Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
22:16 (GMT +7)

Đại đội 913 – Sáng mãi bản hùng ca máu lửa

Ngày 9/1/1966, tại xóm Cây Xanh, xã Quyết Thắng, huyện Đồng Hỷ (nay là xã Quyết Thắng, thành phố Thái Nguyên), Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Bắc Thái thành lập Đội Thanh niên xung phong 91 làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông vận tải thời chiến trên địa bàn tỉnh và thực hiện các nhiệm vụ khác theo lệnh điều động của cấp trên phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Biên chế Đội 91 ban đầu có Văn phòng đội và 4 đại đội gồm 911, 912, 913, 914. Tháng 6/1972 thành lập thêm Đại đội 915. Trong giai đoạn 1966 đến năm 1974, Đại đội 913 đã trải qua 3 nhiệm kì công tác và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Đại diện Hội Cựu TNXP huyện Đồng Hỷ, Hội Cựu TNXP xã Nam Hoà và đại diện Ban liên lạc Đại đội 913 dâng hương tưởng niệm bên hố bom nơi các liệt sĩ hy sinh ngày 29/12/2022.

Những trái tim mang khát vọng lên đường

Thời gian bên nhau đã trôi về xa thẳm. Cán bộ đội viên thanh niên xung phong Đại đội 913 nay người còn người mất. Các cán bộ chỉ huy, bao gồm cả Đại đội trưởng và Đại đội phó, những người hết năm này qua năm khác trên chiếc xe đạp lặn lội tới nhiều vùng đất để kết nối đồng đội đã về nơi chín suối. Sau chiến tranh, các chàng trai cô gái năm nào lẫn vào cuộc sống sinh hoạt bình dị của muôn người. Từ danh sách của ban liên lạc, không quá khó để tôi tìm gặp các cựu đội viên của Đại đội. Nhớ về một thời mang trên mình trang phục thanh niên xung phong, gương mặt ai cũng ánh lên niềm tin yêu và chợt như thật trẻ. Dường như ở họ tuổi tác không làm kí ức phai nhòa. Nhiệt huyết của tuổi thanh xuân và kỉ niệm bên đồng đội vẫn sống mãi. Thời gian đi qua, nhưng tình người dưới đạm bom ở lại. Trong niềm tự hào về những cống hiến của đơn vị, trái tim họ chất chứa sự tiếc thương những người đã ngã xuống trên tuyến giao thông huyết mạch 16A (nay là quốc lộ 17).

Tiếp chuyện chúng tôi, bà Trần Thị Học, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong phường Phan Đình Phùng (thành phố Thái Nguyên), Trưởng ban liên lạc Đại đội 913 không giấu nổi xúc động: “Đất nước có giặc, lớp thanh niên chúng tôi tình nguyện lên đường góp phần đánh giặc cứu nước. Giờ tuổi cao sức yếu, tâm nguyện của anh chị em là có nơi tưởng niệm đồng đội tại vị trí họ đã ngã xuống. Khu đất ấy hiện nằm trong khu vực kho của quân đội. Bộ Quốc phòng, Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh đã có văn bản chấp thuận cho chúng tôi sử dụng một phần diện tích làm nhà bia. Ban liên lạc Đại đội 913 đang xúc tiến các công việc để dựng tấm bia nhỏ vào dịp lễ giỗ các đồng đội hi sinh…”.

Bà Trần Thị Học sinh năm 1950 tại xã Chợ Chu, huyện Định Hóa. Tháng 12 năm 1971, khi đang làm trạm trưởng trạm y tế xã, hưởng ứng lời kêu gọi của tổ chức Đoàn, bà viết đơn tình nguyện đi thanh niên xung phong và được chấp thuận. Tại Đại đội 913, bà được giao làm y tá và là phó bí thư chi đoàn, phụ trách nữ công của đại đội. Tháng 4 năm 1975, bà Học chuyển sang Công ty xây dựng số 2 Bắc Thái tới năm 1990 về nghỉ chế độ.

Trao tặng tôi tập tư liệu truyền thống của Đại đội 913, bà Trần Thị Học kể về những kỉ niệm bên đồng đội. Năm tháng ấy, khát vọng về Độc lập - Tự do, khát vọng cống hiến đã thôi thúc lớp lớp những người trẻ lên đường và trụ vững trước muôn vàn khó khăn thử thách. Không gian như lắng lại để chúng tôi ngược nguồn kí ức và được sống trong một thời hào hùng.

                                             * * *

Từ giữa tháng 10 năm 1966, đế quốc Mĩ cho không quân đánh phá dữ dội các tuyến giao thông phía bắc và đông bắc Thủ đô Hà Nội. Cầu Gia Bẩy (thành phố Thái Nguyên), Cầu Phà (thị xã Bắc Kạn), cầu Mỏ Gà, Suối Cạn, cầu Rắn (trên quốc lộ 1B thuộc huyện Võ Nhai), Khu Gang thép Thái Nguyên, ga Lương Sơn (huyện Phú Bình)… là các trọng điểm đánh phá của máy bay Mĩ.

Ngay khi hoàn thiện biên chế tổ chức, Đại đội 913 tập trung thực hiện nhiệm vụ với một tinh thần và ý chí như những người lính: Làm mới và mở rộng mặt đường các tuyến đường chiến lược Thác Giềng - Na Rì dài 60 km nối thông huyện Na Rì với quốc lộ 3; đường Bảo Linh - Đèo Muồng (Định Hóa); đường nhánh Nam Tiền - Suối Nước từ Phúc Hà đến ga Quán Triều; xây dựng trận địa tên lửa ở xã Thịnh Đức, xây dựng trận địa pháo cao xạ ở xã Thượng Đình, xây trạm ra đa và hầm hào, chống sạt lở gây tắc đường trên đỉnh đèo Gió (Ngân Sơn); đào hầm giấu các bể xăng sơ tán ở xã Thịnh Đức; sửa chữa đường sắt và lấp hố bom ga Lưu Xá…

Tại cầu km 5 trên quốc lộ 3 (đoạn Gốc Bàng, Quan Triều) năm 1967 địch ném bom phá hoại rất ác liệt. Được giao nhiệm vụ chốt giữ, bảo đảm giao thông tại đây, Đại đội 913 đã không ngại gian khổ hy sinh, ngày đêm bám cầu, bám đường, kịp thời ứng cứu sửa chữa.

Từ tháng 5/1972, các cảng biển và cửa sông bị máy bay Mĩ ném bom, thả thủy lôi phong tỏa, việc tiếp nhận và trung chuyển hàng viện trợ quốc tế bị ngưng trệ. Tuyến quốc lộ 1B và 16A trở thành tuyến đường chiến lược đặc biệt quan trọng.

Dọc hai bên quốc lộ 16A là trường đào tạo lái xe của quân đội, Mỏ sắt Trại Cau, ga xe lửa Hợp Tiến, kho Bảo Nang cất giữ hàng quốc phòng, kho bãi đỗ xe trung chuyển ô tô quân sự 382, hầm bồn chứa khối lượng lớn xăng dầu, những kho tạm chứa hàng ngàn tấn lương thực và hàng hóa. Ngoài ra còn có các trận địa pháo cao xạ, trận địa tên lửa bảo vệ Khu Gang thép và thành phố Thái Nguyên. Chính vì thế máy bay Mĩ tập trung ném bom đánh phá rất ác liệt. Trên tuyến đường này Đại đội 915 đảm nhận đoạn từ Linh Sơn ra Chùa Hang. Đại đội 913 từ Nam Hòa đi Trại Cau…

Một trong những hố bom Mỹ thả trúng đội hình Đại đội còn sót lại

Tôi mở tập tư liệu và ngỏ ý muốn tìm hiểu cặn kẽ:

- Theo lời kể của một số nhân chứng, giai đoạn này Đại đội 913 phải đối mặt với đạn bom khốc liệt và chịu tổn thất về lực lượng. Bà có thể chia sẻ đôi điều về thời gian ấy?

Dường như kí ức chưa bao giờ nguôi ngoai, bà Học trầm tư:

- Những lúc gian nan, cận kề cái chết, tinh thần chiến đấu và sẵn sàng cống hiến hy sinh của cán bộ đội viên luôn được thể hiện bằng hành động cụ thể. Lòng căm thù giặc, niềm tin chiến thắng đã giúp chúng tôi vượt qua hiểm nguy thực hiện nhiệm vụ. Hành quân tới xã Nam Hòa, đồng chí Nguyễn Hằng Được, Đại đội trưởng tổ chức cho đội viên dựng lán trại dưới tán cây rừng, đồng thời chỉ đạo khẩn trương đào hầm hào. Chỉ 5 ngày, đại đội vừa lên rừng lấy tre, nứa, vào dân xin lá cọ đã làm xong lán trại. Mỗi tiểu đội chúng tôi ở một lán và một lán cho ban chỉ huy. Các bữa ăn từng tiểu đội mang dụng cụ tới nhà bếp lấy cơm về lán nên không có nhà ăn chung. Do đại đội có nhiều đội viên chưa biết chữ, văn hóa còn thấp, Đội 91 cử giáo viên về dạy bổ túc văn hóa. Công việc rất vất vả, nhưng các buổi tối mọi hoạt động vẫn duy trì đều đặn theo lịch. Thứ Hai sinh hoạt toàn đại đội, thứ Ba, năm Bảy học văn hóa, thứ Sáu sinh hoạt Đoàn…

“Sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm”

Trong các ngày 14, 17 và 21/7/1972, Mĩ cho máy bay ném 444 quả bom phá, bom phạt xuống địa bàn xung quanh nơi ở và làm việc của Đại đội 913 và Đại đội 915, làm chết 47 dân thường và bị thương 51 người.

Ngày 13/9/1972, máy bay Mỹ lại ồ ạt đến ném bom, bắn phá đường 16A đoạn qua khu vực làng Phan, xã Linh Sơn nơi cán bộ, đội viên Đại đội 915 đang sửa mặt đường, đội viên Hoàng Thị Cát hy sinh và 8 đồng chí khác bị thương.

Trong các ngày từ 8 đến 22/10/1972, máy bay Mĩ liên tục bắn phá cả ngày lẫn đêm các xã Linh Sơn, Nam Hòa, Tân Lợi dọc theo đường 16A. Với tinh thần “Sống bám cầu đường, chế kiên cường dũng cảm”, trong tiếng gầm rú của máy bay và bom đạn nổ, cán bộ đội viên Đại đội 913 vẫn dũng cảm bám trụ sửa chữa, đắp vá mặt đường bị hư hỏng và san lấp hố bom, quyết tâm bảo đảm thông xe, thông tuyến, góp phần cùng quân dân trong tỉnh tiếp nhận, trung chuyển lương thực, hàng hóa chi viện cho chiến trường.

Trong 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972, (từ ngày 18 đến 30) đế quốc Mĩ mở cuộc tập kích đường không bằng máy bay B52 vào Thủ đô Hà Nội và nhiều nơi trên miền Bắc. Tại Thái Nguyên, đêm 19 rạng ngày 20/12/1972, nhiều tốp máy bay chiến thuật (có cả F111A) ném bom ở ngoại vi và quần đảo trên vùng trời thành phố. Vào lúc 4h30 ngày 20/12; và từ 23h40 ngày 20/12 đến 1h15 ngày 21/12/1972, nhiều tốp máy bay ném bom chiến lược B52 đã lao vào ném bom hủy diệt khu Bắc thành phố Thái Nguyên.

Trưa và chiều ngày 23/12/1972, máy bay Mỹ ném bom bắn phá xung quanh nơi ở và làm việc của Đại đội 913 trên đường 16A. Ngày 24/12/1972, khoảng 19h30 máy bay Mỹ ồ ạt lao đến ném bom xuống khu Nam thành phố Thái Nguyên, 60 cán bộ, đội viên Đại đội 915, Đội 91 TNXP Bắc Thái đã anh dũng hi sinh tại khu vực ga Lưu Xá (trong số đó có đồng chí Nguyễn Thế Cường, Đội phó Đội 91). 

Cảm phục, nhớ thương đồng đội và ý chí căm thù giặc sâu sắc, ngày 27/12/1972, Đại đội 913 đã tập trung làm lễ truy điệu 60 đồng đội hy sinh tại ga Lưu Xá và phát động phong trào thi đua quyết tâm biến đau thương thành hành động cách mạng, dũng cảm làm tròn nhiệm vụ đảm bảo giao thông thông suốt trong mọi tình huống.

Khoảng 9h15 phút ngày 29/12, trong khi Đại đội 913 đang sửa chữa mặt đường 16A đoạn qua xóm Ao Sen, xã Nam Hòa, một tốp máy bay F111 bay thấp đánh lén, ném bom vào đội hình đại đội, phá hỏng đoạn đường hơn 200m, làm 5 đội viên hy sinh, và 8 đội viên khác bị thương, nhiều đội viên bị sức ép của bom.

Thời điểm này một đoàn hàng trăm xe, pháo xuất phát từ kho 382 đi về phía huyện Yên Thế (Bắc Giang) phải dừng lại chờ thông đường. Trước tình hình đó đơn vị vừa tiến hành khắc phục hậu quả, chôn cất đồng đội hy sinh, sơ cứu người bị thương đưa đi bệnh viện cấp cứu; vừa tập trung lực lượng sửa chữa đường. Khoảng 19h30 phút, đoạn đường đã được thông xe.

Trong đêm đó, đơn vị thực hiện lệnh sơ tán vào chân núi, chỉ 14 đồng chí ở lại bảo vệ tài sản. Khoảng 22 giờ máy bay B52 đã ném bom rải thảm vào đường 16A khu vực xóm Ao Sen. Ngớt tiếng bom nổ, Đại đội lập tức cơ động trở về ứng cứu. Khu lán trại của đại đội bị bom giặc tàn phá tan hoang, lửa vẫn âm ỉ cháy. 14 cán bộ đội viên ở lại bám trụ may mắn không ai thương vong.

Suốt ngày và đêm 29/12, cán bộ, đội viên Đại đội 913 liên tục đối mặt với máy bay Mỹ đánh phá ác liệt. Cả 24 giờ khẩn trương làm việc quên mình, quên ăn, quên ngủ nhưng sáng ngày 30/12 toàn đơn vị vẫn hăng hái lên đoạn đường bị máy bay Mỹ đánh phá đêm hôm trước tiếp tục đào đắp, san lấp hố bom quyết tâm thông xe, thông tuyến.

Bà Trần Thị Học, Trưởng ban liên lạc Đại đội 913

Không thể kìm nén được cảm xúc, nước mắt bà Học lăn dài:

- Là y tá của Đại đội, chứng kiến thi thể và những người bị thương, dù đau đớn bàng hoàng, tôi vẫn nén đau thương để băng bó, cấp cứu cho đồng đội. Sáng hôm đó nhà bếp Đại đội hết lương thực, cán bộ đội viên tạm lót dạ bằng khoai lang luộc, nhưng vẫn vui vẻ nhận lệnh lên mặt đường. Đêm trước tôi cùng Nông Thị Đầm, Trần Thị Công còn ôm nhau ngủ, chúng tôi tếu táo nói chuyện sau này về quê lấy chồng. Vậy mà… Công không qua khỏi, Đằm bị thương ở ngực máu tuôn liên tục, tôi lấy cả múi dù dịt vào vết thương vẫn bị trôi đi. Dù bị thương như thế, Đằm vẫn tỉnh táo và bảo tôi: Chị ơi em không qua được đâu, chị đi cứu đồng đội đi. Chiều ngày 30/12 1972, đơn vị tạm thời rút về xóm Hoàng Gia, xã Nam Hòa, ở nhờ nhà dân tiếp tục làm nhiệm vụ.

                                              * * *

Dưới bom đạn kẻ thù, cán bộ đội viên Đại đội 913 đã phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vượt qua mọi gian khổ, hy sinh với tâm thế của đội quân xung kích phục vụ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Chiến tranh đã lùi xa, mất mát đau thương chỉ còn trong kí ức. Có thể tổn thất của Đại đội 915 tại khu vực ga Lưu Xá quá lớn được nhiều người nhắc tới hơn, nhưng tôi tin không ai có thể bị lãng quên, không điều gì có thể bị quên lãng. Chiến công của Đại đội 913 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước như bản hùng ca màu lửa luôn sáng mãi.

Bút ký của Thái Dương

1 đã tặng

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 11 giờ trước