Thứ bảy, ngày 27 tháng 04 năm 2024
18:30 (GMT +7)

Dân nhập cư và chính sách nhập cư ở Úc

  VNTN- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn Đại biểu cấp cao Việt Nam vừa kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Australia và thăm chính thức Australia và New Zealand từ ngày 5 đến 11/3. Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Australia Anthony Albanese thống nhất nâng cấp quan hệ Việt Nam-Australia lên Đối tác Chiến lược toàn diện và trao đổi, nhất trí cùng phối hợp chặt chẽ để thực hiện 6 phương hướng lớn nhằm đưa hợp tác trên các lĩnh vực đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất hơn.

Nhân dịp này, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Đình Cúc, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam về vấn đề dân nhập cư và chính sách nhập cư ở Australia.      

Ảnh minh họa, nguồn: tra.gov.au
Ảnh minh họa, nguồn: tra.gov.au

Hình thành nhờ di cư

Úc (Australia) là một trong những nước có nền kinh tế phát triển nhất, là một nước trong G20 và trong nhiều tổ chức kinh tế hàng đầu của thế giới. GDP trung bình là 1.257 tỷ USD, bình quân đầu người 51.593 USD. Tên đầy đủ của nước Úc là: Thịnh vượng chung Australia (Commonweath Australia) gồm có đại lục châu Úc, đảo Tasmania và nhiều đảo nhỏ.  

Người châu Âu đầu tiên đặt chân lên châu Úc là một người Hà Lan, tên là Willem Janszoon vào năm 1606 nhưng năm 1688 và 1689 nhà thám hiểm người Anh tên là Wiliam Dampier đã đổ bộ lên bờ biển tây-bắc và sau đó là James Cook đổ bộ lên phía đông. J.Cook đi dọc bờ biển, vẽ bản đồ chi tiết và tuyên bố chủ quyền của nước Anh với tên gọi là New South Wales. Từ đó nước Anh đưa nhiều tội phạm sang đây lưu đày. Ở trại giam Port Jackson gần Sydney, ngày 26 tháng 1 năm 1788 quốc kỳ nước Anh được kéo lên, và ngày này trở thành ngày Quốc khánh của Úc (với 5 bang lớn là: New South Wales, Northern Territory, Queenland, South Australia, Victoria như 5 ngôi sao trên nền cờ nước Anh).

Dân số nước Úc không đông nhưng đa dạng, với diện tích 7.692.014 km2, dân số 23,5 triệu người. Thổ dân còn lại không nhiều (2%), chủ yếu là dân nhập cư. Người đến sớm nhất là người Anh và người Ireland (33,5%), tiếp đó là người Hoa (5,6%), người Ý, người Đức (5,6%), người Ấn Độ (2,8%) còn lại là người Hy Lạp, người Philippine và người Việt Nam, người Thái Lan... Tổng số người Việt tại Úc có tới 300.000 người, tập trung ở các thành phố lớn như Melburne, Canberra, Sydney Adelaide, Perth...

Người bản địa hay thổ dân (Aboriginal) đã có mặt ở đây ít nhất là 50.000 năm, đến nay đã qua hàng nghìn thế hệ. Đến thế kỷ XVIII, khi người châu Âu đến định cư thì đã có khoảng 75 nghìn đến 1 triệu người bản địa sinh sống với 250 nhóm ngôn ngữ khác nhau.   

  

Lá cờ thổ dân Úc
Lá cờ thổ dân Úc

Nước Úc không có Quốc giáo. Thổ dân Úc chỉ có tín ngưỡng, tôn giáo là do dân nhập cư mang vào. Đông nhất là Công giáo La Mã (22,6%), Cơ Đốc giáo khác chiếm (18,7%), tiếp theo là Hồi giáo, Do Thái giáo và Phật giáo. Ngoài ra còn có các Tôn giáo mới.     

Là một nước giàu có và phát triển nhưng không có lịch sử lâu đời, không có văn hóa truyền thống, vậy thì dựa vào đâu để nước Úc xây dựng nên quốc gia giàu mạnh như vậy? Ấy là pháp luật và dân di cư. Nước Úc có một quá trình lịch sử nhập cư, dân di cư phong phú và thú vị nhất thế giới, có nhiều mặt còn phong phú hơn cả Hợp chủng quốc Hoa kỳ. Có rất nhiều sự kiện thú vị, trước hết là chính sách nhập cư.

Chính sách nhập cư

Chính sách nhập cư quyết định ai có thể đến Úc, họ đến từ đâu và họ đến Úc với lý do gì. Chính quyền Dân chủ phát triển chính sách nhập cư dựa trên nhu cầu của nước Úc. Lịch sử cho thấy các nhu cầu này thường bao gồm nhu cầu lao động và cân bằng giới tính - tuổi tác trong dân số.

Chính sách nhập cư của nước Úc có rất nhiều thay đổi. Những di dân đầu tiên đến đây là các tù nhân bị chính quyền Anh quốc đày sang, đi cùng họ là lính canh và các quan chức. Năm 1788 thuyền trưởng Arthur Philip dẫn 750 người từ nước Anh sang đây. Họ là những người mở đầu cho lịch sử di cư của nước Úc. Khoảng những năm 1830, người di cư tự do bắt đầu tới ngày càng nhiều. Đối với người bản địa Úc, quá trình này làm xáo trộn đời sống xã hội, tập quán hàng nghìn năm của họ, khiến họ phải thay đổi chỗ ở, và đời sống của họ trở nên căng thẳng. Nhưng đây cũng là thời kỳ tạo nên một quốc gia mới, trẻ trung, năng động của những người tha phương đầy khát vọng và mơ ước.

Với tính năng động của một nhà nước mới, chính sách nhập cư từ những năm 1840 đến nay có thể chia thành 4 giai đoạn chính. Các chính sách có nhiều thay đổi khác nhau giữa các giai đoạn này.

 1/ Từ năm1840 đến năm 1900: Chính quyền Anh không đưa tù nhân tới nữa nhưng họ vẫn thống trị các thuộc địa tại Úc. Các thuộc địa bắt đầu đưa ra các chính sách hạn chế nhập cư của riêng mình nhằm kiểm soát số lượng di dân tự do.

Với việc thành lập Liên bang năm 1901, Chính quyền Thịnh Vượng chung Úc chịu trách nhiệm về chính sách di dân, thay cho chính quyền Anh quốc và các chính quyền của các thuộc địa Úc.

2/ Từ năm 1901 - 1945: Đạo luật Hạn chế Nhập cư, thường biết đến với cái tên: “Chính sách Úc da trắng” (White Australia policy) giới hạn người nhập cư từ các quốc gia không thuộc Vương quốc Anh.

3/ Từ năm1946 đến năm 1972: Chính sách nhập cư không còn đề cập đến chủng tộc nữa. Mặc dù di dân từ Anh quốc vẫn được ưu tiên hơn cả, nhưng di dân từ các nước khác thuộc châu Âu cũng được chấp thuận. Điều này tạo điều kiện cho sự phát triển dân số của Úc.

4/ Từ năm 1973 đến nay: Chính sách đa văn hóa, đa sắc tộc giúp mở rộng chính sách nhập cư. Người đến từ mọi quốc gia đều có thể nộp đơn xin nhập cư. Tuy nhiên, nhìn chung chính quyền cố gắng giảm bớt số lượng di dân.

Tác giả (phải) và vợ tới tham quan khu Việt kiều ở Sydney, tháng 12/2023
Tác giả (phải) tới tham quan khu Việt kiều ở Sydney, tháng 12/2023

Các chính sách của nhà nước trở thành luật (Law) khi các đạo luật (Act) thông qua chính quyền Liên bang. Chính sách nhập cư cũng được điều chỉnh và thực thi dựa trên các quy định và trình tự.

Trong thực tế ta thấy mỗi đạo luật được sửa đổi nhiều lần. 1901: Đạo luật Hạn chế nhập cư (Chính sách Úc da trắng). 1901: Đạo luật Người lao động các đảo Thái Bình Dương. 1903: Đạo luật Nhập Quốc tịch Thịnh Vượng Chung. 1905: Đạo luật Hợp đồng dân nhập cư (sửa đổi Đạo luật Hạn chế nhập cư). 1914 & 1915: Đạo luật Đề phòng chiến tranh. 1920: Đạo luật Đăng ký người nước ngoài. 1926: Đạo luật Phát triển và nhập cư. 1947: Đạo luật Người nước ngoài. 1948: Đạo luật Quốc tịch và công dân. 1958: Đạo luật Di dân (thường xuyên được sửa đổi cho đến thời điểm hiện tại). 1975: Đạo luật Phân biệt đối xử cực đoan v.v..

Những thay đổi trong lịch sử

Với một quốc gia non trẻ, xã hội cởi mở và tự do lại khí hậu trong lành, đất đai phì nhiêu, rộng bạt ngàn chưa khai phá, nhất là vùng phía đông, giáp với biển Thái Bình Dương, cả thế giới, ngoài những người đến Mỹ, đã đổ dồn về đây. Dân nhập cư thế giới đến nước Úc ngày càng đông và gây cho chính quyền nhiều vấn đề về an sinh xã hội. Vì vậy chính quyền đưa ra nhiều biện pháp nhằm hạn chế dòng người di cư.

Thời gian từ năm 1840 đến năm 1900

Việc phát hiện ra vàng gần Ballarat vào năm 1851 thu hút rất nhiều người đến từ Châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Quốc. Thành công của dân đào vàng Trung Quốc và các thương nhân tạo ra nhiều ghen tị và sợ hãi về sự bành trướng nhân khẩu của dân di cư Trung Quốc.

Là quốc gia có trữ lượng vàng rất lớn nhưng nổi tiếng từ thế kỷ XIX với mỏ vàng tiếng tăm Beechworth được người Hoa khai thác. Mỏ vàng nằm ở ngay Reid Creek, bên lề thành phố Beechworth hiện nay. Người phát hiện ra là Howell và 2 người bạn vô tình trông thấy vàng cám lộ thiên trong dòng suối nhỏ. Hồi đó thị trấn này có một nhóm người Hoa cư ngụ. Vốn tính chăm chỉ, chịu khó lao động họ rủ nhau đi đãi vàng. Thị trấn nhỏ trở nên nổi tiếng, lôi kéo nhiều gia đình bà con người Hoa kéo đến đào vàng. Thị trấn ban đầu chỉ có khoảng 30 - 60 người Hoa (tháng 2/1852), chỉ năm sau đã lên đến 20.000 người. Chỉ 4 tháng đầu năm 1853 họ đã khai thác được 123.000 ounces vàng. Thị trấn nhỏ trở thành thành phố lộng lẫy có nhiều khách sạn, ngân hàng, kho bãi. Vàng được tính theo trọng lượng con ngựa chứ không phải theo kg. Cho đến khi hết vàng, thành phố vàng Beechworth có số vàng trọng lượng bằng 200 con ngựa. Vàng hết, người Hoa phiêu bạt đi tìm nơi định cư mới, thành phố Beechworth già cỗi đi, lớp người trẻ tuổi đi làm giàu ở Melburne, Sydney... Phố xá trở lại hoang vắng, xập xệ hơn xưa, trở thành địa điểm đón khách du lịch viếng thăm để nhớ về một thuở của dân nhập cư người Hoa ở đất nước này.

Vì vậy số lượng di dân Trung Quốc bị hạn chế chặt chẽ khi chính quyền bang Victoria đưa ra Đạo Luật điều tiết việc cư trú của người Trung Quốc tại Victoria. Theo đó, mỗi di dân Trung Quốc phải nộp 10 bảng Anh. Người đăng ký di trú phải qua một Hội đồng nhập cư của bang, phải biết ít nhất 50 từ tiếng Anh và 10 từ tiếng Thổ dân, phải tuyên thệ dưới quốc kỳ nước Úc và lá cờ 3 màu vàng, đỏ, đen của Thổ dân (đến nay cũng vậy). Ứng viên phải thuộc và hát quốc ca: Nước Úc tiến lên - Advance Australia Fair. Hội đồng nhập cư của ứng viên trở thành công dân Úc bao giờ cũng có một đại diện của Thổ dân). Sau đó nhiều loại thuế quá đáng áp lên di dân Trung Quốc cũng ra đời.

Bên bức tượng mô phỏng cảnh đào vàng ở thành phố Beechworth
Bên bức tượng mô phỏng cảnh đào vàng ở thành phố Beechworth

Di dân đến từ các quốc gia nằm ngoài Vương quốc Anh cũng không được chào đón, ví dụ như các đảo Thái Bình Dương hoặc người Do Thái Nga. Tuy vậy do nhu cầu tăng dân số nên bước sang thế kỷ XX nước Úc đã phải sửa đổi chính sách nhập cư.

Từ 1901 đến trước Chiến tranh thế giới II

Năm 1901, dân số Úc là 3.788.000 người. Di dân trong những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XX giúp thúc đẩy dân số, nhằm tạo ra một quốc gia phát triển và an toàn. Vì vậy từ năm 1901 - 1945 nước Úc khuyến khích nhập cư với chính sách hỗ trợ. Di dân được khuyến khích nhập cư đến những vùng xa thành phố, đến vùng nông thôn, lùi dần về phía Tây hoang sơ. Phụ nữ thường chỉ ở trong nhà, làm việc nội trợ. Nhà nước vẫn cố gắng điều tiết số lượng dân nhập cư. Các chính sách hỗ trợ nhập cư (điều đã bị đình chỉ vào những năm suy thoái 1890) nay được phục hồi trở lại. Gần một nửa số di dân trước Chiến tranh thế giới I là những di dân được hỗ trợ khi đến sinh sống và lập nghiệp ở Úc.

Mỗi bang lại có chính sách nhập cư của riêng mình, cho đến năm 1921 khi chính sách Khối Thịnh vượng chung và các Bang ra đời. Các bang cạnh tranh với nhau, bang nào cũng nêu lên thuận lợi và ưu thế của mình (đôi khi phóng đại quá đà) để thu hút di dân. Đạo luật Định Cư Đế Chế Anh (1922), đã tạo ra một hệ thống giúp, hỗ trợ dân nhập cư vào Úc, khuyến khích cả lính Anh định cư. Phong trào Anh Cả (Big Brothers Movement) giúp các thanh thiếu niên Anh quốc đến Úc để làm nông nghiệp, trồng hoa quả, chăn nuôi (dê, cừu, bò...). Fairbridge Society và các chính sách tương tự đã đưa hơn 1.500 trẻ em đến các trường học ở các nông trại, đồn điền trước Chiến tranh thế giới II. Các chính sách này có cả thành công lẫn thất bại. Rất nhiều di dân được đưa tới các vùng đất không phù hợp với họ, hoặc bản thân họ không có kinh nghiệm làm nông nghiệp. Những điều này, thường đưa tới các kết quả tệ hại. Kéo theo đó là kết thúc của chính sách di dân hướng về vùng quê.

Từ sau Chiến tranh thế giới II đến nay

Sau Chiến tranh thế giới II, Châu Âu và nhiều nước châu Á bị tàn phá nặng nề. Dòng người chạy trốn nghèo đói và chiến tranh ồ ạt kéo đi tìm đất mới. Nước Úc từ năm 1946 đến năm 1972 đã giành chỗ cho hàng triệu người nữa đến sinh cơ lập nghiệp. Gần 3 triệu dân nhập cư đến Úc từ năm 1945 đến năm 1970. Chính sách nhập cư Úc lớn thứ 2 trên thế giới, sau Israel. Cứ 2 người đến Úc, thì có 1 người đến từ Anh. Di dân đến từ Châu Âu cũng được chào đón. Điều này giúp tăng cường anh ninh quốc gia và phát triển kinh tế hậu chiến tranh. Vào đầu những năm 1970, di dân châu Á cũng càng ngày càng nhiều. Thế kỷ trước dân nhập cư đến từ châu Á chủ yếu là Trung Quốc, Nhật, thì nay là người Ấn độ, Philipin, Malaixia, Thái Lan...

Đến năm 1958 thì nước Úc ra Đạo luật xóa bỏ các yêu cầu về chủng tộc. Trong suốt thời gian 1946 - 1972 luôn nổ ra các tranh luận về chính sách nhập cư của nước Úc, mặc dù nhà nước Úc đã có Chính sách Hỗ trợ dân tị nạn rất nhiều. Một số người thấy thất vọng vì Úc tự tách mình ra khỏi bản sắc của Vương quốc Anh. Số khác lại cảm thấy chính sách này mang nặng tính phân biệt chủng tộc vì nó dựa trên vấn đề sắc tộc.

Hiện vật và hình ảnh thổ dân Úc được lưu giữ tại Bảo tàng Dân tộc học ở TP. Melburne
Hiện vật và hình ảnh thổ dân Úc được lưu giữ tại Bảo tàng Dân tộc học ở TP. Melburne

Cùng với sự phát triển đa văn hoá, tiếng nói phản đối chính sách nhập cư dựa trên sắc tộc càng ngày càng tăng. Hậu quả của nạn diệt chủng Đức quốc xã và sự phát triển trên bình diện quốc tế của lương tâm xã hội và trách nhiệm trong những năm 1960 khiến cho việc phân biệt và bất bình đẳng trở nên khó chấp nhận. Các sinh viên đại học và các nhà hoạt động cánh tả thường xuyên phê bình chính sách nhập cư này.

 Nhiều tổ chức nhà thờ cũng chống lại chính sách nhập cư phân biệt chủng tộc. Tháng 5 năm 1960 phong trào Nông thôn Công giáo Quốc gia đã cho rằng: Chính sách Úc da trắng là “chống Cơ Đốc giáo”.

Chiến tranh Thế giới II đã tạo ra rất nhiều bất an và khủng hoảng trên thế giới. Hàng triệu người mất nhà, cơ sở hạ tầng của các quốc gia bị phá huỷ. Ở Châu Âu, tổ chức Tị nạn Quốc tế phải rất vất vả để hỗ trợ nhà ở tạm thời cho dân tị nạn. Úc chấp nhận 170 nghìn dân tị nạn từ năm 1947 - 1953 trong đó có nhiều dân tị nạn đến từ Đông Âu, Thổ Nhĩ Kỳ và Chile.

Chính sách Nhập cư của Úc từ 1973 đến nay là ngăn chặn “ Thuyền nhân” (Stopping the boats). Từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới II đến nay, Úc đã cấp hơn 700 nghìn visa nhân đạo. Chính sách nhập cư toàn diện cho dân tị nạn được tạo ra năm 1977 nhằm phục vụ cho một số lớn thuyền nhân khi phe XHCH sụp đổ sau Chiến tranh Lạnh và chiến tranh Việt Nam kết thúc.

Cùng với số lượng dân tị nạn ngày càng tăng từ những năm 1980, 1990, chính quyền Úc yêu cầu phải áp dụng trại tập trung trên bờ. Thay đổi trong Đạo luật Nhập đã tạo ra “giải pháp Thái Bình Dương”, theo đó những người cố gắng tiếp cận đất liền của Úc sẽ bị đưa đến các trại tập trung ở các đảo lân cận như Manus, Nauru... Trong khoảng 3 năm 2013 - 2016, chính phủ Úc ước tính đã chi gần 10 tỷ USD để xử lý hồ sơ, đầu tư cho các trại tập trung và các chính sách bảo vệ biên giới. Đã có hàng trăm nghìn dân tị nạn đến Úc từ sau Chiến tranh Thế giới II, với cụm từ “dân tị nạn tìm kiếm sự bảo vệ ” (asylum - seeker). Trong số đó rất nhiều người đã phải sống trong các trại tập trung. Các tổ chức bảo vệ quyền lợi con người chống lại việc giữ người trong trại tập trung quá lâu, khi mà những di dân không được tiếp cận với truyền thông và luật sư Úc.

Các trại tập trung thường được coi là công cụ quản lý của nhà nước, cũng như để răn đe những người tị nạn sau này và bọn buôn người. Vai trò và mục đích của biện pháp này vẫn thường xuyên được đưa ra tranh cãi.

Sắc tím của những cây jacaranda tạo ra sự huyền ảo trên những con đường ở Úc. 
Sắc tím của những cây jacaranda tạo ra sự huyền ảo trên những con đường ở Úc. 

Tuy vậy Đạo luật Nhập cư luôn luôn chào đón công dân các nước đến Úc học tập, lao động và định cư theo chế độ Thẻ xanh và Công dân Úc để hàng năm có thên hàng ngàn công dân mới. Lực lượng lao động tăng nhanh, chính quyền Úc thu được số lượng tài chính dịch vụ cư trúthuế khổng lồ, làm giàu cho nước Úc.

 Lê Đình Cúc

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy