Thứ bảy, ngày 19 tháng 10 năm 2024
04:21 (GMT +7)

Đại đoàn kết toàn dân tộc theo lời dạy của Bác Hồ

KỶ NIỆM 133 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890 - 19/5/2023)

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”. Bởi vậy, Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Trong tác phẩm “Lịch sử nước ta” (1943), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Kể năm hơn bốn ngàn năm/ Tổ tiên rực rỡ, anh em thuận hoà/ Hồng Bàng là tổ nước ta. Nước ta lúc ấy gọi là Văn Lang”. Vào năm 1943 thì Pháp đã mất nước vào tay phát xít Đức, phát xít Nhật thì đã tràn vào Việt Nam câu kết với Pháp bóc lột nhân dân ta khiến nhân dân ta lâm vào tình trạng “một cổ đôi tròng” và sục sôi ý chí căm thù bọn giặc cướp nước. Bởi vậy, Người kêu gọi toàn dân tham gia Mặt trận Việt Minh do Đảng ta sáng lập và lãnh đạo để khôi phục độc lập dân tộc: “Hỡi ai con cháu Rồng Tiên/ Mau mau đoàn kết vững bền cùng nhau”.

“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công” - Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã chứng minh sự đúng đắn của chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công một phần quan trọng là do sự “thành lập một mặt trận dân tộc phản đế rộng rãi” và là “thắng lợi của đường lối đoàn kết toàn dân” (1). Tổng Bí thư Trường Chinh cũng nhận định: Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi một phần là do “toàn dân đoàn kết, quần chúng nổi dậy” (2).

Ngày 2/9/1945, thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) trước đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế. Người dùng cách gọi “đồng bào cả nước” vì gắn với truyền thuyết người Việt từ bọc trăm trứng nở trăm con của Cha Lạc Long Quân và Mẹ Âu Cơ mà sinh thành nên. Người con trai trưởng của Lạc Long Quân và Âu Cơ đã lên ngôi ở Phong Châu (Phú Thọ), lấy hiệu là Hùng Vương và lập ra quốc gia Văn Lang – Nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam trong lịch sử. Bởi vậy, ngay sau khi nước nhà giành lại được độc lập, vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đứng làm chủ lễ tại Thủ đô Hà Nội và một đoàn đại diện Nhà nước do Bộ trưởng Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng dẫn đầu lên Đền Thượng ở Phú Thọ dâng lễ.

Bởi vậy, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, trong Tuyên ngôn Độc lập (2/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cả dân tộc bước vào thời kỳ kháng chiến kiến quốc. Đây là thời kỳ vô cùng khó khăn khi nước ta phải đương đầu với cả giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm… Ngay trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cần giải quyết ngay. Trong đó, Người đề nghị Chính phủ ta tuyên bố tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết.

 

Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa I năm 1946 đã thể hiện được sự đại đoàn kết toàn dân tộc để phục vụ nhiệm vụ kháng chiến kiến quốc. Ảnh: Tư liệu lịch sử.

Việc chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm với những thắng lợi vang dội là do có sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Hưởng ứng kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chống giặc đói, trên khắp cả nước, bên cạnh việc tăng gia sản xuất, nhân dân ta lập “Hũ gạo cứu đói” và tổ chức “Ngày đồng tâm” để chia sẻ với đồng bào đang chịu thảm họa của nạn đói. Với phong trào “Bình dân học vụ” để chống giặc dốt, hàng triệu người đã biết đọc, biết viết. Đây là cơ sở để Đảng và Chính phủ ta thực hiện tiếp theo những lớp bổ túc văn hóa đã xóa mù chữ.

Bên cạnh đó, khi thực dân Pháp nổ súng tại Sài Gòn để tiến hành xâm lược trở lại nước ta (23/9/1945), Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ đã kêu gọi tất cả đồng bào, già, trẻ, trai, gái cầm vũ khí xông lên đánh đuổi quân xâm lược. Đảng và Chính phủ đã thành lập các Đoàn quân Nam tiến. Quỹ Nam Bộ kháng chiến cũng ra đời để nhân dân quyên góp tiền bạc, quần áo, gạo, thuốc men động viên, cổ vũ đồng bào Nam Bộ kháng chiến. Trong “Lời kêu gọi đồng bào Nam Bộ” đăng trên báo Cứu quốc ngày 29/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Không quân đội nào, không khí giới nào có thể đánh ngã được tinh thần hy sinh của toàn thể một dân tộc” (3). Vào ngày 30/9/1945, thực dân Pháp trong thế túng quẫn vì phải đụng độ sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã phải nhờ đại diện của quân Anh xin điều đình với Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ.

Chính phủ ta cũng đã tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam (3/12/1945). Tại Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu: “Trước kia các dân tộc để giành độc lập phải đoàn kết, bây giờ để giữ lấy nền độc lập càng cần đoàn kết hơn nữa” (4). Tiếp đó, Quốc hội nước ta ra đời với các đại biểu đến từ tất cả các giai tầng trong xã hội, các tôn giáo, các dân tộc sinh sống trên đất nước…

Trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” (19/12/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu bật thêm về sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc”.

Tại lễ mừng Quốc khánh vào ngày 2/9/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đoàn kết là một lực lượng vô địch. Lực lượng đoàn kết đã giúp Cách mạng Tháng Tám thành công. Lực lượng đoàn kết đã giúp kháng chiến thắng lợi. Lực lượng đoàn kết sẽ động viên nhân dân từ Bắc đến Nam đấu tranh thực hiện hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ trong cả nước” (5). Ngày 25/4/1961, kết thúc bài phát biểu tại Đại hội Đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ II, Người nhắc lại câu khẩu hiệu mà lần đầu đã phát biểu cách đó 10 năm (1951) tại Đại hội hợp nhất Mặt trận Việt Minh - Liên Việt: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”.

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước, Mặt trận dân tộc thống nhất đã phát huy vai trò quy tụ sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, giúp nhân dân ta giành được những thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954); cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Đúng như trong cuộc gặp các cán bộ và chiến sĩ Đại đoàn 308 (Đại đoàn quân Tiên Phong) tại Đền Giếng (thuộc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng - Phú Thọ) vào ngày 19/9/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Nói về Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954), chiến thắng kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đúc kết lại: “Bọn đế quốc, bọn phản động không bao giờ đánh giá được được sức mạnh của cả một dân tộc, sức mạnh của nhân dân. Sức mạnh đó có thể khắc phục tất cả mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù” (6).

 

Bác Hồ với Đại đoàn quân Tiên Phong tại Phú Thọ. Ảnh tư liệu lịch sử.

Trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, khối đại đoàn kết toàn dân tộc càng được phát huy cao độ. Trong Điện gửi luật sư Trịnh Đình Thảo, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam vào ngày 6/3/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Trong sự nghiệp thiêng liêng chống Mỹ, cứu nước, trải qua muôn nghìn gian khổ hy sinh, nhân dân ta đã lập nên những chiến công vô cùng oanh liệt. Dân tộc ta có thể tự hào là một dân tộc anh hùng, trước hết là do toàn dân ta đoàn kết một lòng, quyết đánh và quyết thắng giặc Mỹ xâm lược” (7).

Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được Đảng, Nhà nước, Mặt trận dân tộc thống nhất đề cao và phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh đã chỉ rõ: “Củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, giữ vững độc lập, thống nhất của Tổ quốc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (2021) đã nhấn mạnh “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại” (8) nhằm mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI.

Nguyễn Văn Toàn

Huế, ngày 3/5/2023

--------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 629.

(2) Trường Chinh: Tuyển tập (1937-1954), tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr. 31.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 89.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 130.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 10, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 104.

(6) Võ Nguyên Giáp, “Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử”, Nxb Quân đội nhân dân, 2000, tr. 113.

(7) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 448.

(8) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr. 57.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy