Thứ sáu, ngày 10 tháng 05 năm 2024
02:52 (GMT +7)

Đại tá Mai Trung Lâm - con chim Kiên Kiện tinh tường mà kín đáo

VNTN - Cuộc đời và sự nghiệp của Đại tá Mai Trung Lâm không gắn với những chiến công vang dội, hiển hách để ai ai cũng phải biết đến. song cứ âm thầm mà kiêu hãnh, ông luôn luôn có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ nhất, lặng lẽ làm tròn nhiệm vụ của mình, như con chim kiên kiện tinh tường mà kín đáo, ít ai thấy được bóng hình, chỉ có tiếng hót là cứ lảnh lót khắp rừng xanh...

Đó là nguồn tư liệu mà nhà báo Lương Ngọc An (Báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam) đã chia sẻ cho tôi khi anh biết tôi muốn viết về Đại tá Mai Trung Lâm .

Dòng máu của hậu duệ đế vương

Mỗi lần ngược đường lên Thái Nguyên, qua những địa danh Đồng Hỷ, Võ Nhai, Mỏ Gà, Khuôn Mánh,… tôi cứ luôn tự nhẩm trong đầu ca khúc “Bắc Sơn” của nhạc sĩ Văn Cao “Còn đâu đây sắc chàm pha màu gió”… Lời hát cũng là sự giục giã tôi phải tranh thủ tìm lại những nhân chứng lịch sử bằng xương bằng thịt nếu không nhanh tất cả đều thành dĩ vãng. Chỉ một dải đất quanh huyện Võ Nhai mà bao cái tên đã đi vào lịch sử giải phóng dân tộc: Chu Văn Tấn, Đường Thị Ân, Lê Dục Tôn… “Con hùm xám Bắc Sơn” - Thượng tướng Chu Văn Tấn giờ đây yên nghỉ trên quả đồi của gia đình tại xã Phú Thượng. Qua hang Mỏ Gà, La Hiên, Đình Cả, tôi bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm về vị “Nữ tướng Võ Nhai” Trần Thị Minh Châu oai hùng năm nào khi sang tuổi 90 thì ký ức chỉ là những vệt khói xa xăm. Bà đã ra đi năm 95 tuổi để lại danh tiếng “Nữ tướng Võ Nhai” đầy huyền thoại và cũng đầy nỗi niềm “dậy non”. Về đến thị trấn huyện Đồng Hỷ, tôi có may mắn được hầu chuyện Đại tá Hoàng Long Xuyên, vị phó tướng của “Thập Vạn Đại Sơn” nay đã vượt mốc 100 tuổi đời vui sống cùng con cháu. Còn một kiện tướng khác, cùng chung cặp hồ sơ với Đại tá Hoàng Long Xuyên là Đại tá Mai Trung Lâm… tiếc rằng tôi chỉ được chép lại chuyện qua những hồi quang của chiến công.

Đại tá Mai Trung Lâm, tên thật là Ma Kiên Kiện, hậu duệ đời thứ 13 của dòng họ Mạc từ Bắc Giang lên định cư ở bản Cốc Coóc, xã Lạc Giao (nay là Chí Thảo - huyện Quảng Uyên - tỉnh Cao Bằng). Dòng máu “viễn tổ vi Hoàng đế” (tổ tiên xa xưa từng làm Hoàng đế) của người Kinh từ miền xuôi chạy lên miền sông Bằng, sông Hiến đã nhập vào thành họ Ma - một trong những họ gốc của người Tày riêng ở Cao Bằng. Theo thời gian, họ Ma phát triển tách ra khắp vùng Quảng Uyên, phân tán sang cả huyện Chợ Đồn, Ba Bể, Bạch Thông (Bắc Kạn), Định Hóa (Thái Nguyên), Na Hang, Chiêm Hóa (Tuyên Quang)... tạo ra nhiều chi nhánh mang nhiều tên đệm khác nhau như Thế, Vĩnh, Đình, Công, Quý... Còn bản Cốc Coóc vẫn được coi như người anh cả của cả vùng. Họ Ma ở bản Cốc Coóc thường là chi trưởng của các chi họ ở các bản xung quanh.

Bản Cốc Coóc, tiếng Tày nghĩa là gốc của chiếc sừng, cũng có nghĩa như khởi điểm của sự gai góc, rắn rỏi, đời nối đời truyền lại cho nhau. Để rồi sự gai góc, rắn rỏi ấy luôn căng tràn trong huyết quản chàng trai mang tên loài chim kiêu hãnh - Kiên Kiện với dòng máu hậu duệ đế vương này đã trở thành một trong những cái tên uy danh nơi núi rừng Việt Bắc: Đại tá Mai Trung Lâm…

Đại tá Mai Trung Lâm (14/1/1914 - 15/4/2000) được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1932. Năm 1941 Trung ương Đảng giao nhiệm vụ cho ông đưa các đồng chí từ nước ngoài về dự Hội nghị Trung ương VIII ở Pác Bó.

Mai Trung Lâm từng học Trường Quân sự Hoàng Phố (tháng 6/1941), Trung cấp quân sự (1951) ở Trung Quốc. Vì vậy, ông từng được điều động về làm cán bộ huấn luyện Trường Quân chính kháng Nhật (tháng 6/1945), Tỉnh đội trưởng tỉnh Hà Giang (1950), Tỉnh đội trưởng tỉnh Hải Ninh - nay là tỉnh Quảng Ninh (tháng 10/1952), Chính ủy kiêm Chỉ huy trưởng Công an Nhân dân Vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) Khu Tự trị Việt Bắc (1959 - 1975). Năm 1976, ông được phong hàm Đại tá và nghỉ hưu năm 1984 hưởng lương cấp Thiếu tướng.

Ghi nhận những cống hiến của ông, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng Đại tá Mai Trung Lâm: Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng…

Cuộc “tiến công chính trị” lên Hà Giang

Tháng cuối cùng của năm 2017, tôi cùng một số anh em đồng nghiệp lên với cao nguyên đá Đồng Văn. Ngược con đường Hạnh Phúc tới đỉnh Mã Pì Lèng vắt mình sang Mèo Vạc. Con đường này từng ghi dấu ấn Chính ủy kiêm Chỉ huy trưởng Công an Nhân dân Vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) Khu Tự trị Việt Bắc Mai Trung Lâm phải vượt cổng trời tiến vào cao nguyên đá khi phỉ nổi lên. Đó là lần ông Lâm trở lại với Đồng Văn. Còn trước đó, năm 1945, chính ông cũng đã là người chỉ huy giải phóng Hà Giang, giải phóng Đồng Văn.

Tôi dừng nghỉ chân ở Km số 0 của tỉnh Hà Giang mà trong lòng cứ tự hỏi, không biết hơn 70 năm về trước, ông Mai Trung Lâm lên giải phóng Hà Giang đã gặp khó khăn như thế nào…

Những ngày tháng 8 năm 1945, Hà Giang không giải phóng được thị xã do chưa có cơ sở quần chúng mạnh và chưa có lực lượng vũ trang, địa phương. Cuối tháng 9 năm ấy, quân đoàn 52 của Tưởng Giới Thạch do Triệu Công Vũ, quân đoàn trưởng chỉ huy, nhân danh Đồng Minh, tiến vào miền Bắc Việt Nam giải giáp quân đội Nhật. Cùng lúc đó, Hoàng Quốc Chính, Ủy viên Trung ương Việt Nam Quốc dân đảng cũng theo quân đoàn 52 dẫn quân vào Hà Giang tổ chức nắm chính quyền.

Hoàng Quốc Chính xưng là“nhà ái quốc” hải ngoại về “giành độc lập”, “giải phóng dân tộc” và tuyên truyền về “Cương lĩnh cách mạng quốc gia”. Để lôi kéo quần chúng, Hoàng Quốc Chính cho “dựng cờ Nam tiến”, “lễ tế cờ” và mít tinh. Để lôi kéo thanh niên, Vũ Quang Phẩm, Xứ ủy viên Việt Nam Quốc dân đảng còn lập ra “Thanh niên chiến đấu đội”, mở “Quán thanh niên”, “hội chợ”… Về quân sự, họ có một đội quân khoảng 200 người do Trung tá Bùi Nguyên Phách - Tham mưu trưởng chỉ huy.

Chưa bao giờ ở Hà Giang, một tỉnh miền núi nhỏ bé lại có nhiều lực lượng vũ trang cả trong nước lẫn ngoài nước tung hoành tự do đến thế. Hoàng Quốc Chính đã nhanh chóng chiếm giữ thị xã Hà Giang, các huyện Vị Xuyên, huyện Bắc Mê, một phần huyện Bắc Quang và huyện Quản Bạ. Ở Đồng Văn, thổ ty Vương Chí Sình đứng đầu người dân tộc Mông, có một lực lượng vũ trang lợi hại quen đánh ở rừng núi. Vương Chí Sình lại được Triệu Công Vũ, quân đoàn trưởng quân đoàn 52 phong cho chức Hà Giang đốc biện khu xứ sư trưởng với quân hàm trung tá. Ở Đồng Văn còn có thêm 500 quân của Vũ Phụng Tường cấu kết với thổ ty Nguyễn Châu cướp bóc dân chúng. Ngoài ra, lực lượng của Việt Nam cách mệnh Đồng minh hội từ Trung Quốc về do Bùi Thế Cường và Hoàng Xuân Long cầm đầu, cấu kết với thổ ty Dương Trung Nhân, quấy rối vùng này.

Trước thực tế đó, Trung ương giao cho Liên tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên và đồng chí Song Hào - Xứ ủy viên kiêm Bí thư chiến khu Nguyễn Huệ trực tiếp chỉ đạo việc giải phóng Hà Giang. Đồng thời, Trung ương cũng chỉ đạo ông Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường Quân chính kháng Nhật khóa II, ông Mai Trung Lâm và ông Mã Thành Kính trực tiếp chỉ huy việc giải phóng tỉnh Hà Giang.

Để làm bàn đạp tiến lên giải phóng thị xã Hà Giang, các ông Thanh Phong, Mai Trung Lâm, Chu Phóng, Trần Thiên Tân và Chu Đức Tung đã đánh chiếm đồn Bắc Quang, giải phóng thị trấn Bắc Quang đồng thời thành lập Ủy ban hành chính châu Bắc Quang. Khi hai bên tạm thời hòa hoãn, ông Mai Trung Lâm đã nhân danh “đại diện” Chính phủ, cử người lên gặp Hoàng Quốc Chính, đề nghị có cuộc thương thuyết tại thị xã Hà Giang. Hoàng Quốc Chính trả lời sẵn sàng đón tiếp “đại diện" Chính phủ bất kể ngày nào. Được tin ấy, ông Mai Trung Lâm và một đoàn đại biểu nhân dân Bắc Quang lên đường.

Trong hồi ký của mình, ông Hoàng Lê Dân kể: “Chuyến đi thị xã lần này là để tìm hiểu tình hình và thăm dò thái độ bọn Hoàng Quốc Chính. Các anh dự kiến kết quả đàm phán, nhiều lắm, chỉ có thể đạt được tạm hòa hoãn như ở Bắc Quang và chờ sự thương lượng, dàn xếp ở cấp Trung ương. Vì vậy, việc lập đoàn đại biểu nhân dân Bắc Quang cùng đi với “đại diện” là để chứng tỏ sự ủng hộ của nhân dân địa phương đối với Chính phủ; mặt khác, để tranh thủ thời cơ tuyên truyền rộng rãi chủ trương “đoàn kết thống nhất” và “tự do đi lại, buôn bán làm ăn...” trong nhân dân thị xã”.

Đại tá Mai Trung Lâm và gia đình

Cuộc đấu trí của vị “đại diện Chính phủ”

Trong cuộc họp đầu tiên, Hoàng Quốc Chính nhân danh Chủ nhiệm Việt Nam Quốc dân đảng tỉnh Hà Giang chính thức giới thiệu “đại diện” của Chính phủ.

- Ông Mai Trung Lâm là một thanh niên Việt Nam ái quốc đã cùng với chúng tôi lăn lộn nhiều năm nơi đất khách quê người để tìm đường cứu nước. Ông về nước trước và đã tham gia Chính phủ.

Mọi người nhất loạt đứng dậy vỗ tay hoan nghênh. Điều đó cho thấy uy tín của Chính phủ cách mạng và uy tín cá nhân của ông Mai Trung Lâm ở cả trong nước và hải ngoại. Song một điều bất ngờ đã xảy ra khi viên thiếu tướng Quốc dân đảng Trung Quốc đột nhiên đứng lên chất vấn đòi xem “Ủy nhiệm thư” của Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ông Mai Trung Lâm bất ngờ, không lường đến việc Hoàng Quốc Chính lại “muối mặt” mời quan thầy đến và giở cái trò thọc gậy bánh xe này. Đây quả là một đòn ác hiểm. Thoáng một ý nghĩa qua nhanh, ông Mai Trung Lâm tươi cười nhìn sang viên thiếu tướng và cả Hoàng Quốc Chính rồi đĩnh đạc trả lời:

- Tôi đâu có phải là người ngoại quốc từ nơi khác đến mà phải cần ủy nhiệm thư. Đất nước tôi mới giành được độc lập, có rất nhiều việc phải làm cho nên việc giấy tờ đối với nội bộ chúng tôi cũng chưa phải là việc cấp thiết nhất. Vả lại, tôi và Hoàng Chủ nhiệm đây là đã biết nhau từ khi ở Trung Quốc. Bây giờ chúng tôi gặp nhau còn gì đáng tin cậy hơn. Giấy tờ này sao có giá trị bằng lời giới thiệu vừa rồi của Hoàng Chủ nhiệm? Có phải không các vị?

Người phiên dịch là Tôn Kỳ Nguyên, dân Quảng Đông, giáo viên dạy ở trường Hoa Văn thị xã, không thạo tiếng Bắc Kinh, dịch ấp a ấp úng. Viên thiếu tướng cứ hỏi đi hỏi lại bằng tiếng Bắc Kinh, vẻ mặt cau có. Ông Mai Trung Lâm gỡ bí cho người phiên dịch, ông đứng lên nói lại bằng tiếng Bắc Kinh khiến viên thiếu tướng vô cùng ngạc nhiên.

Thấy thế, Hoàng Đức Chính giới thiệu thêm:

- Ông Mai Trung Lâm đây đã tốt nghiệp quân sự học hiệu Hoàng Phố, phân hiệu 2.

Viên thiếu tướng đứng dậy ngượng ngùng:

- Xin lỗi! Xin lỗi! Vì trách nhiệm của tôi…

Ông Mai Trung Lâm còn nói thêm với viên thiếu tướng, đại ý, cách mạng Trung Quốc có trách nhiệm phù trợ các nước khác làm cách mạng thành công; điều đó cũng có lợi cho nhân dân Trung Quốc. Hoa quân nhập Việt ngày nay cũng phải làm đúng theo di huấn của Tôn tiên sinh: Liên Nga, liên Cộng, phù trợ công nông. Viên thiếu tướng ngồi nghe chỉ biết gật gật đầu đồng ý. Xong, ông Mai Trung Lâm nhắc lại bằng tiếng Việt những điều vừa nói. Phòng họp vang lên tiếng vỗ tay thán phục.

Tác giả (đứng giữa) cùng con cháu Đại tá Mai Trung Lâm bên căn nhà xưa của gia đình.

Lòng trung ngọc sáng

Thị trấn Chùa Hang, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên cảnh quan thay đổi quá nhiều nhưng tình làng nghĩa xóm vẫn không thay đổi. Vượt qua cây cầu Gia Bảy, hỏi thăm gia đình ông Mai Trung Lâm người dân địa phương tận tình chỉ lối. Tôi đứng trước ngôi nhà cũ được xây dựng từ năm 1976. Đây vốn là ngôi nhà cấp 4 với vườn cây táo ông tự tay vun trồng. Nhà cũ còn đây, con cháu quây quần đầm ấm như ngày nào, chỉ người xưa đi xa vắng. Những kỷ vật giản dị ông để lại còn nguyên như còn chờ đợi bàn tay ông sắp xếp.

Hàng xóm của ông kể rằng, những năm tháng cuối cùng của cuộc đời, mặc dù tuổi cao, sức đã yếu, lại bị bệnh tật, ông sống giản dị cùng bà con lối xóm. Trong nhà ông khi ấy, chẳng có gì đáng giá, nếu không muốn nói là còn kém cả nhiều nhà dân khác ở quanh vùng. Ngày ông “về cõi Bác Hồ”, nhân dân địa phương đã có thơ ca ngợi: “Tám bẩy tuổi đời/ Chặng đường thế kỷ/ Sáu mươi tuổi Đảng/ Sinh tử xá chi/ Lòng trung ngọc sáng/ Hữu xạ thơm hương/ Chân dung đồng chí/ Gương sáng, soi chung”.

Tôi nhận được điện thoại của ông Diêu Nhật Thăng, một cán bộ tình báo trong Kháng chiến chống Pháp, hiện nghỉ hưu tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, chia sẻ rằng: “Bác Mai Trung Lâm còn có nhiều công lao trong việc tiễu phỉ và xây dựng Tỉnh đội Hải Ninh trước - Quảng Ninh hiện nay”. Vậy mà những người viết sử ở địa phương còn… nhầm. Theo chỉ dẫn của ông Diêu Nhật Thăng, tôi đã ra thị trấn Hải Hà, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh để tìm gặp Trung tá Hà Đức Y, nguyên Trưởng BCH Quân sự huyện Bình Liêu, người cán bộ cơ yếu luôn bên cạnh Tỉnh đội trưởng Mai Trung Lâm năm xưa để được ghi chép lại những chiến công của vị dũng tướng chỉ huy tiễu phỉ, đánh Pháp dọc theo “hành lang Mán”, ở “xứ Nùng tự trị” tỉnh Hải Ninh (trước đây), từ Yên Tử - Hoành Bồ ra đến Bình Liêu, Tiên Yên, Đình Lập, Móng Cái…

Quả thật, Đại tá Mai Trung Lâm như con chim Kiên Kiện tinh tường mà kín đáo, ít ai thấy được bóng hình, chỉ có tiếng hót là cứ lảnh lót khắp rừng xanh.

KỶ VẬT CỦA “VUA MÈO” VƯƠNG CHÍ SÌNH

Đại tá Ma Từ Đông Hải, con trai trưởng Đại tá Mai Trung Lâm vẫn giữ gìn một kỷ vật quý giá. Đó là đoản đao và chiếc tẩu thuốc phiện do ông Vương Chí Sình tặng gia đình. Đại tá Ma Từ Đông Hải kể lại:

Sau chín năm trường kỳ kháng chiến giành thắng lợi, trên đường từ Đồng Văn (Hà Giang) về Thủ đô (năm 1955), ông Vương Chí Sình và vợ là Bà Síu đến thăm gia đình ông Mai Trung Lâm (tại khu gia đình Khu ủy và Ủy ban Hành chính Khu Tự trị Việt Bắc (nay là khu Quảng trường Võ Nguyên Giáp thành phố Thái Nguyên). Ông tặng gia đình và nói với bà Từ Thị Văn (vợ ông Mai Trung Lâm):

- Tôi không có gì cho thím cả, chỉ có cái này thôi, để làm kỷ niệm!

Được biết đoản đao này đã theo suốt hành trình sự nghiệp của ông Vương cho đến ngày đất nước hòa bình. Và ông Vương tặng ông Lâm chiếc tẩu hút thuốc phiện mà ông Lâm đã tiêm cho ông Vương hút trên đường từ Hà Giang về Thủ đô Hà Nội 10 năm trước đó (năm 1945 ).

Kiều Mai Sơn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy