lao quá nhanh, đã rất cần phanh lại, thì lại còn nhấn thêm ga nữa. Vậy đấy. Chả ai dạy đâu. Chả ai tin điều đó, trừ lái xe Trường Sơn.

Hình dung thế này: khi xe đã bị trơn, đã “trượt vỏ chuối”, thì các bánh xe không còn độ bám với mặt đường nữa. Đằng này các bánh xe quay với động lực lớn nhưng vòng quay nhỏ “cài xúp”. Bánh xe quay còn đổi chỗ các ta lông, để còn bám được phần nào trên “vỏ chuối” mặt đất, hơn là, nếu nó không quay, dồn thêm bùn nước, càng trượt mạnh.

Cứ thế, chúng tôi phó thác cho số phận, chả biết xa đường bao nhiêu mét, nó chỉ dừng lại khi cắm đầu xuống lòng một con suối. Nó không đổ, nó có cả một cuộn tời chống đỡ trước mũi…

Định thần rồi, tôi ngó xung quanh. Lạ thay, sao im ắng thế? Cả chục người trên thùng xe chứ ít đâu? Họ đâu hết rồi? Cái im lặng cố hữu của rừng. Cái im lặng của chết chóc, đau thương. Anh Khoản tìm được súng, hướng lên trời bắn bốn phát. Một lát sau nghĩ thế nào anh lại bắn tiếp 5 phát. Trong chiến trường quy ước bắn 4 phát là có thương binh, 5 là có tử sĩ. Lúc ấy, tiếng kêu rên mới rộ lên ngày càng nhiều. Rồi lẫn với tiếng kêu la là tiếng gọi nhau gấp gáp của cả nam và nữ Thanh niên xung phong, họ đã rất kịp thời cứu giúp. Họ cứ tuột ào ào theo đà dốc, ai cũng đầy bùn đất lấm lem, thương binh ai khỏe thì dìu lên dốc, người yếu thì cáng theo dòng suối…

Tôi xót xa, ân hận. Các anh các chị ơi tha lỗi cho tôi. Các anh đã chịu quá nhiều hy sinh gian khổ với kẻ thù khắp các mặt trận, bây giờ còn ít sức tàn…, mà tôi cùng với cái khắc nghiệt của núi rừng, dốc ngàn Trường Sơn còn đồng lõa đầy đọa các anh chị…

Thiếu chút, tôi thành kẻ sát nhân/ Nhắm mắt theo con tạo xoay vần/ Hỏi Càn có hiểu, Khôn chăng thấu/ Đầy ải con người đến nát thân?

Nhân ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, tôi kể lại câu chuyện này lòng không khỏi xót xa và thương tiếc các đồng đội của tôi!

Các anh ơi, giờ ai còn ai mất?

 

Trần Quang Thành

(Nguyên chiến sĩ Đại đội 4, Tiểu đoàn 101, Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy